Bến Tre: trùng tu tượng đài dù hạn, mặn khốc liệt! - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Tư, 25 tháng 3, 2020

Bến Tre: trùng tu tượng đài dù hạn, mặn khốc liệt!


Rõ ràng động cơ việc xây tượng đài cũng như các việc phù phiếm khác như vụ việc Hải Phòng gần đây tặng ấm chén cho người dân gần 300 tỷ, thì việc họ có trục lợi, tham nhũng, bớt xén hay không thì người dân Việt Nam biết thừa việc đấy rồi.

Tượng đài Đồng Khởi Bến Tre.


Nhấp vào nút play (►) dưới đây để nghe

Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre vừa phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình nâng cấp, chuyển chất liệu tượng đài Đồng Khởi Bến Tre.

Được biết, dự án này do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm chủ đầu tư, tiến độ thực hiện từ năm 2019 - 2021.

Trong đó, phần tượng đài gồm bà mẹ Bến Tre và 4 nhân vật đại diện nhân dân Bến Tre được đục từ đá granite nguyên khối cao 4,5-7 mét.

Mức kinh phí chi cho dự án chưa được truyền thông trong nước nhắc tới, nhưng theo ước tính từ giá trị đá granite nguyên khối, dự án này không thể có mức dưới hàng chục tỉ đồng.

Điều gây phản ứng mạnh từ người quan tâm trước quyết định vừa nêu là tình trạng Bến Tre, một tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đang bị thiếu nước ngọt trầm trọng do hạn hán và xâm nhập mặn nặng nề.

Trao đổi với RFA tối 23/3, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Chuyên gia Biến đổi Khí hậu và Tài nguyên nước Đồng bằng sông Cửu Long cho rằng:

“Tôi nghĩ rằng giai đoạn hiện nay nếu tôi có khuyến cáo thì chính quyền nên tập trung vấn đề thiếu nước ngọt, xâm nhập mặn, và đồng thời ứng phó với dịch bệnh Covid-19. Đó là những ưu tiên hơn so với sửa sang hay xây dựng tượng đài như vậy. Có thể có những công trình đó nhưng không nên trong giai đoạn này.”

Nói rõ hơn tình trạng hạn mặn tại Bến Tre hiện nay cũng như nguyên nhân vì sao chưa nên xây dựng tượng đài, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn nhận định:




“Mặn đã tới từ rất sớm và vào rất sâu trong năm nay. Bây giờ những nhà máy cấp nước ở Bến Tre nước mặn vẫn rất cao mà xử lý ở mức độ trong hệ thống nước cấp đã mặn rồi nên rất khó khăn. Người dân hoặc xe bồn phải đi chở nước từ nơi xa tới khu cấp nước cho người dân cầm cự cho tới khi mùa mưa tới. Hiện nay chính quyền ráng nỗ lực giải quyết vấn đề nước uống cho người dân, còn cho sản xuất nông nghiệp là chịu thua rồi. Bây giờ vấn đề lo nước uống cho người dân là quan trọng, còn cây trồng nào không chịu nổi thì phải chấp nhận chịu thiệt hại.”

Xác nhận tình trạng hạn mặn vừa nêu, anh Huệ, người dân ở ấp 1 xã Phú Nhuận, tỉnh Bến Tre cho hay:

“Hiện tại mặn dữ lắm, cây cối, tôm cá chết muốn láng hết. Nếu tình hình mặn kéo dài kiểu này cây trái miền Tây chắc chết hết chứ sống không nổi. Hiện tại cũng còn khả năng cầm cự, nếu mưa xuống sớm còn khả năng chứ mưa trễ cây cối chắc chết hết, chịu hết nổi. Mặn mà 20 mươi mấy, 30 mấy phần ngàn sao chịu nổi.”

Vẫn theo anh Huệ, trước tình hình trên, phía chính quyền cũng đang phần nào hỗ trợ người dân:

“Nước ngọt người dân xài nước giếng với chính phủ cho mấy ông ở Ủy ban cung cấp nước ngọt cho miễn phí, người dân tới lấy nước xài vì giờ không còn cách nào. Chứ nước ngọt mà cũng không có chắc dân miền Tây chết hết.”

Theo báo trong nước đưa tin, nguồn nước mặn tại huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre đã xâm nhập sâu vào nội đồng với mức độ được nói là xấp xỉ năm 2015, 2016, là những năm được đánh giá hạn mặn lịch sử.

Phòng Nông Nghiệp huyện Ba Tri công bố khảo sát cho biết có gần 4.500 hécta lúa Đông Xuân đang chịu thiệt hại nặng nề, phần lớn đều đã bị nhiễm mặn. Trong số này có tới hơn 15% diện tích bị chết, phần còn lại không phát triển do nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng.




Bên cạnh tình trạng hạn mặn đang ngày càng trầm trọng, giới chức tỉnh Bến Tre hôm 23/3 cũng đã ra quyết định cách ly 450 hộ dân với gần 1.600 người tại ấp Thừa Lợi, xã Thừa Đức, huyện Bình Đại sau khi một người dân đầu tiên ở đây được xác định dương tính với COVID-19 hôm 22/3.

Trước những khó khăn mà người dân đang phải gánh chịu hiện nay, nhưng chính quyền vẫn muốn thực hiện dự án trùng tu tượng đài, nhà hoạt động Lã Việt Dũng từ Hà Nội bày tỏ:

“Trong lúc hạn mặn cũng như đất nước còn rất nhiều vấn đề mà người dân, người nông dân cần chính quyền tiết kiệm chi tiêu, dành đầu tư nhiều hơn cho các công trình hữu ích mà chính quyền cứ đi xây tượng đài phản ánh vấn đề chính quyền vô cảm, hơi dửng dung với cuộc sống người dân. Có cảm giác như chỉ có một đảng nên họ không sợ trách nhiệm gì. Mình cứ đặt địa vị nếu đất nước đa đảng, một chính đảng cầm quyền ra một quyết sách lãng phí như vậy chắc chắn kì sau người dân không bầu. Nhưng ở đất nước độc đảng như ở Việt Nam thì rõ ràng họ làm nhưng không sợ vướng mắc, dư luận hay bất cứ gì cản trở họ.”

Việc các tỉnh, thành xây dựng các tượng đài với kinh phí lên đến hàng tỉ không còn là chuyện mới mẻ ở Việt Nam hiện nay. Điển hình như tượng Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng ở Quảng Nam 430 tỉ, tượng đài Hồ Chí Minh ở Sơn La 1.400 tỉ, hay tượng đài N’Trang Long được ước tính có kinh phí lên đến 146 tỉ đồng tại Đak Nông, một tỉnh nghèo vùng Tây nguyên. Mới đây nhất là tượng đài Lênin ở Nghệ An với kinh phí hơn 8 tỉ đồng.

Ngoài việc tiêu tốn hàng tỉ đồng kinh phí xây dựng, chất lượng công trình cũng là điều nhiều người quan tâm. Đơn cử một công trình ở Quảng Ninh bị sét đánh bật ra thì bên trong toàn bằng tre, hay tượng đài Điện Biên Phủ bao nhiêu tấn đồng giờ rỉ sét…

Vì vậy, nhà hoạt động Lã Việt Dũng từ Hà Nội nhận định rằng việc xây, sửa, nâng cấp tượng đài hay rất nhiều việc khác liên quan đến tượng đài như ở Việt Nam làm đều tốn tiền vô ích chứ không giải quyết vấn đề gì hữu ích cho người dân.

“Rõ ràng động cơ việc xây tượng đài cũng như các việc phù phiếm khác như vụ việc Hải Phòng gần đây tặng ấm chén cho người dân gần 300 tỷ, thì việc họ có trục lợi, tham nhũng, bớt xén hay không thì người dân Việt Nam biết thừa việc đấy rồi.”


RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad