Bất chấp sự phản đối chắc chắn của Cộng hòa, Đảng Dân chủ với sự cổ vũ của giới truyền thông vẫn kiên quyết thúc đẩy tiến trình luận tội mặc dù kết quả cầm chắc thất bại, nhưng hòng đạt mục tiêu phá hoại hình ảnh của tổng thống trước kỳ bầu cử mới. Hậu quả mà có lẽ Đảng Dân chủ cũng không ngờ tới là chính quyền Trump buộc phải đối đầu với mối đe dọa sinh tử trước mắt thay vì tập trung quan sát, chuẩn bị cho một cơn đại dịch còn chưa thành hình đến từ Trung Quốc.
Những phát ngôn và nỗ lực ban đầu chống lại dịch bệnh của chính quyền Trump rõ ràng là không hoàn hảo, nhưng để nói như những người chống lại ông rằng chính phủ của ông đã không làm được gì để ngăn chặn dịch bệnh thật là lố bịch. Joe Biden, đề cử viên sáng giá của đảng Dân chủ, đã chỉ trích lệnh cấm biên với Trung Quốc hồi cuối tháng Một của ông Trump là “bài ngoại quá khích”. Cùng lúc đó, sự chia rẽ và thù hằn đảng phái tại Thượng viện – nơi nắm quyền phế truất ông Trump – đã bị đẩy lên tới đỉnh. Trong khi các công tố viên của Đảng Dân chủ trong phiên tòa Thượng viện đã gọi ông Trump bằng nhiều cái tên như ông hoàng hay kẻ độc tài đang thành hình, thử tưởng tượng họ sẽ còn phản đối Trump đến đâu khi ông đơn phương ra các mệnh lệnh đóng cửa quốc gia chặt chẽ hơn?
Trong cơn bão luận tội, ông Trump mặc dù có những dòng tweet trấn an người Mỹ về dịch bệnh, như so sánh virus corona với việc cúm mùa giết hại hàng chục ngàn người Mỹ mỗi năm, cũng như ca ngợi quá sớm sự “minh bạch” của Trung Quốc trong công tác dập dịch, hành động của ông tỏ ra quyết liệt hơn nhiều. Sau khi cấm toàn bộ người Trung Quốc và người nước ngoài từng tới Trung Quốc nhập cảnh, tới tháng Hai, ông còn mở rộng lệnh cấm sang Nhật, Hàn Quốc, Ý và Iran. Sang đầu tháng Ba, ông phong tỏa đi lại với toàn bộ Châu Âu – một mệnh lệnh khiến cả Châu Âu ngơ ngác còn phe Dân chủ thì thêm nước công kích Trump kịch liệt. Nhưng chỉ một tuần sau, tất cả các nước Châu Âu lại học theo Trump tự dựng rào phong tỏa lẫn nhau.
Trên thực tế, tình hình nước Mỹ sẽ còn tồi tệ hơn nhiều nếu Đảng Dân chủ kéo dài vụ luận tội Trump. Thử tưởng tượng nếu các Thượng Nghị sĩ Cộng hòa chịu thua áp lực và chấp nhận yêu cầu gọi thêm nhân chứng của Đảng Dân chủ, Thượng viện sẽ phải dành hầu hết tháng Hai để lấy lời khai nhân chứng và tranh cãi kịch liệt trước tòa để tìm cách làm xấu hình ảnh chính trị của đối phương. Theo kịch bản này, phiên xử luận tội không thể kết thúc vào cuối tháng 2, trong khi thị trường chứng khoán bắt đầu đổ dốc vào ngày 24/2 khi người ta thấy rõ rằng Châu Âu và Mỹ không thể tránh khỏi sự lây lan của đại dịch. Lúc đó, liệu Phe Dân chủ có tạm hoãn chiến dịch phế truất tổng thống trong thời gian trọng yếu đó, hay lại tăng gấp đôi nỗ lực của họ?
Vụ luận tội đã để lại những vết nhơ gây chia rẽ quốc gia đến tận hôm nay. Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi – người khai mào vụ luận tội, và Tổng thống Trump đã không nói chuyện với nhau suốt 5 tháng và nhiều khả năng sẽ không trong suốt cuộc khủng hoảng này. Sự thù ghét giữa 2 người vốn đã sâu sắc, vụ luận tội khiến cho mối quan hệ này khó có ngày sửa chữa được.
Thực tế là sự ghét bỏ Trump, cái mà ông Trump gọi một cách trào phúng là “hội chứng điên loạn vì Trump”, đã lên tới mức mà mọi hành động của ông đều bị phe bên kia chỉ trích. Nếu ông hành động quyết liệt hơn vào tháng Hai, chẳng hạn như đóng cửa toàn bộ đất nước với cả Châu Âu, chắc chắn sẽ có nhiều người lên án ông là cố tình tạo ra cuộc khủng hoảng nhằm đánh lạc hướng dư luận khỏi vụ luận tội. Nay khi chúng ta đang phải chịu đựng hậu quả của đại dịch, ông lại bị công kích là đã coi thường dịch bệnh, không phản ứng đủ nhanh.
Những người đang phê phán ông cũng bỏ qua một vấn đề quan trọng. Không ai có thể dự đoán trước đại dịch. Không một quốc gia Châu Âu nào dự phòng đủ số bộ kit xét nghiệm COVID-19 hay đặt hàng đủ khẩu trang, máy thở để chuẩn bị cho tình cảnh tệ hại nhất. Mặc dù ông Trump có tỏ ra coi nhẹ virus trên những phát ngôn nhằm trấn an nền kinh tế, thì trên chính sách thực tế, không một nước Âu Mỹ nào, kể cả thủ tướng Canada được phe cấp tiến ngưỡng mộ, có sự chuẩn bị cho đại dịch tốt hơn ông Trump. Những nhà phân tích có lý trí nhìn thấy một thực tế rằng việc một chính trị gia dự đoán trước được một sự kiện chưa có tiền lệ trong lịch sử hiện đại, và hành động trước nó là cực kỳ khó khăn. Thêm vào đó, những tranh cãi và chia rẽ do cuộc luận tội tạo ra cũng dựng lên vô số rào cản để người ta có thể thấy được các mối đe dọa xa xôi khác.
Đảng Dân chủ đã hy vọng luận tội sẽ khiến ông Trump bị mất tín nhiệm. Họ đã thất vọng. Nay khi dịch bệnh bùng phát khiến Mỹ trở thành ổ dịch số một thế giới, phe chỉ trích lại tiếp tục đánh vào uy tín của ông. Nhưng người Mỹ rõ ràng là khôn ngoan hơn. Bất chấp sự sụp đổ của thị trường chứng khoán do dịch bệnh, tỷ lệ ủng hộ Trump tăng lên cao nhất từ trước đến nay: hơn 60% người ủng hộ chiến dịch chống dịch bệnh của ông, trong khi chỉ có 44% tin vào việc đưa tin của giới truyền thông (Theo khảo sát của Gallup). Sự xuất hiện của ông Trump mỗi ngày bên cạnh “lực lượng tác chiến chống dịch” của ông đã khiến một số kênh truyền thông của Mỹ e ngại tới mức không muốn tiếp tục công chiếu trực tiếp các buổi họp báo này vì nó đang giúp ông gia tăng tín nhiệm trong cử tri Mỹ.
Henry Olsen, ký giả của tờ Washington Post, một tờ báo có xu hướng chống Trump từ đầu, đã phát thốt lên rằng: “Chúng ta đã tiến vào một cuộc khủng hoảng với yêu cầu sự đoàn kết của toàn bộ quốc gia, nhưng với tư cách là một dân tộc cay đắng và chia rẽ. Mọi chuyện đáng ra không đến mức như vậy, nhưng hơn 3 năm chối bỏ sự thật rằng Trump đã thắng cử một cách công bằng, 3 năm cố tình bác bỏ thực tế tích tụ lại thành vụ luận tội đã biến nó trở thành sự thật.
“Những người ủng hộ phế truất đã khẩn khoản yêu cầu người ủng hộ Trump đặt quốc gia lên trên đảng phái. Nay đất nước ta thực sự đang bị ôn dịch tấn công, điều bức thiết nhất là họ lắng nghe lời cấp báo của chính mình”.
© Trọng Đức
Trí Thức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét