Phiên xử Luật sư Trần Vũ Hải: Tòa ‘Câu giờ’,một luật sư bị ‘kẹp cổ, xốc nách' khỏi tòa - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Sáu, 15 tháng 11, 2019

Phiên xử Luật sư Trần Vũ Hải: Tòa ‘Câu giờ’,một luật sư bị ‘kẹp cổ, xốc nách' khỏi tòa




Hôm 14/11, ngày thứ hai của phiên xử sơ thẩm Luật sư Trần Vũ Hải với cáo buộc “Trốn thuế” tại tòa án nhân dân thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, diễn ra khá gay cấn khi Luật sư Nguyễn Duy Bình, một trong 42 người bào chữa cho ông Hải, “bị kẹp cổ, xốc nách khỏi tòa” trong lúc một luật sư khác nêu nghi vấn tòa án “đang cố ý kéo dài thời gian xét xử”.

Vài phút trước khi phiên xử ngày thứ hai bắt đầu, Luật sư Trần Vũ Hải phát đi thông cáo báo chí ghi:

“Chúng tôi hy vọng ngày xét xử thứ hai của phiên tòa này sẽ tạo điều kiện cho các nhà báo và người thực sự quan tâm trực tiếp theo dõi phiên tòa, không nên tái diễn việc chọn lọc người ngồi “khán phòng”. Các thành viên Hội đồng xét xử được độc lập xét xử, mà không bị “chỉ đạo”.

Chúng tôi tin rằng một nhà nước pháp quyền Việt Nam là phải bảo đảm cho một phiên tòa công khai, dân chủ, tranh tụng thực sự và không bao giờ chấp nhận một phiên tòa được đạo diễn và bi hài hơn cả một vở kịch.”

Hôm 14/11, trả lời Đài Á Châu Tự Do sau sự cố, Luật sư Nguyễn Duy Bình nói:

“Thân chủ của tôi là bị cáo Phương [bà Ngô Tuyết Phương, vợ ông Trần Vũ Hải] và bị cáo Hải. Bởi vì thân chủ của tôi có 5 luật sư đã nộp thủ tục bào chữa bổ sung hơn 24 giờ rồi mà Hội đồng xét xử không chấp nhận, không ra thông báo cho các luật sư tham gia bào chữa cho bị cáo. Tôi đề nghị thì Hội đồng xét xử không cho nói.”

“Thế thì tôi quay sang thực hiện quyền hỏi của tôi với bị cáo Phương: “Bị cáo đã ký đơn nhờ 5 luật sư bào chữa bổ sung chưa?” Bị cáo Phương trả lời đã ký, luật sư nộp rồi, nhưng Hội đồng xét xử vẫn không chấp nhận đơn này của 5 luật sư.”

Tôi hỏi câu thứ hai: “Hiện tại, bị cáo Phương có đề nghị Hội đồng xét xử xem xét thủ tục để cấp thông báo bào chữa cho 5 luật sư không?”. Bị cáo Phương trả lời có. Lập tức vị chủ tọa Lê Thị Hạng tuyên bố mời tôi ra khỏi phiên tòa. Tôi nói rằng tôi chấp nhận nhưng cho tôi khiếu nại một, hai câu. Vì hành vi của chủ tọa có dấu hiệu trái pháp luật, tước quyền của tôi và không đảm bảo quyền lợi có luật sư của bị can, bị cáo.”

“Vừa nói được câu thứ nhất thì mấy vị cảnh sát tư pháp ập vào lôi cổ ra, bẻ quặt tay ra đằng sau, rồi xốc nách kéo thẳng xuống sân tòa, áp giải tôi ra cổng".

“Tôi mới nói với mấy vị cảnh sát tư pháp rằng chủ tọa phiên tòa chỉ mời tôi ra khỏi phòng xử, phải để tôi trong sân tòa để làm đơn khiếu nại đến chánh án, nhưng cảnh sát tư pháp không cho. Ngay lập tức sau đó, cảnh sát tư pháp tiếp tục kẹp cổ, xốc nách tôi áp giải lên xe đưa về phường Phước Tân".

Luật sư Nguyễn Duy Bình cũng cho hay hiện tại sau khi trở về khách sạn, ông đã viết báo cáo gửi Liên đoàn luật sư Việt Nam và Liên đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh để các nơi này “có văn bản kiến nghị với Tòa án nhân dân thành phố Nha Trang, Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa và Tòa án nhân dân tối cao xử lý việc vi phạm tố tụng nghiêm trọng của Thẩm phán Lê Thị Hạng, tước quyền bào chữa của một luật sư trái pháp luật, tước quyền có luật sư của bị can”. Ngoài ra, ông Bình còn đề nghị Bộ Công an chỉ đạo xử lý tập thể cảnh sát tư pháp “lạm quyền, dùng vũ lực không cần thiết và có hành vi bắt giữ người trái pháp luật.”

Việc phiên tòa xử cáo buộc “Trốn thuế” đối với vợ chồng luật sư Trần Vũ Hải kéo dài đến 5 ngày gây tranh cãi trong giới luật sư. Luật sư Trần Vũ Hải và vợ là bà Ngô Tuyết Phương bị cáo buộc trốn thuế trong một vụ giao dịch mua bán đất ở thành phố Nha Trang. Luật sư Trần Vũ Hải cũng là người tham gia đại diện cho nhiều người dân mất đất và các nhà hoạt động ở Việt Nam trong những năm qua.

Cùng ngày, trả lời RFA, Luật sư Đặng Đình Mạnh, người cũng tham gia bào chữa cho ông Hải, phân tích:

“Vấn đề của vụ án này nằm ở chỗ quan điểm khác biệt nhau giữa bên công tố buộc tội và luật sư bào chữa mà thôi, chứ thật ra diễn biến sự việc rất đơn giản. Do đó, các luật sư đoán chừng chỉ khoảng hai ngày là đã quá dư dả thời gian để kết thúc việc xét xử sơ thẩm vụ án, nên đã đặt vé trở về nhà từ trước. Đến khi nghe thông tin vụ án kéo dài đến 5 ngày thì ai cũng chưng hửng, vì sự việc đâu có gì phức tạp mà kéo dài đến như vậy ?

Trong số 50 luật sư đến dự phiên tòa, ngoài số khoảng hai, ba luật sư thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên là đi lại khá gần, thì toàn bộ số luật sư còn lại đều ở rất xa : Hà Nội, TP.HCM, Đắc Lắc … Cho nên, trước diễn biến mới như vậy, thì các luật sư đang thảo luận để có phương án tốt nhất trong việc bào chữa, bảo vệ cho Luật sư Trần Vũ Hải trong phiên tòa xét xử.

Luật sư Đặng Đình Mạnh nói thêm rằng trong phần xét hỏi, cách Hội đồng xét xử gọi tên từng luật sư theo số thứ tự để mời luật sư tham gia “rất mất thời gian”.

Luật sư Đặng Đình Mạnh kể thêm:

“Đến khoảng giữa buổi chiều hôm 13/11, sau khi nhận được một tờ giấy từ bên ngoài chuyển vào, thì chủ tọa phiên tòa đột ngột tuyên bố nghỉ giải lao 5 phút. Sau đó, khi trở lại làm việc thì chủ tọa phiên tòa đã thay đổi trở lại cách gọi tên từng luật sư theo số thứ tự như trước. Bản thân tôi sau khi tham gia xét hỏi xong thì chất vấn ngay cách điều khiển phiên tòa làm mất nhiều thời gian này, nhưng chủ tọa phiên tòa đã trả lời lấp liếm rất phi lý. Cứ như tòa án đang cố ý kéo dài thời gian xét xử phiên tòa.”

Luật sư Đặng Đình Mạnh cũng cho biết thêm rằng do kẹt lịch bào chữa cho thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh trong phiên tòa dự trù diễn ra ngày 15/11 tại Tòa án tỉnh Nghệ An nên ông không thể theo đến cùng phiên tòa xử Luật sư Trần Vũ Hải.

Đề cập việc các phóng viên báo nhà nước ở Việt Nam cũng không được vào dự phiên tòa xử Luật sư Hải, Luật sư Đặng Đình Mạnh bình luận:

Khi phiên tòa khai mạc vào buổi sáng, thì tôi biết khá nhiều phóng viên báo chí trong nước đã không được vào trong khuôn viên tòa án để tác nghiệp. Tôi không biết rõ lý do của sự việc này, nhưng tôi nghĩ rằng, nếu phiên tòa được tiến hành xét xử theo tinh thần khách quan, vô tư và bảo đảm đúng quy định pháp luật thì nên để các phóng viên chứng kiến, đưa tin. Về phương diện xã hội, không phải chính các phóng viên là những người thực hiện việc giám sát tốt nhất hay sao?”

Gần 60 luật sư đăng ký bào chữa cho vợ chồng Luật sư Trần Vũ Hải tại phiên tòa nhưng tòa án chỉ cấp chứng nhận bào chữa cho 42 người trong số này. Đây được ghi nhận là kỷ lục về số lượng luật sư cùng tham gia bào chữa miễn phí cho một bị cáo và cũng là đồng nghiệp của họ.

Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa xác định: trong quá trình giao dịch, chuyển nhượng ngôi nhà cùng đất tại 78/40 đường Tuệ Tĩnh, thành phố Nha Trang, vợ chồng Luật sư Trần Vũ Hải cùng hai người khác đã có hành vi trốn thuế thu nhập cá nhân hơn 280 triệu đồng. Tuy nhiên, cáo trạng không nêu hành vi phạm tội của từng bị can.

Trước đó, vào ngày 2/7/2019, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa ra quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh khám xét nhà riêng cùng với văn phòng làm việc tại Hà Nội đối với Luật sư Trần Vũ Hải để điều tra về hành vi "Trốn thuế" liên quan đến một vụ mua bán đất đai ở Khánh Hòa.

Tuy nhiên, khi khám xét công an lại thu giữ luôn cả những tài liệu bao gồm hồ sơ vụ việc blogger Trương Duy Nhất của Đài Á Châu Tự Do, người được cho là đã bị mật vụ Việt Nam bắt cóc từ Thái Lan đưa về nước khi ông này đang xin quy chế tỵ nạn với Liên Hiệp Quốc vào hồi tháng 1 năm nay. Sự việc đã bị nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế lên án, yêu cầu Việt Nam phải điều tra, trả lời về vụ bắt cóc này. Luật sư Trần Vũ Hải lúc đó là luật sư đại diện cho ông Trương Duy Nhất. Sau cáo buộc trốn thuế, luật sư Trần Vũ Hải đã phải ngừng việc làm đại diện pháp lý cho blogger Trương Duy Nhất.

Dự kiến phiên tòa xử vợ chồng luật sư Trần Vũ Hải sẽ kéo dài 5 ngày.


Ben Ngô
RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad