“Mây đen tiếp tục kéo về trên kinh tế toàn cầu với tăng trưởng kinh tế và lưu lượng thương mại thấp hơn dự kiến cho năm 2019.
“Tuy nhiên, mặt trời vẫn tỏa nắng ở nền kinh tế Việt Nam với dự báo tăng trưởng khoảng 6,8% trong năm 2019 - chỉ thấp hơn 0,3 điểm phần trăm so với năm 2018.”
Ngân hàng Thế giới nói Việt Nam dự kiến có mức tăng trưởng vượt Trung Quốc trong năm 2019 dù kém Cam Pu Chia. Tăng trưởng trung bình của thế giới năm 2019 được dự đoán ở mức 2.6% và mức của các thị trường mới nổi là 4%.
Lạm phát ở Việt Nam cũng được cho là chỉ ở con số 3% so với mức tăng lương trên 10% cho những người làm trong khu vực công. Nợ công còn 56% tổng sản phẩm quốc nội so với mức gần 64% của năm 2016 và đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt ba tỷ đô la mỗi tháng.
Như vậy ông Trọng trích dẫn không có gì sai, chỉ là World Bank có vẻ hơi quá lời trong cách khen ngợi một đất nước mà trình độ phát triển còn thua xa so với thế giới. Nó cũng giống như khen đứa trẻ vị thành niên sao cao nhanh thế, nhưng mà đứa bé đó vẫn chưa là người lớn.
Ông Trọng cũng có ý nhận công về mình khi nói rằng ông giao cho Chính phủ của ông Nguyễn Xuân Phúc phải đạt mức tăng trưởng 7% hồi đầu năm và cuối cùng đã đạt được dù lúc đầu ông Phúc nói đó là chỉ tiêu quá cao.
Nhưng cũng có những điều cảnh báo của Ngân hàng Thế giới mà không biết ông Trọng có để ý.
Ngân hàng nói xuất khẩu của Việt Nam trong chín tháng đầu năm chỉ đạt trên 8%, tức bằng một nửa mức của chín tháng đầu năm 2018. Đáng lo hơn là mức tăng trưởng đó có phần do việc chuyển hướng xuất khẩu của Trung Quốc sang Việt Nam trong bối cảnh căng thẳng Trung – Mỹ. Nếu chỉ tính các thị trường ngoài Mỹ, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong chín tháng đầu năm chỉ còn chưa tới 4%. Xuất khẩu gạo thậm chí còn giảm 10% và xuất khẩu cà phê giảm trên 20%.
Về mặt chi ngân sách, Việt Nam chi trả nợ tới 22% tổng thu, mức gấp đôi so với sáu năm trước và được đánh giá là “tương đối cao so với chuẩn mực quốc tế”.
Trong khi đó tỷ lệ thu từ thuế của Việt Nam đã giảm từ mức 23% tổng sản phẩm quốc nội xuống còn 18% trong năm 2018, phần nhiều do các cam kết quốc tế về giảm thuế xuất nhập khẩu.
Ngay cả trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài, số vốn đầu tư cho các dự án mới tiếp tục giảm dù vốn trong các dự án có sẵn vẫn tăng và lần đầu đạt mức trên một tỷ đô la tăng vốn mỗi tháng.
Triển vọng phát triển về trung hạn của Việt Nam được Ngân hàng Thế giới dự đoán:
“Triển vọng trung hạn […] vẫn có một số rủi ro theo hướng suy giảm cả từ trong nước và bên ngoài.
“Nhìn từ trong nước, chậm trễ trong triển khai những cải cách cơ cấu có thể làm cho viễn cảnh tăng trưởng trung hạn trở nên xấu đi.
“Chương trình cổ phần hóa và tái cơ cấu [doanh nghiệp nhà nước], sau khi được khởi đầu đầy hứa hẹn vào năm 2017 đã bị chững lại đáng kể trong những tháng qua.
“Nhìn từ bên ngoài, tranh chấp thương mại giữa các nền kinh tế lớn có thể ảnh hưởng xấu đến đà xuất khẩu trong ngắn hạn, trong khi đó nền kinh tế Việt Nam vẫn dễ bị ảnh hưởng nếu nền kinh tế toàn cầu tiếp tục suy giảm, qua các kênh thương mại và đầu tư.
“Sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài có thể nguội đi khi nhiều nhà đầu tư có thể đình hoãn hoặc hủy dự án. Nếu cả xuất khẩu và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài […] đều chững lại, nền kinh tế Việt Nam có thể mất đi động lực tăng trưởng chính.”
Như vậy có thể thấy dù kinh tế Việt Nam không đến nỗi nào trong 2019, nhìn tổng thế, Việt Nam cũng chưa có gì đáng tự hào khi thu nhập bình quân đầu người còn chưa cán mốc 3.000 đô la, mức có thể nói là tương đối tệ hại.
Nguyễn Hùng
Blog VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét