Tương lai Đảng Cộng sản Trung Quốc đi về đâu? - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Chủ Nhật, 3 tháng 5, 2020

Tương lai Đảng Cộng sản Trung Quốc đi về đâu?


Tổng hợp nguồn tài liệu và thông tin của Foreign Affairs, CNN, Fox News, Newsweek, New York Times, Wikipedia.


Hình minh họa:

1. Vài năm vừa qua, giới quan sát quốc tế và quốc nội Hoa Kỳ đều nhận ra một điều là chính sách của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc ngày nay có xu hướng thiên về mặt cứng rắn hơn. Hầu hết các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ đều có một ý nghĩ chung là phải áp dụng một chính sách mới hầu giảm thiểu hoặc chí ít hạn chế tính cách hung hăng càng ngày càng trở nên rõ rệt của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) dưới quyền lãnh đạo của lãnh tụ tối cao, Chủ tịch nhà nước kiêm Tổng Bí thư Tập Cận Bình. Tình trạng căng thẳng giữa hai siêu cường, cộng thêm áp lực do trận đại dịch Covid-19 và kinh tế suy thoái, rất có thể sẽ khiến cái bề mặt tưởng chắc chắn như tường đồng vách sắt của Tập và Bắc Kinh có cơ rạn nứt.

Dưới đây là cái nhìn của một số phân tích viên về tương lai của ĐCSTQ, mà ít nhiều giúp chúng ta hiểu thêm hành động của Trung Quốc trên thế giới hiện nay.

2. Hoa Kỳ không có nhiều điều kiện và phương tiện để bắt Trung Quốc thay đổi, nhưng với áp lực ngoại giao, kinh tế, và cả quân sự, Washington có thể đẩy Bắc Kinh vào một vị thế vô cùng lúng túng. Sự thật, một cuộc đối đầu chiến lược kéo dài như tình trạng đang diễn tiến mấy năm nay rất có thể sẽ tạo điều kiện thúc đẩy những thay đổi lớn lao.

Nhớ lại bài học lịch sử trong lúc quan sát hiện tại, người ta không thể không liên tưởng đến tình huống tương tranh giữa hai siêu cường Nga-Mỹ thời Chiến tranh Lạnh. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc ngày nay chắc chắn biết rõ bài học đó, và chắc chắn họ đã suy nghĩ rất nhiều và có những biện pháp ngăn ngừa, không để bị lâm vào vết xe đổ của đế quốc Liên Xô. Thế nhưng, điều oái oăm là Trung Quốc có thể sẽ lặp lại những sai lầm của chế độ Nga Xô cách đây trên 30 năm.





Suốt mấy chục năm Chiến tranh Lạnh, tính cách cứng nhắc thiếu uyển chuyển của chế độ Cộng sản Xô Viết đã là lợi điểm vô cùng đắc thế của Hoa Kỳ. Điện Cẩm Linh gặp thất bại không những không học bài học thất bại mà còn tiếp tục đâm đầu vào thất bại – như, bám riết nền kinh tế đang hấp hối, tiếp tục chạy đua võ trang, và không từ bỏ mộng ước đế quốc – thay vì chấp nhận cải tổ. Tất cả đã dẫn đến việc đế quốc sụp đổ. Tương tự, giới lãnh đạo Trung Quốc cũng bị giới hạn bởi tính cách cứng nhắc của hệ thống cai trị và điều hành họ đang áp dụng, một hệ thống không cho phép họ kịp thời sửa sai chính sách một cách dễ dàng và mau chóng. Năm 2018, Tập quyết định bãi bỏ chế độ nhiệm kỳ để âm mưu làm lãnh tụ suốt đời. Ông ta đưa ra chiêu bài chống tham nhũng để thanh trừng các đối thủ chính trị, và đáng sợ nhất là thẳng tay đàn áp các cuộc biểu tình đòi hỏi dân chủ hóa của cư dân Hong Kong, bắt giam hàng trăm luật sư và các nhà tranh đấu bất đồng chính kiến. Một chính sách kiểm duyệt gắt gao, khắc nghiệt chưa từng thấy thời hậu-Mao được đem ra sử dụng hầu trấn át tiếng gào trung thực của người dân. Trại “cải tạo” mọc lên như nấm sau cơn mưa ở Tân Cương. Dân tộc Hồi giáo thiểu số, như người Uighur, người Kazakh, bị giam hãm, tù đày, nhũng nhiễu, phân biệt đối xử tàn bạo. Không phải vài trăm, vài ngàn, mà cả triệu người.

Nhà nước tập trung quyền lực kinh tế và chính trị vào trung ương, đổ nguồn tài trợ vào những dự án kinh tế quốc doanh và những hệ thống dò thám hầu kiểm soát chặt chẽ mọi sinh hoạt của dân chúng. Nhưng xem ra những biện pháp này chỉ khiến ĐCSTQ yếu hơn: công ty quốc doanh làm rỉ máu kinh tế, hệ thống dò thám chỉ khiến người dân bất mãn chống đối mạnh mẽ hơn. Và, trận đại dịch Covid-19 khủng khiếp chỉ khiến người dân Trung Quốc ngày nay chán ngán chính phủ quốc gia mình nhiều hơn bao giờ.

Nếu Tập vẫn tiếp tục theo đuổi chính sách này, nắm giữ trong tay trách nhiệm và quyền hạn tuyệt đối, làm xói mòn nền tảng quyền lực kinh tế và chính trị quốc gia, thì sớm muộn ông ta sẽ đẩy ĐCSTQ vào thế phải thay đổi, và thay đổi không ít.

Từ lúc lên nắm quyền lực năm 2012, Tập thay thế chế độ tập quyền do tập đoàn quyết định bằng hình thức tập quyền cá nhân, có nghĩa là một người nắm trong tay quyền lực tối cao (strongman) như Stalin thời Nga Xô, hay Mao Trạch Đông thuở trước. Trước Tập, quyền hành cai trị đất nước nằm ở Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, họ thường tỏ ra là khá uyển chuyển trong ý thức hệ, và thực tiễn trong chính sách; họ tránh sai lầm bằng cách lấy quyết định chung, thu nhận ý kiến từ nhiều phe phái khác nhau, và đúc kết để có thể san bằng những dị biệt về quyền lợi. ĐCSTQ lúc đó cũng tránh né những va chạm quốc tế, như ở Trung Đông, và đứng ngoài những việc có thể gây thiệt hại đến quyền lợi trọng yếu của Hoa Kỳ. Đối nội, ban lãnh đạo cũng duy trì hòa bình bằng cách chia chác quyền lợi cho những phe nhóm khác nhau. Một chế độ như thế dĩ nhiên là không tuyệt hảo, tệ nạn tham nhũng lan tràn, chính quyền thường không có những quyết đoán nhanh chóng và thường để trôi qua những cơ hội tốt đẹp. Nhưng chế độ đó có những lợi thế mà chế độ tập quyền cá nhân của Tập không có: một xu hướng thực tiễn và một tính cách e dè, cẩn trọng.

Bảy tám năm qua, hệ thống cai trị đó bị dỡ xuống để thay thế bằng một chế độ khác hẳn – một ý thức hệ cứng nhắc, một chính sách nội trị hà khắc đối với dân tộc thiểu số và những người bất đồng chính kiến trong nước, một chính sách đối ngoại xung động mà điển hình là Sáng kiến Nhất Đới Nhất Lộ (Tây phương gọi là Belt and Road Initiative) – một dự án lên đến cả ngàn tỉ đô-la Mỹ với những tiềm năng kinh tế mơ hồ khiến phương Tây không ngớt hồ nghi. Cần nói thêm Sáng kiến Nhất Đới Nhất Lộ của Trung Quốc – một vành đai, một con đường – là một dự án khổng lồ với chủ đích phát triển kinh tế đa quốc gia thông qua hai kế hoạch Con Đường Tơ Lụa và Đường Hàng Hải, mà mục đích tối hậu có lẽ là khống chế kinh tế toàn thế giới.

Tập trung quyền lực tối thượng trong tay mình, Tập vô hình trung đã tạo điều kiện mới cho sự rạn nứt của Đảng và để lộ điểm yếu khi phải đương đầu với những tình huống khó khăn. Ưu điểm của chế độ tập quyền cá nhân là khả năng quyết đoán mau lẹ những quyết định khó khăn, nhưng nhược điểm là cái giá rất cao phải trả nếu chính sách sai lầm. Chế độ tập quyền tập đoàn trước kia, tuy chậm lụt và thiếu hiệu năng, nhưng nó đã giúp tránh được tình trạng những tính toán thái quá, cực đoan và nguy hiểm biến thành chính sách nhà nước.





Dưới quyền lãnh đạo của Tập, chính sách sai lầm gặp phải nhiều khó khăn để sửa sai, bởi đảo nghịch quyết định do một cá nhân đề xướng bao giờ cũng làm hỏng bộ mặt “sáng suốt anh minh” của cá nhân đó. Đảo nghịch nghị quyết do tập thể biểu quyết và đưa ra thành chính sách dễ nuốt hơn vì đó là tập thể, cả tập thể nhận lãnh trách nhiệm chứ không một cá nhân nào. Tập cũng đòi hỏi sự trung thành tuyệt đối từ những đảng viên cao cấp, điều này gây xung động không ít trong thành phần lãnh đạo của Đảng và nhà nước.

Bởi những lý do này, Trung Quốc sẽ không dễ dàng thoái lui nếu lỡ bước vào những sai lầm trọng yếu trong trận chiến đương đầu với Hoa Kỳ hôm nay và tương lai. Kết quả sẽ là sự rạn nứt trong guồng máy cai trị của chế độ. Sẽ có những thành phần nhìn ra nguy hiểm và trở nên cảnh giác với Tập, cho là Tập làm hại vị thế và uy tín của Đảng một cách không cần thiết. Nếu Tập vẫn tiếp tục phạm phải những sai lầm tương tự thì hậu quả khó lường. Thủ tướng chính phủ Lý Khắc Cường, những Ủy viên Bộ Chính trị quyền thế mạnh như Uông Dương, Hồ Xuân Hoa…, những người có quan hệ thân thiết trước đây với Hồ Cẩm Đào, đều là những đối thủ chính trị đáng gờm của Tập.

Dĩ nhiên, lật đổ một lãnh tụ tối cao trong một cơ chế độc tài độc đảng là không dễ dàng chút nào, nhất là lãnh tụ đó nắm chắc trong tay quân đội và an ninh. (Ai cũng biết nguyên tắc sơ đẳng để lên làm lãnh tụ độc tài là nắm quân đội và an ninh.) Thế nhưng, những xung động va chạm nội bộ nếu tiếp diễn sẽ khiến Tập trở nên bất an, hoang tưởng, đa nghi, và càng khiến Tập mất dần khả năng lèo lái con thuyền quốc gia.

Chúng ta đừng quên Mao Trạch Đông. Sau khi thất bại thê thảm với chính sách Đại Nhảy Vọt, nhằm mục đích tập trung sản xuất thực phẩm, dẫn đến nạn đói khủng khiếp khiến 30 triệu dân chết oan đầu thập niên 60, Mao đã trở nên bất an, hoang tưởng, và đa nghi. Thế rồi từ trạng thái tâm thần khủng hoảng đó, trong một suy tính sai lầm khác, Mao tung ra Cách mạng Văn hóa nhằm tiêu diệt các “phần tử tư sản” trong xã hội và nhà nước. Đó là cuộc “cách mạng” quái đản vô tiền khoáng hậu trong lịch sử gây chấn thương to lớn trong lòng dân tộc Hoa mà cho đến tận ngày hôm nay vẫn nhức nhối khôn nguôi.

Trong thời gian sắp tới, chúng ta sẽ thấy Tập tiếp tục thanh trừng các phần tử bị xem là chống đối chính sách nhà nước đang áp dụng, đối nội cũng như đối ngoại. Càng thanh trừng Tập sẽ càng gây căng thẳng và tạo bất tín nhiệm trong thành phần lãnh đạo cao cấp xung quanh.

3. Một yếu tố then chốt quyết định thắng bại trong cuộc chiến đối đầu chiến lược giữa Washington và Bắc Kinh hiện nay là “tách rời” kinh tế, tức là Hoa Kỳ phải giảm thiểu đến mức tối đa có thể những quan hệ thương mại giữa hai siêu cường trong suốt hơn 40 năm qua. Những người chủ trương “tách rời” – trong đó có Tổng thống Donald Trump, người phát động cuộc thương chiến với Trung Quốc năm 2018 – tin tưởng rằng nếu cắt được Trung Quốc ra khỏi thị trường khổng lồ của Mỹ và không cung cấp kỹ thuật cao cho Trung Quốc nữa, thì Washington có thể chế ngự rất nhiều tiềm năng lớn mạnh của Bắc Kinh. Mặc dù hai quốc gia ký kết một thỏa ước tạm thời hôm tháng Giêng 2020, nhưng “tách rời” kinh tế chắc chắn sẽ tiếp diễn những năm tháng sắp tới, bất luận ai là kẻ ngồi trong Phòng Bầu dục Tòa Bạch Ốc, bởi đây không còn là vấn đề chính trị bầu cử kiểu Mỹ nữa, mà là an ninh quốc gia, phi đảng phái, nhất là sau khi mọi người trông thấy sự tai hại của tình trạng thuốc men do Trung Quốc bào chế và gửi nhỏ giọt sang Mỹ trong trận dịch Covid-19 năm 2020.





“Tách rời” kinh tế có thể không làm suy thoái kinh tế Trung Quốc như nhiều người theo chủ trương này mong đợi, bởi mức độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc ngày nay ít tùy thuộc vào ngoại thương. Năm 2008, xuất cảng chiếm 32,6% Tổng sản phẩm Nội địa Trung Quốc, nhưng đến năm 2018 con số này tụt xuống chỉ còn 19,5%. Tuy thế nó sẽ góp phần không ít vào tình trạng suy thoái kinh tế chung, mà nguyên do chính là tệ trạng ngân hàng cho vay nợ bừa bãi, nhiều dự án đầu tư bị tắc nghẽn nửa chừng, và một dân số già nua (kết quả của chính sách một chồng một vợ một con những năm cuối thế kỷ XX.) Bắc Kinh sẽ cố thoát suy thoái bằng những biện pháp ngắn hạn khó duy trì như khuyến khích ngân hàng cho vay tiền nhiều hơn nữa và đổ tiền của vào những dự án xây dựng khổng lồ nhưng vô bổ.

4. Với kinh tế trên đà suy thoái, ĐCSTQ có lẽ sẽ phải đương đầu với sự băng rã của tầng lớp dân chúng vẫn ủng hộ họ xưa nay bởi mức sống và điều kiện sinh hoạt xã hội đi xuống. Thời hậu-Mao, ĐCSTQ trông cậy phần nhiều vào mức phát triển kinh tế vượt bực để tạo hậu thuẫn và hỗ trợ cho Đảng, nó cũng là bức bình phong che đậy những hành vi vi phạm nhân quyền thô bạo. Tất cả cho phát triển kinh tế, xã hội. Tất cả cho mức sống người dân. Tất cả để biến Trung Quốc thành một siêu cường kinh tế, quân sự, khoa học… Đúng là những thế hệ sinh trưởng sau Cách mạng Văn hóa ai nấy đều thấy mức sống mình, gia đình con cái mình mỗi năm mỗi tăng lên đều đặn, cuộc sống sung túc khiến họ làm ngơ trước những cung cách cực quyền đối xử tàn bạo của nhà nước đối với giới trí thức văn nghệ sĩ muốn có thay đổi dân chủ hóa, những thành phần bất đồng chính kiến, và nhất là các sắc dân thiểu số Tây Tạng, Tân Cương…

(Trong khoảng thời gian từ 2003 đến 2007, mỗi năm tôi đều sang Trung Quốc làm việc đôi ba lần, mỗi lần thời gian làm việc kéo dài đôi ba tuần lễ. Những lúc ngồi ăn trưa cùng bàn, có dịp nói chuyện vãn với các đối tác người Trung Quốc, tôi chưa bao giờ nghe họ than phiền gì về chế độ chính trị trên quê hương họ, một câu nói nhẹ cũng không, dù tôi cố tình gợi ý cho họ “trút bầu tâm sự,” khác hẳn khi tôi về Việt Nam nghe người Việt, ngay cả những người đang làm việc cho nhà nước, tràng giang đại hải nói xấu chế độ.)

Một thời kỳ kinh tế suy thoái kéo dài bốn, năm năm, với mức độ phát triển ba, bốn phần trăm mỗi năm (một con số được xem là rất tốt ở các quốc gia Tây phương đã phát triển, như Mỹ, Đức, Anh, Pháp, v.v…) sẽ không đơn giản, không bình thường ở Trung Quốc, bởi người dân khi phải vật lộn với những vấn đề cơm áo nghiêm trọng như thất nghiệp, an sinh xã hội, họ sẽ không ủng hộ Đảng như trước nữa. Đình công, bãi thị, biểu tình có thể xảy ra. Đe dọa sâu xa nhất cho sự vững vàng của chế độ đến từ giai cấp trung lưu. Sinh viên tốt nghiệp với bằng cấp đại học khó khăn tìm kiếm việc làm theo ý muốn. Một khi mức sống đi xuống, giai cấp trung lưu sẽ quay lưng lại Đảng. Điều này có lẽ không hiển nhiên lúc ban đầu, thông thường giai cấp trung lưu có xu hướng không quan tâm đến chính trị. Nhưng ngay cả nếu họ không tham gia các cuộc biểu tình phản đối nhà nước thì họ vẫn có thể ngấm ngầm gián tiếp chống đối bằng những phản biện về môi trường, y tế công cộng, giáo dục, hoặc vấn đề an toàn thực phẩm. Họ cũng có thể bỏ phiếu bằng chân bằng cách lũ lượt bỏ ra nước ngoài sinh sống.

Suy thoái kinh tế còn phá rối không ít cơ cấu nuôi dưỡng thành phần trung thành trung tín với Đảng xưa nay. Trước đây, khi kinh tế tăng vọt – từ 2008 đến 2018, vỏn vẹn mười năm trời, tiền thu vào, tính theo con số tuyệt đối, tăng gấp ba lần – Đảng có thể tung tiền ra thu dụng và mua chuộc những thành phần trung thành một cách dễ dàng, đó là hàng triệu đảng viên trung cấp, Bí thư thành, Tỉnh ủy, Giám đốc các công ty quốc doanh, v.v… Một khi đồng tiền trở nên khan hiếm, Đảng sẽ không làm vừa lòng thành phần “ăn trên ngồi trước” này nữa. Chúng phải đấu đá nhau găng hơn để tranh giành nguồn tài trợ cho những dự án riêng. Bất mãn từ đó tăng dần vì thấy tiền ít dần, mình phải “thắt lưng buộc bụng” trong khi ông Chủ tịch vẫn đổ hết tỉ đô-la này đến tỉ đô-la khác vào Nhất Đới Nhất Lộ!

Sau hết, trong trường hợp kinh tế suy thoái nghiêm trọng, nhà nước có thể sẽ phải đối phó với những cuộc nổi loạn và nổi dậy ở những khu vực tự trị phiên thuộc, nhất là Tây Tạng, Tân Cương, và Hong Kong. Đừng vội hy vọng ĐCSTQ sẽ sụp đổ vì các phiên thuộc này nổi lên chống đối. Đảng không đổ nhưng đó là rắc rối phải trả giá rất cao. Đảng sẽ thẳng tay đàn áp dữ dội để dẹp tan mọi chống đối, chắc chắn là như thế, Đảng không có chọn lựa nào khác. Nhưng làm thế, Đảng sẽ bị thế giới lên án và lãnh chịu những trừng phạt kinh tế nặng nề. Gia tăng mức độ vi phạm nhân quyền, Đảng sẽ đẩy châu Âu đến gần với Hoa Kỳ hơn, và có thể một liên minh rộng lớn chống-Trung Quốc ra đời, một điều Bắc Kinh vô cùng sợ hãi, đã và đang tìm mọi cách ngăn trở.Giai cấp trung lưu bất mãn, các sắc dân thiểu số chống đối, dân chúng biểu tình đòi dân chủ hóa, tất cả có lẽ đều không lật đổ được Tập. Mặc dù vậy, những rối loạn chính trị chắc chắn sẽ góp phần làm giảm uy tín Tập và tạo ngờ vực về khả năng lãnh đạo của ông ta. Kinh tế yếu kém, thành phần lãnh đạo mất niềm tin có thể sẽ đẩy Bắc Kinh vào cảnh huống khốn đốn, dẫn đến thảm họa cho Đảng.





5. Trên lý thuyết, ĐCSTQ có thể tránh, hoặc giảm thiểu tai họa do kinh tế suy thoái gây nên. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc trước Tập đã nghĩ đến một sách lược có hiệu quả do họ học được bài học của Liên Xô khi đế quốc này sụp đổ. Liên Xô, ngày tàn đã điểm từ lâu mà vẫn duy trì viện trợ cho Cuba, Việt Nam, và vài quốc gia chư hầu Đông Âu. Cuộc chiến ở Afghanistan cũng làm Liên Xô hao tổn không biết bao nhiêu nhân lực, tài lực, chưa kể tiền của, khí giới đổ vào những cuộc chiến tranh ủy nhiệm ở Angola và Đông Nam Á. Học thuộc rất kỹ bài học đó, Bắc Kinh có lẽ sẽ không sử dụng đồng tiền một cách phí phạm vào những dự án không cần thiết cho sự tồn tại của mình để dồn năng lực vào cuộc đối đầu với địch thủ đáng gờm nhất, Hoa Kỳ. Tập sẽ lùi một bước ngắn lấy đà để nhảy vọt một bước xa. Trong thời gian sắp tới, Bắc Kinh sẽ tạm thời cắt giảm nguồn viện trợ cho các quốc gia thần phục mình xưa nay như Kampuchia, Cuba, Venezuela, và vài quốc gia Phi châu. Đối nội, việc quan hệ hàng đầu là chấn chỉnh ngân quỹ quốc gia hầu giúp hồi phục hệ thống ngân hàng vốn bị kiệt quệ sau khi xuất tiền cho vay môt cách bừa bãi suốt thập niên qua.

Bắc Kinh cũng sẽ tìm cách lân la tạo mối giao hảo tốt đẹp hơn với các đồng minh của Hoa Kỳ, mục đích là ngăn ngừa những quốc gia này liên minh với Hoa Kỳ chống Trung Quốc. Để làm thế, Bắc Kinh sẽ phải hy sinh khá nhiều trên mọi bình diện – kinh tế, ngoại giao, quân sự, chính trị… như mở cửa thị trường quốc nội cho Nhật Bản, Nam Hàn, và châu Âu vào buôn bán; như ban hành luật pháp tôn trọng nghiêm chỉnh sở hữu trí tuệ; như ngưng chỉ mọi vi phạm nhân quyền; như chấm dứt mọi hành vi gây hấn và xâm lấn đất đai, biển đảo, v.v…

Bắc Kinh đã có những bước ngoại giao tìm cách hàn gắn lại quan hệ với Nhật Bản.

Tuy thế, để thật sự lấy lòng các đồng minh của Hoa Kỳ và tránh một thời kỳ suy thoái kinh tế nghiêm trọng, thì Tập, hoặc người kế vị Tập sau này, sẽ phải đi xa thêm vài bước nữa bằng cách cải tổ nền kinh tế thị trường.

Trước hết là phải tư hữu hóa các cơ cấu quốc doanh. Những công ty khổng lồ này chiếm hữu một số lượng tài sản kinh khiếp tương đương 30 ngàn tỉ đô-la Mỹ, chiếm dụng 80% tín dụng ngân hàng, nhưng chỉ cung ứng từ 23 đến 28% Tổng sản phẩm Nội địa. Chỉ cần thực hiện cuộc cải tổ đó thôi là đã quá đủ để san bằng thất thoát do mất thị trường Mỹ. Kinh tế gia Nicholas Lardy ước lượng nếu Trung Quốc thực thi cải tổ tư hữu hóa các công ty quốc doanh thì Tổng sản phẩm Nội địa mỗi năm sẽ tăng thêm ít nhất 2% trong thập niên sắp tới.

Thế nhưng chẳng đời nào Tập chịu thi hành những kế hoạch đó, chỉ vì nó đi ngược lại ý thức hệ bắt rễ rất sâu trong tâm thức ông ta. Gần như toàn bộ chính sách đối ngoại và an ninh quốc phòng của Trung Quốc trong thời gian gần đây đều mang dấu ấn riêng của Tập. Sửa đổi hoặc dẹp bỏ chính sách do chính tay mình đưa ra, là tự nhận thất bại. Một khối óc kỳ vĩ “cực kỳ sáng suốt anh minh” thì không thể thất bại. (Hình như đó là căn bệnh vĩ cuồng của tất cả các nhà độc tài trên thế gian xưa nay.)

Kết quả, để cứu vãn tình thế, ĐCSTQ có thể sẽ áp dụng vài thay đổi chiến thuật như: khuyến khích đối tác công-tư; xóa bỏ nhiều quy tắc, điều lệ kinh doanh ở một số khu vực kinh tế; cắt giảm kinh phí nhà nước, v.v… Những có gắng đó, tuy có cải thiện phần nào nền kinh tế quốc gia, nhưng không đủ thuyết phục các đồng minh Hoa Kỳ từ bỏ con đường đang đi để quay sang Trung Quốc.

Thay vào đó, Tập sẽ khua chiêng gióng trống trỗi lên khúc nhạc Quốc gia Chủ nghĩa kêu gọi toàn dân đứng lên “chống Mỹ cứu nước!”

Từ ngày biến cố Thiên An Môn năm 1989 xảy ra, bị rúng động đến tận gốc rễ, ĐCSTQ đã không ngớt lợi dụng lòng yêu nước của người dân để biện minh cho sự tồn tại chính đáng của mình. Trong trường hợp kinh tế suy thoái, đời sống khó khăn hơn, Bắc Kinh sẽ không ngần ngại làm dấy lên làn sóng yêu nước. Sẽ không khó khăn lúc ban đầu bởi chín phần mười dân chúng đều có chung một ý nghĩ: Sở dĩ có va chạm giữa hai quốc gia, là vì đế quốc Mỹ không muốn Trung Quốc ngoi lên thành siêu cường trên thế giới. Nhưng điều oái oăm là chính luận điệu này sẽ có ngày tạo khó khăn cho Đảng khi tình thế mới biến chuyển và Đảng muốn xoay trục chuyển sang thái độ hòa hoãn hơn với Hoa Kỳ.





Một điều khá chắc chắn là, đối nội Đảng sẽ kiểm soát xã hội gắt gao hơn, sẽ cứng rắn hơn trên bình diện chính trị. Nhờ dựa vào một hệ thống an ninh khổng lồ và hữu hiệu, Đảng sẽ dễ dàng trấn át mọi tiếng nói phản biện, đập tan mọi âm mưu chống đối, hoặc bất kỳ thách đố nào bị xem là nguy hại đến sự tồn vong và uy tín của Đảng. Dĩ nhiên, làm vậy sẽ hao công tốn của không ít, chưa kể sẽ gây bất bình phẫn nộ từ những thành phần ưu tú trong xã hội như trí thức hàn lâm, văn nghệ sĩ và doanh nhân tư. Càng đàn áp, chống đối càng gia tăng ở những miền phiên thuộc Tây Tạng, Tân Cương, Hong Kong, quốc tế cũng không để yên, nhất là châu Âu, nơi Trung Quốc có quá nhiều quan hệ thương mại, ngoại giao ràng buộc.

6. Mơ ước ĐCSTQ sụp đổ cho đến thời điểm này vẫn chỉ là mơ ước của nhiều người. Ngoại trừ một trường hợp có tính giả định cao: Trung Quốc lâm vào một cuộc chiến tranh nóng thảm khốc với Hoa Kỳ, và thua trận, đất nước hỗn loạn, Đảng phải giải thể để một thể chế chính trị lãnh đạo mới ra đời. (Một cuốn phim viễn tưởng của Hollywood thì đúng hơn.) Ngoại trừ trường hợp ấy, có lẽ Đảng sẽ vẫn tồn tại, vẫn bám giữ quyền lực, và nếu có thay đổi thì thay đổi đó chỉ có thể là tiệm tiến, gây nên bởi kinh tế suy thoái, xã hội hoảng loạn, và phải kình chống với những lực lượng thù địch bên ngoài, điển hình là Hoa Kỳ. Một khi tất cả những điều kiện ấy xảy ra, có lẽ không ai trở tay kịp, kể cả Tập…

Một khả thể, không chắc xảy ra, là các thành viên cao cấp trong ban lãnh đạo bất mãn và âm mưu lật đổ Tập, đưa người khác lên thay. Chuyện này xem ra còn khó hơn lên trời. Đảng có cách ngăn ngừa từ lâu: Văn phòng Thường vụ Ủy ban Trung ương – cơ quan duy nhất có thể đảo chánh lật đổ lãnh tụ – kiểm soát gắt gao mọi trao đổi giữa các Ủy viên. Không để bất cứ ai lọt qua mạng lưới kiểm soát là châm ngôn của Đảng. Hơn nữa, đa phần thành viên trong Bộ Chính trị và Ủy ban Trung ương là người của Tập, tận trung với Tập. Tập còn nắm chắc quân đội và an ninh trong tay. Thử hỏi ở cái thế “trên đe dưới búa” đó, ai là người có thể ra tay ném ngai vàng của Tập vào lò lửa cho nó thiêu rụi thành tro bụi nghìn thu?

Lại nghĩ đến một khả thể khác. Giả sử có một biến cố nào đó xảy ra khiến các thành phần lãnh đạo không thống nhất biện pháp đối phó, đưa đến kết quả làm tê liệt các phương tiện đàn áp kinh hãi của chế độ. Một biến cố, như biến cố Thiên An Môn, thường khiến giới lãnh đạo lúng túng lúc ban đầu, không biết đối phó như thế nào và dễ tạo khoảng trống cho phong trào lan rộng toàn quốc. Nhưng sau Thiên An Môn, Đảng đổ tiền đầu tư vào hệ thống an ninh dò thám người dân tinh vi lắm, cùng những biện pháp đàn áp biểu tình rất hiệu quả (như thấy bên Hong Kong), nên khả thể này vẫn mãi là… khả thể.

Một khả thể nữa là Tập bỗng nhiên lăn đùng ra chết hoặc phải từ chức vì bệnh hoạn. Thông thường, sau khi một lãnh tụ mạnh (strongman) như Tập qua đời hay từ chức, ta thấy một lãnh tụ yếu được đưa lên thế chỗ trong một thời gian ngắn để các lãnh tụ khác rảnh rang đấu đá nhau. Chỉ sau một hai năm, lãnh tụ yếu phải bước xuống để nhường ngai cho lãnh tụ mới, kẻ chiến thắng, sau khi hạ gục các đối thủ khác bước lên sân khấu tóm thu quyền lực. Hãy nhớ lại Nikita Khrushchev sau Stalin, đánh gục Georgy Malenkov; hay Đặng Tiểu Bình sau Mao Trạch Đông, nốc-ao Hoa Quốc Phong.

Nếu lịch sử tái diễn thì chúng ta có quyền hy vọng sau Tập, ĐCSTQ sẽ trải qua một thời kỳ “trầm lắng.” Kẻ ngồi ghế chủ tọa tại Nhân Dân Đại Hội Đường lúc đó (tôi tạm gọi là ông Tành) có hai chọn lựa. Ông ta có thể quay lại chiến lược tồn vong thời tiền-Tập, tức là quay lại chế độ tập quyền tập đoàn và tránh những chính sách đối ngoại nhiều mạo hiểm. Nhưng sẽ khó khăn bởi vào thời điểm này, Đảng đã loại bỏ gần như tất cả các sách lược này, xem là vô dụng, không đáng quay trở lại, và bởi thế có lẽ Tành đành chọn con đường thứ hai, tức là cải tổ sâu rộng hầu cứu lấy Đảng. Có nghĩa là Đảng sẽ nới rộng nhân quyền, bớt đàn áp dã man, thả lỏng xã hội hơn trước, và thúc đẩy nhanh chóng những mô hình cải tổ kinh tế, y như Nga Xô trong khoảng thời gian từ 1985 cho đến lúc sụp đổ năm 1991. Có lẽ con đường này hấp dẫn hơn sau hai thập niên (giả sử lúc đó là năm 2032) ép mình dưới bàn tay sắt của strongman Tập, nhất là với giới trẻ vốn luôn luôn khao khát một khí quyển chính trị, xã hội mới. Nhưng đấy là một viễn ảnh còn xa xôi lắm.





Tuy vậy, những cải tổ vừa phải, không thái quá, ở Trung Quốc có thể có hiệu quả hơn Liên Xô, bởi vì Trung Quốc không phải đối phó với sự băng rã của một đế quốc gồm 15 nước Cộng hòa như trường hợp Liên Xô. Dân thiểu số ở Trung Quốc chỉ chiếm dưới 10% tổng số dân số. Có thể có vài xáo trộn ở Tây Tạng và Tân Cương, nhưng vấn đề dân thiểu số không hề là mối quan ngại hàng đầu cho sự toàn vẹn lãnh thổ.

7. Sau khi Tập ra đi (than ôi, biết bao giờ?), ĐCSTQ chắc chắn sẽ không còn như cũ. Các phân tích viên đưa ra hai dự đoán: cái tốt nhất và cái tệ nhất. Cái tốt nhất, Đảng sẽ tự hóa thân trở nên một chế độ “tử tế, ôn hòa hơn,” chịu thi hành cải tổ cả hai lĩnh vực kinh tế và chính trị, đồng thời tìm cách hằn gắn lại quan hệ địa-chính trị với Hoa Kỳ. Và cái tệ nhất, Đảng trơ mắt ếch nhìn cơ chế rệu rã đến tận xương tủy, lãnh đạo thối nát, bất tài, bất xứng, và các vận động chống chế độ nổi lên như nước sông Hoàng Hà mùa lũ.

Nếu dự đoán tệ nhất xảy ra thì đó là lịch sử tái diễn. Cái gì xảy ra ở Liên Xô, cũng xảy ra ở Trung Quốc, mặc dù ai nấy đều học thuộc bài học lịch sử đó rất kỹ. Lịch sử quả có lắm điều oái oăm.

Một dự đoán như thế có thể bị nhiều người trề môi cho là hoang tưởng, bởi họ tin ĐCSTQ thừa thông minh và tài cán để vượt qua những khó khăn chồng chất. Dẫu sao chăng nữa thì đó cũng là một trong những đảng phái chính trị tồn tại lâu đời nhất lịch sử.

Thế nhưng nếu quan sát những diễn biến Đảng đối phó trong trận dịch Covid-19 tại Vũ Hán năm 2020 và phản ứng phẫn nộ của công chúng thì người ta không thể không nhìn thấy những vết hổng to lớn của Đảng. Trận dịch cho ta thấy một số điểm yếu của Đảng. Chế độ đã tỏ ra lúng túng trong việc thu thập, xử lý và hành động dựa trên những thông tin khẩn, không như nhiều người nghĩ trước đó. Sau trận dịch SARS năm 2002 và 2003, Trung Quốc đã đầu tư rất lớn vào công tác phòng ngừa và kiểm soát dịch tễ. Năm 2007 họ cũng ban hành sắc luật điều hành và quản trị công tác cứu khẩn. Chuẩn bị kỹ nhưng vẫn lúng túng.

Chính quyền địa phương tại tâm dịch Vũ Hán đã che giấu, không thông báo cho công chúng biết những thông tin quan trọng liên quan đến dịch bệnh, ngay cả sau khi các chuyên gia y tế lên tiếng cảnh báo. Mặc dù đã nhận được báo cáo từ Vũ Hán gửi lên từ đầu tháng Giêng 2020 nói về tình trạng lây nhiễm tai hại, nhưng trong suốt hai tuần lễ, không một thành viên cao cấp nào trong Bộ Chính trị đả động gì. Tại sao? Tại vì không ai dám làm gì nếu Tập chưa mở miệng. Đó chính là nhược điểm to lớn của chế độ strongman. Vắng mặt suốt hai tuần lễ rồi quyết định gửi Thủ tướng Lý Khắc Cường xuống Vũ Hán, thay vì thân hành đến nơi thăm thú ủy lạo, là những sai lầm khác của Tập, nó làm lung lay, mờ nhạt bộ mặt của Tập như một lãnh tụ quyết đoán, can đảm vào thời điểm cấp bách ảnh hưởng lớn đến sự tồn vong của dân tộc. Tập cách chức Bí thư thành ủy Vũ Hán và Bí thư tỉnh ủy Hồ Bắc sau đó, đồng thời ra lệnh kiểm duyệt gắt gao hơn, thắt chặt thông tin trên truyền thông, báo chí, và nhất là các mạng xã hội. Tập cũng trục xuất các ký giả quốc tế loan tin trung thực không có lợi cho chế độ.

Nhưng không hiểu vì lý do gì, trong hai tuần lễ sau khi Vũ Hán bị cách ly, cỗ máy kiểm duyệt của nhà nước đã không làm việc hiệu quả. Kết quả là các mạng xã hội, thậm chí một vài cơ quan truyền thông, bùng phát làn sóng phẫn nộ dữ dội. (Điều này cho thấy sức mạnh tiềm ẩn trong xã hội dân sự Trung Quốc mạnh mẽ là nhường nào dù bị trấn áp tàn bạo bấy lâu.) Chính quyền bị chỉ trích lên đến cao điểm khi Bác sĩ Lý Văn Lượng qua đời. Ông chính là một trong những Bác sĩ đầu tiên ngay từ cuối tháng Chạp 2019 đã lên tiếng cảnh báo chính quyền về tình trạng nguy hiểm của dịch Covid-19, nhưng sau đó bị công an mời lên thẩm vấn và bịt miệng. Cái chết oan khiên của Bác sĩ Lý, và có lẽ nhiều người khác, cho thấy trong một biến động khủng hoảng, Đảng rất dễ bị công chúng tẩy chay, phỉ nhổ. Đó là cái gì chính tai chúng ta nghe, chính mắt chúng ta thấy. Được hai tuần!

Những biến cố xảy ra mấy tháng đầu năm 2020 quanh đại dịch Covid-19 cho thấy bức tường bao bọc xung quanh ĐCSTQ không kiên cố, không bất khả xuyên du, như người ta vẫn lầm tưởng xưa nay. Nhận thức như thế, có lẽ sách lược của Hoa Kỳ sẽ là kéo dài áp lực để thúc đẩy một đổi thay chính trị. Washington chắc sẽ gắng giữ vị trí hiện tại, bởi họ trông thấy xác suất thành công hình như mỗi lúc mỗi gia tăng.

8. Đó là cách nhìn của các phân tích viên Mỹ, những think-tank của xứ sở này, ăn lương để nặn óc nghĩ ra những chiến lược bảo vệ và làm giàu nước Mỹ. Đối với Việt Nam, và có lẽ cả khối Đông Nam Á, hiện trạng chẳng mảy may thay đổi cho dù ngay ngày mai ĐCSTQ giải thể để một chính phủ dân chủ lên cầm quyền! Trung Quốc muôn đời là kẻ xâm lược, Mao hay Đặng, Giang hay Hồ, Tập hay Tành (sic), tất cả đều nuôi mộng thôn tính chẳng những biển Đông mà cả Thái Bình Dương.

Giở lại trang viết cũ của Giáo sư Peter Navarro (hiện là cố vấn cho Tổng thống Trump trong Tòa Bạch Ốc, người tôi có dịp nghe nói chuyện đôi lần thời gian ông giảng dạy tại UCI), chúng ta sẽ thấy sách lược bành trướng của Trung Quốc ở biển Đông và Thái Bình Dương ra sao.

Giáo sư Navarro viết như sau trong một bài viết năm 2015:

“… Sách lược bành trướng quân sự cần thiết cho việc bảo vệ các tuyến giao thương cũng bắt nguồn từ lịch sử. Ngay từ khi Đặng Tiểu Bình khởi động tái thiết Trung Quốc, từ một quốc gia xã hội chủ nghĩa, tự lực cánh sinh, một bán cường quốc vùng để trở thành một siêu cường kinh tế toàn cầu như ngày nay, Tư lệnh Hải quân Trung Quốc lúc đó, Đô đốc Lưu Hoa Thanh, đã bắt tay xây dựng một lực lượng hải quân tiên tiến để giúp họ Đặng củng cố và duy trì một Trung Quốc kinh tế hùng mạnh. Lưu Hoa Thanh đề xuất chiến lược “ba-bước” mà hình như Trung Quốc kiên trì theo đuổi từ đó cho đến nay.

"Ở bước đầu, Trung Quốc sẽ phá vỡ mắt xích quần đảo thứ nhất, đó là hải tuyến chạy dài từ quần đảo Kuril và Nhật Bản xuyên qua tâm điểm Đài Loan băng ngang eo biển Luzon đến Philippines và xuống tận đảo Borneo của Malaysia. Về điểm này học giả Dean Cheng thuộc Sáng hội Heritage cho chúng ta biết, ‘Nếu mắt xích quần đảo thứ nhất nằm trong tay những quốc gia thù địch chống lại Bắc Kinh thì nó là cái rào cản không cho Trung Quốc khả năng đi ra biển khơi.’

"Bước thứ hai, Trung Quốc sẽ chặt đứt mắt xích quần đảo thứ hai, tức là hải tuyến chạy dài từ quần đảo Kuril xuống tận Tân Guinea, đâm thẳng qua cái neo của lực lượng quân sự Hoa Kỳ ở Á Châu: thành trì đảo Guam.

"Sau cùng, vào quãng năm 2050, hạm đội Trung Quốc sẽ bao trùm toàn cầu phóng chiếu quyền lực ra toàn thế giới.”

9. Việt Nam nằm trong “mắt xích quần đảo thứ nhất” mà theo sách lược của Lưu Hoa Thanh là phải thanh toán đầu tiên!

Xem ra bão tố hay bình yên ở Bắc Kinh chẳng hề ảnh hưởng gì đến cánh bướm ở Hà Nội, đằng nào bướm cũng tan xác, ngoại trừ bướm biết vận động hàng triệu cái cánh để chống đỡ những cơn bão không ngớt ào ạt thổi ập tới mình.


© Trịnh-Khải Nguyên-Chương
    (Tổng hợp nguồn tài liệu và thông tin của Foreign Affairs, CNN, Fox News, Newsweek, New York Times, Wikipedia.)
    BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad