Trong những động thái mới nhất nhằm kiểm soát mạng xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đưa ra các đề xuất siết chặt quản lý hoạt động livestream (phát truyền hình trực tuyến).
"Đối với các chính phủ chuyên chế, một trong các lĩnh vực mà họ muốn độc quyền là truyền thông. Và trong truyền thông thì các thể loại nghe nhìn có sức ảnh hưởng rất lớn", nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ với BBC News Tiếng Việt hôm 11/5.
"Do đó, nếu kiểm soát được các phương tiện truyền thông nghe nhìn, khả năng chính phủ thao túng xã hội, bắt xã hội vâng lời sẽ trở nên dễ dàng."
'Phải có giấy phép'
Báo Pháp luật Việt Nam hồi đầu tháng 5/2020 đưa tin Bộ Thông tin & Truyền thông (Bộ TT&TT) đang đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng.
Một trong những điểm mới được đề xuất là quy định chỉ các mạng xã hội đã được cấp phép mới có quyền thu phí sử dụng dịch vụ dưới mọi hình thức và cung cấp dịch vụ livestream.
Việc bắt buộc các mạng xã hội phải có giấy phép được coi là một nỗ lực nhằm kiểm soát các nền tảng như Facebook, YouTube tại Việt Nam.
Trước đó, vào tháng 8/2019, trong bản báo cáo gửi tới Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Bộ TT&TT cho biết sẽ chỉ cho phép các tài khoản định danh mới được phát sóng trực tiếp, tức livestream trên Facebook.
Phân tích những bước đi này, nhà hoạt động xã hội Nguyễn Anh Tuấn (FB hiện có gần 80.000 người theo dõi) nhận định với BBC News Tiếng Việt hôm 11/5:
"Khi một chính quyền bị cạnh tranh bởi những mạng xã hội không nằm trong tầm kiểm soát của mình và họ cũng không thể dẹp bỏ hoàn toàn được do cân nhắc về lợi ích và chi phí, thì họ có thể tiến tới một giải pháp thỏa hiệp. Đó là họ có thể ra các quy định, các điều kiện về hoạt động livestream trên các nền tảng này để dễ dàng kiểm soát".
Trong đề nghị của Bộ TT&TT, điều kiện để một mạng xã hội có thể triển khai dịch vụ livestream là phải có giấy phép do Việt Nam cấp. Do đó, các mạng xã hội sẽ đối mặt với các lựa chọn: từ bỏ tính năng livestream tại Việt Nam; hoặc xin giấy phép hoạt động mạng xã hội tại Việt Nam để tiếp tục duy trì tính năng này.
"Xét theo nhãn quan quản lý của chính quyền, theo tôi, họ có lý do để thực hiện việc siết chặt quản lý livestream".
"Có nhiều hình thức để kiểm soát các nội dung mà chính quyền không thích. Chẳng hạn họ có thể tác động để các nền tảng kiểm soát mức độ tiếp cận đối với các bài viết đó, tức là các bài viết đó không thể đến được với đông đảo người đọc, đến với công chúng có thể tới hàng chục triệu người; hoặc họ can thiệp để gỡ nội dung. Đối với các nội dung livestream, tức truyền hình trực tiếp vốn có tác động rất lớn đối với người xem, việc hạn chế này sẽ giúp chính quyền ngăn chặn được sự lan tỏa rộng", ông Nguyễn Anh Tuấn nhận định.
Sức mạnh của livestream
Livestream trên mạng xã hội, đặc biệt là các nền tảng như Facebook và YouTube, đang ngày một phổ biến, trở thành phương tiện đầy sinh động và hữu hiệu cho người dân biểu đạt ý kiến, tường thuật các sự việc mà mình chứng kiến, hoặc thực hiện các hoạt động kinh doanh, từ thiện.
Chia sẻ với BBC News Tiếng Việt hôm 11/5, doanh nhân Trương Văn Hoàng, người thường xuyên sử dụng livestream để huấn luyện nhân viên, quảng bá sản phẩm, chia sẻ:
"Đầu tiên, sức mạnh của công cụ livestream trên facebook đến từ việc nó là công cụ miễn phí, dễ sử dụng cho bất kỳ người nào."
"Không chỉ các công ty mà mỗi một cá nhân, những người bán hàng online nhỏ lẻ đều có thể sử dụng nó để tiếp cận khách hàng."
Ông Hoàng dẫn ví dụ:
"Có một chị trong hệ thống phân phối của tôi, khi phát hiện hàng của mình bị làm giả, chị đã livestream để giúp khách hàng phân biệt hàng thật, hàng giả ngay tức thì. Hình thức này rất trực quan, sinh động và tức thời. Nếu phản ánh lên báo, đài truyền hình thì sẽ phải chờ rất lâu, khi đó có thể khủng hoảng đã trở nên trầm trọng, không giải quyết được. Vì thế, livestream còn là hình thức xử lý khủng hoảng tốt, kịp thời cho các doanh nghiệp."
Một khía cạnh khác của livestream, nhà báo Trương Châu Hữu Danh (hiện có khoảng 125.000 người theo dõi trên trang FB cá nhân) đánh giá đây là một công cụ tác nghiệp báo chí quan trọng:
"Cái hay của hình thức này là mọi việc đều công khai. Anh làm đúng, làm sai đều được phản ánh trên đó", ông chia sẻ với BBC News Tiếng Việt hôm 12/5.
Từ thực tế tác nghiệp của mình, nhà báo Hữu Danh cho biết thêm:
"Khi mình tác nghiệp bằng hình thức livestream, những kẻ quấy phá cũng phải kiêng dè. Như có lần mình làm ở trạm BOT, có những kẻ đeo khẩu trang xuất hiện, mình gọi đó là những người 'đeo khẩu trang ngành'. Họ đeo khẩu trang để không bị thấy mặt khi mình đang livestream".
"Tuy nhiên, đôi khi việc livestream cũng bị lạm dụng. Chẳng hạn có tai nạn giao thông xảy ra, không thấy ai tới hỗ trợ nạn nhân, trong khi lại có một chục, hai chục máy điện thoại được lôi ra để quay. Hiện nay thì có kiểu đó, khi các Facebooker, YouTuber bất chấp mọi thứ chỉ để có được cảnh quay mà họ muốn", ông nói thêm.
Nhà báo Hữu Danh cho rằng cần có các biện pháp quản lý để tránh những phiền nhiễu mà một số người sử dụng hình thức livestream gây ra, chẳng hạn có những người livestream mà ảnh hưởng đến quyền nhân thân của người khác. "Không cần phải cấm livestream mà chỉ nên quản lý các khía cạnh như bảo đảm quyền nhân thân, siết chặt các tiêu chuẩn cộng đồng", ông đề xuất.
Trong khi đó, doanh nhân Trương Văn Hoàng cho rằng việc quy định các thủ tục đăng ký phức tạp cần phải được xem xét một cách thận trọng, tránh làm khó những người đang sử dụng công cụ này để tạo ra giá trị cho bản thân và xã hội.
"Nếu việc đăng ký, cấp phép mà kèm theo sự bảo vệ của nhà nước đối với người dùng, thì điều này có thể là tốt", ông nói thêm.
Mối nguy cho người sử dụng
Kiểm soát chặt Facebook và các mạng xã hội nước ngoài cùng người sử dụng các nền tảng này là nỗ lực xuyên suốt của chính phủ Việt Nam trong nhiều năm qua.
Luật An ninh mạng có hiệu lực từ ngày 1/1/2019 cùng nhiều quy định khác là sự cụ thể hóa ý chí ấy của chính quyền.
Chính phủ Việt Nam từng nhiều lần cho biết họ đã yêu cầu các mạng Facebook, YouTube gỡ bỏ các "nội dung xấu", chống chính quyền. Trong khi đó, đại diện các mạng xã hội nói trên không chính thức xác nhận các tuyên bố đó.
Tuy nhiên, vào tháng 4/2020, Reuters dẫn nguồn tin riêng cho biết Facebook đã đồng ý kiểm duyệt các nội dung được người dùng đăng tải sau khi phía Việt Nam hạn chế tốc độ truy cập vào mạng này tại Việt Nam.
Đánh giá về sự thỏa hiệp và kiểm soát trên, nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn cho rằng đó là những diễn biến đáng lo ngại.
"Sở dĩ người dân ở Việt Nam được hưởng một chút gì đó gọi là tự do biểu đạt, một phần nhờ vào việc các nền tảng như Facebook nằm ngoài sự kiểm soát của chính quyền. Dù nhiều người phát ngôn xong, tức là được tự do phát ngôn, sau đó mất tự do sau phát ngôn, nhưng ít ra họ đã có cơ hội lên tiếng", ông đánh giá.
"Nhưng với những diễn biến mới, chẳng hạn có những thỏa hiệp như vậy, thì nó gây ra quan ngại lớn".
"Khi đó quyền tự do ngôn luận sẽ bị hạn chế. Ví dụ bài viết họ đăng lên bị gỡ đi, hoặc bị hạn chế hiển thị. Đó là những nguy cơ thấp, vì mình có thể tìm các nền tảng khác để biểu đạt", ông Nguyễn Anh Tuấn nói.
"Nguy cơ lớn hơn, đó là việc nhân thân của người dùng có thể bị tiết lộ, chia sẻ với chính quyền. Khi đó an toàn cho bản thân người dùng sẽ bị đe dọa. Đó là nguy cơ rất lớn."
© Bùi Thư
BBC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét