Tờ báo quân đội Trung Quốc phiên bản Anh Ngữ ChinaMil và tờ Hoàn Cầu Thời Báo (Global Times) hôm Thứ Tư, 11 Tháng Ba, dẫn lời giận dữ của phát ngôn viên Bộ Tư Lệnh Quân Khu phía Nam của Trung Quốc nói rằng khu trục hạm USS McCampbell đã “xâm phạm vùng biển của quần đảo Hoàng Sa (mà họ gọi là Tây Sa) không xin phép.” Vì vậy quân đội Trung Quốc đã “cho cả tàu chiến và máy bay theo dõi, xác định và cảnh cáo xua đuổi” ra khỏi khu vực.
Phát ngôn viên Li Huamin (Lý Hoa Dân) của Bộ Tư Lệnh phía Nam kêu rằng: “Mỹ vẫn cứ phô diễn cơ bắp và quấy rối ở Biển Đông lấy cớ tự do hải hành.” Ông ta lên án Mỹ là “hành động khiêu khích” và gọi Mỹ là “nguồn gốc của xáo trộn” đe dọa hòa bình và ổn định ở khu vực, theo tường thuật của ChinaMil.
Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã bị Trung Quốc xua lực lượng cướp từ VNCH sau một trận hải chiến hồi đầu năm 1974. Hơn một chục năm trở lại đây, Bắc Kinh gia tăng bồi đắp mở rộng thêm diện tích và xây dựng các căn cứ quân sự quy mô trên các đảo tại quần đảo Hoàng Sa bên cạnh việc bồi đắp và biến bảy bãi đá ngầm (cướp của Việt Nam năm 1988) thành bảy căn cứ khổng lồ tại Trường Sa.
Chưa thấy các hãng thông tấn quốc tế và cả Hải Quân Mỹ đưa tin gì về vụ này. Ngày 6 Tháng Giêng, 2019, USS McCampbell cũng đã đi vào bên trong phạm vi 12 hải lý của một số đảo tại quần đảo Hoàng Sa. Hồi đó, báo chí Trung Quốc cũng đã dẫn lời chức sắc ngoại giao và quân sự của Bắc Kinh đả kích dữ dội, gọi là “xâm phạm chủ quyền và lãnh thổ của Trung Quốc.”
Tuy một phần của quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc cướp đoạt, Việt Nam vẫn lập đi lập lại lời tuyên bố chủ quyền với các bằng chứng lịch sử và dữ liệu “không thể tranh cãi.”
Ngày 25 Tháng Giêng vừa qua, khu trục hạm USS Montgomery thuộc Hạm Đội 7 của Hoa Kỳ đã đi vào phạm vi 12 hải lý của đảo nhân tạo Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa. Đây là chuyến “tự do hải hành” đầu tiên trong năm nay Hải Quân Mỹ thực hiện qua các vùng biển đảo tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và Việt Nam.
Đảo nhân tạo Đá Chữ Thập có phi đạo dài 3,000 mét có thể tiếp nhận các phi cơ quân sự lớn nhất của Trung Quốc. Trên đảo này có các nhà chứa máy bay, hệ thống hỏa tiễn phòng không, radar, viễn thông vệ tinh, cảng biển.
Tuy Hoa Kỳ tuyên bố không tham gia vào các vụ tranh chấp chủ quyền lãnh thổ nhưng không chấp nhận những tuyên bố chủ quyền phi lý, trái luật pháp quốc tế, nên vẫn coi các khu vực gần các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là các vùng biển quốc tế, có quyền qua lại.
Chuyến “tự do hải hành” của khu trục hạm USS McCampbell ở khu vực quần đảo Hoàng Sa diễn ra khi nhóm tàu đặc nhiệm do mẫu hạm USS Theodore Roosevelt dẫn đầu vừa kết thúc chuyến thăm viếng cảng Đà Nẵng năm ngày.
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink viết trong một bản tuyên bố phổ biến hôm 11 Tháng Ba là “Những cuộc thăm viếng như thế này không những củng cố đối tác giữa Hoa Kỳ với Việt Nam mà còn tiếp tục bảo đảm hòa bình và ổn định cũng như tự do giao thương qua khu vực.”
Nhiều nhà phân tích thời sự từng cảnh báo rất nhiều lần về mưu đồ muốn nuốt trọn khu vực Biển Đông của Trung Quốc khi họ lập các căn cứ quân sự quy mô trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
© Người Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét