Việt Nam: Thanh thiếu niên đồng tính bị phân biệt đối xử - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Bảy, 28 tháng 3, 2020

Việt Nam: Thanh thiếu niên đồng tính bị phân biệt đối xử


Ngày 12/02/2020, tổ chức nhân quyền của Mỹ Human Rights Watch ( HRW ) đã công bố một báo cáo về tình trạng của thanh thiếu niên đồng tính nam, đồng tính nữ, song tính và chuyển giới (LGBT) bị phân biệt đối xử ở Việt Nam.

Cuộc diễu hành Hanoi Pride 2019 nhằm vận động cho việc bảo vệ quyền của giới đồng tính tại Việt Nam. Ảnh chụp tại Hà Nội ngày 22/09/2019. AFP - MANAN VATSYAYANA


Nhấp vào nút play (►) dưới đây để nghe

Có thể nói Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có luật thoáng nhất ở châu Á đối với giới đồng tính. Ở Việt Nam, hôn nhân đồng tính chưa được công nhận về luật pháp, nhưng cũng không còn bị cấm kể từ năm 2015. Những người đồng giới tính vẫn có thể chung sống với nhau, chỉ có điều là pháp luật sẽ không xử lý khi giữa họ có tranh chấp xảy ra. Cũng từ năm 2015, Luật Dân sự của Việt Nam đã có quy định về chuyển giới và thay đổi giới tính trên giấy tờ tùy thân. Tuy nhiên, điều kiện để được phẫu thuật chuyển giới hiện chưa được quy định cụ thể.

Đến năm 2016, khi là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Việt Nam đã bỏ phiếu thuận cho nghị quyết chống bạo hành và phân biệt đối xử do xu hướng tính dục. Nhưng cho tới nay, trên thực tế, giới LGBT ở Việt Nam còn bị phân biệt đối xử nặng nề, đặc biệt là thanh thiếu niên LGBT không được bảo vệ.

Dựa trên trên các cuộc phỏng vấn 52 thanh thiếu niên LGBT, cùng với các giáo viên và cán bộ, nhân viên nhà trường, bản báo cáo dài 68 trang ghi nhận thanh thiếu niên LGBT ở Việt Nam đang đối mặt với những định kiến và sự phân biệt đối xử trong gia đình cũng như ở trường học. HRW nhận thấy ở Việt Nam các giáo viên thường không được tập huấn và trang bị đầy đủ để giải quyết các vụ kỳ thị đối với thanh thiếu niên LGBT, và các bài giảng ở trường thường lại phản ánh những hiểu biết sai lạc rằng đồng tính là một chứng bệnh. Tổ chức nhân quyền của Mỹ kêu gọi chính quyền Việt Nam thực hiện đầy đủ các cam kết về bảo vệ quyền của những người LGBT.




Nhân đây, xin mời quý vị nghe cuộc phỏng vấn bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học về giới, gia đình, phụ nữ và vị thành niên (CSAGA).

Nguyễn Vân Anh : Về vấn đề LGBT ở Việt Nam, mặc dù trong khoảng hơn chục năm gần đây đã có những thay đổi lớn, đó là sự diện diện của nhóm đồng tính, song tính và chuyển giới ngoài xã hội đã rõ ràng hơn trước đây, tuy nhiên đây vẫn là một vấn đề mới, vẫn chưa được đề cập nhiều trong chính thống, đặc biệt là trong giáo dục.

Trong hệ thống giáo dục Việt Nam, vấn đề LGBT chưa được quan tâm đúng mức, vì chưa có đủ hiểu biết, các xu hướng tình dục khác nhau chưa được đưa vào các chương trình giảng dạy. Cho nên các thầy cô giáo gặp rất nhiều lúng túng khi nói về chủ đề này. Trong thực tế thì thanh thiếu niên bây giờ cũng khá là mạnh dạn thể hiện xu hướng tình dục của mình, chứ không giấu diếm hoặc lúng túng như trước đây, bởi vì các em bây giờ biết khá nhiều nhờ tìm kiếm trên mạng. Nhưng các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh dường như lại né tránh hoặc là hoảng sợ. Bằng chứng là trong các tư vấn, chúng tôi thấy các thầy cô giáo và rất nhiều phụ huynh thường đặt vấn đề : « Làm sao để cháu nó hết đồng tính ? » hoặc « Làm thế nào để không có tình trạng đồng tính xảy ra ? ». Những câu hỏi này cho thấy mọi người không hiểu về sự đa dạng của các xu hướng tình dục.

RFI : Tức là nhiều người vẫn xem đồng tính là là một căn bệnh, chứ không phải là biểu hiện tự nhiên của một cơ thể con người ?

Nguyễn Vân Anh : Vâng, bây giờ còn rất nhiều người, đặc biệt là những người lớn coi đồng tính, song tính và chuyển giới là vấn đề đạo đức hoặc là bệnh tật. Vì coi là chuyện đạo đức cho nên mới có những biện pháp dạy dỗ, giáo dục, cưỡng ép như bắt nhốt, đe dọa hoặc làm nhục. Vì cho là bệnh nên họ tìm các phương pháp chữa bệnh, tìm đến bác sĩ, thầy lang, thầy cúng.




RFI : Trong vấn đề này phải chăng trách nhiệm phần lớn là các bậc cha mẹ, vì nhiều gia đình vẫn không chấp nhận con mình là đồng tính ?

Nguyễn Vân Anh : Đồng tính, song tính, chuyển giới phải nằm trong hệ thống kiến thức về tình dục, được coi như một bộ môn khoa học, được giảng dạy, được truyền thông, được phổ biến, để mọi người đều hiểu thứ nhất là những kiến thức cơ bản về tình dục. Trong những kiến thức cơ bản đó, có sự đa dạng của xu hướng tính dục. Khi đã coi đó là chuyện đương nhiên trong xã hội, là một phần của cuộc sống, thì cách nhìn của người ta cũng sẽ khác đi.

Tôi nghĩ Việt Nam bây giờ đã tiến bộ hơn trước nhiều lắm. Trong các bộ phim chiếu khá công khai trên truyền hình thì cũng nói đến chuyện này với cái nhìn cởi mở hơn trước rất nhiều. Tuy nhiên, trong giáo dục chính thống và những nghiên cứu chính thống của nhà nước, điều này cũng rất là quan trọng.

RFI : Bộ Giáo dục Việt Nam nên có những bước gì để hoàn thiện chương trình giảng dạy về giới tính nói chung và về đồng tính nói riêng ?

Nguyễn Vân Anh : Bộ Giáo Dục nên nhìn nhận đây là một vấn đề nghiêm túc trong việc bảo vệ trẻ em. Để bảo vệ trẻ em thì chúng ta phải có những chuyên gia hiểu biết về các vấn đề liên quan, cụ thể là vấn đề giáo dục giới tính cho trẻ em, trong giáo dục giới tính thì có phần nói về xu hướng tính dục. Cần phải có sự tham gia của các chuyên gia để tạo ra một chương trình phù hợp với học sinh hiện nay. Khi có một chương trình phù hợp, khoa học, mình sẽ nhận được sự ủng hộ không chỉ của học sinh, mà còn của giáo viên, phụ huynh và của cộng đồng xã hội, bởi vì bây giờ rất nhiều người lớn vẫn còn đang lúng túng với vấn đề này.

Tôi được biết là giáo viên hàng năm vẫn có những khoảng thời gian để học về chuyên môn vào dịp hè. Thế thì nên bổ sung vào chương trình học về chuyên môn đó những vấn đề mới mẻ như thế này.




RFI : Trong khi chờ có một chương trình giáo dục về giới tính hoàn thiện, theo bà, phải làm sao để bảo vệ những trẻ em đồng tính, song tính, chuyển giới trong các môi trường như học đường, ngăn ngừa những vụ bạo hành, làm nhục đối với các em đó ?

Nguyễn Vân Anh : Trong trường học ở Việt Nam thì ít có sự bạo hành, nhưng sự kỳ thị vẫn còn khá là nặng. Sự kỳ thị đến từ các em ngang tuổi thì ít, mà bây giờ phần nhiều lại đến từ người lớn. Muốn thay đổi điều này thì chỉ có cách là cung cấp những kiến thức. Khi có kiến thức thì người ta sẽ không kỳ thị nữa, người ta hiểu được vấn đề, rằng đây không phải là bệnh hoạn, bệnh lây, như nhiều người nghĩ, không phải là chuyện đạo đức, hư hỏng, đua đòi, như những người khác vẫn nghĩ. Người ta sẽ có một thái độ đúng mực hơn đối với các trẻ em LGBT.

RFI : Vấn đề này có liên quan đến quyền của trẻ em. Luật pháp Việt Nam chắc là có những biện pháp để trừng trị những kẻ vi phạm quyền của các trẻ em LGBT, để ngăn chận những hành vi đó ?

Nguyễn Vân Anh : Luật về trẻ em của Việt Nam khá là chặt chẽ, trẻ em được bảo vệ như nhau, không phân biệt về giới tính, về xu hướng tính dục. Vấn đề ở chổ là việc thực thi. Khi đã có sự kỳ thị thì người ta loại trừ những người bị cho là bệnh, bị cho có vấn đề về đạo đức, trong khi đó chỉ là những người có xu hướng tính dục khác với số đông.

Tôi xin nêu một ví dụ : Có hai em học sinh cùng giới, rất là thích nhau. Khi bố mẹ phát hiện thì đã nhốt hai em đấy trong nhà. Nhưng khi những người bạn của hai em đấy kêu cứu, thì trường và cơ quan ở trường đó nói rằng đang là tuổi học sinh, cùng giới mà lại thích nhau như thế, bố mẹ ngăn cấm là đúng rồi. Tức là khi người ta không hiểu thì người ta xem đó là biện pháp giáo dục, chứ không nghĩ đó là một sự bạo hành. Vì thế, tôi nhấn mạnh lại : kiến thức phải được tiếp tục phổ biến nhiều hơn nữa đến phụ huynh, giáo viên và cộng đồng.


Thanh Phương
RFI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad