Covid-19: Thị trường ASEAN giúp Việt Nam bớt lệ thuộc Trung Quốc - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Ba, 3 tháng 3, 2020

Covid-19: Thị trường ASEAN giúp Việt Nam bớt lệ thuộc Trung Quốc


Dịch virus corona - Covid-19 cho thấy thế giới phụ thuộc vào Trung Quốc. Trong số 10 nước Đông Nam Á, Việt Nam có lẽ là nước bị ảnh hưởng trực tiếp, do mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực, từ hàng không, du lịch-dịch vụ, đến cung cấp nguyên vật liệu, giao thương… với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đạt khoảng 117 tỉ đô la, xấp xỉ 19% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2019.

Kiểm tra thân nhiệt một tài xế tại cửa khẩu Hữu Nghị, biên giới Việt-Trung, tỉnh Lạng Sơn, ngày 20/02/2020. REUTERS/Kham


Nhấp vào nút play (►) dưới đây để nghe

Theo giới chuyên gia, dịch Covid-19 cũng là cơ hội cho Việt Nam mở rộng thị trường xuất-nhập khẩu để tránh bớt phụ thuộc vào Trung Quốc, trong đó phải kể đến Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-Liên Hiệp Châu Âu (EVFTA), có hiệu lực từ năm 2020. Tuy nhiên, thị trường Đông Nam Á, ngay sát sườn, vẫn chưa được Việt Nam khai thác hết tiềm năng, trong khi đây là một thị trường trẻ và năng động.

Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad cho rằng các nước ASEAN đã không biết tận dụng hết tiềm năng dân số và đã đến lúc « có thể làm điều này ». Tại Hội nghị Cấp cao Kinh doanh và Đầu tư ASEAN 2019 (ABIS-2019) ngày 02/11/2019, trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 tại Bangkok-Nonthaburi, thủ tướng Malaysia lấy ví dụ của Trung Quốc, « trong vòng 10 năm, Trung Quốc đã vượt xa mọi nền kinh tế khác và trở thành cường quốc kinh tế thế giới »,nhờ tận dụng triệt để quy mô dân số lớn.

Tận dụng thị trường lớn thứ ba thế giới

Với 650 triệu dân, ASEAN trở thành khu vực đông dân thứ ba trên thế giới, sau Trung Quốc và Ấn Độ, đặc biệt là hơn một nửa số dân trong độ tuổi trẻ. ASEAN cũng là nền kinh tế thế giới năng động thứ ba tại châu Á, sau Trung Quốc và Nhật Bản, và đứng thứ bẩy trên thế giới. Theo trang Statista.com, ước tính tổng GDP của ASEAN năm 2018 lên tới xấp xỉ 2,95 nghìn tỷ đô la, tăng đáng kể so với mức 2,2 nghìn tỷ đô la năm 2017. Kết quả này phản ánh nền kinh tế thịnh vượng của khu vực.

ASEAN là một đối tác thương mại rất quan trọng, « là cánh cửa hướng ra thế giới » của Việt Nam, theo phát biểu của bộ trưởng bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, được trang Le Courrier du Vietnam trích đăng ngày 28/01/2020. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã được cải thiện để có sức cạnh tranh hơn, đặc biệt kể từ khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN được thành lập năm 2015.

Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang, được chọn tham gia triển lãm bên lề Hội nghị Cấp cao Kinh doanh và Đầu tư ASEAN 2019 (ABIS-2019) tại Bangkok-Nonthaburi, là một ví dụ cho việc doanh nghiệp Việt Nam đổi mới để thích nghi với thị trường quốc tế.

Anh Nguyễn Hoàng Hân, phụ trách xuất khẩu chung của công ty Điện Quang, giải thích với RFI Tiếng Việt về những ưu điểm giúp Điện Quang được chọn tham gia triển lãm bên lề Hội nghị ABIS-2019 :

« Được chọn là một trong hai thương hiệu quốc gia được trưng bày ở sản phẩm, được giới thiệu về thương hiệu đến cộng đồng quốc tế, đây quả là một vinh dự của thương hiệu Điện Quang. Theo xu hướng của hiện đại, ngoài sản phẩm truyền thống, Điện Quang còn triển lãm những sản phẩm thông minh Smart Lighting và những công nghệ, cũng như giải pháp dành cho những căn hộ, nhà xưởng, thậm chí là thành phố thông minh. Với chiến lược đó, Điện Quang được thành phố cũng như chính phủ hỗ trợ để phát triển những công nghệ mới.




Đồng thời, Điện Quang luôn giữ tiêu chí của mình, đó là an toàn, chất lượng và thẩm mỹ cho sản phẩm, không ngừng đáp ứng về mẫu mã, cũng như về công nghệ. Đây cũng là một trong những đặc trưng độc đáo nhằm phát lên một thông điệp dành cho bạn bè quốc tế, đó là Việt Nam cũng có những doanh nghiệp bền vững, phát triển theo công nghệ 4.0 của thế giới. Chúng tôi có một thương hiệu lâu đời, nhưng  cũng bắt được những xu hướng phát triển của thời đại ».

ASEAN, thị trường tiềm năng và đầy cạnh tranh

So với các doanh nghiệp trong vùng, doanh nghiệp Việt Nam có một số khó khăn, như yếu hơn về vốn, về khả năng quản lý, kỹ năng ngôn ngữ… Trong một bài viết ngày 25/07/2019, Tạp chí Tài chính trích một số nhận định của một số doanh nhân, chuyên gia về thực tế của các doanh nghiệp Việt Nam.

Trước hết là mù mờ về thị trường. Vì vậy, ông Nguyễn Thanh Hải, tổng giám đốc công ty TNHH sản xuất và thương mại dịch vụ Quy Phúc, cho rằng « các doanh nghiệp Việt Nam nên mạnh dạn đầu tư nghiên cứu tìm hiểu thị trường, tham dự các hội chợ chuyên ngành tại nước sở tại để đưa ra những chiến lược phù hợp với đơn vị mình ». Thứ hai, cần phải sáng tạo, « doanh nghiệp nào nắm được công nghệ, sản phẩm độc đáo thì sẽ bán được vào thị trường ASEAN ». Thứ ba, các doanh nghiệp Việt chưa biết tận dụng cơ hội để tiếp cận thị trường ASEAN.

Ngoài ra, trong khuôn khổ Cộng đồng Kinh tế ASEAN, sản phẩm mang tính cạnh tranh của các nước thành viên khác cũng có cơ hội chinh phục người tiêu dùng Việt Nam. Đây cũng là một trong những thách thức lớn đối với các nhà sản xuất trong nước, cũng như đối với Điện Quang, theo nhận định của anh Nguyễn Hoàng Hân :

« ASEAN là một thị trường rất tiềm năng, nhưng bên cạnh đó cũng có rất nhiều thử thách và khó khăn trước mắt. Cạnh tranh cũng rất khốc liệt. ASEAN có 11 nước thành viên, nhưng trong đó có khoảng 4 đến 5 nước có ngành công nghệ chiếu sáng rất phát triển, ngoài Việt Nam, còn có Thái Lan, Indonesia, Malaysia. Những quốc gia này có những nhà máy, những thương hiệu đèn, cũng như công nghệ chiếu sáng rất phát triển. Đây quả thực là một khó khăn đối với Điện Quang khi cạnh tranh, cũng như thâm nhập vào những thị trường này.

Bên cạnh đó cũng có những mặt tiềm năng, như những thị trường đang phát triển, ví dụ Miến Điện, Cam Bốt, những thị trường này có cơ sở hạ tầng cũng đang phát triển. Đây cũng là những dự án mà Điện Quang đang hướng tới để cung cấp những thiết bị đèn, cũng như là các giải pháp thông minh cho những đất nước đang phát triển như này.

Quả thực, để thâm nhập vào những thị trường này, chiến lược của Điện Quang, thứ nhất, chất lượng luôn phải đảm bảo. Thứ hai, giá thành lúc nào cũng phải cạnh tranh. Thứ ba, luôn tiếp nhận phản hồi từ thị trường để kịp thời cải tiến và phát triển mẫu mã sản phẩm luôn đáp ứng được những yêu cầu thay đổi mỗi ngày của thị trường cũng như người tiêu dùng ».
Phải chấp nhận tư duy ra « biển lớn »




Ông Nguyễn Công Danh, chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Việt An Khang, được Tạp chí Tài chính (25/07/2019) trích dẫn, nhận định : « Ở thị trường ASEAN, các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với sự cạnh tranh không chỉ với các doanh nghiệp bản địa mà từ các đối thủ toàn cầu, đặc biệt là các nhà sản xuất từ Trung Quốc. Doanh nghiệp cần nâng cao hơn nữa về chất lượng, phải chấp nhận tư duy ra « biển lớn » chứ không phải sản xuất nhỏ ».

Đây cũng là chiến lược được công ty cổ phần Điện Quang triển khai từ lâu. Anh Nguyễn Hoàng Hân cho biết công ty đã cố gắng từ nhiều thập niên để chiếm được lòng tin của người tiêu dùng trong nước, qua đó đạt được danh hiệu « Hàng tiêu dùng chất lượng cao » của Thương Hiệu Việt.

« Để đưa những sản phẩm của mình vào thị trường, nói chung là cao cấp ngang hoặc cao hơn Việt Nam, như Thái Lan chẳng hạn, thì đó quả là một bài toán khó đối với không chỉ Điện Quang mà còn với các doanh nghiệp ở Việt Nam.

Chúng tôi luôn tìm ra những đặc trưng của sản phẩm. Đối với những tiêu chuẩn cơ bản, chắc chắn là phải đáp ứng được. Ngoài ra, chúng tôi còn phải đưa ra những điểm khác biệt, những đặc trưng sản phẩm của chúng tôi. Ví dụ, chúng tôi giới thiệu những loại đèn giải pháp thông minh, có thể điều chỉnh từ xa bằng các công nghệ như wifi, bluetooth, hoặc là những công nghệ thông minh hơn, rồi có những sản phẩm cảm biến, cảm biến chuyển động, cảm biến ánh sáng…

Đó là những sản phẩm mà chúng tôi mang đến, nhưng giá trị của sản phẩm thì luôn được đặt lên hàng đầu : Đó là làm sao phù hợp với túi tiền của người tiêu dùng, làm sao đánh đúng nhu cầu sử dụng của các nhà đầu tư chẳng hạn. Đó là điểm mà chúng tôi luôn hướng đến khi tiếp xúc với các nhà phân phối ở Thái Lan, hoặc khi thâm nhập vào thị trường Thái Lan, chúng tôi có thể nói mẫu mã của Điện Quang đặc sắc, mà giá thành thì hợp với túi tiền người tiêu dùng ».

Theo thống kê được trang Le Courrier du Vietnam đăng ngày 28/01/2020, trao đổi mậu dịch giữa Việt Nam và các thành viên khác trong khu vực đạt khoảng 60 tỉ đô la năm 2019, so với khoảng 45,23 tỉ năm 2017. Ngoài những lĩnh vực xuất khẩu thế mạnh như nông phẩm, thủy sản, các doanh nghiệp Việt Nam cần mở rộng mặt hàng xuất khẩu, tận dụng những ưu đãi thuế quan trong khu vực ASEAN, vị trí thuận lợi trong hành lang Đông-Tây di chuyển hàng hóa…

Một số chuyên gia cho rằng doanh nghiệp Việt Nam cũng cần cải thiện ngay chất lượng hàng hóa, dịch vụ, cũng như cách trưng bày, giới thiệu mặt hàng vì « một khi sản phẩm Việt Nam bị định hình là hàng rẻ tiền, việc thay đổi nhận diện sản phẩm là rất khó », theo khyến cáo của ông Nguyễn Đương Kiên, Vụ Thị trường châu Á-châu Phi (bộ Công Thương).


Thu Hằng
RFI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad