Virus corona Vũ Hán : Nở rộ các đồn đoán và thuyết âm mưu trên internet - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Tư, 29 tháng 1, 2020

Virus corona Vũ Hán : Nở rộ các đồn đoán và thuyết âm mưu trên internet


Một biến thể của thuyết âm mưu này là Cục Tình Báo Trung Ương Mỹ - CIA có kế hoạch gây mất ổn định chế độ Trung Quốc. Qua việc virus lây lan, các cơ quan tình báo Mỹ có thể hy vọng là các chuyến bay quốc tế tới Trung Quốc sẽ bị hủy bỏ và điều này làm cho chế độ Bắc Kinh bị cô lập.

Một nhân viên mặc bảo hộ phòng chống lây nhiễm virus tại một bến tàu điện ngầm ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 27/01/2020 REUTERS/Carlos Garcia Rawlins

Virus corona do CIA tung ra để gây bất ổn tại Trung Quốc, chính quyền Bắc Kinh chủ ý cho virus lan truyền để làm xẹp phong trào phản kháng tại Hồng Kông, « xóa sổ » người Duy Ngô Nhĩ, các tập đoàn dược phẩm cho phát tán virus để bán được vac-xin… Mỗi khi có một sự kiện lớn trên thế giới, thì lại có nhiều đồn đoán vô căn cứ, thậm chí cả thuyết âm mưu nở rộ trên mạng xã hội, trái ngược với những thông tin chính thống. Và virus corona Vũ Hán Trung Quốc không phải là một ngoại lệ. Sau đây là một số tin đồn.

1- Các phòng thí nghiệm dường như muốn bán vac-xin

Một cư dân mạng viết cho nhật báo Pháp Le Parisien nói rằng có những tài liệu bí hiểm đang được « lưu hành » đề cập đến « một loại virus do Hoa Kỳ tạo ra ». Đồng thời, người này khẳng định – mà không cần chứng minh – đang có một loại vac-xin kháng được virus nói trên, thậm chí, vac-xin này « hết hạn sử dụng vào ngày 23/01/2020 ».

Một người khác trên mạng xã hội Twitter tin chắc rằng các tập đoàn dược phẩm lớn sẽ hái ra tiền với loại virus corona. Thế rồi, một người thứ ba đặt câu hỏi : Tập đoàn dược phẩm nào tung ra virus này ? Thông tin và tranh luận giữa các cư dân mạng này đều hướng tới việc dường như có một phòng thí nghiệm chủ ý tung ra và cho lây truyền virus nhằm kiếm tiền qua việc bán vac-xin.

Thực ra, theo giới chuyên gia, cho đến lúc này, chưa có một loại vac-xin nào chống được virus corona. Các nhà khoa học và chuyên gia cần có thời gian để bào chế được loại vac-xin hiệu quả. Khó mà có thể tưởng tượng được là vào lúc này, một tập đoàn dược phẩm nào đó lại có thể đưa ra thị trường vac-xin chống virus corona.

Theo giáo sư Yazdan Yazdapanah, trưởng khoa nhiễm khuẩn, bệnh viện Bichat, Paris, được báo Le Parisien trích dẫn, « thật là ảo tưởng khi nghĩ rằng sẽ có một vac-xin chống được dịch bệnh này, nhưng dịch bệnh hiện nay có thể là cơ hội để tạo ra được những bước tiến quan trọng ».

2- Virus có thể thoát ra từ một phòng thí nghiệm

Tuần trước, một cư dân mạng tự giới thiệu là một nhà phân tich « không chuyên » về các loại bệnh lây nhiễm, cho rằng súc vật bán ở chợ Vũ Hán bị nghi gây ra dịch bệnh này. Vậy phải chăng là do phòng thí nghiệm virus học ở Vũ Hán chủ ý gây « sự cố » vào tháng trước, phát tán các tác nhân gây bệnh ?

Tin đồn này xuất phát từ một thực tế : Tạp chí khoa học Nature năm2017 thông báo là Vũ Hán – hiện là trung tâm ổ dịch « 2019-nCoV » lập một trung tâm nghiên cứu virus. Vì thế, nhiều cư dân mạng cứ « khơi khơi » khẳng định là virus corona thoát ra cơ sở nghiên cứu này, chứ không phải từ khu chợ buôn bán súc vật của Vũ Hán. Mặt khác, người ta không rõ là phòng thí nghiệm Vũ Hán có nghiên cứu về virus SARS, chủng loại gần gũi với virus « 2019-nCoV » hay không.

3-Chính quyền Trung Quốc có thể dùng virus corona để xử lý hồ sơ Hồng Kông hoặc giết hại người Duy Ngô Nhĩ.

Trên Twitter, có người viết : « Hồng Kông sẽ sớm trở thành Vũ Hán » với lập luận : cảnh sát Hồng Kông « khuyến khích những người mắc bệnh cho lây truyền virus tại Hồng Kông », nơi xẩy ra phong trào phản kháng chống Bắc Kinh từ nhiều tháng qua. Một người khác thì tỏ lo ngại là « phải chăng Trung Quốc cố tình để cho virus lây lan ở Hồng Kông với ý đồ làm xẹp tinh thần những người đấu tranh ? ».

Cho đến hôm nay, ở Hồng Kông mới có 6 trường hợp bị nhiễm bệnh. Theo báo Le Parisien, người ta nghi ngờ là một bộ phận những người đấu tranh cho dân chủ tại Hồng Kông và có tinh thần chống Trung Quốc, dùng virus như một luận điểm chính trị.

Cũng theo hướng này, trên mạng internet lưu truyền thuyết âm mưu : phải chăng chính phủ Trung Quốc đưa virus corona vào thủ phủ Urumqi, vùng tự trị Tân Cương, để giết hại cộng đồng thiểu số Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi, hiện đang bị Bắc Kinh giam giữ trong các trại tập trung, dưới danh nghĩa « trung tâm huấn nghệ ». Cơ sở của thuyết này là các chuyến bay tới Urumqi vẫn hoạt động bình thường. Thực ra, các tuyến đường hàng không tại Trung Quốc vẫn hoạt động bình thường, trừ các chuyến bay tới và đi từ Vũ Hán.

Một biến thể của thuyết âm mưu này là Cục Tình Báo Trung Ương Mỹ - CIA có kế hoạch gây mất ổn định chế độ Trung Quốc. Qua việc virus lây lan, các cơ quan tình báo Mỹ có thể hy vọng là các chuyến bay quốc tế tới Trung Quốc sẽ bị hủy bỏ và điều này làm cho chế độ Bắc Kinh bị cô lập.

4- Số liệu bệnh nhân nhiễm virus corona.

Ngày 26/01/2020, chính quyền Trung Quốc thừa nhận là virus corona lây nhiễm nhanh và mạnh hơn SARS. Ngay lập tức, trên Facebook lan truyền một đoạn băng ghi âm, không ghi nguồn, của một người phụ nữ tự giới thiệu là đang sống tại Trung Quốc. Người này nói đến con số có « 200 ngàn bệnh nhân ». Tuy nhiên, thông tin này có nhiều sai lệnh và nhầm lẫn, ví dụ khi người này nói rằng có nhiều trường hợp bị nhiễm bệnh tại Lyon, miền nam nước Pháp.

Trên Twitter, một người khác tỏ ra thông thạo hơn khi nói rằng dựa theo một số nguồn tin – nhưng không nêu ra rõ ràng là những nguồn nào – thì tại Trung Quốc, có 200 ngàn người nhiễm bệnh. Sau khi đưa ra một số phép tính, người này thẩm định, mỗi ngày có 14285 người bị nhiễm virus, tức là cao gấp 7 lần tổng số bệnh nhân được tính cho đến nay.

Bản tổng kết số bệnh nhân mà chính quyền Trung Quốc đưa ra hàng ngày chắc chắn sẽ tăng do virus lây lan nhanh và không ai rõ còn có bao nhiều người bị nhiễm bệnh nhưng ở nhà, không đến bệnh viện. Theo các nhà nghiên cứu tại Hồng Kông, dựa trên các mô hình toán học, tính cho đến nay, có thể số bệnh nhân tại Trung Quốc lên tới hơn 40 000. Nhưng không một nghiên cứu nghiêm túc nào nêu ra con số 200 ngàn.

© Đức Tâm
     RFI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad