Nước ngọt… mặn như nước mắt - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Ba, 3 tháng 3, 2020

Nước ngọt… mặn như nước mắt


Bởi vậy nước ngọt có vị mặn đắng như nước mắt khốn cùng của người dân Việt hôm nay.

Người dân đi hứng nước ngọt ở Gò Công Đông, Tiền Giang - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Dòng chảy về đồng bằng sông Cửu Long giảm so với tháng 2. Dự báo tổng lượng dòng chảy trong tháng 3 và tháng 4 sẽ thấp hơn cùng kỳ năm 2016 khoảng 50-60%. Đến cuối tháng 3 các sông Nam Bộ chịu ảnh hưởng của triều cường, trong đó kỳ triều cường rằm tháng 2 âm lịch (giữa tháng 3 dương lịch) đỉnh triều sẽ ở mức cao…

Những bản tin với các con số nặng nề. Độ mặn cao nhất năm có khả năng xuất hiện vào nửa cuối tháng 3 ở khu vực hạ lưu sông Cửu Long (sông Tiền, sông Hậu). Còn trên hệ thống sông Vàm Cỏ sẽ vào cuối tháng 5. Độ mặn năm nay có khả năng cao hơn trung bình nhiều năm và cao hơn thiên tai năm 2016. Ranh mặn 4 g/l xâm nhập sâu nhất khoảng 60 – 80km trên hệ thống sông Tiền, sông Hậu và khoảng 100 – 110 km trên hệ thống sông Vàm Cỏ.

Nguyên nhân được cơ quan chuyên xác định do đầu tháng 2, lượng nước sông Mekong về đồng bằng sông Cửu Long thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 40 cm và 20 cm so cùng kỳ năm 2016. Kết hợp với triều cường rằm tháng Giêng và gió mùa đông bắc làm cho độ mặn trên các sông Tây Nam Bộ lên cao và xâm nhập 50 – 95 km (ranh mặn 4 phần nghìn), sâu hơn năm 2016 từ 2 đến 11 km.

Thế nhưng người dân ở Bến Tre, nơi hạn mặn đã ‘phủ sóng’ toàn bộ diện tích cả 3 xứ cù lao (cù lao An Hóa, cù lao Bảo và cù lao Minh), thì nước nhiễm mặn vào Bến Tre đã bắt đầu từ giữa tháng Chạp và tăng dần cho tới hôm nay. Nguồn nước từ các nhà máy cấp cho người dân ở thành phố Bến Tre hiện độ mặn đã dao động từ 3 – 4 phần ngàn nên không thể nấu nướng, tắm giặt gì được.

Liệu có phải tất cả là ‘tại ông trời’? Câu trả trả lời trúng nhất ở đây, thì trách nhiệm ‘bao trùm’ phải là Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam các khóa 11, 12.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, một chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái đồng bằng sông Cửu Long và sông Mê Kông, cho biết “điểm nhấn” trong sự nghiệp của mình, là khi ông tham gia nhóm chuyên gia quốc tế thực hiện Đánh giá môi trường chiến lược các đập thủy điện dòng chính Mê Kông năm 2009.

“Trước đó, tôi chỉ loay hoay làm những việc bảo tồn đa dạng sinh học ở những khu bảo tồn đất ngập nước ở đồng bằng. Sau khi tham gia nhóm chuyên gia, tôi chợt giật mình ngẩng đầu lên, ngó rộng hơn và ngộ ra rằng những việc mình làm sẽ bị phủi sạch bởi những chuyện lớn như biến đổi khí hậu và các đập thủy điện ở thượng nguồn”, ông Thiện nhớ lại.

Báo cáo Đánh giá môi trường chiến lược các đập thủy điện dòng chính Mê Kông (SEA) được Tổ chức Quốc tế về đánh giá tác động môi trường (AIAI) trao giải Sáng kiến hợp tác diễn ra ở Bồ Đào Nha vào tháng 5/2012.




AIAI đánh giá nhóm thực hiện SEA có nhiều đóng góp trong dự báo, đánh giá tác động của việc xây dựng 12 đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông và quá trình ra quyết định xây đập. Cụ thể, trong báo cáo đã khuyến nghị việc xây dựng các con đập hạ nguồn Mê Kông sẽ gây ra những tác động không thể cứu vãn đối với hệ sinh thái của con sông, ảnh hưởng đến sinh kế và an ninh lương thực của hàng triệu người phụ thuộc vào nguồn tài nguyên của dòng Mê Kông; vì vậy, các quốc gia dọc Mê Kông cần dừng quyết định xây đập thủy điện trên dòng sông này ít nhất là 10 năm nữa.

Sau khi tham gia nhóm chuyên gia quốc tế nghiên cứu về Mê Kông năm 2009, ông Thiện quyết định trở thành người hoạt động độc lập, không làm cho một cơ quan tổ chức nào nữa.

“Len lỏi lội rừng bên Lào, tôi hiểu được suối nguồn tạo dòng Mê Kông như thế nào. Lội sình phơi nắng cả tháng bên Campuchia, tôi thấy sếu đầu đỏ ăn trong nước mặn ra sao. Về Đồng Tháp, tôi hiểu tại sao người dân trồng lúa ba vụ mà vẫn nghèo. Về miền biển, tôi hiểu cá biển đồng bằng mình nhiều là nhờ nước đục phù sa”, ông Thiện chia sẻ.

Hiểu nhiều nên ông càng trăn trở, nhất là chuyện thủy điện trên dòng chính Mê Kông. Ông lý giải từ hàng ngàn năm trước, dòng nước Mê Kông như một băng chuyền vĩ đại, miệt mài mang phù sa về kiến tạo nên đồng bằng sông Cửu Long. Phù sa sông Cửu Long còn tràn ra biển, tạo thành một vùng nước đục khoảng 20 – 30 km tính từ bờ ra. Nó chính là chiếc áo giáp của đồng bằng.

Vì nước đục nặng hơn nên sóng biển gặp lớp phù sa sẽ giảm bớt sức mạnh đánh vào bờ. Nhưng, khi thủy điện chặn mất phù sa, chiếc áo giáp bị mỏng, sạt lở sẽ gia tăng, một quá trình ngược với kiến tạo sẽ bắt đầu. Lo ngại của ông Thiện là có cơ sở. Theo số liệu của Ủy hội Sông Mê Kông, năm 1992 lượng phù sa lơ lửng trên sông là 160 triệu tấn/năm.

Nhưng đến năm 2014, sau khi hàng loạt dự án thủy điện được xây ở thượng nguồn Mê Kông, lượng phù sa chỉ còn 85 triệu tấn/năm, giảm gần một nửa. Riêng cát sỏi chìm dưới đáy sông gần như không còn về hạ nguồn…

Đáng tiếc là tất cả những khuyến cáo định kỳ của Tổ chức Quốc tế về đánh giá tác động môi trường (AIAI) về dòng chảy Mê Kông, những chủ động lên tiếng bằng các công trình khảo cứu của nhóm chuyên gia độc lập như các ông Nguyễn Hữu Thiện (email của ông Thiện: Email: savingwetlands@gmail.com); ông Lê Văn Tuấn, ông Dương Văn Ni, ông Nguyễn Đức Tú (cả 3 đều là giảng viên trường Đại học Cần Thơ); ông Lê Phát Quới ở Sài Gòn; ông Đào Trọng Tứ ở Hà Nội…, gần như đã không được Bộ Chính trị các khóa 11, 12 quan tâm, cầu thị để có thể hoạch định ra sách lược phù hợp với Trung Quốc – quốc gia đang được cho là nơi tạo ra sự cạn kiệt dòng chảy của Mê Kông.

Bởi vậy cho nên nước ngọt có vị mặn đắng như nước mắt khốn cùng của người dân Việt hôm nay.


© Hiền Vương
    VNTB





Người dân miền sông nước Tây Nam Bộ phải đi xa mua nước ngọt với mức giá hoảng hồn, có nơi đến 150.000-200.000 đồng/m3, mức giá cao gấp hàng chục lần so với giá nước sinh hoạt ở đô thị

Đó là chuyện đang xảy ra ở một vùng sông nước mênh mông bao đời nay: Đồng bằng sông Cửu Long.

Bạn ở thành thị, nước máy xả ào ào, đã bao giờ bạn trải qua tình cảnh "quý từng ca nước"? Và bạn sẽ "vô can"?

Khó khăn chất chồng

Mực nước ở Đồng bằng sông Cửu Long giờ đã giảm đáng kể so với những năm trước. Hạn hán và xâm nhập mặn gay gắt làm khó khăn chồng chất với đời sống người dân. Năm 2020 tình hình diễn ra nghiêm trọng hơn những năm trước nhiều. Hình ảnh từng nhóm người xếp hàng chờ hứng nước ngọt từ một vòi công cộng, hay kiên nhẫn vét nước có màu đùng đục ở các ao, hồ đã không còn quá xa lạ trên các phương tiện truyền thông.

Những con kênh được xây dựng nhằm ngăn nước mặn, dẫn nước ngọt ở tỉnh Bạc Liêu mười mấy năm trước nay cạn khô. Người dân từ hai tuần nay đã không có đủ nước máy để dùng. Người ta phải mất thêm thời gian để lấy nước về cho gia đình mình sử dụng. Khi đi lấy nước ở khu vực ao này, họ thường tắm luôn ở đây, đằng sau các bụi chuối, để tiết kiệm nước, có thể mang về nhiều hơn cho gia đình.

Sống tại một trong những tỉnh đầu nguồn sông Tiền, bà con ở xã Tân Thành, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp cũng phải xếp từng hàng dài trước vòi nước công cộng hiếm hoi còn có nước. Sau vài tiếng chờ đợi, họ có thể mang được vài can nhựa (loại 30 lít) chất lên xe chở về nhà.

Và tôi thấy "choáng" khi đọc những dòng thông tin về nỗ lực "bình ổn giá nước ngọt" ở Bến Tre, có nơi ở địa phương này đang cố gắng giữ giá nước ngọt ở mức 120.000 đồng/m3. Tiền chi mua nước ngọt tăng cao trong khi sinh kế cũng khó khăn hơn. Lúa, rau chết khô, đồng tiền ngày càng khó kiếm hơn.

Nước cạn sẽ còn tiếp diễn vài tháng trước mùa mưa, nguồn thu của người đồng bằng sẽ "héo hon" hơn. Chi tiêu thế nào cũng phải tính toán bởi riêng tiền mua nước sinh hoạt thôi đã chiếm phần lớn thu nhập của gia đình. Thiếu nước còn ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh kế dài lâu chứ không chỉ chuyện hiển hiện trước mắt.

Ai từng thức đêm hứng nước mới thấu...

Nhiều bạn bè tôi ở thành thị vẫn bình thản lướt qua những dòng tin tức về hạn mặn đang làm khổ người dân ở vùng sông nước Đồng bằng sông Cửu Long. Hầu hết người dân tại các thành phố lớn đều có đủ nước sinh hoạt để dùng, chỉ cần mở vòi là có nước, tiền nước hằng tháng có khi nhiều lắm cũng chỉ đủ cho người dân vùng hạn mặn mua nước ngọt dùng trong một vài ngày. Không thiếu nước cũng không quá khó khăn chi trả tiền nước sinh hoạt, nên vẫn còn ít người nhắc nhau tiết kiệm nguồn nước sạch.




Đành rằng nước cũng như điện, dùng bao nhiêu trả tiền bấy nhiêu, nhưng đừng quên đây là nguồn tài nguyên không phải vô hạn. Ai đó vẫn nghĩ thiếu nước ngọt ở miền Tây thì không liên quan gì đến người vùng miền khác...

Nào phải vậy! Nước sinh hoạt đến từ nước bề mặt gồm ao hồ, sông suối, hồ chứa và nước ngầm. Trong tình hình mưa không đủ, nước phải chứa để làm thủy điện, nước ngầm lại ngày một ít đi và ô nhiễm không ít thì không chỉ riêng các vùng bị ảnh hưởng mà các quốc gia cũng bị liên đới trong tình hình chung.

Câu chuyện đồng bằng khát nước ngọt khiến tôi nhớ đến chuyện người dân thủ đô Hà Nội thức đêm chờ hứng nước sau sự cố nguồn cấp nước cách nay chưa lâu. Người Đà Nẵng cũng từng trải qua tình cảnh này. Sau đó là những ngày tháng dư luận bàn nhiều về nguồn nước và chất lượng nước sinh hoạt đô thị.

Nước ở đô thị có đủ sạch không? Nếu một ngày nguồn cấp nước từ các sông gặp sự cố gì đó, người đô thị sẽ sống như thế nào?

Cần những kế hoạch quyết liệt về chuyện tiết kiệm nước, tích trữ nước từ nông thôn đến thành thị để chủ động vượt qua khó khăn khi nước sạch đang cạn kiệt dần. Và câu chuyện đồng bằng “khát nước” hôm nay thêm một lời nhắc nhở để cả cộng đồng nhìn lại cách xài nước hằng ngày.
Những ai từng tay xách nách mang dụng cụ đi hứng từng giọt nước có lẽ hiểu hơn cảnh khó khăn của bà con đồng bằng hiện nay. Nỗi khổ thiếu nước sinh hoạt sẽ không chỉ diễn ra trong quy mô nhỏ với những khủng hoảng vì sự cố nào đó. Diễn biến này trong một tương lai không xa sẽ ảnh hưởng rộng hơn nếu chúng ta không kịp thay đổi suy nghĩ và hành động trước tình hình nước sạch ngày càng thiếu hụt.

Xin đừng nghĩ đảm bảo đủ nước dùng chỉ là chuyện của công ty cấp nước! Nếu nguồn cấp nước từ các sông ít đi hoặc bẩn hơn, hàng chục triệu người đô thị cũng sẽ bị ảnh hưởng, mà trước hết sẽ phải chi nhiều tiền hơn để mua.

Thiếu nước mặt, người dân quay sang tìm cứu cánh bằng cách tận dụng nước ngầm và sẽ phải đối mặt vấn đề sụt lún, ngập... Nếu người đô thị không tiết kiệm nước từ sinh hoạt hằng ngày từ hôm nay, tức là đang lãng phí nguồn tài nguyên và tương lai con cháu mình sẽ hứng chịu.

Việt Nam nằm trong top 15 nước có trữ lượng nước tự nhiên nhiều nhất thế giới. Song theo thống kê của Hội Tài nguyên nước quốc tế, Việt Nam vẫn thuộc nhóm quốc gia thiếu nước sạch. Lượng nước sạch bình quân đầu người thấp hơn mức trung bình của thế giới, đến năm 2025 sẽ tiếp tục giảm đi một nửa.

Tôi nghĩ đến tình cảnh con người vục mặt vào vũng nước nhỏ bên đường hay cả xóm xúm quanh một giếng nước nhỏ như ở Ấn Độ, châu Phi... rồi nghĩ về cảnh thiếu nước xứ mình mà rùng mình. Tiết kiệm nước, đừng để đến lúc quá muộn. Thay đổi sớm ngày nào tốt ngày ấy.


© NGỌC LƯU
    Tuổi Trẻ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad