Khi còn ở trong trại tị nạn Camp Pendleton ở Nam Cali, tôi có dịp ở chung lều với gia đình một ông bác sĩ thuộc lứa tuổi trung niên. Như nhiều người Miền Nam, ông tỏ ra cay đắng cho rằng Hoa Kỳ đã bỏ rơi Miền Nam.
Ông cho biết sẽ tìm xin tị nạn tại Pháp hay Canada, vì cảm thấy không thể sống tại đất nước đã phụ rẫy mình. Chúng tôi đứt liên lạc từ sau khi rời trại, và tôi không rõ gia đình ông gồm bà vợ, vợ chồng cô con gái và ba đứa cháu ngoại còn nhỏ đã phiêu bạt nơi nào.
Ai làm mất Nam Việt Nam là câu hỏi thời thượng dạo ấy.
Giới bảo thủ thì đổ cho là giới báo chí khuynh tả làm mất Miền Nam. Họ quên là số phận Miền Nam đã được định đoạt từ khi Tổng thống Cộng hòa Richard Nixon bắt tay với Trung Quốc ba năm trước đó, nhắm vào thị trường béo bở với hàng tỉ người tiêu thụ tương lai. Mặc dù chính chúng ta dạo ấy không muốn tin như thế.
Ai làm mất miền Nam thì là chuyện đã rồi đối với tôi vào buổi sáng ngày 1/5 cách đây 45 năm thức dậy trong căn lều nhà binh mới dựng hôm trước, cỏ còn cao quá đầu gối, chỉ mới có tôi và hai đứa con nhỏ, 9 và 2 tuổi, được lùa vào đây nửa đêm hôm trước từ chiếc xe buýt đón chúng tôi đến từ Guam tại phi trường Los Angeles.
Tôi nhìn ra những ngọn đồi thoai thoải phủ thảm hoa vàng giữa cái lạnh rơi rớt từ mùa đông vừa qua, nghe trong đầu câu hát Lòng thật bình yên mà sao buồn thế / Giật mình nhìn tôi ngồi khóc bao giờ… (Trịnh Công Sơn, "Bên đời quạnh hiu.") Có điều tôi không đang khóc. Mắt tôi ráo hoảnh.
Tôi lớn lên tiêm nhiễm lời răn dậy "tiên trách kỷ, hậu trách nhân," tự trách mình trước rồi hẵng trách người. Và từ buổi sáng trên đồi hoa vàng nơi xứ người, tôi nhìn vào chính tôi, vào hồn của mảnh đất Miền Nam thân yêu nơi tôi lớn lên từ năm 1954 sau khi cha mẹ tôi mang chúng tôi 11 anh chị em chạy nạn cộng sản vào lập nghiệp.
Đây cũng là nơi ra đời của một quốc gia mới mẻ, mang tên Việt Nam Cộng Hòa, được sự hỗ trợ tận tình của một Hoa Kỳ thời hậu đệ nhị Thế chiến đã trở nên hùng mạnh nhất thế giới, và của các bạn đồng minh trong khối tự do, những quốc gia đã chịu ơn nước Mỹ giúp tái thiết.
Không thể phủ nhận, đã hẳn, Hoa Kỳ thoạt kỳ thủy đã có chủ ý coi VNCH là "tiền đồn cuối cùng" để ngăn chặn làn sóng đỏ tưởng bách chiến bách thắng hồi ấy. Song người Việt Miền Nam chúng ta coi đây là cơ hội ngàn năm một thuở để xây dựng một xã hội tự do dân chủ thực sự đầu tiên trong lịch sử của hàng ngàn năm nếu không là sống trong chế độ quân chủ chuyên chế thì là bị đô hộ bởi ngoại nhân. Người Miền Nam không coi nhẹ nền cộng hòa còn rất non trẻ này. Trong khói lửa mịt mù và một bối cảnh chính trị nhiều biến động, người Miền Nam vẫn kiên nhẫn xây dựng và vun sới cho mảnh đất tự do nhỏ bé.
Vậy mà, bằng cách này cách khác, chúng ta đã phí phạm cơ hội quí báu ấy. Tôi sẽ không dài dòng kể lể ở đây hàng núi lý do tại sao, cả nội lẫn ngoại. Chỉ vắn tắt là sau 20 năm dựng nước trong một bối cảnh chính trị bất ổn và một cuộc chiến đẫm máu đã lấy đi hàng triệu sinh mạng cả dân lẫn quân, kết cuộc là cuộc đại di tản lần thứ hai cho những người may mắn chạy thoát gọng kìm cộng sản ngày một xiết chặt tự do sau cái ngày oan nghiệt 30/4.
Hàng vạn người không may mắn đã liều mạng vượt biên và bỏ mình trong rừng sâu hay ngoài biển cả. Hàng ngàn vạn người khác của chế độ cộng hòa đã bị lùa vô các trại tập trung cưỡng bách lao động mọc lên nhan nhản khắp vùng đất nước. Nhiều người đã bỏ mạng. Họ là những quân dân cán chính, trí thức, khoa học gia, kỹ sư, bác sĩ, văn nghệ sĩ - phần lớn tình nguyện đi trình diện hy vọng sau khi được "cải tạo học tập" họ sẽ được phép mang khả năng giúp xây dựng đất nước. Điều đó đã không xẩy ra trong một chế độ đòi hỏi "hồng hơn chuyên."
Tổng thống Kennedy có lần đã nói: "Chiến thắng có cả trăm ông cha và thất bại trở thành mồ côi" (Victory has a hundred fathers and defeat is an orphan). Người Việt Miền Nam, dù lưu vong hay còn ở quê nhà, thẩy đều đã trở thành "mồ côi."
Nhiều thập niên qua, chúng ta đã sống trong thầm lặng, chịu đựng bị hiểu lầm và nhục nhã, cố gắng dồn mọi nghị lực vào việc xây dựng lại đời sống trên mảnh đất quê hương thứ hai, nuôi dậy con cái, vun sới gia đình, và có một dạo còn cung cấp cho người thân, bằng hữu còn kẹt lại sống thiếu thốn mọi sự. Vào giờ rảnh rỗi và dịp cuối tuần, chúng ta tập hợp nhau, người bàn chuyện quang phục quê hương; kẻ nói chuyện bảo tồn lịch sử và văn hóa đã và đang bị cộng sản tàn phá, hủy hoại ở quê nhà - cũng là một hình thức quang phục quê hương khi các giá trị dân tộc và nhân bản đang trên đà thoái hóa nơi quê nhà. Những hoạt động này đã giúp nối kết người Việt hải ngoại không chỉ ở Mỹ mà còn khắp thế giới lại với nhau.
Các nỗ lực bảo tồn văn hóa và lịch sử của người Việt hải ngoại thường nhỏ giọt, riêng lẻ, phần lớn do cá nhân bỏ tiền túi ra thực hiện. Thảng hoặc, có những trường hợp nhận được tài trợ như nhà văn Võ Phiến được một tổ chức nghiên cứu khoa học xã hội tài trợ đi sưu tầm tài liệu và thực hiện bộ "Văn Học Miền Nam Tổng Quan" vào đầu thập niên 1980. Dù vậy, kết quả của những nỗ lực này phải nói là phong phú, xuất hiện dưới hình thức sách báo, băng nhạc, hình ảnh, bầy bán khắp nơi. Những tác phẩm bị cộng sản cấm đoán, tịch thu, đốt hủy cũng đã được chụp và tái bản ở hải ngoại, ngay cả những bộ sách của thời tiền chiến được tái bản ở Miền Nam trước 1975 cũng theo chân chúng ta ra hải ngoại.
Và hồi ký đủ loại đề tài phong phú của nhiều người viết thuộc mọi thành phần trong và ngoài nước, đặc biệt là các hồi ký của nhiều người đã từng là đảng viên cộng sản nay tỉnh ra. Từ ngày kỹ thuật Internet ra đời cách đây 25 năm, sinh hoạt văn hóa này càng nở rộ. Dù vậy, các ấn phẩm vẫn chỉ thu hẹp phần lớn trong phạm vi tiếng Việt, hạn chế đối với các thế hệ trưởng thành hoặc sinh ra và lớn lên ở hải ngoại.
Gần ngày kỷ niệm 45 năm ngày 30 tháng 4, 1975 đánh dấu ngày Miền Nam bị bức tử, tôi nhận được tập sách từ lâu trông đợi và cuối cùng đã tới tay. Đó là tuyển tập "The Republic of Vietnam, 1955-1975 - Vietnamese Perspectives on Nation Building," bàn về công cuộc kiến quốc của Việt Nam Cộng Hòa, do Vũ Tường, giáo sư ngành chính trị học tại Đại học Oregon, và Sean Fear thuộc Đại học Leeds, Anh Quốc, biên soạn và nhà xuất bản Cornell University Press ấn hành.
Đây là một tập hợp các bài thuyết trình tại cuộc hội thảo hai ngày Symposium Nation-Building in War: The Experience of Republican Vietnam, 1955-1975, diễn ra tại Đại học Tiểu bang California ở Berkely cách đây vài năm, do một nhóm giáo sư trẻ gốc Việt tổ chức. Trong bài này, người viết sẽ dùng chữ "Kinh nghiệm Kiến quốc" để chỉ tên của tuyển tập này.
Các tác giả trong tập "Kiến quốc," gồm các cựu viên chức, giáo sư, chiến binh, ký giả, và văn nghệ sĩ của một thời Miền Nam, nay đã trên dưới 80, chia sẻ kinh nghiệm của một thời trẻ trung đầy lý tưởng trong công cuộc xây dựng tân quốc gia Việt Nam Cộng Hòa "như một quốc gia họ kỳ vọng trong trí tưởng với tất cả thiết tha, chứ không phải là một công cụ chính trị của chính phủ Mỹ," theo các chủ biên trong bài giới thiệu tuyển tập.
Đó là các lời chứng về chiến tranh, chính trị, kinh tế và đời thường của người dân thuộc mọi tầng lớp trong thời Đệ nhị Cộng hòa giữa bầu không khí sôi sục của trận chiến mà người Mỹ quen gọi là Chiến tranh Việt Nam. Khác với quan niệm phổ biến tại Mỹ, là chính quyền VNCH là bù nhìn của Mỹ, tập sách "cho thấy cuộc xung đột tại Việt Nam là một phân chia ý thức hệ giữa cộng sản bắc phương và phe không cộng sản Miền Nam, chứ không chỉ là cuộc chiến ủy quyền trong thời Chiến tranh Lạnh," như các tài liệu đã giải mật cho thấy việc công quân đã dược cộng sản quốc tế hỗ trợ như thế nào bên cạnh quyết tâm của người cộng sản đưa VN vào quỹ đạo ngoại bang này.
Tôi phải nhìn nhận là cho tới gần đây, ký ức cề công cuộc xây dựng đất nước thời cộng hoà của tôi chỉ thu gọn vào môi trường tôi có thể tạm cho là mình biết nhiều nhất, đó là văn học nghệ thuật. Tập sách "Kinh nghiệm Kiến quốc" đã cho tôi một cái nhìn toàn diện về các công cuộc phát triển và tiến bộ khác trong công trình xây dựng đất nước. Khó mà có thể tưởng tượng tất cả chỉ diễn ra trong vòng 20 năm, và trong một bối cảnh chiến tranh khói lửa đầy chết chóc tang thương.
Qua năm phần chính - phát triển kinh tế, chính trị và an ninh, giáo dục, báo chí và truyền thông, và văn hóa và nghệ thuật - chia thành 17 chương, người đọc có dịp tham dự hàm thụ công cuộc dựng nước gian nan song hào hứng.
Lãnh vực nào cũng đầy thông tin quan trọng và hữu ích cho một công cuộc tái xây dựng một Việt Nam nhân bản, khai phóng và tiến bộ trong tương lai, song một trong các lãnh vực lôi cuốn tôi nhất là giáo dục vì đó là nền tảng cho sự phát triển vững bền và lâu dài. Trong hai chương 8 và 9, hai nhà giáo dục Nguyễn Hữu Phước và Võ Kim Sơn thay phiên nhau trình bầy về nền giáo dục của VNCH dựa trên nền tảng nhân bản, dân tộc và khai phóng - tôi không khỏi hình dung tới chiếc kiềng ba chân vững vàng trong bếp của người Việt xưa.
Miền Nam đã nhận được sự tiếp tay của nhiều trường đại học tại Mỹ, trong đó có Đại học Tiểu bang Michigan giúp tái tổ chức và điều hành các hệ thống công lập; Đại học Nam Tiểu bang Illinois giúp huấn luyện các giáo viên tiểu học; Đại học Ohio trong việc thiết lập hệ thống Trung học Tổng hợp; và Đại học Wisconsin/Stevens Points tiếp tay khai triển hệ thống giáo dục cao cấp. Kết quả là sau 20 năm xây dựng nước, VNCH đã thiết lập và phát triển được nhiều cơ sở giáo dục như các trường trung học tổng hợp, hệ thống đại học cộng đồng, hệ thống trắc nghiệm và thẩm định, và các đại học huấn luyện giáo chức. Trừ các trường do tư nhân đứng ra thiết lập, còn tất cả các trường công, từ tiểu học tới đại học, hoàn toàn miễn phí.
Gần đây trên Internet, tôi thấy xuất hiện những bài viết nói lên niềm tiếc nuối đối với hệ thống giáo dục của Miền Nam. Điển hình là bài khá dài và chi tiết, tựa là "Nhìn lại nền Giáo dục VNCH: Sự tiếc nuối vô bờ bến," về hệ thống giáo dục của Miền Nam. Nhiều người trẻ trong nước cũng đã bầy tỏ niềm nuối tiếc đã không được lớn lên trong môi trường đó.
Nhờ nền giáo dục phổ biến và phần lớn miễn phí, số học sinh, sinh viên gia tăng, nhu cầu sách vở cũng nhờ vậy mà tăng trưởng, tiếp tay đẩy mạnh các sinh hoạt văn hoá khác, trong đó có các ngành thuộc văn học nghệ thuật và báo chí.
Cuộc chiến tại Việt Nam hiển nhiên "không chỉ là cuộc chiến ủy nhiệm," các chủ biên tuyển tập kết luận.
"Cuộc tranh chấp cộng sản/cộng hòa tại Việt Nam vô phương hóa giải này đã tồn tại ngay cả trước khi quân đội Mỹ vào tham chiến, và nó tồn tại tới ngay cả bây giờ trong cộng đồng Việt trên khắp thế giới. […] Với gốc rễ lịch sử và ý thức hệ sâu xa của cuộc nội chiến tại Việt Nam, bên cạnh vai trò quan trọng của Miền Nam trong việc khuôn đúc nên kết quả, ta không thể tiếp tục tảng lờ mà không kể tới ảnh hưởng của di sản cộng hòa trên nguồn gốc và hậu quả của cuộc chiến."
© Trùng Dương
BBC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét