"Trong tình hình hiện nay, cần phải làm mọi thứ để tránh bạo lực," bà Merkel nói tại cuộc họp báo chung với ông Lý.
"Và các giải pháp sẽ chỉ đạt được trong tiến trình chính trị - tức là phải thông qua đối thoại."
Bà Merkel cũng nhấn mạnh rằng "các quyền và sự tự do" cho người dân Hong Kong "phải được trao" cho người dân.
Quan điểm của nước chủ nhà là thế giới "cần tin rằng người dân Trung Quốc có khả năng và sự khôn ngoan để giải quyết tốt các vấn đề của mình", ông Lý Khắc Cường nói trong cùng buổi họp báo.
Hợp tác song phương
Mang theo một phái đoàn doanh nhân hùng hậu, chuyến đi của bà Merkel tới Bắc Kinh đặt trọng tâm vào việc làm ăn với Trung Quốc.
Trung Quốc là nước xuất khẩu hàng vào Đức lớn nhất trong năm 2018, với tổng trị giá hàng hóa trên 100 tỷ euro, Tân Hoa Xã nói.
Bà Merkel nói Đức mở cửa cho đầu tư Trung Quốc và hoan nghênh các công ty Trung Quốc tới làm ăn, nhưng Đức sẽ kiểm tra các khoản đầu tư trong một số lĩnh vực chiến lược và trong các công trình cơ sở hạ tầng then chốt.
Tối hôm thứ Sáu, Chủ tịch Tập Cận Bình trong cuộc gặp bà Merkel đã nhấn mạnh tầm quan trọng "ngày càng tăng" trong việc củng cố hợp tác song phương giữa hai quốc gia, Tân Hoa Xã nói.
'Tiếng nói trọng lượng'
Tuy nhiên, dường như các lợi ích kinh doanh không làm người Đức coi nhẹ câu chuyện Hong Kong.
Hôm thứ Bảy, bà Merkel tiếp tục kêu gọi tìm giải pháp hòa bình cho vùng đặc khu này.
"Tôi ủng hộ quan điểm là mọi cuộc xung đột cần phải được giải quyết mà không dùng đến bạo lực, và bất kỳ điều gì khác, theo tôi, cũng đều là thảm họa."
Sau các cuộc họp với ông Tập Cận Bình và ông Lý Khắc Cường, bà Merkel nói Bắc Kinh đã lắng nghe quan điểm của bà. "Đó là điều quan trọng," bà nói.
Phát biểu của bà Merkel trên đất Trung Quốc được cho là sẽ khiến Bắc Kinh không hài lòng.
Một số người đánh giá rằng bà Merkel có lẽ là nhà lãnh đạo quốc tế thích hợp nhất để lên tiếng trong tình hình hiện nay.
"Do cuộc tranh giành quyền lực giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc hiện nay, nên việc Tổng thống Donald Trump lên án Trung Quốc về vấn đề Hong Kong nhiều khả năng sẽ khiến cho Chủ tịch Tập Cận Bình áp dụng đường lối cứng rắn hơn tại đó," cây viết Tom Rogan người Anh chuyên bình luận các vấn đề quan hệ quốc tế, nhận xét trên Washington Examiner.
"Ông Tập sẽ không muốn bị giới tinh hoa trong Đảng Cộng sản Trung Quốc coi là dễ bảo dưới những lời cảnh cáo của Mỹ."
Đáng chú ý là việc cho phép cho các phóng viên tham dự buổi họp báo chung được tiến hành chặt chẽ tới mức bất thường, AFP nói.
Nhiều phóng viên thuộc câu lạc bộ báo chí quốc tế tại Bắc Kinh đã không được cấp thẻ vào dự.
Bà Merkel có chương trình phát biểu trước sinh viên Đại học Khoa học và Kỹ Thuật Hoa Trung tại thành phố Vũ Hán ở miền trung Trung Quốc trong hôm thứ Bảy.
Thư ngỏ của người biểu tình Hong Kong
Trước khi bà Merkel có chuyến thăm ba ngày tới Trung Quốc, bắt đầu từ hôm thứ Năm 5/9/2019, người biểu tình Hong Kong đã kêu gọi bà hãy ủng hộ họ khi có các cuộc họp với giới lãnh đạo Trung Quốc.
Nhà hoạt động nổi tiếng của Hong Kong, Joshua Wong (Hoàng Chi Phong) và những người khác đã gửi thư ngỏ tới bà.
Lá thư được báo Bild của Đức đăng hôm thứ Tư có đoạn viết, "bà đã trực tiếp trải nghiệm sự khủng bố của môt chính quyền độc tài", nhắc tới việc bà Merkel sinh trưởng tại quốc gia cộng sản Đông Đức.
"Chúng tôi hy vọng bà sẽ bày tỏ quan ngại về tình thế thê thảm của chúng tôi, và bà sẽ chuyển những đòi hỏi của chúng tôi tới chính phủ Trung Quốc trong thời gian bà ở Trung Quốc."
Trong thư ngỏ, những người biểu tình cũng cảnh báo rằng "nước Đức cần cảnh giác trước khi làm ăn với Trung Quốc, bởi Trung Quốc không tuân thủ luật pháp quốc tế, và đã liên tục vi phạm lời hứa của họ".
Đức là nước tiếp nhận nhiều nhà hoạt động nước ngoài, và là nơi có nhiều nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc tới tị nạn, trong đó có nghệ sỹ Ngải Vị Vị.
Hồi tháng Năm, hai nhà hoạt động độc lập Hong Kong được cấp quy chế tị nạn tại Đức, AFP tường thuật, trong vụ được cho là những người bất phục đầu tiên từ vùng đặc khu hành chính của Trung Quốc được hưởng quy chế bảo vệ này.
Trong số các nhà hoạt động nước ngoài đáng chú ý được Đức tiếp nhận và cấp quy chế tị nạn có luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài.
Ông Đài, người bị Việt Nam án 15 năm tù với tội danh "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân", được đưa thẳng từ nhà tù sang Đức vào tháng 6/2018, sau khi đã bị giam hai năm rưỡi.
BBC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét