Hãy từ bỏ chính sách ‘Ba Không’ để liên minh quân sự với Mỹ - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Năm, 24 tháng 10, 2019

Hãy từ bỏ chính sách ‘Ba Không’ để liên minh quân sự với Mỹ


Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ và đại tướng Lê Đức Anh, cựu Chủ TỊch Nước Việt Nam. (Hình: Cù Huy Hà Vũ cung cấp)

Sau khi dùng vũ lực chiếm trọn Hoàng Sa vào năm 1974 và một phần Trường Sa vào năm 1988, ngày 24/7/2007, Trung Quốc thành lập thành phố Tam Sa thuộc tỉnh Hải Nam, trực tiếp quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của VN. Tiếp đó, ngày 7/5/2009 Trung Quốc gửi Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc một công hàm kèm bản đồ 9 đoạn yêu sách chủ quyền đối với hơn 80% Biển Đông, nuốt trọn hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam và hầu hết vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (Exclusive Economic Zone – EEZ) mà nươc này tuyên bố chủ quyền. Ngoài việc cho tàu xua đuổi và đâm chìm các tàu của ngư dân Việt Nam, Trung Quốc từ năm 2014 đến nay, nhất là trong ba tháng qua, đã liên tục đưa dàn khoan và tàu vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên biển Đông để khảo sát. Các hành vi này cùng với tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm 19/8 cho thấy Trung Quốc đã sẵn sàng dùng vũ lực để thôn tính nốt Trường Sa và quyền chủ quyền của Việt Nam tại biển Đông. Ông ta nói: “Trung Quốc có chủ quyền đối với quần đảo Nam Sa (tức Trường Sa) và vùng biển lân cận đồng thời có quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển liên quan” và đòi quốc gia có liên quan “tôn trọng một cách nghiêm túc các quyền chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc”. Cuộc diễu binh kỷ niệm 70 năm thành lập Cộng hòa nhân dân Trung Hoa hôm 1/10 như một triển lãm kho vũ khí khổng lồ và tối tân của cường quốc có, trong đó rất nhiều phương tiện chiến tranh trên biển, chỉ là cái gạch đít quyết tâm xâm lược ấy.

“Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”

Ngay sau khi Trung Quốc thành lập thành phố Tam Sa, thấm nhuần chân lý “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách” (Quốc gia hưng thịnh hay suy vong, dân thường cũng có trách nhiệm), ngày 23/12/2007, cùng với vợ tôi là Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà, tôi đã đến gặp và đưa tận tay Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Cố vấn Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, một Thư đề xuất liên minh quân sự với Hoa Kỳ để chống Trung Quốc xâm lược (1). Trong thư tôi nhấn mạnh: “Chính phủ phải khẩn trương xây dựng chiến lược trung hạn, thậm chí dài hạn để có thể hóa giải một cách có hiệu quả ý đồ và hành vi bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc. Cụ thể là Việt Nam phải liên minh với một cường quốc quân sự mà ở đây là Mỹ. Thực vậy, sau khi Liên Xô tan rã thì Mỹ trở thành cường quốc quân sự duy nhất có chính sách kiềm chế Trung Quốc”. Tôi cũng đề nghị Đại tướng chuyển đề xuất này của tôi tới ban lãnh đạo Đảng cộng sản và Nhà nước Việt Nam và ông đã nhận lời.

Ngay sau khi Trung Quốc thành lập thành phố Tam Sa, thấm nhuần chân lý “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách” (Quốc gia hưng thịnh hay suy vong, dân thường cũng có trách nhiệm), ngày 23/12/2007, cùng với vợ tôi là Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà, tôi đã đến gặp và đưa tận tay Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Cố vấn Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, một Thư đề xuất liên minh quân sự với Hoa Kỳ để chống Trung Quốc xâm lược (1). Trong thư tôi nhấn mạnh: “Chính phủ phải khẩn trương xây dựng chiến lược trung hạn, thậm chí dài hạn để có thể hóa giải một cách có hiệu quả ý đồ và hành vi bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc. Cụ thể là Việt Nam phải liên minh với một cường quốc quân sự mà ở đây là Mỹ. Thực vậy, sau khi Liên Xô tan rã thì Mỹ trở thành cường quốc quân sự duy nhất có chính sách kiềm chế Trung Quốc”. Tôi cũng đề nghị Đại tướng chuyển đề xuất này của tôi tới ban lãnh đạo Đảng cộng sản và Nhà nước Việt Nam và ông đã nhận lời.

Đáng tiếc là ban lãnh đạo Việt Nam đã không có phản hồi tích cực nào dù hai năm đã trôi qua. Do đó, tôi đã đưa ra công luận đề xuất nêu trên của tôi trong hai bài trả lời phỏng vấn của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ, ‘Tham vọng của TQ trong cuộc tranh chấp biển Đông quá rõ ràng’ (09/4/2010) và 'Ðồng hành quân sự với Hoa Kỳ là mệnh lệnh của thời đại’ (24/7/2010). Tôi chỉ rõ liên minh quân sự với Hoa Kỳ để chống Trung Quốc xâm lược hoàn toàn nhất quán với chính sách đối ngoại của Việt Nam trong quá khứ khi Việt Nam liên tục là đồng minh quân sự của hết nước lớn này đến nước lớn khác: Liên Xô và Trung Quốc trong chống Pháp (1950-1954) và chống Mỹ (1954-1975), Liên Xô trong chống Trung Quốc (1979-1989).

Tôi đồng thời nhấn mạnh chỉ có một sự quay trở lại Đông Nam Á nói chung, biển Đông nói riêng, mà nòng cốt là liên minh quân sự với Việt Nam mới có thể giúp Hoa Kỳ chống được Trung Quốc độc chiếm biển Đông và qua đó mới tiếp tục bảo đảm được vị thế cường quốc toàn cầu của mình.

Ngay cả sau song sắt Trại giam số 5 – Bộ Công an (Yên Định, Thanh Hóa) do bị kết án 7 năm tù về “Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, tôi vẫn kiên trì Việt Nam phải liên minh quân sự với Hoa Kỳ để cứu nước với bài viết “Vận nước nhìn từ Trường Sa” (2). Bài này được Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà, vợ tôi đồng thời là luật sư của tôi, chuyển tới Bauxite Việt Nam và được trang mạng yêu nước này đăng ngày 22/01/2013 với bút danh “Sơn Văn” (đối ý với “Hà Vũ”, do Bauxite Việt Nam đặt).

Mỹ “Xoay trục” còn Việt Nam “Ba Không”

Vào tháng 11/2011, Tổng thống Mỹ Obama đã tung ra chiến lược mới, “Xoay trục sang châu Á” (Pivot to Asia) để ngăn chặn Trung Quốc bành trướng lãnh thổ ở đây. Để triển khai, Báo cáo chiến lược quân sự quốc gia của Mỹ năm 2012 nhấn mạnh nước này phải phát triển quan hệ quân sự với Việt Nam, xây dựng Việt Nam trở thành đối tác chiến lược mới. Tháng 6/2012, khi đến thăm vịnh Cam Ranh, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta nói thẳng: “Mỹ và Việt Nam tồn tại mối quan hệ phức tạp trên lĩnh vực quốc phòng, nhưng chúng ta sẽ không bị ràng buộc bởi lịch sử, Mỹ hy vọng mở rộng quan hệ quốc phòng với Việt Nam”. Tuy nhiên, bằng chứng ngọan mục nhất của quyết tâm “biến cựu thù thành đồng minh” của ​Tổng thống Obma là việc ông đón tiếp chính thức tại Nhà Trắng Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng vào tháng 7/2015. Thực vậy, đây là lần đầu tiên một người đứng đầu một đảng cộng sản được Mỹ tiếp đón cấp Nhà nước.

Tổng thống Trump, về phần mình, tiếp tục chiến lược “Xoay trục sang châu Á” của người tiền nhiệm nhưng với cái tên mới: “Ấn Độ - Thái Bình Dương”. Nếu như Chính quyền Obama để lại dấu ấn với việc bỏ cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam thì Chính quyền Trump năm 2018 đưa ra Chiến lược quốc phòng (NDS) coi Trung Quốc là “mối đe dọa lớn nhất”, được minh họa một cách ấn tượng bằng việc tàu sân bay USS Carl Vinson cập cảng Đà Năng, sự kiện chưa từng có thuộc loại này kể từ khi kết thúc chiến tranh Việt Nam vào năm 1975.

Ngược lại với Realpolitik (chính sách thực tiễn) của Mỹ khi cường quốc thế giới này đã sẵn sàng cho một liên minh quân sự với Việt Nam để chống Trung Quốc độc chiếm biển Đông cho dù vẫn luôn quan ngại về dân chủ và nhân quyền ở quốc gia Đông Nam Á này, ban lãnh đạo Việt Nam giữ một thái độ tiêu cực với một ý tưởng quốc phòng như vậy khi theo đuổi chính sách "Ba Không".

Trong chuyến thăm Trung Quốc vào cuối tháng 10/2010, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh định nghĩa chính sách này như sau: “Việt Nam không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia”.

Ngày 24/9/2014, bốn tháng sau khi Trung Quốc đưa dàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển thuộc Hoàng Sa, sự kiện gây ra một làn sóng biểu tình phản đối Trung Quốc trên cả nước với quy mô lớn chưa từng có, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh trong trả lời phỏng vấn Đài Tiếng nói Hoa Kỳ tái khẳng định chính sách "Ba Không". Chính sách này mới đây đã được luật hóa bằng Khoản 3 Điều 4 Luật Quốc phòng 2018 (có hiệu lực từ 01/01/2019) theo đó Việt Nam “không tham gia lực lượng, liên minh quân sự của bên này chống bên kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ của Việt Nam để chống lại nước khác”.

Điều đáng lưu ý là chính sách “Ba Không” mà cốt lõi là “Không liên minh quân sự” dẫn đến không chỉ “mất Nước” mà còn “mất Đảng”, hay “mất cả chì lẫn chài” như cách nói của người xưa. Lịch sử của chính Đảng cộng sản Việt Nam cho thấy một chính quyền để mất Nước thì nhân dân tất đứng lên để thay thế chính quyền ấy bằng một chính quyền cứu Nước. Vào tháng 8/1045, đảng này, lúc đó gọi là Đảng cộng sản Đông Dương, đã lãnh đạo thành công cuộc cách mạng phế bỏ Nhà Nguyễn, một chính quyền đã để mất Nước vào tay Pháp rồi Nhật, để thiết lập nền Dân chủ Cộng hòa và tuyên ngôn Việt Nam Độc lập vào ngày 2/9 cùng năm (3).

Sập “bẫy ý thức hệ” của Trung Quốc

Cả một luồng ý kiến quả quyết rằng chính sách “Ba Không” là do giới cầm quyền tham nhũng hoạch định, những kẻ chỉ biết “tiền thầy bỏ túi” được ngày nào hay ngày ấy còn thì “sống chết mặc bay”, “Nước “hay “Đảng” cũng rứa! Luồng dư luận này được củng cố bởi việc không ít quan chức Việt Nam đã chuyển khối tài sản kếch xù có được do tham nhũng cùng con cái ra nước ngoài, cũng như đã bí mật có “song tịch” để “hạ cánh an toàn” khi có biến.

Về phần mình, tôi cho rằng cho rằng chính sách “Không liên minh quân sự” căn bản bắt nguồn từ sự ngây thơ chính trị của ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam, hay nói đúng hơn, là kết quả sập “bẫy ý thức hệ” của Trung Quốc.

Khi các chế độ cộng sản ở Liên Xô và Đông Âu bắt đầu sụp đổ vào cuối thập kỷ 80 của thế kỷ trước (4), một cách bản năng ban lãnh đạo Việt Nam xác định bảo vệ chế độ cộng sản trong nước là ưu tiên hàng đầu. Điều này đồng nghĩa với việc triệt thoái bắt buộc quân tình nguyện Việt Nam khỏi Căm Pu Chia, nhất là trong bối cảnh Việt Nam không còn nhận được viện trợ từ đồng minh quân sự Liên Xô để duy trì cuộc chiến chống Khmer Đỏ được Trung Quốc chống lưng. Bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, vốn bị cắt đứt bởi cuộc chiến tranh biên giới do chính láng giềng phương Bắc này phát động vào năm 1979, vì vậy được coi là “nhất cử lưỡng tiện”: tạo điều kiện cho việc đạt thỏa thuận với Trung Quốc về việc Khmer Đỏ không quay trở lại cầm quyền một khi Việt Nam rút quân khỏi Căm Pu Chia đồng thời giúp chính quyền cộng sản Việt Nam đối phó thành công với những cuộc phản loạn tiềm tàng được “các thế lực thù địch quốc tế” yểm trợ. Thực vậy, Trung Quốc không chỉ có cùng chế độ chính trị mà còn chung biên giới, rất thuận tiện cho việc trở thành “hậu phương lớn” cho Đảng cộng sản Việt Nam trong tình huống chống lật đổ nói trên, như nước lớn này đã từng là trong các cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ trước đây của Việt Nam.

Đối với Trung Quốc, đây là “cơ hội vàng” để đẩy nhanh và mạnh hơn nữa xâm lược đảo và quyền chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông. Đặng Tiểu Bình đã mời ban lãnh đạo Việt Nam đến Thành Đô, Trung Quốc vào tháng 9/1990 để thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa hai nước, điều này đã được thực hiện một năm sau đó, vào tháng 11/1991. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng hiểu rằng toan tính của họ chỉ có thể được thực hiện trót lọt chừng nào Việt Nam còn đơn độc về quân sự, cụ thể không phải là đồng minh quân sự của bất cứ nước nào, Mỹ trước hết.

Do đó, lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc, từ Giang Trạch Dân cho đến Tập Cận Bình, đều ra sức khoét sâu nỗi lo “mất Đảng”, “mất chế độ xã hội chủ nghĩa” (5) của ban lãnh đạo Việt Nam bằng cách nêu cao sự tương đồng chế độ chính trị giữa hai nước. Họ đưa ra những khẩu hiệu “lý tưởng tương đồng”, “vận mệnh tương quan", “đồng chí tốt” với kết cục là ban lãnh đạo Việt Nam đã mắc bẫy “Dương Đông kích Tây” của Trung Quốc khi đồng ý lấy đó làm phương châm để xử lý quan hệ giữa hai nước. Nói cách khác, sẽ không có chuyện Việt Nam tìm kiếm ủng hộ quân sự từ cường quốc khác, nhất là từ Mỹ, vốn được coi là kẻ thù của chủ nghĩa cộng sản, trong trường hợp bị “đồng chí tốt” phương Bắc tấn công.

Đừng để “nước đến chân mới nhảy”!

Nếu như Đảng cộng sản Việt Nam là bậc thầy trong nắm bắt cơ hội trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước thì sau 30/4/1975, đảng này chỉ còn là cái bóng của chính mình khi để cho đất nước và người dân hứng chịu những thiệt hại nghiêm trọng không đáng có. Bài học từ Chiến tranh xâm lược năm 1979 của Trung Quốc (6) cho thấy nếu Việt Nam có được quan hệ ngoại giao với Mỹ ngay sau khi đất nước thống nhất vào năm 1975, khi mà Trung Quốc rất cần Mỹ để thực hiện Bốn hiện đại hóa, thì đã không bị nước láng giềng phương Bắc này tấn công. Cũng như vậy, nếu Việt Nam xúc tiến một quan hệ đồng minh với Mỹ ngay khi nước này “xoay trục sang châu Á” vào cuối năm 2011 thì đâu có chuyện Trung Quốc ép được Việt Nam ngừng hợp tác với công ty dầu khí Repsol của Tây Ban Nha vào 2017 và 2018 cũng như tàu khảo sát và hải cảnh Trung Quốc thả cửa càn quét Bãi Tư Chính (Vanguard Bank) thuộc vùng đặc quyền kinh tế của của Việt Nam như hiện nay.

Cũng cần lưu ý là Việt Nam sẽ lâm vào tình thế “mất trắng” nếu cuộc chiến tranh xâm lược năm 1979 được Trung Quốc lặp lại. Thực vậy, so với cách đây 4 thập kỷ sức chiến đấu của quân đội Trung Quốc đã có bước đại nhảy vọt trên căn bản một ngân sách quốc phòng lớn thứ hai thế giới được hỗ trợ bởi một nền kinh tế cũng lớn thứ hai thế giới. Đó là chưa nói tới người Trung Quốc đã chiếm cứ dưới vỏ bọc kinh doanh hầu hết các khu vực xung yếu về an ninh – quốc phòng của Việt Nam (7).

Do đó, khẩn trương từ bỏ chính sách “Ba Không” để liên minh quân sự với Hoa Kỳ không chỉ là giải pháp “muộn còn hơn không” cho Việt Nam để bảo vệ thành công chủ quyền và lãnh thổ của mình cả trên biển lẫn đất liền trước xâm lược Trung Quốc mà còn để tránh cho quốc gia Đông Nam Á này tình thế “Nước đến chân mới nhảy” với những tổn hại không đáng có, thậm chí không thể khắc phục cho bản thân.

Trên tinh thần đó, chuyến đi Việt Nam vào tuần tới của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cần phải là một sự chuẩn bị đắc lực cho nghị trình hướng tới một liên minh quân sự giữa hai cựu thù trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ sắp tới của Tổng bí thư Đảng cộng sản, Chủ tịch Việt Nam Nguyễn Phú Trọng.

(Tác giả là một luật gia, học giả và nhà bất đồng chính kiến, cựu tù nhân chính trị Việt Nam)


Cù Huy Hà Vũ
Blog VOA
Chú thích

  1. Thư ngỏ của Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà gửi Đại tướng Lê Đức Anh, cựu Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Bauxite Việt Nam, 16/6/2011.
  2. Vận nước nhìn từ Trường Sa, Sơn Văn (Cù Huy Hà Vũ), Bauxite Việt Nam, 22/01/13.
  3. Hoàng đế Bảo Đại chính thức thoái vị vào ngày 30/8/1945 trước sự chứng kiến của Phái đoàn đại diện Chính phủ Cách mạng lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gồm Phó Chủ tịch Chính phủ Trần Huy Liệu, Bộ trưởng không Bộ Cù Huy Cận (thân phụ tác giả) và Nguyễn Lương Bằng (Trong Hồi ký Con Rồng Việt Nam (Le Dragon d’Annam) của mình, Cựu Hoàng đế Bảo Đại chỉ nhắc đến Trần Huy Liệu và Cù Huy Cận là những người đến gặp ông để yêu cầu thoái vị). Ba ngày sau, ngày 2/9, Trần Huy Liệu và Cù Huy Cận tham gia ký Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam và tham dự Lễ Độc lập tổ chức tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, với tư cách thành viên Chính phủ đầu tiên của nền Cộng hòa.
  4. Tại Hội nghị toàn quốc của Đảng Cộng sản Liên Xô họp từ 28/6 đến 1/7/1988, Tổng bí thư Gorbachev đã giải tán 23 ủy ban trực thuộc Trung ương Đảng, như vậy trên thực tế là xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô. Sự kiện này làm các đảng cộng sản cầm quyền ở Đông Âu lâm vào thế tan rã.
  5. Trên thực tế Mao Trạch Đông đã phủ nhận “hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới” khi đưa ra “Thuyết ba thế giới” (Thế giới thứ nhất gồm các siêu cường, cụ thể là “Đế quốc Mỹ” và “Đế quốc xã hội” Liên Xô. Thế giới thứ hai gồm các cường quốc phát triển. Thế giới thứ ba gồm các nước bị bóc lột).
  6. Trung Quốc đã không thể xâm lược Việt Nam năm 1979 nếu…, Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ, VOA Tiếng Việt, 05/03/2019.
  7. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong ván bài thôn tính Việt Nam của Trung Quốc, Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ, VOA Tiếng Việt, 15/01/2016.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad