COVID-19: Hành động của người Mỹ luôn ngoài tưởng tượng của nhiều người - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Tư, 1 tháng 4, 2020

COVID-19: Hành động của người Mỹ luôn ngoài tưởng tượng của nhiều người


“lệnh ở nhà” hiện đang được thi hành trên nhiều tiểu bang của Mỹ, nếu đưa ra cách đây một tháng mà buộc mọi người chấp hành thì khó thực hiện được: khi đó số ca nhiễm được chẩn đoán tại các tiểu bang chỉ lác đác, càng không thể thực thi trạng thái khẩn cấp, trong khi những người dân đã quen sống trong tự do rõ ràng không thể tuân theo “lệnh ở nhà” cưỡng ép khi mà họ không thấy tình hình có gì cấp bách.

Tàu y tế USNS Comfort T-AH-20 của Hải quân Mỹ (Nguồn: Getty Images).

Tính cho đến ngày 30/3, viêm phổi Vũ Hán (còn gọi là Viêm phổi Trung Cộng, COVID-19) ở Mỹ đã đứng đầu thế giới với hơn 142.000 ca nhiễm, kết quả này có lẽ khiến nhiều người không hiểu tại sao chỉ trong khoảng thời gian nửa tháng mà dịch bệnh ở Mỹ lại bùng phát chóng mặt như vậy? Phải chăng nước Mỹ đã mất khả năng kiểm soát dịch bệnh? Dưới đây là bài viết của tác giả Nhị Đại Gia với quan điểm cá nhân về việc này.

Trước tiên cần hiểu rõ là dữ liệu chẩn đoán nhiễm viêm phổi Vũ Hán ở Mỹ tăng vọt gần đây có liên quan chặt chẽ đến việc chẩn đoán nghiêm ngặt trên quy mô lớn được áp dụng gần đây, cho thấy có thể dịch bệnh thực sự đã bùng phát ở Mỹ từ cuối tháng Hai sau khi dịch bệnh đi vào châu Âu, chẳng qua vào thời điểm đó số người được xét nghiệm chẩn đoán còn quá hạn chế. Chỉ sau khi dịch bệnh bùng phát ở châu Âu, đặc biệt là Ý và Tây Ban Nha, khi đó Mỹ mới thực sự bắt đầu “nhập cuộc”, bắt đầu triển khai công nghệ kiểm tra phát hiện nhanh nhiễm virus corona, nhưng rõ ràng là khi đó đã quá muộn. Bang New York với dân số đông và hệ thống giao thông công cộng phát triển nhất chính là nơi chịu thiệt hại nhất.

Tình trạng lây lan dịch bệnh ở Mỹ có liên quan đến sự không nhất quán trong chính sách phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh của các bang trước khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia. Như chúng ta đã biết, quyền lực của Chính phủ Mỹ được phân chia, chúng tương tác nhau mà không chi phối nhau. Quyền lực của mỗi tiểu bang là rất lớn, trước đó công tác phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh mỗi tiểu bang đều tự quyết dựa trên tình hình riêng, dẫn đến sự khác biệt về mức độ tại từng nơi, tình trạng không nhất quán này gây vô số vấn đề bất cập. Trước siêu dịch chưa từng có này, các nhà lãnh đạo ở châu Âu và Mỹ, đặc biệt là ông Trump, ban đầu mỗi người mỗi mức xem thường khác nhau, dẫn đến sự chậm trễ nghiêm trọng tại một số nước.




Không chỉ châu Âu và Mỹ bị sa lầy trong đại dịch lần này, thực tế những nước không đáp ứng yêu cầu “bạn bè” của Trung Quốc đều có vấn đề cố hữu trong hệ thống: không thể nhanh chóng ra quyết sách. Vì trong quá trình ra quyết sách quan trọng liên quan đến lợi ích công, họ phải theo trình tự một cách khoa học hoặc bị kiểm soát từ cán cân quyền lực, trước tiên phải xem xét sự cân bằng giữa quyền lợi công chúng và tổn thất xã hội. Điều này thường dẫn đến quyết sách của họ không thể tùy tiện nhanh chóng muốn gì có ngay mà phải triển khai dần theo sự phát triển của tình hình, mọi việc chỉ được thực hiện sau khi có được đồng thuận của đông đảo công chúng.

Ví dụ, “lệnh ở nhà” hiện đang được thi hành trên nhiều tiểu bang của Mỹ, nếu đưa ra cách đây một tháng mà buộc mọi người chấp hành thì khó thực hiện được: khi đó số ca nhiễm được chẩn đoán tại các tiểu bang chỉ lác đác, càng không thể thực thi trạng thái khẩn cấp, trong khi những người dân đã quen sống trong tự do rõ ràng không thể tuân theo “lệnh ở nhà” cưỡng ép khi mà họ không thấy tình hình có gì cấp bách.



Tương tự, kế hoạch kích thích kinh tế chưa từng thấy trong lịch sử Mỹ trị giá 2,2 nghìn tỷ USD (đô la Mỹ) của Trump, nếu đưa ra cách đây một tháng là không thể thực hiện, ngay cả khi thị trường chứng khoán nhiều lần lao dốc và vài ngày trước khi dịch bệnh đã rất cấp bách thì vẫn còn 8 Thượng nghị sĩ phản đối, hệ quả là phải chờ đợi cho đến khi có đồng thuận thì mới có thể thông qua.

Mức độ hiệu quả của việc ra quyết sách như thế nào còn phụ thuộc vào cơ cấu hệ thống quyền lực. Ở một nơi mà về cơ bản suy nghĩ của lãnh đạo chính là luật pháp thì thường xuất hiện hiệu quả đáng kinh ngạc trong việc “tập trung lực lượng giải quyết việc lớn”. Hiệu quả này ngoài lấy việc hy sinh các quyền và lợi ích cơ bản của người dân làm cơ sở thì còn phụ thuộc vào phẩm chất cá nhân của người ra quyết sách, thường là độc đoán và mờ ám, dễ bỏ qua nhu cầu của các tầng lớp xã hội khác, dẫn đến một số nguy cơ tiềm ẩn lâu dài. Giống như một số người Trung Quốc tự hào về “phong tỏa thành phố” mà không quan tâm đến bảo vệ những thiệt hại về quyền và lợi ích của lớp người dưới đáy xã hội, như vậy e rằng nguy hại tiềm ẩn lâu dài do đình trệ kinh tế đột ngột gây ra sẽ sớm thấy ngay trong năm nay.

Cơ cấu quyền lực với tính chế ước cân bằng giữa các bên khiến những quyết sách thường đi cùng vô số tranh luận và đấu tranh trì hoãn, vì vậy không có gì ngạc nhiên khi nước Mỹ phản ứng không kịp trước tấn công bất ngờ của dịch bệnh thế kỷ này. Ở một mức độ nào đó, dĩ nhiên có nguyên nhân vì sự chậm chạp của lãnh đạo, nhưng nguyên nhân gốc rễ là bối cảnh của quá trình ra quyết sách của quốc gia. Có vẻ như nhiều người Trung Quốc thích cười nhạo những cãi vã bất tận và thậm chí là ẩu đả diễn ở một số quốc hội, nhưng thực tế nhìn từ khoa học quyền lực chính trị thì điều đó được lập trình để ngăn chặn hành vi độc đoán, không có cách nào khác là phải vận hành như thế.

Để hiểu rõ điều này, chúng ta có thể tham khảo vấn đề tại sao người Mỹ bị ám ảnh bởi quyền sở hữu súng: theo lý thông thường, với mỗi năm xảy ra nhiều vụ xả súng khiến vô số người mất mạng thì việc cấm sở hữu súng là điều đương nhiên. Tuy nhiên, đối với người Mỹ, quyền sở hữu súng đại diện cho sự bảo đảm tự do, tài sản và sự công bằng; họ chấp nhận chi trả giá một chút để bảo vệ những giá trị thiêng liêng này.




Tình trạng dịch bệnh bùng phát như hiện nay chính là cái giá mà người Mỹ sẵn sàng chi trả. Ngay cả khi có thể quay ngược thời gian thì cũng không thể thay đổi kết quả này. Mặc dù phải trả giá như vậy, nếu bạn theo dõi kỹ giới truyền thông Mỹ bạn sẽ hiếm thấy xu thế ngôn luận thể hiện hối tiếc rằng trong cả tháng qua không bắt chước cách làm của Trung Quốc: vì đơn giản họ không thể chấp nhận cách làm như vậy. Sự công khai và minh bạch thông tin khiến người dân Mỹ thản nhiên chấp nhận khi dịch bệnh nhanh chóng chuyển sang tình trạng tồi tệ: tình hình tại tiểu bang New York rất nghiêm trọng, nhưng Thống đốc Cuomo vẫn rất được tín nhiệm. Ngày nào ông cũng xuất hiện trước truyền hình để giảng giải về tình hình dịch bệnh, công bố các biện pháp, kêu gọi viện trợ, và thậm chí công khai cãi nhau với em trai là phóng viên… Một người có phải là người chân thành không, có hết mình vì công việc không, công chúng tự biết đánh giá


Hình minh họa: Ảnh: Shutterstock

Tuy vậy, lợi thế của hệ thống “chậm nửa nhịp” này cũng nằm ở chỗ: chuyển hướng chậm, nhưng luôn tìm được hướng ưu trội hơn, và một khi được tìm được hướng sẽ hình thành sức mạnh tổng hợp mạnh mẽ. Đặc biệt là khi họ thực sự nhận thức được mối đe dọa của virus sẽ rất nhanh chóng chấp nhận thực tế, đất nước đang trong tình trạng rời rạc sẽ bất ngờ chuyển sang trạng thái tập trung sức mạnh vì mục tiêu chung. Sau khi tiểu bang New York báo thông tin thiếu hụt nhân viên y tế thì đã có hơn 40.000 người tự nguyện ghi danh, không cần Chính phủ phải tổ chức bất kỳ “đội cứu trợ New York” nào. Ngày nào tôi cũng theo dõi tin tức, ngoài thông tin tình hình dịch bệnh có thể thấy nhiều thông tin hay khác như những khách hàng để lại lại món tiền tip khá cao cho đội ngũ nhân viên nhà hàng nhằm hỗ trợ khó khăn, hoạt động tích cực cung cấp đồ miễn phí trong cộng đồng, trẻ em gửi thiệp chúc mừng cho những người xa lạ đang nỗ lực làm nhiệm vụ, không đâu thấy người ta hô hào khẩu hiệu “New York cố lên, New York ráng trụ vững”…

Ngay cả trong tình huống tồi tệ như vậy mà tỷ lệ ủng hộ Trump vẫn đạt mức cao mới, bất chấp rất nhiều phát ngôn sai lầm của Trump. Việc người Mỹ tăng cường ủng hộ Tổng thống đương nhiệm khi đất nước gặp phải thảm họa lớn là truyền thống chưa bao giờ bị phá bỏ, đó cũng là đặc điểm của dân Mỹ rất đáng tìm hiểu.




Tóm lại, có đất nước cứ khi gặp thảm họa là nghĩ đến việc gửi tiền cho người dân để giảm bớt gánh nặng, cũng có đất nước khi gặp khó khăn lại đòi quyên góp của người dân, thực tế những quyết sách này không cùng xuất phát điểm, vì vậy về cơ bản không thể so sánh với nhau được.

Vậy thì tình hình dịch bệnh ở Mỹ có vượt khỏi tầm kiểm soát? Có ngoài sức chịu đựng của hệ thống y tế?

Sau khi nước Mỹ quán triệt thực hiện khái niệm “khoảng cách xã hội”, theo quy luật thông thường thì để dịch bệnh đạt đến đỉnh điểm vẫn cần thêm một thời gian, nhưng không còn xa. Là quốc gia có nguồn lực y tế mạnh nhất trong số các quốc gia phát triển, mặc dù số ca mắc bệnh đã tăng lên cao nhất thế giới nhưng tỷ lệ tử vong vẫn luôn giữ ở mức khoảng 1,5%, tỷ lệ tử vong này tương đối thấp so với các nước khác, cho thấy tài nguyên y tế đáng tin cậy của Mỹ dưới áp lực to lớn như vậy. Với đầu tư nhiều bệnh viện cabin và nguồn lực y tế quân sự, tin rằng tình hình sẽ được giải quyết tốt hơn nữa. Còn “luật cơ bản” chống lại dịch bệnh là vắc-xin, dựa theo tiến trình hiện tại thì rất có khả năng Mỹ sẽ là nước đầu tiên nghiên cứu được. Sau khi ông Trump đưa ra “Luật sản xuất quốc phòng”, các công ty lớn của Mỹ bắt đầu điều chỉnh dây chuyền sản xuất theo yêu cầu, bắt đầu đẩy mạnh năng lực sản xuất vật tư y tế; các lỗ hổng như máy thở và khẩu trang dự kiến ​​sẽ sớm được lấp đầy, chúng ta hoàn toàn có thể tin vào thực lực công nghiệp vào khả năng huy động sức mạnh của Mỹ.

Nếu chỉ nhìn vào một số thông tin trong nước, có thể dễ có cảm nghĩ rằng nước Mỹ sắp sụp đổ. Nhưng tôi vẫn cảm thấy vững tin hơn vào nước Mỹ thông qua dịch bệnh này. Trong thời gian dịch bệnh bùng phát, nhiều siêu thị lớn ở Mỹ đã mở cửa trước một giờ đặc biệt dành cho người già và người khuyết tật mua sắm. Ngoại trừ giấy vệ sinh vốn khan hiếm thì thực sự không thiếu thứ gì. Không có gì khác biệt, bầu không khí của toàn xã hội vẫn rất bình tĩnh, trật tự và hòa bình. Ở Los Angeles là nơi dịch bệnh không nghiêm trọng (hiện số trường hợp nhiễm bệnh được chẩn đoán chỉ là hơn 1000), dù tại các tuyến đường huyết mạch chính lưu lượng giao thông đã giảm đáng kể, nhưng không hoàn toàn đứng yên. Dù hiện tại “lệnh ở nhà” áp dụng tại các thành phố lớn của Mỹ là hạn chế nghiêm ngặt nhất trong lịch sử Mỹ, nhưng thực tế so với biện pháp “phong tỏa thành phố” của Trung Quốc thì còn kém xa. Quyền tự do đi lại của cá nhân vẫn được đảm bảo tương đối, không có các cô chú của ủy ban khu phố giám sát bạn, cũng không có người đeo băng tay đỏ để kiểm tra thẻ đi lại, đừng nói đến việc ai đó chặn khu vực nhà bạn. Xã hội Mỹ vẫn chính yếu phụ thuộc vào kỷ luật tự giác của công dân. Tính tự kỷ luật này đích thực là tinh thần tự tin và trách nhiệm.

Một quốc gia trung tâm thống trị hai cuộc chiến tranh thế giới sẽ không bị khủng hoảng suy sụp vì một trận dịch khốc liệt. Hành động của người Mỹ luôn ngoài tưởng tượng của chúng ta!


© Nhị Đại Gia
    Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
    Trí Thức Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad