Trung Quốc đưa máy bay chiến đấu đến Bãi Tư Chính - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Bảy, 24 tháng 8, 2019

Trung Quốc đưa máy bay chiến đấu đến Bãi Tư Chính


Hình minh họa. Máy bay chiến đấu H 6 và J 10 của Trung Quốc trong một cuộc diễu binh năm 2015

Máy bay ném bom H6, chiến đấu cơ và máy bay tiếp liệu trên không nằm trong nhóm hỗ trợ cho tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc trở lại khu vực Bãi Tư Chính thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Hai mạng báo IBTimes và Wionews của Ấn Độ loan tin vừa nêu vào ngày 22 và 21 tháng 8, đồng thời nói rõ Tập đoàn Dầu Khí ONGC Videsh Ltd của Ấn Độ có quyền lợi thương mại tại khu vực đó.

Ngoài máy bay ném bom H6, chiến đấu cơ và máy bay tiếp liệu trên không bị phát hiện như vừa nêu; số lượng tàu Trung Quốc trở lại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vào ngày 13 tháng 8 được nói tổng cộng 20 chiếc. Trong số này có 6 tàu hải giám, 10 tàu cá và hai tàu dịch vụ. Hai tàu hải giám được bố trí gần lô dầu khí mà ONGC đang thăm dò.

Bản tin của Wionenews còn cho biết phía Trung Quốc cho phát loa kêu gọi các tàu khoan thăm dò của Việt Nam rời khỏi khu vực Bãi Tư Chính.

Trung Quốc cho tàu khảo sát Hải Dương Đia Chất 8 và các tàu hộ tống đi vào khu vực Bãi Tư Chính lần đầu vào ngày 3 tháng 7. Đến ngày 7 tháng 8, tin nói các tàu rút về Đá Chữ Thập ở Trường Sa; và đến ngày 13 tháng 8 trở lại với lực lượng hộ tống hùng hậu như vừa nêu.

Trong lần đầu số tàu được nói là 35 chiếc mà không có nhiều máy bay như lần vào ngày 13 tháng 8.

Wionenews cho biết sau lần đầu, phía Việt Nam tiến hành giao thiệp với phía Trung Quốc 30 lần, sau lần trở lại thứ hai, Việt Nam đến nay đã giao thiệp với phía Trung Quốc 7 lần.

Đại diện Việt Nam cũng thông báo cho Nga và Ấn Độ là hai nước có quyền lợi thương mại với những hợp tác cùng Việt Nam tại khu vực Bãi Tư Chính.

Bên cạnh đó Việt Nam cũng tiếp xúc với các đối tác như Hoa Kỳ, Australia, và 16 đối tác đối thoại để thông tin về căng thẳng tại Bãi Tư Chính.

Hồi năm 2011, Trung Quốc từng cho cắt cáp tàu thăm dò địa chấn của Việt Nam, đến năm 2014 thì cho hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng thềm lục địa của Việt Nam.


Lãnh đạo Việt Nam và Úc nêu quan ngại về căng thẳng Biển Đông

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc chào đón Thủ tướng Úc Scott Morrison tại Hà Nội hôm 23/8/2019

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã thảo luận về căng thẳng gia tăng trên Biển Đông với người đồng cấp Úc, Scott Morrison hôm 23/8, theo Reuters.

Đây là chuyến thăm chính thức Việt Nam đầu tiên của một Thủ tướng Úc kể từ khi quan hệ hai nước được nâng lên tầm 'hợp tác chiến lược', theo Reuters.

"Chúng tôi vô cùng quan ngại về những diễn biến phức tạp gần đây ở Biển Đông và đồng ý hợp tác trong việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không," ông Phúc phát biểu khi cùng ông Morrison dự một cuộc họp báo chung.

Đây là các bình luận công khai đầu tiên của ông Phúc về vụ việc trên Biển Đông, theo Reuters.

Tàu Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc hiện vẫn tiếp tục khảo sát vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam (EEZ) dưới sự hộ tống của ít nhất bảy tàu hải giám Trung Quốc, theo dữ liệu từ Marine Traffic, một trang web theo dõi các chuyển động của tàu.

Hoa Kỳ cho biết hôm thứ Năm 22/8 rằng họ lo ngại sâu sắc về sự can thiệp của Trung Quốc vào các hoạt động dầu khí tại các vùng biển mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền, và việc Trung Quốc triển khai các tàu tại đây là "hành động leo thang trong nỗ lực đe dọa, ép các nước cũng có yêu sách lãnh thổ trên Biển Đông ngưng các hoạt động khai thác tài nguyên tại đây."

Thủ tướng Úc Morrison cũng nói rằng cần duy trì luật pháp quốc tế trong khu vực.

Ông Morrison nói: "Các nguyên tắc như tự do hàng hải, tự do hàng không, là để đảm bảo các quốc gia có thể theo đuổi các cơ hội phát triển hiện có trong vùng đặc quyền kinh tế và vùng biển của họ, và có thể tiến hành công việc đó mà không bị ngăn cản."

Hồi tháng Năm, hai tàu chiến Úc đã cập cảng căn cứ hải quân chiến lược Việt Nam tại vịnh Cam Ranh khi hải quân hai nước tăng cường hợp tác.

Úc hôm thứ Tư tuyên bố sẽ cùng Hoa Kỳ thực hiện các hoạt động an ninh hàng hải, bảo vệ các tàu chở hàng đi qua các tuyến đường thủy chính ở Trung Đông sau khi Iran bắt giữ một tàu mang cờ Anh.

'Việt Nam quan trọng với Úc'

Ông Morrison có mặt tại Hà Nội trong chuyến thăm chính thức đầu tiên của một Thủ tướng Úc kể từ khi hai nước nâng cấp mối quan hệ lên tầm đối tác chiến lược hồi tháng Ba năm ngoái.

Thương mại song phương tăng 19,4% trong năm 2018 lên 7,72 tỷ đô là, theo dữ liệu hải quan của chính phủ Việt Nam.

Úc là nhà cung cấp than lớn nhất cho Việt Nam, nước đang ngày càng phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch để sản xuất điện để đáp ứng nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng.

Các lô hàng than từ Úc đến Việt Nam tăng gấp ba lần trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 7 lên 8,51 triệu tấn, theo dữ liệu hải quan được Reuters trích dẫn.

Được Hà Nội trải thảm đỏ chào đón đêm 22/8, ông Morrison sau đó phát biểu trước hơn 100 quan chức ngoại giao và doanh nhân từ hai nước, rằng "Việt Nam quan trọng đối với Úc", theo ABC.

Một trong bốn ngân hàng lớn của Úc là ANZ, đã có mặt tại Việt Nam cùng với công ty logistics Linfox và công ty đóng tàu Austal.

Công ty dầu khí khổng lồ có trụ sở ở Tây Úc Woodside đang đấu thầu hợp đồng cung cấp khí tự nhiên hóa lỏng cho Việt Nam để giúp bù đắp thiếu hụt nguồn cung nội địa.


Tổng hợp RFA & BBC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad