Đây là hành vi vi phạm pháp luật rõ ràng, đặc biệt nghiêm trọng và rất điển hình tại EVN và các Công ty con của EVN. Điển hình vì hành vi chi khống hàng trăm tỷ đồng này có biểu hiện lặp lại nhiều lần, đã được báo chí phát hiện, phản ánh nhưng không hề bị xử lý.
Nên nhớ EVN có nhiều bài học về thất thoát trong quản lý vốn, trong đầu tư xây dựng và vì thế họ có cả rừng luật, quy định, quy chế để vừa bảo đảm quản lý theo đúng quy định của Nhà nước, vừa là công cụ để hành cho ra bã nhà thầu nào mà họ thấy đáng ghét. Tại EVN, làm xong công trình, nghiệm thu, đóng điện rồi còn mướt mới thanh toán được, nếu không tiếp cận được lãnh đạo chứ đừng nói chuyện hồ sơ lơ mơ mà đòi thanh toán…
Vụ việc nói trên tại SPMB là con voi chui lọt lỗ kim mới bị phát hiện tại EVN. Hành vi lập các bộ hồ sơ giả, thanh toán khống, không chỉ 1 lần mà 3 lần, rút trót lọt 117 tỷ đồng là rất liều lĩnh, thể hiện ý chí phạm tội đến cùng và chắc chắn có sự thông đồng, tiếp tay giữa SPMB và EVN sự việc mới trót lọt nhanh chóng, thuận tiện như vậy. Không đơn giản chỉ là báo cáo sai sự thật, hay do SPMB đã hoàn thành quá nhanh các hồ sơ thanh toán dẫn đến việc EVNPT không thể kịp thời phát hiện sự khác thường là SPMB chưa nhận đủ vật tư từ nhà thầu theo hợp đồng … như nhận định của EVN.
Mỗi một công trình đường dây 500 kV thường tiêu tốn của người dùng điện từ 3 ngàn tỷ đồng đến hơn 10 ngàn tỷ đồng trong khoảng thời gian từ 2 đến 3 năm. Quy mô các dự án do EVN triển khai không hề thua kém các dự án của ngành giao thông vận tải. Những kẽ hở để tham nhũng trong các dự án này, dù được thường xuyên vá lỗi, cũng ngày càng tinh vi, rộng mở và dễ dàng hơn.
Trong khi thi công, vin vào cớ giải phóng mặt bằng khó khăn, phải kéo dài thời gian, EVN thường ký thêm với các nhà cấp hàng phụ lục hợp đồng gửi hàng giá trị nhiều tỷ đồng tại kho của nhà thầu cấp hàng (Dù hợp đồng chính luôn yêu cầu cấp hàng tại chân công trình). Bản chất của loại hợp đồng gửi hàng này là hình thức, khống toàn bộ hoặc khống một phần. Nhằm mục đích che giấu hành vi gửi giá một cách tinh vi và rút tiền nhà nước chia nhau.
Cũng chính vì hợp đồng khống, nên khi ký xong nhà thầu liền gây áp lực lên chủ đầu tư về chất lượng hàng hoá và thời gian cấp hàng. Theo đó, nhà thầu sẽ kéo dài thời gian cấp hàng bất chấp tiến độ quy định trong hợp đồng. Trong nhiều trường hợp, nhà thầu đưa ra các lý do khác nhau để hạ phẩm cấp của sản phẩm cột thép thậm chí thế chấp ngân hàng để vay vốn cho các hợp đồng khác hoặc chiếm đoạt luôn của chủ đầu tư và chủ đầu tư (EVNPT) phải ngậm bồ hòn làm ngọt. Hãy xem công văn của nhà thầu TUSSO phản hồi SPMB để biết được sự ngang ngược của TUSSO và tình cảnh há miệng mắc quai bởi tham lam và tắc trách của SPMB và EVNPT.
Tại SPMB đây không phải lần đầu xảy ra chuyện này. Cách đây 2 năm, nhà thầu Tân Cường Thành đã ôm lô hàng hơn 20 tỷ, làm tê liệt dự án trọng điểm khác mấy năm trời (Đến nay vẫn chưa đòi được). Không dừng lại ở đó, theo nhân định của EVNPT, thì tại các dự án đường dây 500 kV Trung tâm điện lực Long Phú – Ô Môn; đặc biệt về việc phát sinh hạng mục thay sứ cách điện Dự án Đường dây 500 kV NĐ Long Phú – Ô Môn; Đường dây Sông Hậu – Đức Hoà cũng nhiều khuất tất. EVN đã yêu cầu SPMB báo cáo nhưng mọi chuyện vẫn còn trong vòng bí hiểm. Đến đây mới thấy vai trò quản lý của EVN với các dự án tầm cỡ hàng chục ngàn tỷ lỏng lẽo đến mức nào.
Câu hỏi đặt ra là ai, mắt xích nào mà có thể vô hiệu toàn bộ hệ thống quản lý của EVN đến thế. Ai đã dắt mối đưa đường mà SPMB có thể rút tiền nhà nước hàng trăm tỷ đồng như chỗ không người như vậy. Theo tìm hiểu của chúng tôi, và theo các phóng viên thường xuyên tác nghiệp tại EVN thì phải chăng ngọn nguồn bắt đầu từ nhân vật Nguyễn Ngọc Dậu, cán bộ chuyên quản SPMB tại EVN lại là vợ chủ tịch.
Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hàng loạt công trình đường dây truyền tải điện chấm tiến độ hàng năm, thiệt hại của nhà nước và nhân dân là rất lớn.
Ngày 7 tháng 5 năm 2019 (sau hơn 1 năm, theo điều khoản hợp đồng giữa TUSSO và SPMB), SPMB có văn bản phản hồi cơ quan ngôn luận, theo đó khẳng định đến nay, TUSSO và các cá nhân liên quan đã khắc phục được hậu quả, đã giao cho SPMB toàn bộ 6.649 tấn cột thép theo đúng khối lượng của hợp đồng và đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan.
Về vấn đề này cũng cần làm rõ. Số là SPMB hiện đang triển khai nhiều dự án, và các cơ quan chức năng cần kiểm tra, kiểm soát để khẳng định số cột thép nói trên do ai chế tạo, theo hợp đồng nào và tiêu chuẩn, phẩm cấp của sản phẩm có phù hợp với công trình trạm 500 kV Đức Hoà và đường dây đấu nối không. Tránh tình trạng SPMB đối phó bằng cách lấy sản phẩm của công trình khác đắp đổi vào…
Sai phạm tại SPMB liên quan đến hành vi nghiệm thu khống, dùng chứng từ giả, rút 117 tỷ đồng của Nhà nước là sai phạm hết sức nghiêm trọng, liều lĩnh phạm tội đến cùng và thực tế tội phạm đã hoàn thành. Vụ việc được phát hiện sớm, từ giữa năm 2018. Toàn bộ hồ sơ đã chuyển cho cục an ninh kinh tế Bộ công an. Không hiểu vì lý do gì mà đến nay (hơn 1 năm kể từ lúc phát hiện), CỤC AN NINH KINH TẾ vẫn ngâm, chưa khởi tố điều tra. Thiết nghĩ BỘ CÔNG AN nên chuyển vụ việc cho cục cảnh sát kinh tế để khẩn trương khởi tố điều tra theo quy định. Vụ này chắc là khó nuốt nên không thể ngâm mãi được đâu.
EVN cũng phải kiểm điểm nghiêm khắc trách nhiệm của mình bởi đây là vụ việc tiêu cực nghiêm trọng, thể hiện thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý và không loại trừ có thông đồng, bao che…
© Thuỳ Dương
Mời đọc lại:
- Trăm tỉ chi khống tại dự án điện 500kV: Có thoái thác được trách nhiệm? (Hội NBVN).
- Dự án 500KV Đức Hòa: Ba lần giả mạo hồ sơ chi khống 117 tỷ đồng (Dân Biểu).
- Để thất thoát hàng trăm tỉ: Lãnh đạo EVNNPT có trách nhiệm? (NNVN).
- Trăm tỉ chi khống tại dự án điện 500kV: Có thoái thác được trách nhiệm? (Hội NBVN).
- Dự án 500KV Đức Hòa: Ba lần giả mạo hồ sơ chi khống 117 tỷ đồng (Dân Biểu).
- Để thất thoát hàng trăm tỉ: Lãnh đạo EVNNPT có trách nhiệm? (NNVN).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét