Khủng hoảng virus corona và sự ảo huyền của chế độ chuyên quyền - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Hai, 11 tháng 5, 2020

Khủng hoảng virus corona và sự ảo huyền của chế độ chuyên quyền


Nguồn: George Yin - Ted S. Yoho, The Coronavirus Crisis and the Chimera of Authoritarian Competence | The National Interest

Khủng hoảng virus corona và sự ảo huyền của chế độ chuyên quyền | The Coronavirus Crisis and the Chimera of Authoritarian Competence

Virus corona đã lây nhiễm hơn 3 triệu người trên toàn thế giới. Khi đại dịch corona tiếp tục càn quét Hoa Kỳ và Châu Âu, tình hình ở Trung Quốc dường như được cải thiện. Tận dụng điều này, Trung Quốc tiến hành chiến dịch tuyên truyền toàn cầu về tính ưu việt của hệ thống chính trị Trung Quốc so với hệ thống dân chủ.

Bắc Kinh cho biết, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, Trung Quốc đã có thể huy động các nguồn lực và xây dựng nhanh chóng và hiệu quả các biện pháp cần thiết để chống lại dịch bệnh này. Vào ngày 27 tháng 3 năm 2020, các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc đã đăng tải bài phát biểu của Tập Cận Bình dạy cho TT Trump cách chống lại virus corona. Cư dân mạng Trung Quốc đã hoan hỉ về chiến thắng này, nói rằng virus corona đã phơi bày những lỗ hổng lớn trong hệ thống dân chủ. Liệu đại dịch virus corona có phơi bày khuyết điểm của dân chủ và ưu thế chuyên quyền trong quản trị khủng hoảng?

Đánh giá năng lực chuyên chế: sức lực so với trí não

Ý tưởng cho rằng chuyên chế thường vượt qua chế độ dân chủ không phải là mới mẻ. Trong nhiều thập kỷ, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã gọi “chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc” là một hệ thống vượt trội so với chủ nghĩa tư bản dân chủ phương Tây. Lập luận rằng hệ thống này bị đảng phái lôi kéo và dễ bị thao túng bởi giới tinh hoa tham nhũng. Lập luận này không phải không thu hút người nghe ở phương Tây. Gary Becker, giáo sư tại Đại học Chicago, người đã giành giải Nobel kinh tế năm 1992, đã viết vào năm 2010: “tầm nhìn lãnh đạo có thể đạt được nhiều hơn trong chế độ chuyên quyền so với chế độ dân chủ, vì họ không cần tuân thủ các quy định lập pháp, tư pháp, hoặc truyền thông khi thúc đẩy các chương trình nghị sự.”




Luận điểm chuyên chế ưu việt đánh đồng quyền lực nhà nước với khả năng cai trị. Nhưng điều đó không khiến ta tin rằng một nhà lãnh đạo chuyên chế sẽ luôn duy trì “tầm nhìn” và thực thi quyền lực một cách tử tế và hiệu quả. Theo quan điểm của John Dalberg-Acton, “quyền lực có xu hướng tha hóa. Quyền lực tuyệt đối, tha hóa tuyệt đối.” Tuy nhiên, chúng ta cần tập trung vào một khía cạnh liên quan đến sự độc đoán, vốn không kém phần quan trọng nhưng ít được thảo luận: thiếu một cơ chế khuyến khích minh bạch. Nguồn gốc của virus Vũ Hán và sự lây lan ban đầu của virus là một ví dụ điển hình. Như chúng ta đã biết, chính quyền địa phương (thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc) ở Trung Quốc đã cố che giấu dịch bệnh virus corona, làm trì hoãn các phản ứng tích cực và giúp virus lây lan không kiểm soát.

Vấn đề này không phải chỉ có ở tỉnh Hồ Bắc. Có một sự nghi ngờ rằng các nhà chức trách ở Bắc Kinh và các tỉnh thành khác của Trung Quốc đã báo cáo một cách có hệ thống các trường hợp virus corona. Ví dụ, giờ chúng ta biết rằng thống kê của chính phủ Trung Quốc không bao gồm các trường hợp không có triệu chứng trước ngày 31 tháng 3 năm 2020.

Đối với các quan chức chính phủ trong một hệ thống chuyên quyền, việc che giấu tin tức xấu gần như luôn luôn hợp lý về mặt chính trị. Nếu không có một thiết chế xã hội lành mạnh và sự bảo vệ của nhà nước pháp quyền, những người báo cáo vấn đề (xấu) có thể trở thành vật tế thần, mối lo ngại này trở nên rõ ràng hơn khi vấn đề đó bắt nguồn từ quản lý sai lầm ở cấp cao. Ngoài ra, sự hỗ trợ của bộ máy cảnh sát với khả năng giám sát kỹ thuật số tiên tiến, các quan chức chính phủ có thể dễ dàng bịt miệng những người tố giác. Bác sĩ Lý Văn Lượng, người đầu tiên báo cáo virus corona cho chính quyền Vũ Hán, đã bị cảnh sát bắt giữ sau khi chia sẻ thông tin về virus corona trong một nhóm WeChat riêng, và buộc phải ký một tuyên bố thừa nhận rằng anh ta đã tiết lộ thông tin sai sự thật. Sau đó, ông đã chết vì cố gắng cảnh báo đồng bào mình về virus.

Nhóm cán bộ (địa phương) có đủ động lực và phương tiện để giải quyết những vấn đề này. Khi giới lãnh đạo cấp cao ở Bắc Kinh nhận thức được vấn đề này và đã nhiều lần kêu gọi các đồng chí của mình có trách nhiệm và trung thực, thế nhưng nhà lãnh đạo chuyên quyền với một số hạn chế quyền lực không thể đảm bảo an toàn cho cấp dưới của họ nếu họ phơi bày vấn đề (chính đáng). Quyền lực không kiểm soát gây ra sự sợ hãi, và sợ hãi thường (đi đến) gian dối. Vào tháng 1 năm 2020, sự che giấu virus của các quan chức Hồ Bắc không phải là phút lầm lạc. Bất kỳ quan chức chính quyền địa phương Trung Quốc cũng sẽ làm như vậy. Điều này cho thấy cần thận trọng khi đánh giá các báo cáo của Trung Quốc về sự lây nhiễm phổ rộng của virus corona.

Ngoài ra, cuộc đấu tranh quyền lực dưới chế độ chuyên quyền cũng liên quan đến các vấn đề quan trọng khác. Ở một đất nước dân chủ, thất bại của tổng tuyển cử không phải là vấn đề sống chết. Nhưng đối với các nhà lãnh đạo chuyên quyền, cuộc tranh giành và để mất quyền lực có nghĩa là bị lưu vong hoặc bị cầm tù, hoặc thậm chí bị ám sát. Do đó, các nhà lãnh đạo chuyên quyền phải ưu tiên sự trung thành trước khi quyết định ai là người nắm quyền. Do đó, các giám đốc điều hành tuân theo đường lối của đảng và có liên hệ cá nhân với các nhà lãnh đạo hàng đầu sẽ lấn át các quan chức có chuyên môn (tuân theo pháp luật).




Tôn Xuân Lan, Phó thủ tướng, phụ trách sức khỏe cộng đồng của Trung Quốc (trong đại dịch corona), có ít kinh nghiệm về khoa học sức khỏe trước khi trở thành phó thủ tướng. Ngoài ra, các thành viên của nhóm phản ứng đầu tiên với virus corona mới (cơ quan ra quyết định cao nhất của Trung Quốc, chịu trách nhiệm chống lại virus) không có chuyên môn về sức khỏe cộng đồng.

Khi Tôn Xuân Lan trở lại Bắc Kinh để gặp Tập Cận Bình sau khi đến Vũ Hán vào ngày 22 tháng 1 năm 2020, bà đã không cách ly xã hội hay đeo khẩu trang y tế, và có thể đã tiếp xúc với Tập Cận Bình cũng như các thành viên khác của Bộ Chính trị virus corona.

Chủ tịch tỉnh Hồ Bắc, Vương Hiểu Đông đã tổ chức cuộc họp báo đầu tiên về đại dịch virus corona vào ngày 28 tháng 1 năm 2020. Ông nói rằng Hồ Bắc có thể sản xuất ra 10,8 tỷ khẩu trang (con số chính xác là 1,08 triệu), trong khi ông ta đeo khẩu trang sai quy cách. Việc thiếu cán bộ có chuyên môn y tế và y tế dự phòng, đã cản trở phản ứng của Trung Quốc đối với virus corona.

Các quốc gia chuyên quyền thông tin dễ sai lệch và các quan chức thiếu chuyên môn kỹ thuật. Mặc dù có một số ngoại lệ nhỏ cho quy tắc này, lập luận của chúng tôi liên quan đến xu hướng chung của các hệ thống chính trị khác nhau để khiến giới công vụ phải trung thực và có năng lực. Xét về khả năng huy động các nguồn lực một cách nhanh chóng mà không phải lo lắng về các quyền và tự do dân sự, các quốc gia độc tài có nhiều sức lực hơn so với các quốc gia dân chủ. Tuy nhiên, các nền dân chủ thường “thông minh hơn”, vì vậy họ có thể đạt được mục tiêu của mình với chi phí thấp hơn.

Tấm gương Đài Loan

Bắc Kinh tự đưa mình trở thành hình mẫu ưu việt của hệ thống chính trị trong phòng chống virus corona, khi tại Hoa Kỳ, châu Âu và Nhật Bản, số lượng nhiễm trùng và tử vong liên quan đến coronavirus đang gia tăng. Tuy nhiên, tuyên bố này có thể gây nhầm lẫn nguyên nhân và kết quả. Hiện tại nhiều quốc gia bị virus tàn phá vì nhưng không liên quan gì đến chế độ. Ví dụ, Ý đã bị virus tấn công mạnh, một phần vì nước này trì hoãn việc hạn chế đi lại đối với người dân Trung Quốc để tránh chọc giận Bắc Kinh. Một nước độc tài khác như Nga, đang trải qua đợt bùng phát virus corona nghiêm trọng tương tự như tại một số quốc gia dân chủ. Trong khi, một số quốc gia dân chủ đã vượt qua Trung Quốc trong phòng chống virus, như Đài Loan và Hàn Quốc.

Đài Loan là một so sánh đặc biệt có liên quan vì hòn đảo có cùng văn hóa và ngôn ngữ như Trung Quốc, nhưng đang duy trì một hệ thống chính phủ tự do và dân chủ. Vào tháng 1 năm 2020, nhiều người dự đoán Đài Loan sẽ chịu tổn thất lớn do virus corona vì vị trí địa lý gần với Trung Quốc và liên kết giao thông dày đặc giữa hai nước. Nhưng bất chấp những dự đoán bi quan, tính đến ngày 4 tháng 5 năm 2020, quốc đảo này chỉ có 437 trường hợp lây nhiễm virus coronavà 6 trường hợp tử vong. Kể từ đó, “mô hình Đài Loan” đã thu hút nhiều sự chú ý và khen ngợi.




Cụ thể hơn, “mô hình Đài Loan” được xác định bởi ba đặc điểm: hoạch định chính sách dựa trên khoa học, minh bạch và hợp tác giữa nhà nước và xã hội dân sự.

Xây dựng chính sách dựa trên khoa học là chìa khóa để thực hiện các biện pháp hiệu quả và giảm thiểu thiệt hại cho đời sống dân sự. Đài Loan chưa thấy cần thiết phải áp đặt lệnh phong tỏa, chủ yếu là do triển khai sớm và thành công trong giám sát, truy tìm dấu vết. Các biện pháp cách ly và kiểm dịch được thực hiện thông qua Trung tâm kiểm soát dịch tễ trung ương Đài Loan (CECC). Điều quan trọng cần lưu ý là CCEF bao gồm các chuyên gia y tế và y tế công cộng, bao gồm cả chuyên gia dịch tễ học nổi tiếng Tiến sĩ Trần Kiến Nhân, và được lãnh đạo bởi Tiến sĩ Trần Thời Trung, Bộ trưởng Bộ Y tế và Phúc lợi Đài Loan, một chuyên gia y tế công cộng ở Đài Loan, và tất nhiên không phải là một quan chức đảng.

Sự minh bạch là chìa khóa để trấn an công chúng và tránh sự hoảng loạn phi lý. Tiến sĩ Trần Thời Trung đã tổ chức các cuộc họp giao ban hàng ngày để thông báo cho công chúng về bất kỳ trường hợp virus corona mới phát sinh và các chính sách mới có liên quan. Ông Trần Thời Trung cố định tổ chức các cuộc họp giao ban hàng ngày sau khi làm việc liên tục, điều này khiến ông được đặt biệt danh là “Bộ trưởng thép”.

Phương pháp phòng chống virus corona của Đài Loan cũng liên quan đến sự hợp tác chặt chẽ giữa nhà nước và xã hội dân sự, được điều phối bởi một ứng dụng được phát hành bởi Audrey Tang – Bộ trưởng Bộ kỹ thuật số. Bộ trưởng Audrey Tang đã làm việc với các doanh nhân và hacker để thiết kế ứng dụng cho phép công dân Đài Loan có được thông tin theo thời gian thực về tính khả dụng của khẩu trang và nguy cơ tiếp xúc với virus corona. Đây là ví dụ điển hình về sự hợp tác giữa nhà nước và xã hội dân sự. Các ứng dụng được tạo ra bởi cộng đồng này phối hợp các nỗ lực của công dân và thu được thông tin hữu ích từ đám đông mà không cần dùng đến bộ máy cưỡng chế của nhà nước, do đó làm giảm cường độ can thiệp của chính phủ.

Thay vào đó, chiến lược tối ưu cho một chế độ chuyên quyền để chống lại virus corona là áp dụng mô hình của Trung Quốc, dùng giám sát kỹ thuật số để kiểm soát xã hội theo kiểu Mao. Nhà nước Trung Quốc đã tận dụng hàng trăm ngàn nhân viên mạng để thực hiện kiểm dịch, ngăn chặn đám đông tụ tập, theo dõi các trường hợp nghi ngờ nhiễm virus corona và đảm bảo sự ổn định xã hội. Nhân viên mạng thu thập dữ liệu từ hơn một triệu màn hình giám sát cơ sở ghi lại các chuyển động, lấy nhiệt độ và quy tắc hoạt động của người dân. Nhà chức trách Bắc Kinh thậm chí còn đi xa hơn: sử dụng các thuật toán nhận dạng khuôn mặt để xác định những người đi làm không đeo khẩu trang và thậm chí cả những người không đeo khẩu trang đúng cách.




Cách tiếp cận của Trung Quốc có cái giá rất lớn ngay cả khi chúng ta chấp nhận hiệu quả của nó. Vì không minh bạch, phần lớn dân chúng dễ bị hoảng loạn và phản ứng quá mức. Điều này đòi hỏi các biện pháp hà khắc để ngăn chặn sự hỗn loạn vốn có thể gây ra khủng hoảng, dịch bệnh, và làm căng thẳng thêm hệ thống kinh tế xã hội. Nếu không có quyết định dựa trên cơ sở khoa học, các câu trả lời phải hà khắc để bù đắp cho việc thiếu thông tin, không hiệu quả và muộn. Không có sự hợp tác với xã hội dân sự, nhà nước phải dành nguồn lực lớn để thu hoạch thông tin từ dân chúng. Mô hình Trung Quốc, tương phản với mô hình Đài Loan, không thể hiện sự vượt trội của hệ thống Trung Quốc, mà thay vào đó nhấn mạnh những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa độc đoán.

Kết luận

Các hệ thống chính trị khác nhau thử nghiệm khả năng cai trị của mỗi hệ thống tỏng khi dịch bệnh đang hoành hành khắp thế giới. Khả năng Trung Quốc cuối cùng kiểm soát được ổ dịch ở tỉnh Hồ Bắc có thể cho thấy sự tín nhiệm hời hợt về tuyên bố rằng chế độ chuyên chế tốt hơn chế độ dân chủ trong quản lý khủng hoảng sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, các nền dân chủ trên toàn thế giới đã thể hiện khả năng tự làm phẳng đường cong, với một số quốc gia dân chủ trên thế giới bắt đầu nới lỏng cách ly.

Ví dụ dân chủ của Đài Loan đặc biệt đáng kể, cả bởi vì vị trí địa lý của Đài Loan gần với ổ dịch và thực tế là Đài Loan đã xoay sở để tránh cách ly hoàn toàn. Từ những bài học kinh nghiệm cay đắng với dịch SARS, cách tiếp cận dân chủ trong hoạch định chính sách khoa học, minh bạch cũng như sự hợp tác giữa nhà nước với xã hội dân sự đã tạo ra sự thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh. Các nền dân chủ là hiện thân của những giá trị mà chúng ta đã chiến đấu để đạt được và vẫn muốn bảo tồn chúng ngay cả khi xảy ra đại dịch toàn cầu. Rất may, việc so sánh giữa Trung Quốc và Đài Loan cho chúng ta thấy rằng không cần phải có sự đánh đổi giữa dân chủ và quản trị hiệu quả.


© George Yin - Ted S. Yoho
    Khánh An dịch
    VNTB
Nguồn: George Yin - Ted S. Yoho, The Coronavirus Crisis and the Chimera of Authoritarian Competence | The National Interest

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad