Liệu có dẹp được “sân sau” của các quan chức? - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Bảy, 3 tháng 8, 2019

Liệu có dẹp được “sân sau” của các quan chức?


Ông Nguyễn Tấn Dũng, cựu thủ tướng Việt Nam, người bị tố cáo "sân sau" nhiều nhất


Nhấp vào nút play (►) dưới đây để nghe

Cách đây đúng một tháng, ngày 1 tháng 7 năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị định 59/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng. Nghị định này được cho là “vũ khí” hữu hiệu để dẹp bỏ các doanh nghiệp “sân sau”, chống tham nhũng.

Doanh nghiệp “sân sau” từ đâu ra?

Với dư luận trong nước, nhiều năm qua, khái niệm “sân sau” không còn xa lạ gì. Đây thực chất là “loại mô hình” để các quan chức trong bộ máy nhà nước trục lợi, thông qua việc nắm giữ cổ phần sở hữu được che giấu nhằm ăn chia lợi nhuận một cách thường xuyên từ hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Nói một cách nôm na là “doanh nghiệp dùng tiền nuôi quan chức và quan chức dùng quyền bảo kê cho doanh nghiệp”.

Vậy những doanh nghiệp này xuất hiện từ khi nào, Tiến sĩ Kinh tế Phạm Chí Dũng nhớ lại:

“Vấn đề “sân sau” của các quan chức bắt đầu nổi lên từ những năm 2009 – 2010. Đến năm 2012 nó chính thức được nêu ra bởi một trang web không hề chính thức tên “Quan làm báo”. Trang này có nhiều khả năng do một nhóm trong chính nội bộ đảng lập ra và chĩa vào “sân sau” của các quan chức; chỉ trích, tố cáo “sân sau” của các quan chức. Thời gian đó quan chức bị tố cáo sân sau nhiều nhất là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.”

Vấn đề “sân sau” của các quan chức bắt đầu nổi lên từ những năm 2009 – 2010. Đến năm 2012 nó chính thức được nêu ra bởi một trang web không hề chính thức tên “Quan làm báo”.

- Ts. Phạm Chí Dũng
Ông Phạm Chí Dũng cũng nêu nhận xét của ông rằng càng về sau này chính trường VN càng lộ ra một đặc điểm rất lớn là các quan chức từ cao cấp xuống đến trung cấp đều có sân sau. Có nghĩa là đã có sự kết hợp một cách hữu cơ giữa các nhóm chính trị, quan chức chính trị, cá thể chính trị với những nhóm lợi ích tài phiệt kinh tế, những cá thể kinh tế để trở thành những mối quan hệ chính trị và lợi ích xen kẽ lẫn nhau.

Trước đây, “sân sau” là một từ ngữ được Đảng CSVN giấu diếm, nhưng bây giờ nó phổ biến đến nỗi được dùng trong các văn bản của đảng luôn.

Tại buổi báo cáo về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật ngày 19 tháng 9 năm 2017, Chủ nhiệm Ủy Ban Tư pháp Quốc Hội, bà Lê Thị Nga phát biểu rằng: “Kết quả kiểm tra gần đây của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương cho thấy những nghi ngờ của cử tri về ‘lợi ích nhóm’, ‘sân sau’ là có căn cứ.”

Nhà báo Đường Văn Thái, người từng có thời gian làm việc tại Ủy ban kiểm tra Trung ương cho biết hầu như chính trị gia nào cũng có “sân sau”, có những ông còn có “cổ phần hơi”, nghĩa là mọi thứ được thỏa thuận bằng lời nói, chỉ cần vài cú điện thoại là giải quyết xong mọi thỏa thuận. Có thể hiểu đại loại là - doanh nghiệp và quan chức sống dựa vào nhau:

“Có tiền sẽ có quyền - có quyền sẽ ra tiền. Thế nên các doanh nghiệp phải chạy theo dùng tiền “nuôi” một chính trị gia, rồi chính trị gia dùng quyền bảo kê cho các doanh nghiệp này.”

Quan chức có thể “lách” luật để “sân sau” tồn tại?

Đa số người đứng đầu những doanh nghiệp “sân sau” là người thân, bà con họ hàng với người đứng đầu địa phương, cơ quan, chính quyền, nhưng theo Luật Phòng chống tham nhũng năm 2005 thì chỉ quy định “Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan không được để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi do mình quản lý trực tiếp" chứ chưa có quy định hình thức xử lý.

Nay, Nghị định 59/2019/NĐ-CP vừa mới ban hành quy định rõ tại Điều 83: "Cách chức đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có hành vi bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó mà đã bị xử lý bằng hình thức cảnh cáo; người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan nhà nước góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước hoặc để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi ngành, nghề do người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước."

Tuy Nghị định 59 có nêu cụ thể hình thức xử lý nhưng do vừa mới ban hành, chưa biết khi áp dụng vào thực tế có chặn đứng, xử lý nghiêm khắc các quan chức sử dụng sân sau để trục lợi hay không nhưng Nhà báo Đường Văn Thái khẳng định rằng, đây chỉ là hình thức mị dân chứ không thể dẹp được sân sau cho dù có ra bao nhiêu quy định đi nữa, bởi ông nào cũng có “sân sau”:

“Đã gọi là công ty "sân sau" thì ông này dính đến ông kia. Chuyện dẹp sân sau cũng giống như chuyện chống tham nhũng, thật ra chỉ để thanh trừng lẫn nhau mà thôi. Loại bỏ sân sau là chuyện rất khó. Ngày xưa các cụ bảo “12 sứ quân” chứ bây giờ mỗi chính trị gia là một sứ quân. Mỗi ông một nhóm, một phe thì khó loại lắm. Loại ông này lại đạp ông kia.”

Trong một lần trò chuyện với RFA, Nhà báo Trần Quang Thành, nạn nhân của việc chống tham nhũng từ 30 năm trước nhận xét rằng, nội bộ đảng cộng sản có thể mâu thuẫn với nhau kịch liệt, có thể thanh trừng lẫn nhau, nhưng đến một lúc nào đó, vì quyền lợi của đảng và quyền lợi của cá nhân họ thì họ sẽ “ngã giá” với nhau để giữ lại thế cân bằng chứ không bao giờ triệt hạ nhau đến cùng. Nhận xét của Nhà báo Trần Quang Thành cũng chỉ ra bức tranh không sáng sủa cho dù chính quyền có đưa ra bao nhiêu giải pháp chống tham nhũng mà trong đó việc dẹp bỏ “sân sau” là một mục đích chính đi nữa.

Đã gọi là công ty "sân sau" thì ông này dính đến ông kia. Chuyện dẹp sân sau cũng giống như chuyện chống tham nhũng, thật ra chỉ để thanh trừng lẫn nhau mà thôi. Loại bỏ sân sau là chuyện rất khó.

- Nhà báo Đường Văn Thái
Với Tiến sĩ Phạm Chí Dũng thì việc dẹp tham nhũng hay dẹp “sân sau” đòi hỏi sự quyết tâm rất lớn với độ trong sạch và minh bạch rất cao từ đảng, nếu như đảng thật sự muốn dẹp. Tuy vậy ông nhận xét:

“Tôi đồ rằng rất khó vì hơn hai năm qua, tiến độ được coi là chống tham nhũng của đảng do ông Nguyễn Phú Trọng chủ trì gần như chưa đạt được một kết quả lớn nào cả. Trong khi đó lại xuất hiện dư luận cho rằng chiến dịch đốt lò của ông Trọng tập trung chủ yếu tấn công vào các đối thủ chính trị, những người không phe cánh với ông Trọng chứ không phải tiêu diệt hoàn toàn nạn tham nhũng.

Nếu đảng không diệt được “sân sau” thì chính sân sau sẽ diệt đảng, tức làm tan vỡ đảng.”


Ông Phạm Chí Dũng nêu ra hai giải pháp mà theo ông có thể làm giảm chứ không thể loại trừ hoàn toàn “sân sau” của các quan chức: Thứ nhất là khi phát hiện dấu hiệu có “sân sau” của các quan chức thì người đứng đầu nhà nước phải luân chuyển ngay, không chờ hết nhiệm kỳ.

Giải pháp thứ hai là đảng cộng sản cứ để cho các phe phái tiêu diệt lẫn nhau, lúc đó họ tiêu diệt luôn “sân sau” của nhau, với điều kiện Ban tổ chức trung ương, Ban tuyên giáo trung ương đừng can thiệp vào.

Ông cũng đề cập đến vấn đề truyền thông “bẩn” trong chiêu trò triệt hạ “sân sau” của các phe cánh.

Điều đó cho thấy rằng, công cuộc chống tham nhũng trường kỳ nay đã có thêm công cụ mới là Nghị định 59. Thêm công cụ này, ắt hẳn sẽ có không ít quan chức đang tại nhiệm sẽ bị đem ra trước vành móng ngựa? Tuy vậy, ông Đường Văn Thái vẫn không lạc quan về chiến dịch chống tham nhũng tại Việt Nam vì theo ông không bao giờ có “ánh sáng cuối đường hầm”:

“Bây giờ báo chí đang rùm beng vụ hàng Việt Nam đội lốt Trung Quốc như vụ Asanzo. Đây cũng là sân sau của một quan chức trong Bộ chính trị, cho nên báo chí lên tiếng cứ lên, dân cứ nói nhưng chắc gì dẹp được!”

Diễm Thi
RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad