“Quý vị có nghe cháu nói không?” – Greta Thunberg hỏi 150 nghị sĩ và cố vấn trong Hạ viện Anh. Cô gái nhỏ gõ vào micro. Cô lại hỏi. “Các cô chú có nghe những gì cháu vừa nói không? Tiếng Anh của cháu nghe ổn chứ ạ?”… Thunberg là một hiện tượng. Cô học trò 16 tuổi người Thụy Điển này đang là nhà hoạt động xã hội nổi tiếng toàn cầu. Tháng 12-2018, cô nói chuyện tại Hội nghị biến đổi khí hậu LHQ ở Ba Lan; tháng 1-2019, cô thuyết trình trước nhiều tỷ phú tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos (Thụy Sĩ). Tiếp đó, Thunberg bay sang London trong một tour diễn thuyết và gặp Đức Giáo hoàng. Chiến dịch đánh động nhận thức về tác hại của tình trạng biến đổi khí hậu, từ sự “xách động” của cô gái 16 tuổi, đã mang lại một hiệu ứng hưởng ứng dữ dội: ngày 15-3-2019, 1,6 triệu người tại 133 quốc gia – hầu hết sinh viên, học sinh – đã rủ nhau xuống đường để cùng lên tiếng.
Ngày 17-9-2019, nhà hoạt động Hoàng Chi Phong cùng các bạn mình dự một phiên điều trần trong Quốc hội Mỹ và sau đó tiếp xúc loạt nhân vật hàng đầu chính giới Hoa Kỳ. Hình ảnh Hoàng Chi Phong xuất hiện đầy mạng xã hội, với những “chú thích” quen thuộc: “Coi giới trẻ Hong Kong kìa; thật xấu hổ và nhục nhã cho giới trẻ Việt Nam!”. Tuy nhiên, điều gì đã “tạo ra” những Greta Thunberg hoặc Hoàng Chi Phong trong khi Việt Nam chỉ có những thanh niên xuống đường “đi bão” mừng chiến thắng bóng đá? Cần đặt ngược lại một câu hỏi quen thuộc: nếu Greta Thunberg hoặc Hoàng Chi Phong sinh ở Việt Nam thì liệu họ có thể trở thành những nhà hoạt động đang góp phần thay đổi thế giới và định hình nên một thế hệ mới của thế kỷ 21?
Vấn đề cần quan tâm thật ra không phải là hình ảnh cá nhân của Greta Thunberg hoặc Hoàng Chi Phong mà là môi trường nào đã tạo ra những nhân vật tài không đợi tuổi, mà ảnh hưởng của họ không chỉ đánh động nhận thức ở “người lớn” đối với những vấn đề lớn lao mà thế giới đang đối mặt. Từ chính họ, họ cũng đang gián tiếp đưa ra một thách thức mà “người lớn” ít thấy: “người lớn” cần làm gì để có thể tạo ra một xã hội có nhiều hơn những phiên bản Greta Thunberg và Hoàng Chi Phong khác.
Hoàng Chi Phong bắt đầu trở thành “thủ lĩnh” từ năm 14 tuổi, khi thành lập tổ chức “Học dân tư triều” (Scholarism - lấy cái sự học đích thực làm tôn chỉ), nhằm phản đối chủ trương “cộng sản hóa” hệ thống giáo dục Hong Kong. Chỉ một câu trong chủ trương mới, nói về Đảng Cộng sản Trung Quốc – “Tấn bộ, vô tư dữ đoàn kế đích chấp chánh tập đoàn” (nhóm lãnh đạo thống nhất trên tinh thần tiến bộ và vô tư) – đã đủ để khiến Hoàng Chi Phong bất bình và bỏ hết tất cả thú vui tuổi thiếu niên để ra đường kêu gọi xã hội thức tỉnh trước nguy cơ không chỉ giáo dục mà cả hệ thống chính trị Hong Kong bị “đỏ hóa”.
Trong khi đó, cái gọi là “tấn bộ, vô tư dữ đoàn kế đích chấp chánh tập đoàn” ở Việt Nam đã không chỉ ăn sâu bám rễ trong chủ trương giáo dục mà nó còn biến giới trẻ trở thành những sản phẩm chính trị được đúc khuôn “sản xuất” hàng loạt. Giới trẻ Việt Nam không biết họ đã bị tước mất những gì. Từ lớp một đến khi tốt nghiệp đại học, thanh thiếu niên Việt Nam không bao giờ được bàn về chính trị, tự do ngôn luận và bầu cử dân chủ. Trong khi trong trường học Hong Kong, thầy cô giáo khuyến khích học sinh thảo luận chủ đề Hoàng Chi Phong, về biểu tình dân chủ, về quyền biểu đạt, thì “chính trị” trong nhà trường Việt Nam là chính là thứ mà người Hong Kong đang phản kháng quyết liệt: “yêu nước” đồng nghĩa với trung thành tuyệt đối với đảng cầm quyền.
Các “sinh hoạt chính trị” đối với thanh thiếu niên Việt Nam là sinh hoạt đoàn thể dưới sự dẫn dắt của tổ chức Đoàn và Đội, trong đó, ngoài những hoạt động vui chơi tập thể vô thưởng vô phạt thì là các cuộc thi “học tập theo gương Bác”. “Trách nhiệm” đối với đất nước của thanh niên trong đất nước cộng sản Việt Nam không phải là xây dựng nên nhận thức dưới ánh sáng dân chủ mà "phải được hiểu" là “ra sức gìn giữ cho bằng được những thành quả cách mạng vĩ đại, mỗi thanh niên Việt Nam phải sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh cao cả của thế hệ cha anh, xứng đáng với sự tin yêu và kỳ vọng của Đảng, Bác Hồ và của cả dân tộc Việt Nam” (trích phát biểu của Nguyễn Đào Phương Thúy, sinh viên năm IV, ĐH Luật TP.HCM, dịp 30-4-2015).
Nhận thức gì và như thế nào luôn là kết quả của những “thực phẩm” được cung cấp để nuôi nó. Giới trẻ Việt Nam đang là nạn nhân. Không thể đổ hết lỗi lên đầu họ. Nhận thức của họ sẽ khác đi một khi họ được “nuôi” bằng những “thực phẩm” khác, mang hàm lượng và giá trị của một xã hội có tự do và dân chủ đích thực. Hành động của họ sẽ khác một khi họ được sống trong môi trường có nhiều không gian tư duy và hành động hơn. “Bây giờ tôi đang nói cho cả thế giới nghe!” – Hoàng Chi Phong nói, trong một trả lời phỏng vấn báo chí. Chừng nào giới trẻ trong nước có một đại diện được ra nước ngoài nói cho “cả thế giới nghe” về ước vọng dân chủ cho quê hương mà không bị nhà cầm quyền ngăn cản?
Thế hệ trẻ Việt Nam không phải không có người tài. Đã có những doanh nhân trẻ, nhà nghiên cứu trẻ, vận động viên trẻ và cả “nhà chính trị” trẻ. Tuy nhiên, với chính trị, “chính trị gia” trẻ chỉ có thể thành công nếu thuộc thành phần con ông cháu cha, còn không, có một chỗ khác dành cho họ: nhà tù. Trong một mô hình cai trị (hệt như Trung Quốc) được thiết kế bằng sự đe dọa và trấn áp tinh thần, cả xã hội đều bị tác động, không chỉ riêng giới trẻ.
Thế hệ trẻ Việt Nam thật ra không hoàn toàn thờ ơ đề tài chính trị. Mạng xã hội đang dần tạo ra nhận thức khác với “đường lối và chủ trương” mà đảng cầm quyền muốn. Thay vì “nguyền rủa” giới trẻ và chỉ trích sự “vô ý thức và vô trách nhiệm” của họ, “người lớn” có lẽ nên nhận lãnh một phần trách nhiệm. Giới trẻ là nạn nhân của chế độ nhưng để chế độ nhấn chìm và làm đen kịt nhận thức giới trẻ thì đó là lỗi của “người lớn”. Có bao giờ “người lớn” chúng ta, ngồi trên bàn ăn gia đình, nói chuyện với con cái rằng chúng đang bị chế độ tước đi mất những quyền gì, hay là chỉ hỏi chúng những câu quen thuộc “hôm nay đi học được bao nhiêu điểm”? Có bao giờ “người lớn” mang đề tài Hoàng Chi Phong ra nói với con mình, hoặc kể cho nó biết có một cô bé Greta Thunberg 16 tuổi đang làm chấn động thế giới?
Trong chiếc hộp với diện tích được cái “tấn bộ, vô tư tập đoàn” cho phép, giới trẻ chỉ có thể tư duy trong khuôn khổ cái hộp và hành động quanh quẩn trong cái hộp. Nhà trường, mô hình thu nhỏ của một phần chế độ cai trị, đang tước đi sự sáng tạo và cảm hứng tuổi trẻ, đang làm “phi chính trị” hóa trong nhận thức từ thế hệ trẻ này đến thế hệ tiếp theo. Điều đó, cho đến thời điểm này, là chưa thể thay đổi. Tuy nhiên, tạo ra những chiếc hộp khác để giúp giới trẻ có được không gian tư duy độc lập rộng hơn là điều có thể làm được. Điều đó cần bắt đầu từ chính “người lớn”, trong từng gia đình, và cần ngay bây giờ.
FB Mạnh Kim
- Vấn đề này đã có viết một lần, xin mời xem lại: https://www.facebook.com/photo.php?fbid=10158218630604796&set=a.10151549756699796&type=3&theater
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét