Mọi tự hào mang tính dân tộc, thể chế đều dần phải nhường chỗ cho nguyên tắc của ngành y là cứu người, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng.
Tôi xin điểm qua vài ví dụ theo các báo Anh 48 giờ qua.
Tạm bỏ qua xung khắc 'liên bang vs tiểu bang' ở Hoa Kỳ thì các nước châu Âu đều đang thay đổi quyết liệt.
Chuyện phong tỏa ở Ý, Pháp, Tây Ban Nha, Đông Âu và Anh ai cũng đã biết.
Nhưng ở 'tiền đồn' của tư tưởng tự do cá nhân là Đức, Áo, Bắc Âu, tình hình cũng chuyển biến:
Đức từ chỗ rất tự tin vào chiến lược xét nghiệm ồ ạt và chỉ chặn giao thông quốc tế nhưng thả lỏng bên trong để bảo vệ kinh tế đã dần chuyển sang cách ly, phong tỏa từng phần (partial lockdown).
Văn hóa coi thường khẩu trang ở Đức cũng đã bớt bảo thủ sau khi Áo ra lệnh đeo khẩu trang ở siêu thị, bệnh viện.
Báo Đức đăng hình bà Angela Merkel đeo khẩu trang như tín hiệu 'xe tăng Deutschland chuyển hướng tiến công'.
Thụy Điển từng rất thoải mái để dân đi lại vì tin vào 'tính kỷ luật Scandinavia' đã bị choáng với số tử vong là 105, tính đến 29/03.
Chính quyền phải cho đóng cầu Oresund nối với Đan Mạch, có lưu lượng 70 nghìn lượt người qua lại một ngày.
Chẳng cần bảo thì người dân cũng hạn chế đi lại: mạng xe điện ngầm Stockholm giảm 50%, theo phóng viên Maddy Savage viết cho BBC từ Thuỵ Điển.
Tuy thế, nước này vẫn chấp nhận hàng quán mở, chỉ hạn chế tụ tập quá 50 người, con số quá lớn so với lệnh cấm tụ tập quá 10 người ở nước láng giềng Đan Mạch.
Các biện pháp sẽ đều giống nhau
Tóm lại, như tôi đã viết trong một số bài về ở Anh những ngày sống với lệnh phong tỏa toàn quốc, các nước dù tự hào về thế mạnh công nghệ, văn hóa đến mấy cũng đều xích lại gần nhau trong việc chọn các bước đi chống dịch.
Riêng với Việt Nam, các nhà quan sát, như bác sĩ Phan Đình Hiệp từ Úc trả lời BBC hôm 30/03, bên cạnh việc ghi nhận thành công ban đầu của chính phủ Việt Nam, cũng khuyến nghị nước này không được chủ quan, và cần có biện pháp ngăn virus corona lây lan trong cộng đồng.
Trên thực tế, như một bài khác của TS Hoàng Xuân Phúc từ Anh viết cho chúng tôi đã hơn một tuần trước, chiến lược mạnh tay khoanh vùng nhiễm dịch, cách ly ngay các ca dương tính và hạn chế 'cửa vào' qua biên giới của chính phủ Việt Nam sẽ “kịch kim” về hiệu quả của nó.
Khi virus corona đã lan ra cộng đồng, điều không tránh khỏi với một nước 95 triệu dân, có biên giới dài với các quốc gia láng giềng đều có dịch, và có giao thông hàng không tấp nập với châu Âu, Bắc Mỹ - những vùng dịch mới, nghiêm trọng, thì 'chặn, tìm và cách ly người dính virus' sẽ không giúp Việt Nam cầm cự lâu.
Cách ly là cách ly thế nào?
Cuối cùng thì chính phủ Việt Nam đã thừa nhận tình trạng đó - không phải lỗi của riêng ai cả - dù vụ Bệnh viện Bạch Mai có thể là biểu hiện của lỗi hệ thống y tế - và ra các biện pháp mới nhất giống châu Âu là giãn cách, cách ly xã hội, tức social distancing và hạn chế giao thông nội địa.
Khi cả quốc gia gần 100 triệu người bước vào 'partial lockdown' thì nhiều vấn đề khác ngay lập tức nảy sinh.
Đầu tiên là tính xuyên suốt của lệnh cách ly, giãn cách giao tiếp.
Văn phòng chính phủ Việt Nam vừa ra lệnh đó, đồng thời có diễn giải khác lạ.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, ông Mai Tiến Dũng khẳng định: Việc thực hiện "cách ly xã hội" không phải là phong tỏa và cấm hoàn toàn người dân đi lại. Các cơ sở sản xuất tự quyết định việc hoạt động sản xuất và tự chịu trách nhiệm”, theo các báo Việt Nam hôm 31/03.
Ông Mai Tiến Dũng cũng có vẻ như đang gợi ý rằng “người đứng đầu doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chịu trách nhiệm áp dụng các biện pháp phòng chống dịch tại cơ sở của mình”
Cách hiểu về cách ly này hoàn toàn khác với những gì đang được áp dụng ở châu Âu.
Không rõ có phải chính phủ Việt Nam sợ tác động kinh tế xấu, hay sợ bị cho là nặng tay, mà có hướng dẫn nửa vời như vậy và thậm chí e ngại từ 'phong tỏa'?
Trước đây, chính phủ VN không muốn dùng cụm từ "đóng cửa biên giới" để rồi phải xử lý hàng vạn lượt khách nhập cảnh và đến hôm nay thì cũng cấm các chuyến bay, ngưng nhập cảnh đường bộ từ Campuchia và Lào.
Ở các nền dân chủ như Anh, người ta đã bàn công khai về tính độc đoán của các lệnh chống dịch, hạn chế tự do cá nhân.
Nhưng với nguyên tắc 'sức khỏe cộng đồng là trên hết', chính phủ Boris Johnson sau giai đoạn có người nói là lung lay (wobbly) đã làm mạnh tay, rõ ràng và dứt khoát.
Ví dụ của chính ông ta bị dính virus do đi lại nhiều, bắt tay bắt chân thoải mái khiến nay Boris Johnson càng phải chứng tỏ là dứt khoát.
Khẩu hiệu cho toàn dân 'Stay home' – Ở nhà; 'working from home -WFH', làm việc từ nhà, phải ̣được tuân thủ toàn bộ.
Đã làm việc từ nhà thì không ai ra phố, đến cơ quan, công sở, doanh nghiệp trừ khi tính chất công việc khiến bạn không thể làm từ nhà.
Người dân như tôi chỉ được ra đường một lần một ngày để tập thể dục, mua thực phẩm.
Ở Anh cũng không thể có chuyện đặt gánh nặng quyết định lên đầu lên cổ chủ doanh nghiệp mà lệnh (instruction) của chính quyền được nhắc hàng ngày hàng giờ trên đài báo, mạng xã hội, có hiệu lực áp đảo (overrule) đối với các quyết định riêng lẻ.
Tiếp theo là chuyện chính phủ điện tử và làm việc qua mạng ở Việt Nam
Vì trình độ phát triển chưa bằng Tây Âu và Bắc Mỹ, Việt Nam sẽ gặp khó khăn trong cách áp dụng 'làm việc từ nhà'.
Người ta sẽ ngạc nhiên nếu biết rằng không ít công chức, cơ sở kinh doanh công và tư không làm việc từ nhà được vì khó nối mạng, vì 'chính phủ điện tử' chưa thành hiện thực, nhất là với các tỉnh, huyện.
Một văn bản định hướng chiến lược của Bộ Thông tin Truyền thông Việt Nam đặt ra mục tiêu:
“Hoàn thành các mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển CPĐT giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025, đặc biệt đối với các mục tiêu bảo đảm an toàn, an ninh mạng, kết nối, chia sẻ dữ liệu và dịch vụ công cấp độ 4.
“Phấn đấu đạt tỷ lệ 100% các Bộ, ngành, địa phương có nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu cấp bộ, cấp tỉnh LGSP; 100% cơ quan nhà nước công khai mức độ hài lòng của người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến; Đạt tỷ lệ 30% dịch vụ hành chính công trực tuyến cấp độ 4.”
Như thế, con virus corona này đã không đợi đến 2025 để tấn công vào chiến lược số hóa, niềm tự hào của nhiều quan chức ở Việt Nam.
Nếu như thông tin tôi có được không có gì thiếu sót và giả sử một số vùng của Việt Nam đã đạt tỷ lệ dịch vụ hành chính công trực tuyến 30% trước hạn 2025, thì còn 70% vẫn đang 'ngoài vùng phủ sóng'.
Một người bạn tôi ở Hải Phòng nói đùa chua chát trên mạng: “Thôi nghỉ luôn cũng không sao nhiều cơ quan lâu nay đã lười tiếp dân rồi, chờ tiếp trên mạng có mà đến Tết sang năm.”
Bỏ sang một bên những chỉ trích, đàm tiếu không tránh khỏi khi người dân thừa thời gian vì ngồi nhà mùa dịch, điều trước mắt có thể làm được là chính phủ Việt Nam giảm giá dịch vụ số liệu điện thoại, Internet.
Ở Anh, ngày hôm qua Bộ trưởng Công nghệ số Oliver Dowden ra lệnh ngay lập tức (with immediate effect), bắt cả năm đại gia viễn thông BT, Virgin Media, Sky, Talktalk và O2 tăng băng tần, đẩy tốc độ truyền data để ngành y tế, các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và sinh hoạt của dân, gồm cả việc học trực tuyến từ nhà của học sinh, sinh viên, không bị “nghẽn mạch”.
Các công ty này cũng bị buộc phải chịu thiệt về tài chính và không được tăng giá theo các gói dịch vụ khác nhau, từ standard tới premium như trước với người dân Anh.
Vì xã hội nối mạng thế hệ mới không phải là chuyện gửi qua gửi lại công văn viết dạng PDF mà là đảm bảo số liệu y tế, dữ liệu thống kê dịch bệnh, xử lý thông tin quân sự khi quân đội vào cuộc chống dịch.
Tóm lại, đường truyền phải đủ, đều và nhiều, giá cả không thay đổi, làm trái bị cho là “vi phạm lệnh cứu mạng người” - saving life.
Trong lúc chờ 'chính phủ điện tử', quyết định tương tự ở Việt Nam sẽ ngay lập tức giúp cho người dân và doanh nghiệp phải làm việc từ nhà và qua mạng,một cách thiết thực mà cũng không gây khó khăn nhiều cho các công ty viễn thông vốn được ưu ái lâu nay.
Quá tự tin vào khẩu trang?
Cuối cùng, so sánh tình hình châu Âu và Việt Nam tôi có cảm giác việc cách ly, giãn cách giao tiếp sẽ buộc người Việt Nam thay đổi toàn bộ tư duy vốn quá tự tin vào khẩu trang và chặn biên giới mà khá coi thường việc tụ tập đông người.
Hôm 26/03, khi nhiều nước châu Âu đã ra lệnh Ở nhà và giãn cách xã hội, bạn tôi, anh Lê Trung Tĩnh tại Anh có viết trên Facebook:
“Nghe nói ở Việt Nam vẫn còn có thể tụ tập dưới 30 người ở nhà hàng hay tập thể dục...Với trải nghiệm hiện giờ ở Châu Âu đang PHẢI ở nhà hoàn toàn, tôi thật sự khuyên ở Việt Nam nếu không thật sự cần thiết (tức thiết yếu cho sống còn như mua đồ ăn và thuốc) thì mọi người NÊN Ở NHÀ. Tình hình diễn biến rất rất nhanh. Nếu ở Việt Nam đang giữ được ở mức thấp thì cố gắng tiếp tục như vậy. Dầu biết không tụ tập sẽ ảnh hưởng kinh tế nhưng còn đỡ hơn vài bữa nữa có thể cả nước sẽ không ai ra khỏi nhà. Con virus này nó lây lan khủng khiếp.”
Cho đến nhiều ngày sau đó, hình ảnh báo chí, mạng xã hội từ Việt Nam vẫn cho thấy người dân, cán bộ Đảng cộng sản, chính quyền họp hành, giao tiếp khá đông (ở Anh nay 'đông người là trên hai người), và ở cự ly khá gần.
Ảnh chụp các khu cách ly tập trung vẫn thấy có nhiều nhóm tập thể thao cùng nhau ở các môn đồng đội như đá bóng.
Trong khu cách ly mà nằm sát giường nhau, hoặc giường tầng thì làm gì đạt khoảng cách 'social distancing' 2 mét?
Ai cũng biết đeo khẩu trang và rửa tay giúp giảm lây lan chứ không đảm bảo 100% bạn không dính virus.
Bạn còn dùng phương tiện công cộng, còn tới hàng quán, công sở thì nguy cơ lây nhiễm còn cao.
Các cơ quan, văn phòng nhiều người dùng chung toilet, phòng họp, canteen cũng là môi trường lỵ́ tưởng cho virus corona lây lan.
Cũng tại Anh, người ta hướng dẫn rõ là “thức ăn nóng' có độ lây nhiễm thấp, nhưng 'người nấu nướng, bưng bê, phục vụ' (food handlers) là nhóm 'gây lây nhiễm rất cao'.
Vụ Bệnh viện Bạch Mai và công ty cung cấp nước sôi Trường Sinh là một bằng chứng cho thấy chuyện đó cũng hoàn toàn đúng ở Việt Nam.
Câu chuyện ở bệnh viện này cũng làm bộc lộ sự nghèo khó của đất nước.
Y tế VN có tiếng là của công nhưng dịch vụ chăm sóc bệnh nhân, gồm cả ăn uống, vệ sinh từ lâu đã phải do gia đình chăm lo, khiến con số người vào bệnh viện đông gấp nhiều lần ở các nước khác.
Tại Anh tôi chưa bao giờ thấy người nhà bệnh nhân được mang thức ăn vào cho họ và giờ thăm cũng rất hạn chế, vì trên nguyên tắc môi trường bệnh viện là chỗ người không phải bác sĩ và bệnh nhân không nên có mặt.
Thông tin mới nhất về lệnh cách ly vừa được các báo Việt Nam đăng tải cho thấy yêu cầu, tiêu chuẩn như ở châu Âu đang được đưa vào áp dụng, như 'không tụ tập quá hai người, giữ khoảng cách 2 mét'.
Đây là điều đáng mừng nhưng việc chấp hành sẽ còn là chuyện phải chờ xem.
Cuối cùng lại là vấn đề tự cách ly
Con số người có triệ́u chứng của Covid-19 tại Anh ngày càng tăng, và tôi lo ngại rằng ở Việt Nam sẽ cũng như vậy.
Chính phủ Việt Nam cần ra hướng dẫn rất cụ thể nếu tự cách ly thì bạn phải làm gì, chứ không thể chỉ tin là người dân “tự giác”.
Xin ghi lại ở đây hướng dẫn của Hệ thống Y tế Anh -NHS về cách tự cách ly để tham khảo.
Theo đó, người dân Anh cần tự cách ly khi bạn:
- Đang chờ kết quả xét nghiệm virus corona
- Có tiếp xúc gần gũi với người được xác nhận là đã nhiễm virus corona
- Vừa trở về từ những nơi nhiễm virus
- Có những biểu hiện nhiễm bệnh, như ho liên tục hoặc sốt từ 37 độ 8 trở lên
Tiếp xúc gần được định nghĩa đơn giản là bạn ở gần người đã nhiễm virus trong thời gian 15 phút, với cự ly 2 mét trở lại, hoặc đối diện với người đó.
Cách ly tại nhà là ở nhà trong 14 ngày, tốt nhất là trong phòng riêng.
Thời gian cách ly có thể chỉ cần 7 ngày nếu có các biểu hiện nhiễm bệnh nhẹ.
Cách ly có nghĩa là bạn không đi làm, đi học, hay tới các địa điểm công cộng khác, và tránh dùng giao thông công cộng hoặc xe taxi.
Bạn cũng phải ở phòng riêng, tách khỏi các thành viên khác trong gia đình, cố gắng dùng nhà tắm, nhà vệ sinh vào các giờ khác họ.
Những điều này sẽ khó khăn trong thực hiện với điều kiện nhà ở tại Việt Nam, nhất là với người nghèo, nhưng người ta sẽ không có cách nào khác là cố gắng chấp hành tối đa để bảo vệ mình và bảo vệ sức khoẻ cộng đồng nói chung.
Tóm lại, trong khi các nước châu Âu đang tiến dần lại cách làm của châu Á về khẩu trang thì Việt Nam cũng đang sắp giống châu Âu với lệnh cách ly, thậm chí sẽ cần phải phong tỏa đô thị.
Nhu cầu chống nguy cơ chung, mang tính toàn cầu của virus corona đang khiến ở Việt Nam có giảm đi niềm tự hào về thành tích ban đầu để cùng nhịp với các quốc gia trên thế giới trong công tác bảo vệ sức khoẻ của cộng đồng.
Tôi sẽ không lạ nếu Việt Nam sẽ tới lúc ghi nhận có ca tử vong vì Covid-19, một chuyện đau lòng không ai muốn nhưng nếu xảy ra cũng là 'new normal' (mới mà thành bình thường).
Vì như Giáo hoàng Francis nói trong buổi cầu nguyện một mình ngoài trời hôm trước ở Vatican, "chúng ta đều cùng ở trong một con thuyền đang qua cơn bão dịch bệnh".
© Nguyễn Giang
BBC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét