Corona ở Anh – ‘Cưng ơi, bỏ bớt chai sữa lại nhé’ - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Ba, 24 tháng 3, 2020

Corona ở Anh – ‘Cưng ơi, bỏ bớt chai sữa lại nhé’


Con gì có thể làm cho người Anh bớt phớt Ăng-lê, bỏ lê la từ quán nhậu này sang quán nhậu kia mỗi cuối tuần và hoảng loạn tới mức vét sạch đồ ăn ở siêu thị? Quý vị đoán hoàn toàn chính xác. Đó là con corona mới.

Mọi thứ trên kệ đều hết sạch!

Quê hương thứ hai của tôi vẫn tỉnh bơ trước vi-rút corona khi tôi trở lại Anh từ thủ đô Kiev của Ukraina vào đúng ngày Phụ nữ Quốc tế 8/3 dù lửa dịch đã cháy bên Ý và số ca ở Anh đang bên bờ vực mất kiểm soát. Tôi đi chợ Costco, chuỗi siêu thị Hoa Kỳ ở Anh, thấy gạo đầy ra chẳng buồn mua dù nhà báo sắp hết gạo. Tôi phải tới nhà trọ cách ly nên không muốn vác theo gạo làm gì và cũng nghĩ là khi nào mua mà chẳng được.

Nhưng đời trong mùa corona đâu có như là mơ. Một tuần sau thôi, vào ngày 15/3, chợ Costco đã chẳng còn bao gạo nào. Khi tôi tới chợ, lần đầu tiên tôi phải xếp hàng dài chờ mới vào được vì nhà nhà đổ xô đi mua sắm. Costco là chuỗi siêu thị phải trả vài chục đô tiền phí hội viên mới được vào mua. Tôi đồ là trong những ngày qua có rất nhiều người trở thành hội viên mới. Hôm đó loại sữa không có chất lactose mà tôi thường mua cũng hết bay. Cuối cùng để có được bao gạo, mà không phải loại tôi hay mua, tôi phải ra siêu thị của người Trung Quốc mang tên Hoo Hing.

Trong tuần sau đó tôi phải đi chợ mua thêm một số thứ rau quả tươi. Siêu thị Tesco mà thỉnh thoảng tôi đi đã bắt đầu treo biển hạn chế số lượng mua. Cụ thể số lượng mỗi người được phép mua như sau:

Giấy vệ sinh: 1

Giấy lau miệng: 1

Sữa trẻ em: 2

Bỉm: 2

Giấy lau cho trẻ: 5

Gạo/Pasta: 5

Bột mì: 5

Sữa để được lâu: 5

Nước uống: 5

Giấy/kem/nước xịt diệt khuẩn: 5

Chất tẩy: 5

Tôi chia sẻ danh sách này trên Facebook và bạn tôi ở Việt Nam nói rằng thế là quá hậu hĩnh vì mỗi tuần bạn đi chợ mua không tới số lượng đó. Từ đó tới nay tôi chưa trở lại Tesco nhưng tôi đoán có lẽ họ đã giảm số lượng cho phép mua do cơn khủng hoảng nay đã dữ dội hơn nhiều. Thứ Bảy ngày 21/3, tôi tới chợ Lidl, chuỗi siêu thị Đức ở Anh, lúc đó là đầu giờ chiều chỉ để mua trứng, bánh mì và dầu ăn. Than ôi, thời không có corona nay còn đâu. Cả ba thứ đó đã được thiên hạ vét sạch cả rồi. Tôi ngao ngán nghĩ nếu các bác sỹ, y tá, các cụ già mà ra giờ đó thì chỉ có vác túi lép đi về.




Đi chợ Đức không cơm cháo gì, tôi lại băng qua đường hầm xuyên sông Thames tới Costco. Chợ Mỹ đó cách không xa nơi 39 đồng hương của tôi được tìm thấy trong công-ten-nơ hồi cuối năm ngoái. Chợt nhận ra vì con corona mà tôi đã tạm quên nỗi sợ mỗi khi nhìn thấy xe tải kéo công-ten-nơ.

Tới Costco, hàng người đã thưa. Có lẽ mọi người đều đổ đi chợ từ sớm vì sợ hết hàng. Quả nhiên trứng cũng đã hết. Thấy có loại gạo nhà hay ăn đã trở lại, tôi xách một bao, cộng thêm hai chai sữa loại 1,5 lít, hai gói há cảo gyoza của Nhật, một gói bánh mì loại về nhà nướng, một chai dầu rán, ít đồ tráng miệng và ra trả tiền. Mọi khi mua đến 10 bao gạo, vài chục chai sữa hay cả tá há cảo cũng chẳng sao. Nhưng thời corona rồi người ơi. Cô nhân viên tính tiền nhẹ hàng bảo tôi khi nhìn thấy hai chai sữa: “Cưng ơi, chỉ được một chai thôi. Bỏ lại một chai nhé.” Bên này người ta hoặc gọi khách hàng là “darling” hay “love”, cách gọi tình tứ của những người yêu thích nhau nhưng thực ra chỉ là tỏ vẻ thân mật chứ rõ là họ chẳng yêu gì tôi. Có khi trong bụng còn một bồ dao găm vì nếu không có những khách hàng như tôi thì họ đã được ở nhà trong thời Covid. Ở một số siêu thị cao cấp họ cũng gọi khách là “Sir” hay “Lady”, tức “Quý ông” hay “Quý bà”. Và dù gọi là gì thì mùa này mỗi người tới Costco cũng chỉ mua được một thứ thôi. Vị khách trước tôi mua ba miếng pizza được đóng trong một gói mà họ cũng bóc ra chỉ cho mua có một. Hai gói há cảo của tôi cũng phải bỏ lại một. Kể cũng hơi khắt khe vì nhà tôi bốn người, ăn một buổi sáng là gần hết gói há cảo. Chẳng lẽ tôi cứ hai ngày đi chợ một lần sao? Nhưng thế thời phải thế thời phải thế thôi.

Chính quyền Anh đã cam kết tung ra số tiền hàng trăm tỷ bảng, lớn hơn tổng sản phẩm quốc nội của cả nước Việt Nam để đối phó với con corona mới. Họ cam kết sẽ trả tới 80% lương cho những người phải nghỉ ở nhà vì con covid để các công ty không sa thải nhân viên trong ba tháng và có thể là dài hơn tuỳ tình hình. Bộ trưởng tài chính gốc Ấn Rishi Sunak khẳng định nguồn hỗ trợ này là không giới hạn về ngân sách dù có giới hạn về mức lương tháng mà người lao động được trả tối đa là 2.500 bảng mỗi tháng. Đây là mức trên thu nhập trung bình ở Anh. Ngoài ra các công ty cũng được vay tiền mà không phải trả lãi suất hoặc được trợ cấp trong những tháng tới.

Từ chỗ coi thường covid, Anh giờ chuyển sang thái cực hoàn toàn ngược lại dù chưa tới mức mạnh như ở Ý chứ chưa nói tới độc đoán như Trung Quốc. Nếu như mức lây nhiễm ở Vũ Hán tăng chóng mặt vì chính quyền giấu dịch thì hàng ngàn người chết ở châu Âu có phần do chính quyền không tin rằng corona mới lại hoành hành đến thế. Nhưng cũng phải khẳng định lại rằng hầu hết những người tử vong là những người có hệ miễn dịch yếu vì đã có sẵn bệnh. Khi tôi viết những dòng này thì một thanh niên 18 tuổi ở Anh có sẵn bệnh đã qua đời. Trong khi đó danh ca opera 79 tuổi người Tây Ban Nha, Placido Domingo, nói sức khoẻ ông vẫn ổn định dù nhiễm covid. Con covid này chắc chắn đã làm nhiều người mất ngủ nên xin tạm biệt quý vị với ca khúc Nessun Dorma qua ba giọng ca trong đó có Domingo.


© Nguyễn Hùng
    Blog VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad