Nếu không thay đổi cái đầu của chính mình, cho dù chụp được chiếc mũ sặc sỡ nào khác lên đầu, liệu có gì khác biệt?
Nếu trước kia “thần chú” này chỉ được các chính trị gia, doanh nhân, hay những người “làm chuyện lớn” khắc cốt ghi tâm, thì ngày nay nó đã trở thành slogan quen thuộc của tất cả những ai muốn tự tay làm chủ vận mệnh của bản thân.
Từ tương đương với khủng hoảng trong tiếng Hoa, “nguy cơ”, cũng mang nghĩa tương tự. Trong mọi mối nguy người ta luôn có cơ hội để thoát khỏi nó, thay đổi theo hướng tốt đẹp hơn.
Bản thân chữ “crisis” (khủng hoảng) của tiếng Anh có nghĩa gốc chỉ “thời điểm quyết định sự thay đổi của một căn bệnh” – nó sẽ diễn tiến tốt hơn hoặc xấu đi.
“Khủng hoảng” vì vậy là một từ rất thích hợp để diễn tả hoàn cảnh hiện tại của cơn đại dịch virus corona Vũ Hán (được các chuyên gia gọi tắt là “2019-nCoV”, chủng virus corona mới của năm 2019).
Số lượng người bị lây nhiễm và thiệt mạng vì con virus không ngừng tăng lên, trong khi các chuyên gia cảnh báo đại dịch này vẫn chưa lên tới đỉnh điểm của nó.
Dễ hiểu vì sao khắp nơi trên thế giới đều căng thẳng trước thông tin của con virus, đặc biệt là người dân ở những nước ngay sát ổ dịch như Việt Nam.
Con virus nCoV sẽ lây lan theo cấp số cộng, số nhân hay cấp lũy thừa là chuyện chưa ai biết chắc, nhưng thông tin thất thiệt ăn theo với nó thì đang lan truyền với tốc độ chóng mặt.
Những ngày qua dân mạng sốt hầm hập với việc thông tin các chuyến bay từ Vũ Hán đến Việt Nam vẫn xuất hiện, bất chấp lệnh phong thành trước đó đối với thành phố này. Các thuyết âm mưu về việc cho người từ Vũ Hán “bay lậu” qua Việt Nam được đồn thổi lên hừng hực khắp các diễn đàn.
Các cư dân mạng sôi sùng sục, vừa giận dữ vừa lo lắng. Ngay cả khi đã có thông tin xác nhận đó là các chuyến bay rỗng chỉ đưa phi hành đoàn và máy bay về để sử dụng, nhiều người vẫn còn bán tin bán nghi.
Thông tin về trường hợp một bệnh nhi tử vong vào đầu tháng 1/2020 ở Khánh Hòa vì “virus corona” cũng lan truyền khắp nơi trong vài ngày qua. Người đọc giận dữ cho rằng chính quyền ém nhẹm thông tin vụ việc.
Đến khi có xác nhận rằng bệnh nhi trên không may tử vong do một chủng virus khác, vốn phổ biến từ lâu, không phải do loại virus đột biến mới từ Vũ Hán, nhiều người lan truyền tin tức đó vẫn bất chấp và… tiếp tục truyền tin đi xa.
Nhiều nhất trong ma trận hỗn loạn là thông tin về số ca lây nhiễm trên thực tế. Đâu cũng truyền đi hình ảnh và “tin nội bộ” về số ca nhiễm bệnh “trên thực tế”, mỗi “nguồn” mỗi phách và vượt xa con số chính quyền công bố.
Liệu có cách nào thoát khỏi ma trận thật giả lẫn lộn này?
Trước hết phải khẳng định rằng tất cả người dân đều có quyền được biết thông tin.
Thông tin, cùng với đó là tri thức, là thứ tài nguyên mà nếu để người dân thiếu hụt, đó chắc chắn là lỗi của chính quyền.
Nói cách khác, chính quyền để người dân thiếu hụt thông tin cũng không khác gì chính quyền để người dân thiếu không khí sạch, thiếu nước, thiếu ăn, thiếu nhà ở – đó là thứ chính quyền yếu kém phải bị phế bỏ.
Vậy nên trong những trường hợp hỗn loạn thông tin thật giả, trách nhiệm phần lớn là từ phía chính quyền: họ hoặc không đủ năng lực, hoặc không đủ trách nhiệm, hoặc thiếu cả hai.
Nhưng nói như vậy không có nghĩa rằng mọi lá bài đều nằm trong tay chính quyền.
Mỗi người chúng ta đều cầm bài trong tay mình, và đều chịu trách nhiệm về những lá bài đó.
Cho dù sống trong chế độ độc tài, ngày nay với sức mạnh của Internet, của công nghệ trong tay, những lá bài của từng người cho dù không phải là “tứ quý” hay ‘ba đôi thông” thì cũng có sức mạnh đáng kể trong việc quyết định dòng chảy của thông tin.
Mỗi người đều có thể tạo ra, có thể lan truyền, có khả năng xác nhận hoặc phủ nhận thông tin.
Giống như chính quyền, chúng ta cũng phải có trách nhiệm với những lá bài của mình.
Và giống như quy tắc cơ bản đầu tiên khi chơi bài – không ai được phép gian lận – chúng ta cũng không có quyền tạo ra tin vịt, cho dù với bất kỳ lý do hay lý tưởng thần thánh nào.
So với khoảng hơn một thập niên trước, ngày nay ý thức về nguồn tin, về sự cần thiết phải kiểm chứng xác nhận tin tức đã tăng lên đáng kể.
Thay vì chỉ đơn giản chia sẻ tin tức, giờ đây chúng ta đã thấy nhiều bài viết trên mạng xã hội có gắn theo câu đầu đề “tin chưa kiểm chứng”, không mặc định để người đọc tin rằng đó là “tin thật 100%”.
Đó là điều đáng mừng, nhưng chỉ là một bước tiến bộ rất nhỏ.
Lý do giản dị vì ai cũng nghĩ rằng … ai đó sẽ kiểm chứng giùm mình.
“Ai đó” chứ không phải mình.
Còn bản thân mình, đã rất có trách nhiệm gắn cái mác “chưa kiểm chứng” kia rồi, vẫn tiếp tục chia sẻ tin tức vô tội vạ.
Chúng ta vô tư hài lòng với vai trò “công dân có trách nhiệm một cách hữu hạn”.
Tất nhiên, không phải ai cũng có điều kiện để kiểm chứng xác thực.
Có những thông tin chỉ cần một chút kiến thức tin học, một chút vốn tiếng nước ngoài là có thể ngay lập tức tự kiểm tra thật giả. Có những thông tin khác cần phải bỏ rất nhiều thời gian điều tra phân tích cẩn thận. Lại có những thông tin thuộc dạng “lưu hành nội bộ”, cần phải có các mối quan hệ nhất định để xác thực.
Đây chính là lý do vì sao tự do báo chí, cùng với sự phát triển của một nền báo chí độc lập, lại quan trọng đến như vậy.
Không có tự do thông tin, không có báo chí độc lập, người dân bị nhốt trong chiếc lồng của thể chế độc tài công an trị, chen lấn vẫy vùng trong một đống thông tin hỗn loạn nham nhở.
Không có báo chí độc lập, toàn bộ thông tin đều bị nhà nước độc quyền. Người dân phải sống nhờ vào lòng hảo tâm của những người vốn dĩ ăn lương của mình. Họ không có quyền tự quyết vận mệnh của chính mình.
Vậy nên đó phải là đòi hỏi tiên quyết cơ bản của người dân: yêu cầu phải có tự do và minh bạch về thông tin.
Thay vì lãng phí thời gian để lan truyền và chia sẻ những tin tức “chưa kiểm chứng”, việc tất cả mọi người cần làm là yêu cầu chính quyền phải cung cấp thông tin đầy đủ, rõ ràng, thường xuyên và liên tục.
Trong cuộc khủng hoảng dịch cúm này, cũng như trong sự kiện tấn công làng Đồng Tâm vào đầu tháng 1/2020 vừa qua, nhiều người đã bỏ ra vô số nguồn lực và thời gian để “làm giúp” công việc của chính quyền: lan truyền tin đồn, bỏ công phân tích suy luận các khả năng khác nhau, hăng say tranh luận về mức độ “hợp lý” của những thông tin không biết từ đâu ra, v.v.
Trong khi đó, “con voi chình ình trong phòng” – trách nhiệm của chính quyền trong việc giải trình sự thật – lại bị nhiều người gạt qua một bên.
Điều tệ hơn là trong khi không tập trung công sức lôi con voi to đùng đó ra khỏi chỗ núp của mình, nhiều người lại còn nhiệt tình tạo ra những con gà con vịt chạy lung tung nháo nhác khắp nơi.
Những thứ tin gà tin vịt trên là món quà vô giá cho các chính quyền độc tài – chúng chỉ chờ có vậy để tăng cường bóp nghẹt tự do thông tin, hợp lý hóa cho sự độc quyền chuyên chế của mình.
Rất nhiều người Việt Nam tự hào rằng mình không bị nhiễm thứ “virus cộng sản” – vốn là đại diện cho dối trá, tham lam và độc ác.
Đích thực là những người đã bị nhiễm thứ virus cộng sản đó sẽ rất khó để thay đổi.
Trong đại dịch lần này, vài ngày qua đã có nhiều người Trung Quốc công khai lên tiếng chỉ trích chính quyền Vũ Hán, thậm chí yêu cầu các vị quan chức tại đây từ chức.
Mũi dùi của họ, giống như trong mọi cuộc khủng hoảng lớn nhỏ trong nhiều thập niên qua ở Trung Quốc, chỉ dừng lại ở cấp độ chính quyền địa phương.
Họ không nhìn ra được, hay cố tình không chịu nhận ra, hoặc có thể không dám thừa nhận, rằng bản chất của thể chế độc tài mới là nguồn cơn cho các cuộc khủng hoảng mà trong tuyệt đại đa số trường hợp, nếu thông tin không bị bưng bít che giấu, nó đã không xảy ra.
Không thay đổi thể chế, không cởi trói quyền tự do tiếp cận thông tin của người dân, không đảm bảo sự độc lập của báo chí, không trả lại quyền lực giám sát về tay người dân, những cuộc khủng hoảng vẫn sẽ tiếp tục xảy ra, với số lượng và mức độ tàn phá càng ngày càng tăng.
Những người nhiễm virus cộng sản có lẽ không bao giờ nhìn ra được bản chất vấn đề đó.
Nhưng virus cộng sản không phải là thứ bệnh hoạn duy nhất trên đời.
Chúng ta, những người tự hào rằng mình không bị nhiễm virus cộng sản, không thể cho phép mình nhiễm những con virus quái gở biến thái khác.
Chúng ta không thể vô tư nói dối, nói giả, hoặc nói những thứ “chưa kiểm chứng”, để rồi tự huyễn hoặc rằng mình “khác với bọn độc tài giả dối” (!).
Chúng ta không thể dựa vào những thông tin mới chớm nở chưa xác nhận kiểu dịch bệnh này lan từ dơi, đã vội nhảy ỏm tỏi vào lăng mạ toàn bộ người Trung Quốc là “dân tộc man rợ”. Ngay cả khi nguồn bệnh đó được xác nhận là thật, nếu ai đó hỏi về các loại bệnh mà người mắc phải từ bò điên, heo tả, gà cúm hay chó dại, ta sẽ phải biện hộ thế nào về sự “văn minh” của mình?!
Ta cũng không thể cười khoái trá trước những “lời chúc” rằng dân Trung Quốc nên “chết bớt đi”, mà vẫn tự hào rằng mình “khác với đám Tàu cộng độc ác đó” (!).
Lần sau khi dịch bệnh xuất phát từ Việt Nam, một khả năng hoàn toàn không xa vời, liệu ta có còn mạnh miệng “nhốt hết”, “chết bớt đi” đối với những người không may trở thành nạn nhân? Liệu ta có gật gù tri ân khi những quốc gia xung quanh lập tức phong tỏa đuổi hết người Việt về nước?
Không mang virus cộng sản trong người, nhưng vẫn giữ cái thói dối trá, ác độc, ích kỷ, tùy tiện trong tư duy lẫn hành động, thế thì có gì đáng tự hào?
Cộng sản, tư sản, phụ sản hay nam sản thực chất đều chỉ là những cái mũ tự chụp vào đầu.
Nếu không thay đổi cái đầu của chính mình, cho dù chụp được chiếc mũ sặc sỡ nào khác lên đầu, liệu có gì khác biệt?
Và nếu không thay đổi, chính ta, chứ không phải bất kỳ ai khác, đang tiếp tay cho những kẻ độc tài, dù là sản này hay sản khác, tiếp tục đày đọa dân tộc này, hủy hoại tương lai của những đứa trẻ trên mảnh đất này.
© Y Chan
Luật Khoa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét