Việt Nam tiếp tục muốn kiểm soát thông tin mạng xã hội - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Chủ Nhật, 3 tháng 5, 2020

Việt Nam tiếp tục muốn kiểm soát thông tin mạng xã hội



Hình minh họa:


Nhấp vào nút play (►) dưới đây để nghe

Trong dự thảo đưa ra hôm 29/4 có đề nghị sửa đổi và bổ sung một số điều trong Nghị định năm 2013 về việc quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ internet. Bộ TT&TT Việt nam cho rằng Facebook và Google vẫn chưa tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam. Bộ này muốn những công ty này phải có giấy phép do chính phủ Việt Nam cấp để thiết lập mạng xã hội tại Việt Nam và tuân thủ các quy định pháp luật chuyên ngành.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Thương mại Luật gia Việt Nam, cho biết luật an ninh mạng khi được ban hành năm 2018 vẫn chưa được rõ, gây khó khăn trong công tác quản lý, nên cần sửa đổi, bổ sung:

“Nghị định về Facebook và Google khi họ đăng phải phản ảnh một cách trung thực, ví dụ như việc hiển thị bản đồ Việt Nam không đúng, thì có thể yêu cầu gỡ bỏ bản đồ đó đi, vì có thể chặn việc đó lại vì nó xâm phạm an ninh quốc gia.

Luật an ninh mạng năm 2018 có những điều chưa được rõ, ví dụ như là những việc tung tin giả, thì phải xử lý hình sự. Ví dụ như vừa rồi liên quan đến Covid-19, có người đưa thông tin sai sự thật trên mạng xã hội, gây hoang mang dư luận, như việc chưa có ca nào tử vọng nhưng có người lại nói trên mạng xã hội là có nhiều người chết, gây hoang mang dư luận xã hội. Nên người này bị xử phạt cho việc tung tin thất thiệt, sẽ bị xử lý về mặt hình sự.”


Đó là những lý do theo luật sư Hậu về sự ra đời của Nghị định số 15 thay thế cho Nghị định 174, có hiệu lực từ ngày 15 tháng 4 để xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực internet:

“Nghị định 15 này ban hành để xử phạt các hành vi trong lãnh vực vô tuyến viễn thông, qui định về những hành vi về thông tin điện tử và torng đó có điều khoản cũng nêu rõ hành vi vi phạm, cũng như trách nhiệm sử dụng mạng xã hội, phần lớn người dùng internet nên lưu ý. Đó là việc cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín cá nhân, hoặc tuyên truyền, bạo lực, dâm ô, tội ác, tệ nạn xã hôi, mê tín dị đoan…v.v;”




Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, người sử dụng mạng xã hội phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu đăng thông tin không đúng sự thật, vì vậy phải đưa ra cơ chế pháp lý này để xử lý đối với những thông tin không đúng, gây hoang mang và mất trật tự xã hội.


Người dùng truy cập trang thông tin chính phủ Việt Nam trên Facebook. Reuters
Ông Nguyễn Tử Quảng, CEO BKAV và là Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Bkis thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội, ủng hộ quyết định yêu cầu Facebook và Google phải có giấy phép để hoạt động ở Việt Nam vì theo ông, các công ty hoạt động ở quốc gia nào phải tuân thủ luật pháp của quốc gia đó. Ông Quảng có chỉ ra một ví dụ như Liên minh châu Âu cũng đã ban hành các quy định về quyền riêng tư và các công ty như Facebook bắt buộc phải tuân theo.

Ngoài ra, ông Quảng cho biết các công ty trong nước hiện phải tuân thủ luật pháp Việt nam chặt chẽ hơn công ty nước ngoài như Facebook và Google, tạo ra sự mất cân bằng trong cạnh tranh thị trường:

“Tôi cũng được biết những quy định về quản lý mạng xã hội ở Việt Nam cũng thuộc loại không quá chặt chẽ, nhưng cũng không quá lỏng. Nhưng mà các công ty trong nước hiện nay đang phải tuân thủ chặt chẽ hơn là các công ty nước ngoài. Tôi cho rằng cũng phải công bằng giữa các công ty trong nước và nước ngoài.”





Ông Lê Ngọc Sơn, thuộc Viện Khoa học Truyền thông của Đại học Công nghệ Ilmenau ở Đức, cho rằng qui định của Việt Nam dành cho những công ty mạng xã hội nước ngoài phải có giấy phép hoạt động phù hợp với các thông lệ đang diễn ra trên thế giới. Ông Sơn chỉ ra vai trò quan trọng của mạng xã hội trong việc thể hiện quyền tự do ngôn luận, nhưng mặt trái của việc này liên quan đến những hành vi phát tán thông tin thất thiệt, ảnh hưởng đến quyền lợi công dân.

“Theo thông lệ, các nước ở châu Âu như Đức, nơi mà tôi đang làm việc, cũng đã yêu cầu các nhà mạng tuân thủ các luật pháp sở tại, trong đó có qui định tuân thủ bảo mật. Đồng thời, liên quan đến các thông tin thất thiệt mà đưa lên nhà mạng xã hội đó thì họ phải có trách nhiệm phối hợp cùng nhà nước để có một đội đặc nhiệm để có thể phản ứng ngay lại khi các thông tin thất thiệt đó lưu hành trên mạng và ảnh hưởng đến quyền lợi người khác.”

Tuy nhiên, ông Sơn cho rằng việc quản trị thông tin mạng xã hội như là một liều thuốc chính sách và không có gì là tuyệt đối trong một thế giới đa chiều như hiện nay. Ông nghĩ không có chính sách nào hoàn toàn đúng hay hoàn toàn sai, vì điều đó còn tùy thuộc vào cách thức quản lý và tình trạng xã hội hiện tại.

Nhà báo Võ Văn Tạo có nhận định rằng nhà nước Việt Nam rất ngại thông tin trên mạng mà họ không kiểm soát được. Ông Tạo cho rằng, Nghị định mới có thể sẽ gây tác động đến những hãng truyền thông của nước ngoài và các nhà chức trách nên cân nhắc quyền lợi của quốc gia vì cái lợi của internet đem lại cho kinh tế xã hội rất lớn. Việc kiểm soát và chặn thông tin không có lợi cho chính phủ Việt Nam luôn xảy ra trong nhiều năm qua tại Việt Nam:

“Những người mà quan sát, đọc thông tin trên mạng ở Việt Nam, ai cũng biết có nhiều trang mạng, đài báo bị chặn nhiều, ví dụ như Đài Á Châu Tự Do của Hoa Kỳ, đài BBC…v.v., đều bị chặn. Tại vì người dùng internet thì nhiều, nhưng mà những người biết kỹ thuật vượt tường lửa thì không nhiều lắm. Chính phủ Việt Nam họ muốn hạn chế thông tin mà họ không muốn người dân biết. Chứ những người có chút hiểu biết sẽ bày cho nhau để vượt qua những bức tường lửa đó, để đọc được những thông tin khách quan, trung thực, đa phương của thế giới mà không khó khăn mấy.”




Vừa rồi, bài viết thời sự của RFA đăng ngày 14/4 với chủ đề thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi cộng đồng kiều bào trợ giúp cho đất nước chống lại dịch bệnh Covid-19 đã bị ngăn chặn phát tán trên mạng xã hội trong nước.

Anh VTL, chuyên viên về cơ sở hạ tầng và an ninh mạng, cho biết hiện tại người dùng ở Việt Nam vẫn sử dụng mạng xã hội nước ngoài như Facebook, YouTube bình thường. Tuy nhiên, trước đây khi có những lần những trang mạng này bị chặn, người dùng có hiểu biết về kỹ thuật có thể dùng phương pháp VPN (Virtual Private Network – mạng riêng ảo) để truy cập. Nhưng việc sử dụng VPN đòi hỏi phải đóng phí và thường có thể gây cho việc truy cập chậm hơn khi phải qua đường nối khác để vào thay vì có thể truy cập trực tiếp.

Nhà báo Võ Văn Tạo cho rằng, nếu Facebook không hợp tác suông sẻ với chính phủ Việt Nam trong việc quản lý thông tin đăng tải trên mạng xã hội, thì tình huống xấu nhất có thể xảy ra là việc hoạt động của cong ty này sẽ bị chặn hoàn toàn ở Việt Nam, vì người dùng sẽ mất đi một phương tiện trao đổi thông tin mà lâu năm đã được sử dụng rộng rãi trong nước.

Vào ngày 23/4, người phát ngôn của Facebook cũng cho RFA biết qua email rằng, Facebook phải cam kết hạn chế thêm một số nội dung theo yêu cầu của chính phủ Việt Nam để tránh bị chặn hoạt động hoàn toàn. Người phát ngôn này cho biết nếu Facebook bị chặn hoàn toàn ở Việt Nam sẽ gây thiệt hại bất lợi đến cho hàng triệu doanh nghiệp nhỏ ở nước này khi họ mất quyền sử dụng dịch vụ và công cụ quảng bá thương hiệu của mình để tiếp cận khách hàng mới.

Tuy nhiên, người phát ngôn Facebook khẳng định nếu có thể, Facebook vẫn cố gắng kiên quyết từ chối tuân thủ gỡ bài, thông tin của người dùng theo yêu cầu của Việt Nam nếu bài viết đó không vi phạm quy định cộng đồng của tập đoàn này.


RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad