Vẫn còn những dè dặt trong phát triển quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Sáu, 27 tháng 12, 2019

Vẫn còn những dè dặt trong phát triển quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ


Năm 2020, Việt Nam và Hoa Kỳ kỷ niệm 25 năm bình thường hóa quan hệ. Nhìn lại 25 năm qua, hai bên đã đạt được những bước tiến trong quan hệ trên nhiều lĩnh vực.

Hình minh họa. Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt tay Tổng Bí thư - Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng ở Hà Nội hôm 27/2/2019 trước Thượng đỉnh Mỹ - Bắc Hàn


Nhấp vào nút play (►) dưới đây để nghe

Tuy nhiên, vẫn còn những dè dặt từ cả hai phía. Đâu là cơ hội sắp tới cho hai nước, khả năng nâng cấp quan hệ hai nước thành đối tác chiến lược trong thời gian tới ra sao? Và liệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có đến thăm Mỹ vào năm tới? Đài Á Châu Tự Do phỏng vấn Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, nghiên cứu viên chính của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore về vấn đề này. Trước hết, nhận định về mối quan hệ hai nước trong 25 năm qua, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp cho biết:

Trong 25 năm qua kể từ Việt Nam và Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ vào năm 1995, quan hệ song phương nhìn chung phát triển khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó, trụ cột là kinh tế. Cho tới nay, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam ngoài EU. Mỹ cũng đang trở thành nhà đầu tư ngày càng quan trọng đối với Việt Nam. Mỹ cũng là nguồn cung cấp nhiều công nghệ cho Việt Nam thông qua các công ty đa quốc gia có nguồn gốc từ Mỹ. Trong lĩnh vực trao đổi về du lịch và giáo dục đào tạo cũng có những bước phát triển. Bên cạnh đó, hai nước cũng có những bước đi trong việc hợp tác chiến lược và quốc phòng. Nhìn tổng thể, tôi thấy vẫn có khía cạnh, lĩnh vực mà Việt Nam và Mỹ có thể làm được nhiều hơn, thúc đẩy nhiều hơn trong thời gian tới, đặc biệt là trong lĩnh vực quân sự, chiến lược.

Hình minh họa. Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Warren Christopher và Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm ký thỏa thuận thiết lập quan hệ ngoại giao ở Hà Nội hôm 5/8/1995 AP
Nếu nhìn lại thì chúng ta thấy là trong thời điểm 1995 khi Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Mỹ thì động lực lớn nhất của Việt Nam là kinh tế, phá vỡ thế bị bao vây, cô lập. Trong lĩnh vực kinh tế, có lẽ Việt Nam rất muốn khai phá thị trường Mỹ để phục vụ công cuộc mở cửa về kinh tế của Việt Nam sau giai đoạn ban đầu tương đối khó khăn kể từ năm 1986. Sau khi khai thông được với Mỹ thì xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng mạnh. Quan hệ với Mỹ cũng mở đường cho Việt Nam gia nhập WTO sau này.

25 năm trước thì kinh tế là động lực chính. Lúc này, dù kinh tế vẫn rất quan trọng và là trụ cột trong quan hệ song phương, nhưng động lực lớn hơn, theo tôi, là lĩnh vực quốc phòng. Năm 2013, Việt Nam và Mỹ đã ký thiết lập quan hệ đối tác toàn diện. Cho tới nay, hai bên đang cân nhắc việc nâng cấp quan hệ lên thành đối tác chiến lược. Một khi nâng lên thành đối tác chiến lược thì các hợp tác trong lĩnh vực an ninh quốc phòng, chiến lược sẽ được chú trọng hơn. Tôi cho rằng đây là một điều tốt cho cả hai nước Việt Nam và Mỹ trong bối cảnh Mỹ đang cần củng cố mạng lưới đồng minh và đối tác an ninh ở khu vực.

Để cân bằng lại mối quan hệ với Trung Quốc, Việt Nam cũng cần quan hệ với Mỹ để chống lại sức ép của Trung Quốc ở Biển Đông.

Tuy nhiên, cho đến nay dù hai bên có những động lực lớn như vậy, nhưng các bước tiến triển trong hợp tác an ninh, quốc phòng tương đối dè dặt. Vì vậy, tôi cho rằng đây cũng là một lĩnh vực tiềm năng mà hai bên có thể tập trung phát triển trong thời gian tới một khi các trở ngại dần dần được tháo gỡ.

RFA: Ông nói đến những dè dặt, vậy những dè dặt này là gì và đến từ phía nào?

TS. Lê Hồng Hiệp: Theo tôi, sự dè dặt này đến nhiều hơn từ phía Việt Nam. Tất nhiên cũng có những vấn đề từ phía Mỹ nữa. Tôi nghĩ là do Việt Nam phải giữ được thế cân bằng trong quan hệ với Trung Quốc và Mỹ. Chính vì vậy, Việt Nam dường như e sợ là nếu phát triển quan hệ với Mỹ, đặc biệt trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng quá nhanh, quá xa, thì có thể làm mất cân bằng chiến lược với Mỹ và Trung Quốc, và có thể tạo ra những lý do để Trung Quốc có lý do để gia tăng sức ép lên Việt Nam, đặc biệt là trên hồ sơ Biển Đông. Chính vì vậy, Việt Nam một mặt muốn tăng cường quan hệ với Mỹ. Mặt khác lại muốn thực hiện các bước đi này với tốc độ vừa phải, khiến các lãnh đạo Việt Nam thoải mái, yên tâm, ngăn ngừa triển vọng là Việt Nam bị mắc kẹt trong cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc.

Ngoài ra còn có một lý do khác cũng tương đối quan trọng nhưng đang giảm dần vai trò. Đó là sự khác biệt về ý thức hệ. Trong thời gian dài, một số thành phần trong Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn coi Mỹ là một mối đe dọa không phải đối với an ninh quốc gia, mà đối với an ninh của chế độ. Vẫn có lập luận về diễn biến hòa bình từ các “thế lực thù địch”. Nhiều người vẫn hiểu đó là đến từ Hoa Kỳ.

Hình minh họa. Tổng thống Mỹ Barack Obama bắt tay Chủ tịch Trương Tấn Sang ở Nhà Trắng hôm 25/7/2013 AFP
Năm 2013, sau khi thiết lập quan hệ đối tác toàn diện Việt Mỹ, Việt Nam muốn Hoa Kỳ đưa vào tuyên bố chung một câu là hai bên sẽ tôn trọng hệ thống chính trị của nhau. Hàm ý là Mỹ sẽ không can thiệp vào hệ thống chính trị của Việt Nam và lật đổ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Kể từ đó, câu này thường xuyên được lặp đi lặp lại trong các tuyên bố chung giữa hai bên. Nó xoa dịu phần nào những nỗi lo từ phía các lãnh đạo Việt Nam. Tuy nhiên, ở một mức độ nào đấy, nó vẫn còn có tác động nhất định về nhận thức của Việt Nam về Mỹ cũng như về các đường hướng, tốc độ phát triển quan hệ song phương trong thời gian tới.

RFA: Đảng Cộng sản Việt Nam hiện vẫn duy trì chính sách “đối tác” và “đối tượng” trong quan hệ với các nước, trong đó “đối tượng” là nói về các “thế lực thù địch”. Theo ông, Việt Nam coi Mỹ là “đối tác” hay “đối tượng”. Chúng ta hiểu thế nào về chính sách này trong mối quan hệ giữa hai nước?

TS. Lê Hồng Hiệp: Cặp phạm trù “đối tác” và “đối tượng” được áp dụng cho tất cả các mối quan hệ của Việt Nam với các đối tác, không chỉ với Mỹ mà còn có thể cả với Trung Quốc, Nga và EU. Tại vì trong quan hệ song phương, luôn tồn tại hai mặt. Một mặt là những điểm đồng về lợi ích, mặt khác là những khác biệt. Khi có những điểm đồng thì Việt Nam sẽ coi nước đấy là đối tác hợp tác. Khi có những điểm khác biệt thì Việt Nam sẽ coi nước đây là “đối tượng” để đấu tranh.

Trong quan hệ với Mỹ cũng vậy, có những điểm đồng như là lợi ích về mặt chiến lược, kinh tế. Có những khác biệt như về ý thức hệ, giá trị, nhân quyền. Chính vì vậy, Việt Nam vẫn duy trì cách tiếp cận này. Điều quan trọng là cái nào lớn hơn, vai trò của “đối tác” lớn hơn hay “đối tượng lớn hơn”.

Trong quan hệ của Việt Nam với Mỹ thì khía cạnh “đối tác” càng ngày càng lớn hơn, trong khi khía cạnh “đối tượng” càng ngày càng giảm đi. Tuy nhiên, sự cân bằng giữa hai mặt này sẽ thay đổi theo thời gian. Có thể có lúc tăng mặt này, lúc tăng mặt kia. Tuy nhiên, theo tôi, xu hướng trong tương lai sự song trùng về mặt lợi ích của hai bên, hay nói cách khác là vai trò của Mỹ như một đối tác hợp tác của Việt Nam sẽ tăng lên, không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, mà còn cả trong tính toán chiến lược của Việt Nam. Nó sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ ngày càng phát triển, đặc biệt trên lĩnh vực an ninh chiến lược.

RFA: Đã có nhiều dự đoán về việc nâng cấp quan hệ hai nước thành đối tác chiến lược vào năm nay khi có thông tin về chuyến đi của Tổng Bí thư  – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tới Mỹ, nhưng không thành. Ông đánh giá thế nào về khả năng một chuyến thăm như vậy vào năm tới, nhất là trong bối cảnh Mỹ đang chuẩn bị cho kỳ bầu cử Tổng thống tới?

TS. Lê Hồng Hiệp: Tôi cũng được tin là chuyến thăm dự kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tới Mỹ) sẽ diễn ra trong mùa hè vừa rồi. Tuy nhiên, do sự cố sức khỏe của ông Trọng, nên chuyến đi không được thực hiện. Có thể là chuyến đi vẫn trong kế hoạch nhưng người ta vẫn chưa xác định được thời điểm nào là phù hợp để thực hiện chuyến đi, tại vì vấn đề sức khỏe của ông Trọng chưa được giải quyết hoàn toàn. Chuyến đi Mỹ thì dài mà chuyến bay lâu nên người ta không muốn xảy ra rủi ro, đặc biệt trong bối cảnh mà Việt Nam chuẩn bị tổ chức đại hội Đảng vào đầu năm 2021. Ưu tiên về mặt đối nội sẽ cao hơn về mặt đối ngoại.

Hình minh họa. Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Hội nghị APEC ở Đà Nẵng hôm 10/11/2017 AP 
Tương tự như vậy, bên phía Hoa Kỳ, năm tới cũng là năm bầu cử và lịch trình của ông Trump cũng sẽ rất bận rộn. Vì vậy, những mối quan tâm đối với các vấn đề đối ngoại, trong đó có quan hệ với Việt Nam sẽ giảm xuống. Chính vì vậy mà khả năng diễn ra chuyến thăm của ông Trọng trong năm 2020 vẫn còn nhưng thấp hơn.

Năm tới Việt Nam sẽ là nước Chủ tịch luân phiên của ASEAN. Sẽ có những cuộc họp trong khuôn khổ của ASEAN và các đối tác diễn ra ở Việt Nam. Nếu phía Mỹ muốn và Việt Nam sẵn sàng thì cũng có khả năng ông Trump sẽ sang thăm Việt Nam để dự các cuộc họp liên quan đến ASEAN và đồng thời thăm song phương Việt Nam. Đồng thời đó cũng là dịp phù hợp để thúc đẩy quan hệ song phương.

Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý là khả năng này còn hạn chế. Ông Trump đã từng thăm Việt Nam năm 2017. Về mặt nguyên tắc ngoại giao có đi có lại, các lãnh đạo Việt Nam nên thăm Hoa Kỳ. Ít khi xảy ra trường hợp Tổng thống Mỹ sang thăm Việt Nam hai lần liên tục như vậy.

RFA: Theo ông, vấn đề nhân quyền sẽ đóng vai trò thế nào trong quan hệ hai nước trong thời gian tới?

TS. Lê Hồng Hiệp: Lâu nay vấn đề nhân quyền trong quan hệ Việt Nam có xu hướng cản trở quan hệ song phương. Tuy nhiên, chúng ta phải nhìn nhận là từ phía Mỹ có sự không nhất quán. Một mặt, phía chính quyền thường xuyên thúc đẩy quan hệ, và có xu hướng xem nhẹ vấn đề nhân quyền. Tuy nhiên, phía Quốc hội lại nhấn mạnh hơn tới vấn đề nhân quyền. Cho nên vấn đề nhân quyền có tác động tới đâu trong quan hệ song phương còn tùy thuộc nhiều hơn vào tiếng nói của Quốc hội.

Hình minh họa. Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper tại Hà Nội hôm 20/11/2019 AP
Dưới thời của ông Trump, chúng ta thấy là tiếng nói của Quốc hội vẫn còn nhưng có vẻ suy yếu đi so với trước đây. Có thể là điều này xuất phát từ việc chính quyền Trump coi trọng hợp tác kinh tế nhiều hơn. Trong khi đấy, bên phía Quốc hội có nhận thức là Việt Nam có vai trò ngày một lớn trong việc hỗ trợ Hoa Kỳ không những về thương mại đầu tư, mà còn về quan hệ chiến lược, đặc biệt trong bối cảnh lưỡng đảng ở Quốc hội muốn kiềm chế Trung Quốc trong vấn đề chiến lược. Họ nhìn thấy vai trò của Việt Nam trong tính toán đó. Có lẽ đây là nhân tố khiến cho phía Nhà Trắng và Quốc hội dường như đã giảm nhẹ tầm quan trọng của vấn đề nhân quyền trong quan hệ song phương. Chính vì vậy, tôi nghĩ là trong giai đoạn này và sắp tới, nếu chiến lược của Mỹ với Trung Quốc tiếp tục được duy trì thì có lẽ vấn đề nhân quyền sẽ tiếp tục bị xem nhẹ trong quan hệ hai nước. Vì vậy sẽ có bớt đi một rào cản trong quan hệ hai nước.

RFA: Về quan hệ kinh tế, Tổng thống Trump từng gọi Việt Nam là nước lạm dụng Mỹ tồi tệ nhất. Việt Nam xuất siêu mỗi năm khoảng hơn 20 tỷ đô là vào thị trường Mỹ. Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nguy cơ bị đưa vào danh sách các nước thao túng tiền tệ. Theo ông, điều này ảnh hưởng thế nào tới quan hệ hai nước sắp tới? Việt Nam đã làm gì để giải quyết vấn đề này?

TS. Lê Hồng Hiệp: Chính quyền Trump không chỉ đe dọa Việt Nam mà còn cả các đối tác khác, bao gồm cả đồng minh của Mỹ. Chính vì vậy, chúng ta phải thấy là Việt Nam không bị tách ra một chỗ để o ép. Đây là chiến lược chung của Mỹ để làm sao thu hẹp thâm hụt thương mại của Mỹ và mang lại nhiều việc làm cho người lao động Mỹ.

Việt Nam là nước xuất siêu sang Mỹ, nên chúng ta cũng thấy dễ hiểu tại sao Mỹ gây áp lực lên Việt Nam, yêu cầu Việt Nam giải quyết các mối quan tâm của Mỹ. Tôi cho rằng, các hành động của Mỹ trong đó có việc liệt Việt Nam vào danh sách phải theo dõi các nước thao túng tiền tệ, hay ông Trump gọi Việt Nam là nước lạm dụng Mỹ tồi tệ nhất, có thể nằm trong chiến lược ấy, để gây sức ép lên Việt Nam, khiến Việt Nam phải có những bước đi nhượng bộ cho Mỹ.

Chúng ta thấy là thời gian qua, Việt Nam cũng tích cực giải quyết những quan ngại của Mỹ, đặc biệt là về vấn đề xuất siêu. Chúng ta thấy là Việt Nam đã nhập nông sản của Mỹ nhiều hơn, hoặc nhập khí hóa lỏng (LNG) của Mỹ cho các nhà máy điện. Các biện pháp này giúp làm giảm thâm hụt của Mỹ. Cũng có thể có khả năng Việt Nam sẽ mua vũ khí của Mỹ, mặc dù điều này vẫn đang được đàm phán. Theo tôi, các biện pháp của Mỹ đối với Việt Nam trong thời gian tới là nhằm tạo sức ép lên Việt Nam, tạo lợi thế đàm phán cho Mỹ với Việt Nam. Thực tâm tôi không nghĩ Mỹ muốn trừng phạt Việt Nam hay muốn làm Việt Nam suy yếu, đặc biệt trong bối cảnh Mỹ muốn Việt Nam ngày càng mạnh lên, có tiếng nói và vai trò độc lập trong khu vực để giúp Mỹ đối trọng lại với Trung Quốc, đặc biệt là trong vấn đề ở Biển Đông.

RFA: Cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn


Lê Hồng Hiệp
RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad