Nông dân cạp đất để chính quyền tri ân Lenin - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Ba, 3 tháng 3, 2020

Nông dân cạp đất để chính quyền tri ân Lenin


Hạn hán, nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền, không thể trồng cấy, không kế sinh nhai, nông dân các huyện Ba Tri, Giồng Trôm,… ở Bến Tre đang thi nhau bán lớp đất trên bề mặt các thửa ruộng mà họ đành phải bỏ hoang để có tiền trang trải những chi phí tối thiểu cho việc sống còn của họ.

Đồng Bằng Sông Cửu Long với cảnh hạn hán khốc liệt năm 2016. [nguồn: VN Express 3/11/2016]

Trong phóng sự ngắn được đăng vào cuối tuần vừa qua, tờ Thanh Niên giải thích, lý do nông dân ở Ba Tri, Giồng Trôm phải gọi người bán lớp đất trên bề mặt các thửa ruộng của họ vì nguồn thu nhập từ vụ lúa thứ ba trong năm hoặc không xuống giống được, hoặc mất trắng do hạn hán, nước biển làm đất nhiễm mặn.

Tuy biết rằng việc bán lớp đất trên bề mặt các thửa ruộng sẽ khiến chi phí dành cho phân bón, thuốc bảo vệ thực vật ở những vụ lúa sau cao hơn nhưng nông dân hai huyện vừa kể ở Bến Tre không còn lựa chọn nào khác. Họ nuôi hy vọng khi độ cao mặt ruộng thấp hơn, mặt ruộng sẽ ngang với mặt nước kênh rạch, những vụ sau sẽ dễ tưới hơn.

Đáng lưu ý là giá bán lớp đất trên bề mặt các thửa ruộng rất rẻ - chỉ từ 100.000 đồng/khối đến 150.000 đồng/khối. Đã vậy không dễ bán nếu ruộng nằm ở những vị trí không tiện cho vận chuyển. Đất trên bề mặt các thửa ruộng được dùng vào việc gì? Không phải để trồng cấy! Chúng được dùng để bồi đắp thay nguồn cát vốn đã can kiệt!

Tại Bến Tre, tuy nhận thức chuyện bán lớp đất trên bề mặt các thửa ruộng hết sức nguy hiểm vì làm giảm mức độ màu mỡ của đất, nguy hại cho hiệu quả của hoạt động trồng trọt trong tương lai nhưng các viên chức hữu trách từ xã đến tỉnh không thể làm gì khác hơn… khuyến cáo (1)!

Dẫu tác động của hạn hán và nước biển xâm nhập sâu vào đất liền khiến sông rạch, ruộng vườn tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nhiễm mặn càng lúc càng nghiêm trọng, chẳng phải ruộng vườn mà còn hàng chục triệu người đang hoặc sẽ thiếu cả nước ăn uống, tắm giặt nhưng hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam chưa đề ra bất kỳ giải pháp chính thức nào nhằm hỗ trợ nông dân và bảo vệ hoạt động nông nghiệp ở khu vực ĐBSCL một cách căn cơ.




Theo dõi thông tin về hoạt động của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền trên hệ thống truyền thông chính thức, người ta chỉ thấy các viên chức hữu trách tập trung bàn qua, tán lại về phòng chống sự lây lan của virus COVID-19 và tác động của dịch bệnh có thể làm kinh tế suy thoái, khó đạt… chỉ tiêu tăng trưởng của năm nay!

***

Giữa lúc nông dân Bến Tre nói riêng và nông dân khu vực ĐBSCL nói chung bị đẩy đến tình thế phải vời người, năn nỉ họ cạp cả đất nhằm duy trì cơ hội sống còn của mình, nhiều cơ quan truyền thông chính thức dẫn tuyên bố của ông Kha Văn Tám – Phó Ban tuyên giáo của Tỉnh ủy Nghệ An công kích những người chỉ trích dựng tượng Lenin!

Ông Tám nhấn mạnh, việc xây công viên diện tích khoảng 4.000 mét vuông với đài tưởng niệm (diện tích khoảng 3.000 mét vuông) ở trung tâm thành phố Vinh không phải là sự tùy tiện của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Nghệ An. Ý tưởng này đã được hệ thống chính trị, hệ thống công quyền trung ương xem xét, phê duyệt.

Theo ông Tám, sở dĩ cả trung ương lẫn địa phương… nhất trí vì tỉnh Ulyanovsk của Liên bang Nga – quê hương Lenin - tặng tượng. Công viên và đài tưởng niệm Lenin tại Nghệ An – quê hương bác Hồ - là một kiểu đáp trả việc tỉnh Ulyanovsk xây công viên, dựng đài tưởng niệm… bác (diện tích chỉ chừng một nửa - khoảng 2.000 mét vuông).

Cho dù ông Tám phê phán những người chỉ trích việc xây công viên, dựng tượng đài Lenin ở thành phố Vinh là “không chính xác, xuyên tạc với dụng ý xấu” nhưng ông không chỉ ra điểm nào thiếu… chính xác, những ý kiến nào là… xuyên tạc và dụng ý thì xấu ra sao?!

Ông Tám chỉ khẳng định, xây công viên, dựng đài tưởng niệm Lenin ở trung tâm thành phố Vinh là đứng đắn vì thể hiện “quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa tỉnh Nghệ An với tỉnh Ulyanovsk” và “tình hữu nghị Việt – Nga”. Cuối tháng này, công trình xây công viên và dựng tượng đài Lenin sẽ hoàn tất (2).




Theo một số cơ quan truyền thông chính thức tại Việt Nam, chi phí cho việc xây công viên và dựng tượng đài Lenin ở thành phố Vinh ngốn hơn 8 tỉ đồng (3). Hơn tám tỉ đồng này tất nhiên là được rút từ công khố. Xưa giờ, Nghệ An vẫn là một trong những tỉnh sống nhờ sự đóng góp của các tỉnh, thành phố khác.

Một số người đã dùng số liệu thu chi năm 2018 của Nghệ An: Chỉ thu được 12.691 tỉ trong khi chi tới 23.780 tỉ (3) để chứng minh, mỗi ngày, Nghệ An ngửa tay nhận 30 tỉ đồng của các tỉnh, thành phố khác để duy trì hoạt động của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại tỉnh này.

Trong bối cảnh như vậy mà vẫn xin hơn 8 tỉ xây công viên, dựng tượng đài Lenin, bất kể thiên hạ (bao gồm cả dân chúng các quốc gia thuộc Liên Xô cũ, các quốc gia thuộc khối cộng sản ở Đông Âu) đang thi nhau dẹp bỏ tượng Lenin (nhân vật mà theo các tài liệu đã được bạch hóa là phạm nhiều tội ác chống nhân loại) – rõ ràng là phi lý!

Tuy nhiên xét cho đến cùng, sự bất cập ở Nghệ An vẫn thua xa sự quá đáng của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam. Tại sao Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng và những viên chức hữu trách thuộc đủ mọi ngành, mọi cấp biết “tri ân” Lenin, bày tỏ sự thủy chung với lý tưởng cộng sản, trân trọng “tình hữu nghị” với Liên bang Nga, tỉnh Ulyanovsk mà không nhớ đến trách nhiệm, nghĩa vụ đối với 17 triệu đồng bào ở ĐBSCL đã, đang và sẽ còn ngắc ngoải do tác động của biến đổi khí hậu, của thượng nguồn sông Mekong bị chặn để khai thác thủy điện?

Tại sao có thể gạt bỏ những trăn trở vì thiếu trước, hụt sau, phải vay mượn cả ngoài lẫn trong để chi thường xuyên, vẫn “nhất trí cao” trong việc chi hết chục tỉ này đến chục tỉ khác, thậm chí gật đầu với cả những dự án vô bổ, kể cả những dự án xây công viên, dựng tượng đài trị giá cả trăm tỉ, ngàn tỉ mà lại lần lữa, không đầu tư thỏa đáng cho ĐBSCL dù vấn nạn “tan rã” ở khu vực này không còn là nguy cơ mà đã trở thành nhãn tiền suốt từ giữa thập niên 2010 đến nay?

Bao giờ chuyện giúp ĐBSCL “phát triển bền vững, thích ứng với các tác động của biến đổi khi hậu” bước ra khỏi vòng… nghị quyết? Bao giờ hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam thật sự “tri ân”, thật sự biết trân trọng mồ hôi, nước mắt, biết hành động vì tương lai no ấm của nông dân nói riêng và đồng bào mình nói chung?


© Trân Văn
    Blog VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad