TPHCM có thể hoàn trả 26.000 tỉ tạm ứng sai ở Thủ Thiêm hay không? - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Ba, 13 tháng 8, 2019

TPHCM có thể hoàn trả 26.000 tỉ tạm ứng sai ở Thủ Thiêm hay không?


Hình chụp từ trên cao khu đô thị Thủ Thiêm


Nhấp vào nút play (►) dưới đây để nghe

Không thể thu hồi

Thanh tra chính phủ trong Kết luận số 1037 đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh thu hồi và hoàn trả khoản tiền đã tạm ứng từ ngân sách nhà nước đầu tư không đúng quy định vào Khu đô thị mới Thủ Thiêm tính đến cuối tháng 9/2018 là hơn 26.300 tỷ đồng. Đồng thời cần sớm có giải pháp huy động vốn hợp pháp để trả nợ các khoản vay ngân hàng đã đầu tư hơn 4.200 tỷ đồng cho Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Theo nguồn tin từ báo Tiền Phong, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP. HCM vào chiều ngày 9/8 đã gửi văn bản khẩn đến Thủ tướng Chính phủ cho rằng các thủ tục quyết toán để có thể thu hồi khoản tiền mà thanh tra chính phủ nhắc đến hiện đang gặp khó khăn, vướng mắc.

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên chánh văn phòng Quốc hội việt Nam khẳng định tiền ngân sách chi tiêu sai mục đích thì phải bồi hoàn, bồi trả, còn nếu người làm sai mà không xử lý được thì sẽ bị xử lý theo pháp luật. Nếu TPHCM không giải quyết việc hoàn trả này, thanh tra chính phủ sẽ chuyển vụ việc cho cơ quan điều tra vào cuối năm. Luật sư Thuận, giải thích thêm nguyên nhân tại sao TP HCM lại tạm ứng sai hàng chục ngàn tỉ như vậy:

Theo luật thì người nào triển khai, chủ trì trong việc này phải chịu trách nhiệm, đồng thời quá trình hồi tố lại rất đơn giản, không có gì khó khăn.

- PGS. TS. Ngô Trí Long
“Nguyên nhân sâu xa là thành phố muốn bồi thường nhanh trong thời kỳ đó để giao đất cho các chủ đầu tư. Các chủ đầu tư đúng ra khi nhận đất phải trả tiền lại cho thành phố để trả về cho trung ương. Nhưng các chủ đầu tư đã không kịp thời trả tiền đó. Chưa nói có độ vênh 1 số tiền khá lớn vì các cơ quan sở ngành đề nghị 36 triệu/m2 vào thời điểm đó, bây giờ lên cao lắm rồi. Nhưng khi tính với các nhà đầu tư lãnh đạo thành phố chỉ tính 26 triệu/m2. Như vậy 1m2 chênh nhau 10 triệu, riêng tiền đó chênh nhau cả ngàn tỉ. Tiền đó mỗi năm thành phố phải thu thuế trên địa bàn, cuối năm chuyển về trung ương để xử lý nhưng thành phố đã giữ lại để bồi thường.”

Luật sư Trần Quốc Thuận cho rằng vấn đề này còn có sự tham gia của các nhóm lợi ích, vì Ủy Ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã quá ưu đãi các nhà đầu tư Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Thêm vào đó, số tiền đền bù trước đây so với thời điểm hiện nay lại càng chênh lệch, khiến phí đền bù bị đội giá.

Trong khi đó, theo ông Cao Thăng Ca, một người dân Thủ Thiêm có nhà đất bị cưỡng chế và phải khiếu kiện trong nhiều năm qua lại cho rằng, Ủy ban Nhân dân thành phố hoàn toàn có thể trả số nợ đó vì:

“Hiện nay người ta đã lấy đất gần 200 hecta, bây giờ những vùng đất ngoài quy hoạch người ta đang tổ chức bán đấu giá, cụ thể như lõi tủng tâm số 3, số 4 là khu 160 hecta đất tái định cư cho dân người ta cũng đang tổ chức bán đấu giá, rồi khu lõi trung tâm số 7 là khu ngoài ranh quy hoạch khu Đô thị mới Thủ Thiêm mà trước đây là của trại phong Thanh Bình người ta cũng đang tổ chức bán đấu giá. Bán đấu giá nhiêu đó thì 26.000 tỉ là chuyện rất nhỏ vì thu về cả trăm ngàn tỉ. Bây giờ người ta không muốn trả về cho ngân sách nhà nước người ta nêu lý do như vậy, đã lừa dân rồi bây giờ tính lừa chính phủ nữa.”

Còn đứng ở góc nhìn của chuyên gia Tài chính và Thị trường, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Ngô Trí Long thì cho rằng nếu thành phố không thể hoàn trả theo thời hạn, cần phải quy trách nhiệm chứ không thể thoái thác việc này:

Hơn 60 hộ dân thuộc Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm biểu tình trước Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng và Quốc hội ngày 28/10/18. Courtesy: Citizen photo
“Theo luật thì người nào triển khai, chủ trì trong việc này phải chịu trách nhiệm, đồng thời quá trình hồi tố lại rất đơn giản, không có gì khó khăn. Xem xét lại quy trình triển khai thực hiện như thế nào, từng bước từng khâu một thì sai ở chỗ nào, ai làm như thế nào để quy trách nhiệm không phải là điều khó khăn.”

Đồng tình với ý kiến PGS. TS. Ngô Trí Long, Luật sư Trần Quốc Thuận khẳng định cần phải điều tra trách nhiệm của từng người liên quan đến sai phạm:

“Người ta phải điều tra để coi thử ai quyết định hạ giá, ai quyết định lấy tiền từ ngân sách sử dụng sai mục đích, ai chịu trách nhiệm chính, chịu trách nhiệm phụ. Theo kết luận thanh tra thì là những người trong ủy ban nhân dân thành phố, còn những người trên nữa có trách nhiệm hay không phải chờ kết quả điều tra.”

Theo Phó Giáo sư – Tiến sĩ Ngô Trí Long, với lý do TP. HCM đưa ra thì quả thực không phải đơn giản, nhưng nếu bỏ qua, ‘cho chìm xuồng’ như những yêu cầu trước đây sẽ tạo ra nhiều bất lợi cho chính phủ Hà Nội:

“Hiệu lực của chính phủ bị vô hiệu hóa là thứ nhất. Thứ hai là sẽ không cảnh tỉnh, không là bài học răn đe cho những trường hợp sau này. Còn cách tổ chức truy thu lại thế nào phải có liệu trình, cách xem xét cụ thể chứ không thể bây giờ nói rồi thu ngay được.”

Đền bù không hợp lý

Trong văn bản báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, UBND TP. HCM trình bày cho biết khoản tiền mà thành phố tạm giữ ngân sách nhà nước được dùng chủ yếu vào việc chi trả bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người dân Thủ Thiêm.

Tuy nhiên, ông Cao Thăng Ca cho rằng với khoản chi lớn như vậy, nhưng quy trình đền bù hiện nay UBNB TP. HCM làm không giống ai:

Chỉ đối thoại với 28 người đi khiếu nại tại Hà Nội thôi, còn bao nhiêu người liên tục khiếu nại thì không đối thoại. Người ta luôn có chiêu trò câu giờ để làm dân mòn mỏi, chán nản rồi bỏ cuộc. Đó là ý đồ của thành phố hiện nay.

- Cao Thăng Ca
“Trước đây những người đã đi rồi, người ta đã đền bù rồi, có cuộc sống ổn định rồi, người ta lại mời họ về, trả thêm 1 số (tiền) nữa. Chuyện đó cũng là điều tốt, nhưng còn những người đang phải khiếu nại 20 năm nay chịu khổ cực, chịu thiệt thòi do bị cưỡng chế nhà đất hay nói thẳng là cướp mất nhà đất thì người ta lại không giải quyết cho những người trường hợp này, đang rất cần được giải quyết, mà người ta lại giải quyết cho những người trước đây đã tự nguyện đi rồi. Những người còn đang tiếp tục khiếu nại ngoài ranh quy hoạch, cưỡng chế nhà đất mà không có quyết định thu hồi thì bị làm lơ.”

Ông Cao Thăng Ca nhận định lãnh đạo thành phố né tránh đối thoại với những người đang đòi bồi thường vì sợ người dân vạch ra những gian dối của chính quyền nên cứ lừa cho tiếp dân.

Vì trong những cuộc tiếp dân mà Ủy ban Nhân dân quận 2 tổ chức, lần nào cũng dân muốn nói gì thì nói, lãnh đạo muốn trả lời sao thì trả lời chứ không phải là cuộc đối thoại.

Do đó, trước thông tin lãnh đạo TP. HCM sẽ đối thoại với người dân Thủ Thiêm vào chiều ngày 15/8 tới đây, ông Cao Thăng Ca cho rằng TP. HCM lại tiếp tục lừa dân, vì:

“Chỉ đối thoại với 28 người đi khiếu nại tại Hà Nội thôi, còn bao nhiêu người liên tục khiếu nại thì không đối thoại. Người ta luôn có chiêu trò câu giờ để làm dân mòn mỏi, chán nản rồi bỏ cuộc. Đó là ý đồ của thành phố hiện nay.”

Dự án quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm đã kéo dài hơn 20 năm qua, nhiều người dân vẫn ròng rã khiếu kiện để đòi lại quyền lợi chính đáng của mình nhưng vẫn chưa được giải quyết. Các quan chức đứng đầu thành phố liên tục gặp gỡ người dân, hứa sẽ sớm giải quyết dứt điểm cho người dân nhưng sau ngần ấy năm, nhiều người dân Thủ Thiêm vẫn từng ngày sống trong những khu tạm bợ chờ được đền bù thỏa đáng.


RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad