Ngành tòa án hết đòi dựng tượng vua đến tượng các cố chánh án! - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Chủ Nhật, 3 tháng 5, 2020

Ngành tòa án hết đòi dựng tượng vua đến tượng các cố chánh án!



"Điều mà tòa án thiếu là công lý, chứ không phải là thiếu tượng ông vua, và càng không phải là tượng các ông bà cố chánh án."-LS Đặng Đình Mạnh.


Nhấp vào nút play (►) dưới đây để nghe

Theo thông tin từ Văn phòng Tòa án Nhân dân Tối cao được truyền thông trong nước trích dẫn, ngoài việc dự kiến xây dựng 1 bức tượng vua Lý Thái Tông cao 5,3m, ngành này còn dự tính xây dựng nhiều bức tượng bán thân các cố Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, đặt tại Quảng trường Công lý thuộc trụ sở mới của cơ quan này ở Hà Nội.

Trả lời RFA hôm 1/5, Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nói:

“Khi mà dựng tượng thì người ta phải thẩm định người đó có đáng được tổ chức mức độ đó hay không? Tôi nghĩ những người phụ trách phải có những hội thảo lấy ý kiến các nhà khoa học, nhà kiến trúc, bên cạch đó phải có cơ quan có thẩm quyền. Câu chuyện đó thì rõ ràng Bộ công an Việt Nam họ cũng đã làm như thế, họ dựng tượng các ông Bộ trưởng công an các thời kỳ từ năm 1945 trở lại đây. Có nhiều ý kiến, nhưng tôi nghĩ không phải chỗ nào cũng làm như thế mà phải có lãnh đạo thống nhất, của ban tư tưởng, của giới chuyên môn. Chứ trong tình hình đất nước nghèo đói, mà dựng tượng này tượng kia, thì tạo phản cảm không tốt cho xã hội.”

Thực tế, các cố chánh án được nêu tên chưa từng được công chúng ghi nhớ như những người có sự đóng góp sâu sắc cho sự giữ gìn công lý ở chốn pháp đình, đến mức phải dựng tượng để vinh danh.

-LS Đặng Đình Mạnh
Trước đó, Tòa án Nhân dân Tối cao cho biết, dự kiến tượng vua Lý Thái Tông đúc bằng đồng đỏ nguyên khối, sẽ được đặt tại trụ sở Tòa án Nhân dân Tối cao và các Tòa án Nhân dân các cấp... Tuy nhiên, do không dựng được tượng vua Lý tại các tòa án trên cả nước, vì phản ứng của công luận, Tòa án Nhân dân Tối cao quay sang dựng tượng các cố chánh án.

Khi trao đổi với RFA qua tin nhắn hôm 1/5 liên quan vấn đề này, Luật sư Đặng Đình Mạnh nhận định:

“Có vẻ như tục bái vật tưởng chừng đã bị khai tử cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, thì bây giờ đang tái sinh mạnh mẽ trong tư duy các quan tòa sở hữu nhiều bằng cấp cao vời vợi.





Thực tế, các cố chánh án được nêu tên chưa từng được công chúng ghi nhớ như những người có sự đóng góp sâu sắc cho sự giữ gìn công lý ở chốn pháp đình, đến mức phải dựng tượng để vinh danh. Nếu không muốn nói, sự thiếu vắng công lý trong các bản án tòa tuyên ngày nay, một phần, đều là di sản của các cố chánh án đời trước để lại.”


Theo Luật sư Đặng Đình Mạnh, cơ quan quản lý có thể dựng tượng các ông Nguyễn Thanh Chấn, Hàn Đức Long, Huỳnh Văn Nén, Trần Văn Thêm, dân oan Thủ Thiêm, Tiên Lãng, Đồng Tâm, Dương Nội, Vườn Rau Lộc Hưng ... và sắp tới đây là Hồ Duy Hải tại các sảnh chính của tòa án thì sẽ hữu dụng và ý nghĩa hơn. Vì hằng ngày ra vào trụ sở tòa án, nhìn ngắm các bức tượng dân oan bị mất trắng cuộc đời, tài sản ... vì sự sai lầm của các thẩm phán tiền nhiệm, sẽ nhắc nhở các thẩm phán đương chức về món nợ công lý mà ngành tòa án chưa trả được cho người dân nuôi cơm áo cho mình.

Nhà báo, Facebooker Bạch Hoàn khi trao đổi với RFA hôm 1/5 qua tin nhắn liên quan vấn đề này, nhận định một cách mỉa mai:

“Tôi đề nghị ngành toà án chi trăm tỉ, ngàn tỉ để đúc đồng dựng tượng luôn cả các chánh án đương nhiệm chứ không chỉ là các cố chánh án.

Hãy đặt các tượng đồng đỏ nguyên khối ấy ở tất cả các toà án trên khắp đất nước. Nhờ có tượng, dân oan khắp nơi biết rõ bộ mặt nào đã gây ra oan khiên cho họ.

Nhờ có tượng, mai này nhân dân không quên những ai đã dẫn dắt nền tư pháp của đất nước này - một nền tư pháp của những cái đầu dù sống giữa thời đại văn minh nhưng vẫn muốn mang vua chúa ra làm biểu tượng công lý.”






Không chỉ ngành tư pháp Việt Nam muốn đúc tượng, hầu như địa phương nào của Việt Nam cũng muốn xây tượng đài, quảng trường với chi phí lên đến hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng.


Tượng đài chiến thắng Khâm Đức, ở Huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam.
Mới nhất là trường hợp xảy ra ở Huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam, một trong những huyện mà theo báo chí trong nước là nghèo nhất cả nước, nhưng lại đang xây dựng tượng đài với kinh phí khoảng 14 tỉ đồng. Đó là dự án xây dựng Tượng đài chiến thắng Khâm Đức do Ủy ban Nhân dân huyện Phước Sơn thực hiện, trên diện tích đất rộng khoảng 10 hecta.

Giáo sư Ngô Bảo Châu trong một lần bình luận trên trang cá nhân của mình cho rằng: “trẻ em cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, mà bỏ hàng ngàn tỷ dựng tượng đài, thì không khốn nạn, cũng thần kinh”.

Từ Nha Trang hôm 1/5, nhà báo Võ Văn Tạo nói với RFA ý kiến của mình:

“Việt Nam có nạn tượng đài lâu nay rồi, cũng như các nước độc tài cộng sản trước đây như Liên Xô cũ, khối Đông Âu... ở đâu cũng có tượng được. Chuyện Tòa án Nhân dân Tối cao đề xuất làm tượng Vua Lý, rồi dư luận phản đối lại chuyển sang làm tượng của 4 ông cố chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao. Tôi biết ông Phạm Văn Bạch khi tôi còn nhỏ, rồi ông Trịnh Hồng Dương là người cuối cùng... Tôi thấy họ chả có gì xuất sắc cả, chẳng qua là họ đứng đầu ngành tòa án thôi.”

Theo Nhà báo Võ Văn Tạo, nếu tìm hiểu kỹ lưỡng thì chắc gì những vị cố chánh án đó, là những tài năng về nghiệp vụ, cũng như trong sáng về đạo đức... kể cả có đúng như thế, thì ông Tạo cũng cho là không cần thiết dựng tượng, vì sẽ gây lãng phí vô cùng. Theo ông hãy dùng tiền đó để làm những việc thiết thực hơn. Ông cho biết thêm:





“Ai cũng biết ngành tòa án Việt Nam không độc lập, xét về nhiều mặt, nó không đúng. Chẳng hạn những người đấu tranh cho nhân quyền đúng ra phải được ghi công, thì bị kết án rất nặng nề. Nhưng cũng khó trách họ vì họ cũng chỉ là người của chế độ này thôi. Tòa án Việt Nam thì cứ trên bảo sao thì làm vậy. Rõ ràng là nguyên tắc xét xử ở Việt Nam rất buồn cười, rất yếu kém, mà mấy ông đó cầm đầu ngành tòa án mấy chục năm nay như thế mà lại lập tượng đài thì là chuyện buồn cười và vô lý.”

Ai cũng biết ngành tòa án Việt Nam không độc lập, xét về nhiều mặt, nó không đúng. Chẳng hạn những người đấu tranh cho nhân quyền đúng ra phải được ghi công, thì bị kết án rất nặng nề.

-Nhà báo Võ Văn Tạo
Theo dự án được công bố, 4 cố Chánh án mà Tòa án Nhân dân Tối cao muốn dựng tượng gồm: ông Trần Công Tường (giai đoạn 1958-1959), ông Phạm Văn Bạch (giai đoạn 1959-5/1981), ông Phạm Hưng (giai đoạn 1979-1997) và ông Trịnh Hồng Dương (giai đoạn 1997-2002).

Theo điều tra của Tổ Chức Project 88, chính quyền Việt Nam hiện đang cầm tù 269 nhà hoạt động và 143 người khác có nguy cơ bị bắt. Đây chỉ là những con số thống kê được, trong thực tế, con số những nhà hoạt động bị bắt giữ, bị đe dọa còn cao hơn.

Đặc biệt trong năm 2019, nhà cầm quyền đã ra tay đàn áp một cách thô bạo, với những bản án ‘bỏ túi’ vô cùng khắc nghiệt. Có người bị kết án lên đến 11 năm tù giam với cáo buộc bị cho là ‘tuyên truyền hay xuyên tạc, chống phá nhà nước’...

Tiêu biểu như trường hợp thầy giáo dạy nhạc Nguyễn Năng Tĩnh đã bị Tòa Án Nghệ An kết án 11 năm tù giam vì đã dạy cho học sinh tập hát bài “Trả Lại Cho Dân” một sáng tác của Nhạc sĩ Việt Khang. Hay vụ Tòa Án An Giang đã xử ông Trần Thanh Giang, một tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, với bản án 8 năm tù giam.

Và nhiều trường hợp khác như ông Nguyễn Chí Vững, môt Facebooker đã bị Tòa Án Tỉnh Bạc Liêu kết án 6 năm tù giam, hay ông Phạm Văn Điệp (Thanh Hóa), ông Đoàn Viết Hoan, Võ Thường Trung, Ngô Xuân Thành, Nguyễn Đình Khuê, Huỳnh Minh Tâm và cô Huỳnh Thị Tố Nga (đều ở Đồng Nai)... Tất cả đều bị kết án tội danh tuyên truyền chống nhà nước, với mức án từ 5 năm tù trở lên.

Theo Luật sư Đặng Đình Mạnh, điều mà tòa án thiếu là công lý, chứ không phải là biểu tượng ông vua, và càng không phải là tượng các ông bà cố chánh án. Làm tròn thiên chức của pháp đình là ban phát công lý, thì mỗi thẩm phán sẽ đều được hãnh diện khắc tượng trong lòng nhân tâm, chứ cần chi đến những bức tượng vô tri vô giác, làm ông phỗng bị chê trách giữa chợ đời muôn trùng oan khuất...


RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad