|
Chí ít phát biểu này hợp tình hợp lý, nói có sách mách có chứng, là ghi nhận ban đầu của kinh tế gia kiêm nhà nghiên cứu độc lập Phạm Chi Lan:
Tôi hoàn toàn hiểu và rất tán thành những điều ông nói. Ông cũng đã có đọc cuốn “Tại Sao Các Quốc Gia Thất Bại Why The Nations Failed”, một số lần nói chuyện ở các nơi hoặc khi nói với doanh nghiệp thì ông cũng đã nhắc đến những điều rất cơ bản được nêu trong cuốn sách đó. Tôi nghĩ thủ tướng cũng đã thấy rõ vấn đề phải cải cách thể chế, ông nhắc lại 3 lần “thể chế, thể chế và thể chế” là hoàn toàn đúng.
Tiến sĩ Vũ Ngọc Xuân, giảng viên Đại Học Kinh Tế Quốc ở Hà Nội, nhận định ông thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang hướng tới chuyện “Dân giàu nước mạnh” :
Đây cũng là điều gây sự quan tâm của dư luận suốt thời gian qua. Dân giàu thì nước mới mạnh. Rõ ràng chính phủ nào, quốc gia nào cũng mong muốn người dân có thể có thu nhập ngày càng tăng hơn thì kinh tế ngày càng mạnh hơn.
Theo kinh tế gia Phạm Chi Lan, những điều ông thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói lúc này thực tế đã được đề cập nhiều lần từ lúc Việt Nam bắt đầu đổi sang nền kinh tế thị trường dưới trào 2 vị cố thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phân Văn Khải. Nói gần nói xa thì cải cách thể chế chẳng qua là để cho người dân và doanh nghiệp được quyền làm giàu bằng những lãnh vực mà luật pháp không cấm:
Hai ông Võ Văn Kiệt và ông Phan Văn Khải đã quan tâm đến vấn đề tư nhân khi Việt Nam bắt đầu đổi mới sang nền kinh tế thị trường. Chính vì ý thức được sự cần thiết các ông đã xây dựng được Luật Doanh Nghiệp. Năm nay là kỷ niệm đúng 20 năm Luật Doanh Nghiệp 1999 ra đời vào thời thủ tướng Phan Văn Khải, nhưng ý tưởng cải cách Luật Doanh Nghiệp cũ thành Luật mới theo tinh thần giải phóng cho dân và doanh nghiệp thì đã được khởi xướng từ thời ông Võ Văn Kiệt.
Trong thực tế, bà Phạm Chi Lan giải thích tiếp, Luật Doanh Nghiệp 1999 thực sự đã trao quyền tự do cho người dân, cho doanh nghiệp với tinh thần người dân và doanh nghiệp được quyền kinh doanh bất cứ lãnh vực gì mà Nhà Nước không cấm, và nếu cấm thì cũng không thể vượt qua Luật:
Những lãnh vực cấm là thông thường các nước khác đều cấm thôi, thí dụ phá rừng, khai thác tài nguyên thiên nhiên hay sản xuất vũ khí, thuốc nổ này khác. Còn tinh thần dựa vào dân cho dân phát triển, tham gia các hoạt động kinh tế để từ đó Nhà Nước giảm dần vai trò của mình đi, nhất là rút khỏi các lĩnh vực kinh doanh rồi sau đó rút khỏi những lãnh vực mang tính chất truyền thống như là các dịch vụ công và đầu tư hạ tầng chẳng hạn. Những cái đó càng ngày càng được triển khai mạnh mẽ hơn.
Những điều kinh tế gia Phạm Chi Lan lý giải chính là sự cải cách thể chế được mong đợi, nhưng chừng như chỉ được nghe nhiều về mặt lý thuyết, là nhận xét của tiến sĩ Vũ Ngọc Xuân:
Cải cách thể chế thì cũng nói đến rất nhiều rồi. Nói nhiều rồi thì bây giờ phải tạo thuận lợi cho khối tư nhân. Thế nhưng vấn đề bây giờ của Việt Nam vẫn là” phát triển kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa”...
Ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên vụ trưởng Vụ Nghiên Cứu, Ban Dân Vận Trung Ương đảng cộng sản Việt Nam, cho rằng kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa chỉ là sự đánh tráo khái niệm
Bây giờ người ta bắt đầu thấy sự phá sản của kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa và loay hoay, rón rén tuyên bố kinh tế tư nhân là quan trọng, kinh tế tư nhân đóng góp 40, 50% thu nhập quốc dân.
Ông Nguyễn Xuân Phúc cũng đã thừa nhận Luật Lệ và Nghị Định các thứ chồng chéo nhau, ràng buộc nhau và không tạo điều kiện thuận lợi cho tư nhân phát triển. Nhận thức ra như thế cũng là điều may nhưng đòi hỏi phải có luật. Người ta nói nếu không có luật lệ tử tế thì không thể làm giàu được.
Kinh tế tư nhân càng ngày càng chứng tỏ họ đi con đường đúng. Hai nữa, thực sự họ đã vươn lên trong những điều kiện rất khó khăn.
Dưới mắt nhà nghiên cứu độc lập Phạm Chi Lan, càng về sau này chính phủ càng chứng tỏ có sự cố gắng thúc đẩy cải cách nhiều hơn, tuy nhiên:
Nhưng cũng có một thời gian độ khoảng chục năm gần đây thì có ý tưởng trở lại là thúc đẩy khu vực Nhà Nước lên và trao cho Doanh Nghiệp Nhà Nước quá nhiều quyền, nhất là khi biến họ thành các tập đoàn kinh tế và cho phép kinh doanh đa ngành. Chủ trương đó làm cho Doanh Nghiệp Nhà Nước tràn sang rất nhiều lãnh vực và quá trình cổ phần hóa để rút dần hoạt động của những Doanh Nghiệp Nhà Nước khỏi những lãnh vực mang tính chất kinh doanh, tính chất thương mại thuần túy nó bị chậm lại.
Hệ qua là sau này đổi mới Doanh Nghiệp Nhà Nước rất chậm, số Doanh Nghiệp Nhà Nước thua lỗ, hoạt động không hiệu quả thì vẫn rất cao. Cả 12 dự án của Bộ Công Thương chẳng hạn, mà các doanh nghiệp tư nhân có thể làm được nhưng Nhà Nước lại ôm lấy để làm. Cả 12 dự án đó rốt cuộc bị thua lỗ rất nặng nề. Đến tận bây giờ tổng số lỗ của các dự án đó cũng vẫn còn treo đấy, trở thành gánh nặng của nền kinh tế.
Tình thế như vậy buộc thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thốt ra những lời lẽ hàm ý và xu hướng để cho dân, tức là cho tư nhân, được chủ động nhiều hơn trong việc làm ra của cải cho mình và cho đất nước:
Những năm gần đây thì Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình, việc tiếp cận các nguồn vốn ODA không dễ dàng nữa. Nhà Nước càng thấy là không có đủ nguồn lực và sẽ phải chuyển mạnh hơn nữa sang khu vực tư nhân.
Thủ tướng đã thấy rõ vấn đề phải cải cách thể chế, điều này thậm chí đã được nêu lên từ Đại Hội XI cách đây 9 năm rồi. Năm nay, trong Diễn Đàn Kinh Tế tháng Chín vừa rồi mà thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến dự thì một số chuyên gia nước ngoài đã nói rất rõ rằng yêu cầu cải cách thể chế là rất lớn nhưng quan trọng không kém là phải thực thi, hành động có thứ tư ưu tiên và tập trung giải quyết các vấn đề. Thủ tướng cũng tán thành những cách như vậy, nghĩa là luật pháp, chính sách và cơ chế thi hành thật tốt và phải có hành động thực tế.
Suy nghĩ đó vẫn có trong một số người, nhưng mà nói về thể chế thì trong các chính sách, pháp luật Việt Nam ban hành chưa có bất cứ đạo luật nào hoặc văn bản nào mà lại thể hiện cái sự ngần ngại đối với việc để cho dân làm giàu. Kể cả khi nói về xây dựng kinh tế thị trường theo thì lãnh đạo Việt Nam vẫn giải thích đó là xây dựng một xã hội Việt Nam dân giàu nước mạnh, tức vẫn đặt dân giàu lên trên nước mạnh, vẫn hiểu dân có giàu thì nước mới mạnh.
Chuyên gia Phạm Chi Lan
Được hỏi khi ông Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố là “đừng sợ dân giàu” thì phải chăng ông muốn xóa bỏ suy nghĩ của thể chế cộng sản rằng dân mà giàu lên thì Nhà Nước mất quyền lực, bà Phạm Chi Lan phản biện:Chuyên gia Phạm Chi Lan
Suy nghĩ đó vẫn có trong một số người, nhưng mà nói về thể chế thì trong các chính sách, pháp luật Việt Nam ban hành chưa có bất cứ đạo luật nào hoặc văn bản nào mà lại thể hiện cái sự ngần ngại đối với việc để cho dân làm giàu. Kể cả khi nói về xây dựng kinh tế thị trường theo thì lãnh đạo Việt Nam vẫn giải thích đó là xây dựng một xã hội Việt Nam dân giàu nước mạnh, tức vẫn đặt dân giàu lên trên nước mạnh, vẫn hiểu dân có giàu thì nước mới mạnh.
Cũng tại phiên thảo luận về Dự Luật Đầu Tư mà thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố thẳng quan điểm thị trường đừng sợ dân giàu, rằng quyền sở hữu , quyền tài sản được bảo vệ theo Hiến Pháp, nếu thủ tục thuận lợi và mang tính thị trường thì nước lên thuyền lên. Giảng viên Đại Học Kinh Tế Quốc Dân, tiến sĩ Vũ Ngọc Xuân, góp ý:
Nước lên thuyền lên là vì khi doanh nghiệp hay dân chúng có thu nhập tăng cao lên. Nhưng bây giờ vẫn có cái tâm lý e ngại của các doanh nghiệp là khi mà lớn lên trên mức vừa và nhỏ thì các cơ quan nhà nước lại nhũng nhiễu khó khăn.
Rõ ràng cách thức quản lý của Việt Nam vẫn còn bị ảnh hưởng cái thời thuế khóa tập trung, tức là cái gì không quản được thì cấm, cái gì không hiểu được là cấm. Cần phải xóa bỏ cái tâm lý không quản được là cấm.
Theo ông Nguyễn Khắc Mai, những lời này nghe hay nhưng chưa đủ làm an lòng giới đầu tư tư nhân vì:
Vẫn rụt rè, rón rén và không làm một cách công khai, minh bạch, không tạo ra một thể chế văn minh, nhân văn để cho người dân có quyền tiếp cận tín dụng, tiếp cận đất đai, tiếp cận khoa học kỹ thuật và công nghệ của các nước tiên tiến.
Thanh Trúc
RFA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét