Vậy nguyên do nào đưa tới nạn đói bi thảm của năm Ất Dậu (1945) cách 60 năm về trước?
Trở lại bối cảnh chính trị của đất nước ta vào những năm cuối của cuộc đệ nhị thế chiến để truy tìm nguyên nhân của thảm trạng này.
1. Quân Nhật kiểm soát Đông Dương
Trong khi quân Đức quốc xã tiến chiếm kinh đô Paris của Pháp (14/06/1940) thì quân Nhật ở Á Châu cũng đã tiến chiếm vùng Quảng Đông của Trung Hoa. Với thắng lợi này của phe Trục (gồm Đức, Ý, Nhật), Nhật đã gởi tối hậu thư ngày 18/06/1940 cho Toàn Quyền Catroux đòi kiểm soát hai đường xe lửa Hải Phòng-Vân Nam và Hà Nội-Lạng Sơn để ngăn không cho Pháp vận tải, tiếp tế xăng dầu, vũ khí cho quân đội của Tưởng Giới Thạch. Toàn quyền Catroux phải nhượng bộ và sau đó đã bị Đô Đốc Decoux, tư lệnh hải quân Pháp ở Viễn Đông lúc bấy giờ lên thay thế.
Với hiệp ước ký ngày 30/08/1940 tại Tokyo giữa Pháp và Nhật thì uy quyền của Pháp ở Đông Dương bắt đầu sút giảm, và ảnh hưởng của Nhật ngày càng lấn lướt. Và với hiệp ước 08/12/1941 (sau khi oanh tạc Trân Châu Cảng), Nhật đã ép chính phủ Pétain của Pháp đi đến nhiều nhượng bộ về quân sự và quân đội Nhật được quyền đóng quân từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mâu với quân số buổi đầu từ 6.000 người nay tăng thành 35.000 người [1].
Và đặc biệt, Nhật lại có một vị Đại Sứ, ông Yoshizawa, bên cạnh Toàn quyền Đông Dương, điều từ trước đến nay chưa bao giờ có. Như vậy tình thế Đông Dương cho đến khi Nhật đầu hàng (15/08/1945), ngoài ông chủ cũ là người Pháp, nay thêm một ông chủ mới cao hơn là người Nhật. Dân Việt bây giờ lại sống trong cảnh “một cổ hai tròng”.
2. Bối cảnh kinh tế trước khi nạn đói xảy ra
Ngày 06/05/1941, Pháp lại phải ký với Nhật về một thỏa ước thương mại trong đó có hai khoản chính yếu sau:
- Người Nhật và các công ty Nhật được làm một số nghề, được khai thác hầm mỏ, đất đai, được kinh doanh về thủy điện...
- Các hàng hóa nhập cảng vào Đông Dương được hưởng quy chế tối huệ quốc, một số mặt hàng được hưởng hối suất nhẹ. Theo thỏa ước này, Việt Nam bị ép buộc phải sản xuất một số mặt hàng theo yêu cầu của Nhật để đổi lấy hàng kỹ nghệ của họ. Việt Nam buộc phải cung cấp cho quân đội Nhật Bản đồn trú trên lãnh thổ của mình một số lượng gạo khổng lồ được ấn đinh: 700.000 tấn năm 1941, 1 triệu 50 ngàn tấn năm 1942, 950.000 tấn năm 1943 và 900.000 tấn năm 1944 [2]. Một mặt họ đời hỏi cung ứng một lượng gạo lớn lao hàng năm như thế, mặt khác họ lại buộc phải phá bỏ đất trồng lúa, trồng bắp để trồng đay, trồng gai phục v ụ cho nhu cầu chiến tranh của họ. Đây là một trong số những yếu tố dẫn đến nạn đói năm Ất Dậu (1945) khởi đi từ mùa Đông 1944 đến tháng 5/1945.
Năm 1944, vì bị áp lực của Nhật, chính quyền Pháp tại Đông Dương đã ép giá nông dân Việt, chỉ trả 25 đồng cho một tạ lúa trong khi giá thị trường trước đây là 200 đồng và giá vốn là 80 đồng. Tạp chí Thanh Nghị số ra ngày 26/02/1944 có kể lại tình cảnh bi thảm của dân quê Bác Kỳ lúc bấy giờ:”Ở Trung Châu Bắc Kỳ, dân nghèo năm thì mười họa mới được ăn một miếng thịt, cả đến giai cấp trung lưu, trung bình 20 gr một ngày, (trong khi) theo viện Pasteur thì phải cần có 55 gr thịt một ngày (mới đủ). Dân ở nông thôn đại đa số là bần nông thì chỉ dùng những dụng cụ bằng gỗ, rất ít có dụng cụ cơ khí, ngoài ra không có vốn liếng gì cả. Ở Bắc Kỳ từ tháng 4 đến tháng 10, nông dân chỉ còn được 10% hoa lợi. Nông dân đói ăn, mặc rét, kệ thây, thuế đã”.[3]
Khi Nhật chưa đến Đông Dương, Việt Nam chỉ đóng có 44.308.000 đồng thuế năm 1939 đến năm 1944, tiền thuế tăng hơn gấp đôi (98.072.000 đồng). Dưới áp lực của người Nhật, chính quyền Pháp tại Đông Dương ép dân Việt phải bán 3/4 số thóc thu hoạch được, nhiều trường hợp không đủ số thóc quy định, người dân phải mua ngoài bù vào với giá 200 đồng một tạ.
Dân sống trong cảnh một cổ hai tròng (Pháp – Nhật), nên đời sống ngày càng khốn đốn, sản xuất gặp những năm mất mùa, không đủ ăn, lại đóng thuế quá cao nên người dân không còn gì để ăn cả. Trong “Việt Nam: A long History” xuất bản tại Hà Nội, 1987, Ông Nguyễn Khắc Viện cũng đã đề cập đến sự tàn tệ của người Nhật khi thúc ép chính quyền Pháp ở Đông Dương cung ứng chi phí chiến tranh cho họ, ngoài sự tận thu thóc lúa và bóc lột đến tận xương tủy của người dân khốn khổ.
Để cung ứng chi phí chiến tranh cho quân đội Nhật, chính quyền Pháp tại Đông Dương đã phải ấn hành số tiền tệ cần thiết lên đến 723 triệu đồng (cho tới năm 1943), gấp 7 lần ngân sách Đông Dương của năm 1939 và đến 1944 lên đến 1 tỉ 52 triệu đồng. Vì vậy vật giá tăngcao chưa từng thấy trước đó. Dân nghèo nông thôn gánh đủ hậu quả này. Gánh nặng lớn lao nhất vẫn là cung cấp gạo. Ngay ở vùng Bắc Bộ, nơi đang thiếu ăn trầm trọng, thế mà đã phải cung cấp cho Nhật 130.205 tấn (1943) và 186.130 tấn (1944). Bất kể vụ mùa tốt hay xấu, dân quê cũng phải đóng số lượng gạo đã được phân bổ theo đất trồng trọt với giá 19 đồng cho một tạ lúa; trong trường hợp mất mùa, người dân đã phải mua gạo, theo giá thị trường đến gấp ba (54 đồng cho một tạ gạo) [4]. Người nông dân đã không thể nào kiếm đủ ăn cho bản thân chứ chưa nói là cho gia đình. Chính sách tận thu nông sản nghiệt ngã này đã đẩy người dân vào nạn đói không thể nào tránh khỏi.
Để phục vụ cho nhu cầu chiến tranh, Nhật đã bắt nông dân phá bỏ ruộng lúa để trồng đay trên một số diện tích rất lớn. Năm 1944, khi người Mỹ ném bom ngan cản việc chuyên chở than đá về Sài Gòn, người Pháp và Nhật đã cho lệnh sử dụng gạo và bắp (ngô) như là nguyên liệu để chạy máy. Họ tận thu thóc, ngô cho mục tiêu này. Đây lại là lý do nữa dẫn tới nạn đói khủng khiếp năm Ất Dậu (gạo ở miền Nam không chở ra Bắc được vì không có nhiên liệu để vận chuyển xe cộ, tàu bè...)
Trong khi các dấu hiệu đói kém đã dần dần hiện rõ, thì năm 1941, Nhật đòi 700.000 tấn gạo, Pháp chỉ cung cấp được 585.000 tấn. Năm 1942, Nhật đòi 1 triệu 74 ngàn tấn, nhưng Đông Dương chỉ cung cấp được 973.908 tấn. Năm 1943, Nhật đòi 1 triệu 125 ngàn 904 tấn, Pháp chỉ nộp được 1 triệu 23 ngàn 471 tấn. Năm 1944, dù mất mùa nặng, ngũ cốc khan hiếm, Nhật vẫn đòi 900.000 tấn, Pháp chỉ cung cấp được gần 500 ngàn tấn mà thôi. [5]
Ngoài gạo ra, Nhật đòi cung cấp thêm bắp (ngô) để nuôi ngựa. Năm 1942, Pháp phải cung cấp 124.923 tấn ngô. Năm 1943, cấp thêm 98.700 tấn. Năm 1944 vì số ruộng trồng ngô bị phá nhiều nên chỉ cung cấp được cho Nhật 18.263 tấn, và đầu 1945 là 12.134 tấn.[6]
3. Nạn đói năm Ất Dậu (1945) xảy ra
Nghiêm Xuân Yêm đã viết: ”Những năm bình thường, dân nghèo đói quanh năm, một ngày chỉ một bữa cơm độn khoai, (con một bữa cháo). Hết việc ruộng đi làm mướn thất thường, quanh năm công nợ, nai lưng gỡ nợ, gỡ nợ rồi lại mắc” [7].
Giáo sư Cao Thế Dung dẫn lại tài liệu của Decoux, “A la Barre de l’Indochine” kể rằng: “Nạn đói Ất Dậu bắt đầu vào mùa Đông 1944 kéo dài cho đến tháng 5/1945. Ở Trung Châu Bắc Việt, gà vịt lợn biến mất, dần dần biến mất cả chó, có những xóm không còn một con vật nào. Các tiểu nông đi đến chỗ tuyệt vọng. Ruộng nương trâu bò phải bán đứt hay bán đợ. Lúa phải bán non, đồ đặc phải cấm cố. Làng Thượng Cẩm, phủ Thái Ninh, Thái Bình có 900 suất đinh vào năm 1944, ngày 27/05/1945 chết hết còn 400. Nam phụ lão ấu trong làng Thượng Cẩm Thái Bình là 4000 người chết đi còn lại 2000 người “ [8].
Một tác giả người Pháp đã kể lại trong “Témoignages et documents français relatifs a la Colonisation française au Vietnam” cái cảnh tượng thê thảm của nạn đói năm Ất Dậu đó như sau:”Họ đi thành rặng dài bất tận...toàn thân lõa lồ, gầy guộc, trơ xương ra, run rẩy...Thỉnh thoảng, họ dừng lại để vuốt mắt cho một người trong bọn họ ngả xuống và không bao giờ thức dậy được nữa... Nhìn những hình người xấu hơn con vật xấu nhất, nhìn thấy những xác chết co quắp cạnh đường chỉ có một vài nhánh rơm vừa làm quần áo, vừa làm vải liệm, người ta thật lấy làm xấu hổ cho cái kiếp con người”
Sau Tết Ất Dậu (1945), khoảng tháng 3, nạn đói ngày càng gia tăng và con số người chết có lúc lên cả hai vạn người một ngày. Trong lúc đó lừa ngựa của Nhật vẫn được nuôi ăn đầy đủ bằng bắp và gạo thu được từ trước và được chất đầy trong các kho lương thực dọc theo quốc lộ 1, nhưng người Nhật vẫn không cho mở các kho gạo ra để cứu trợ. Cho đến tháng 5/1945, có làng như làng Thượng Cẩm, phủ Thái Ninh, tỉnh Thái Bình, dân số ước chừng 4000 người thì chết hết 2000 như đã nói ở trên. Và sau đây là những con số đáng ghi nhớ. Dân số Thái Bình 700.200 người, chết đói khoảng trên 260.000. Nam Định là một vựa thóc, dân số khoảng 680.000, chết đói 229.650 người. Ninh Bình dân số 200.000, chết đói 37.936 người. Hà Nam, dân số khoảng 400.000, chết đói 50.383 người.[9] Theo tổng kết của viên Toàn Quyền Decoux thì trận đói năm Ất Dậu (1945) đã khiến khoảng 1 triệu người chết, nhưng thực tế chắc con số này cao hơn nhiều.
Qua phần trình bày các tài liệu như trên đây thì lý do để giải thích hợp lý cho trận đói năm Ất Dậu, ngoài lý do thiên tai, hạn hán, mất mùa, là chính sách tàn ác của quân đội Nhật cho lệnh thu mua lúa gạo, ngô (bắp) tích trữ; phần khác cho lệnh phá bỏ những cánh đồng trồng lúa, ngũ cốc để trồng đay phục vụ cho nhu cầu chiến tranh khi phe trục Đức-Ý-Nhật đang làm mưa làm gió trên toàn thế giới trong trận đệ nhị thế chiến. Dĩ nhiên, người ta không quên kể đến lý do trong Nam không tiếp tế gì cho miền Bắc được vì các mõ than để chạy xe tàu đã bị bom Hoa Kỳ đánh phá dữ dội và một số lượng gạo, ngô đã bị chính quyền Pháp chế biến thành nhiên liệu phục vụ cho vận chuyển trong Nam. Và cũng phải kể thêm nạn đầu cơ tích trữ lúa gạo của các thương buôn người Hoa, thành phần nắm chủ lực về kinh tế từ nông thôn ra đến thành thị và từ cả miền Nam ra đến miền Bắc, khiến người nông dân ngày càng kiệt quệ không sản xuất được mà cũng không có tiền để mua thực phẩm.
Cốt lõi của thảm cảnh năm Ất Dậu vẫn là chính sách tàn ác vô nhân đạo của người Nhật khi họ tràn vào xâm lăng Trung Hoa và Đông Nam Á. Họ biết dân Bắc Việt đang đói kém ghê gớm, họ biết mỗi ngày có đến cả hàng ngàn người chết đói nhưng họ vẫn không mở kho lương thực nào để cứu đói cả và theo sự thú nhận của một viên chức Nhật quản lý lúa gạo sau khi Nhật đảo chánh (09/03/1945) thì “gạo vẫn được chất cao như núi trong các kho vựa của Nhật” [10]. Thật quả đây là một tội ác chiến tranh của người Nhật trong đệ nhị thế chiến mà chính họ khó gột bỏi hình ảnh xấu xa này trước công luận thế giới và trước lương tâm nhân loại.
(viết để ghi nhớ những nỗi đau của dân tộc Việt).
© Gs. Lê Đình Cai
Chú thích
[1] Lữ Giang, “Những bí ẩn lịch sử đằng sau cuộc chiến Việt Nam”, California, Hoa Kỳ, 1998, tr.159.
[2] Lữ Giang, sđd, tr.158
[3] Cao Thế Dung, “Việt Nam huyết lệ sử”, Hoa Kỳ, nxb Đồng Hướng, 1996, tr. 719
[4] Nguyễn Khắc Viện, “Việt Nam: A long History” xuất bản tại Hà Nội, 1987, tr 241
[5] J.Gauthier, “ L’Indochine au travail dans la Paix Francaise”, Paris, 1947, tr. 283.
[6] Annuaire statistique de l’ Indochine, 1939 – 1946, tr. 166, được dẫn lại trong Cao Thế Dung, sđd, tr.728).
[7] Nghiêm Xuân Yêm,”Cảnh nghèo ở thôn quê” đăng trong tạp chí Thanh Nghị số 47 ra ngày 16/10/1943:
[8] Cao Thế Dung , sđd, tr.723
[9] Tập san “Nghiên Cứu Lịch Sử” số 4, 1990, tr.50 – 56; Cao Thế Dung, sđd, tr.728
[10] Xem “Nghiên Cứu Lịch Sử”, số 4, 1990, tr.50 – 56
[2] Lữ Giang, sđd, tr.158
[3] Cao Thế Dung, “Việt Nam huyết lệ sử”, Hoa Kỳ, nxb Đồng Hướng, 1996, tr. 719
[4] Nguyễn Khắc Viện, “Việt Nam: A long History” xuất bản tại Hà Nội, 1987, tr 241
[5] J.Gauthier, “ L’Indochine au travail dans la Paix Francaise”, Paris, 1947, tr. 283.
[6] Annuaire statistique de l’ Indochine, 1939 – 1946, tr. 166, được dẫn lại trong Cao Thế Dung, sđd, tr.728).
[7] Nghiêm Xuân Yêm,”Cảnh nghèo ở thôn quê” đăng trong tạp chí Thanh Nghị số 47 ra ngày 16/10/1943:
[8] Cao Thế Dung , sđd, tr.723
[9] Tập san “Nghiên Cứu Lịch Sử” số 4, 1990, tr.50 – 56; Cao Thế Dung, sđd, tr.728
[10] Xem “Nghiên Cứu Lịch Sử”, số 4, 1990, tr.50 – 56
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét