Mời xem thêm Phần 1: Nguồn tiền khổng lồ của Trung Quốc đến từ đâu?, Phần 2: Trung Quốc vươn ‘vòi bạch tuộc’ thâu tóm lợi nhuận từ thế giới
Kể từ khi cải cách bắt đầu, chính quyền Trung Quốc đã đặc biệt chú ý đến các vấn đề xoay quanh tiền tệ và cách sử dụng dòng tiền nội địa “vượt ra” biên giới theo cách có lợi nhất, thực thi “giấc mộng Trung Hoa”, trở thành bá chủ mới của thế giới.
Nhưng tiền của Trung Quốc rót tới đâu thì không chỉ đi kèm theo việc ăn cắp công nghệ, xuất khẩu công nghệ bẩn, di cư lao động mà còn xuất khẩu luôn cả văn hóa tham nhũng, tha hóa chính quyền và quan chức địa phương, lũng đoạn các tổ chức quốc tế… Đó là lý do các khoản tín dụng của Trung Quốc cho các chính phủ, nền kinh tế nghèo đều không minh bạch, đều là bí mật quốc gia và các khoản nợ nhanh chóng đè nặng lên vai người dân các nước nghèo cho đến khi họ hoàn toàn sập bẫy nợ của Trung Quốc, buộc phải để mặc Trung Quốc vơ vét tài nguyên, sử dụng đất đai như một khoản “gán nợ”... Trong khi đó, các tổ chức quốc tế bị lũng đoạn đến mức lên tiếng ủng hộ Trung Quốc, ca ngợi Trung Quốc, rót tiền cho Trung Quốc để thực thi chiến lược “Giấc mộng Trung Hoa”, phủ bóng đen lên tương lai của thế giới…
1. Chủ nợ lớn nhất toàn cầu: giăng “bẫy nợ”, chiếm đoạt đất đai, tài nguyên
Thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), Trung Quốc đã chào mời những khoản cho vay hậu hĩnh, lãi suất thấp để xây dựng hạ tầng nhằm đổi lấy tài sản công, tài nguyên, quyền xâm nhập vào thị trường nội địa của các nền kinh tế kém phát triển hơn tại châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh. Các nền kinh tế kém phát triển đã bị hấp dẫn bởi viễn cảnh về các dự án hạ tầng cả dân sự lẫn quân sự, cầu cống, đường cao tốc, bến cảng… ; vì thế đã “vui vẻ” đồng ý trở thành “chân rết” cho dự án “thao túng kinh tế, chính trị toàn cầu” của Bắc Kinh theo “con đường tơ lụa” này.
“Sáng kiến” này của chính quyền Trung Quốc có mục đích nhằm thông thương giữa châu Á, châu Âu và châu Phi, với hy vọng rằng BRI sẽ hiện thực hóa tham vọng lớn nhất của họ là mở rộng tầm ảnh hưởng thương mại và chính trị trên khắp các châu lục này. Một số dự án cụ thể của BRI như là: xây dựng thủy điện 2.600 MW ở Nigeria, 3 tỷ USD cho thiết bị viễn thông tới Ethiopia, Sudan và Ghana, và hàng tỷ USD cho các dự án đường sắt chính ở Nigeria, Gabon và Mauritania, theo CSIS. Không có con số chính thức nào về tổng đầu tư của Trung Quốc đã rót vào châu Phi, nhưng một ước tính gần đây từ Sáng kiến Nghiên cứu Trung Quốc (CARI) tại Đại học Johns Hopkins nhận định rằng tổng số khoản vay ưu đãi theo BRI là vào khoảng 5 tỷ USD mỗi năm.
Báo cáo của Viện Tài chính Quốc tế (IIF) cho biết, BRI đã “tung ra” hơn 730 tỷ USD vào các dự án đầu tư và xây dựng ở nước ngoài tại hơn 112 quốc gia. Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc đã tuyên bố vào tháng 4/2019 rằng họ đã cung cấp hơn 149 tỷ USD cho các khoản vay của hơn 1.800 dự án BRI, trong khi Ngân hàng Phát triển Trung Quốc cho biết vào tháng 3/2019 rằng họ đã cung cấp tài chính vượt quá 190 tỷ USD cho hơn 600 dự án BRI kể từ năm 2013. Theo một nghiên cứu từ Viện Kiel của Đức, Trung Quốc đã trở thành chủ nợ song phương lớn nhất thế giới, với các dự án BRI được cấp tiền từ các ngân hàng chính sách quốc doanh và quỹ chuyên gia của Trung Quốc, và tài sản thế chấp thường là các tài sản công.
Tuy nhiên, tham vọng “ngoại giao bẫy nợ” thông qua BRI đã lộ rõ. Oxford Business Group đưa tin rằng, khi Sri Lanka vỡ nợ 1,3 tỷ USD vì nợ dự án BRI vào tháng 12/2017, nước này đã nhượng lại hơn 70% cảng Hambantota chiến lược của mình trên Ấn Độ Dương cho một công ty quốc doanh Trung Quốc dưới hình thức cho thuê 99 năm. Điều tương tự diễn ra với Djibouti. Quốc gia này nằm ở lối vào Biển Đỏ, mang nhiều lợi ích quốc phòng, với gần 10% xuất khẩu dầu trên thế giới và 20% tất cả các hàng hóa thương mại điều hướng qua Kênh đào Suez, đi qua Djibouti. Bà Bon Glick - phó quản trị viên của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ, cho biết: “Djibouti không trả được nợ, và Trung Quốc kiểm soát các hoạt động tại cảng ở Djibouti… Đây là cách mà Trung Quốc đã vạch ra khi hướng ra toàn cầu, nhắm vào các cảng có giá trị nhất trước tiên và tiếp cận các quốc gia sở hữu các cảng này”.
Đây cũng là cách Trung Quốc áp dụng tại Mông Cổ, khi xây dựng cơ sở hạ tầng gồm đường xá, đường sắt,... nhằm giúp cho việc vận chuyển những mỏ than và sắt của quốc gia này về Trung Quốc dễ dàng hơn. Các chuyên gia tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu (CGD) nhận thấy rằng 15 trong số 68 quốc gia có dự án BRI phải đối mặt với nguy cơ khốn đốn về các khoản nợ lớn - về cơ bản là vỡ nợ hoặc không có khả năng để trả lại những gì họ nợ - trong đó có 8 nước khác đang có nguy cơ rất cao.
Mặt khác, một số quốc gia cũng “dính phải” BRI “công nghệ”, khi tiền Trung Quốc đã có mặt với số lượng lớn ở một số quốc gia, trong vốn chủ sở hữu chiến lược và nợ, ở các lĩnh vực lớn, vừa và khởi nghiệp. Một quốc gia có thể chọn việc “đứng ngoài” các sáng kiến địa chính trị do Trung Quốc lãnh đạo như BRI, nhưng các doanh nghiệp kinh tế dẫn đầu lại đang ”chịu nhận” mức đầu tư lớn từ các quỹ của Trung Quốc. Chẳng hạn như Ấn Độ đang phải “bất đắc dĩ” tham dự vào BRI “công nghệ”, với các doanh nghiệp lớn về công nghệ trong thanh toán (PayTM), di động (Ola) và thương mại điện tử… của nước này có vốn đầu tư lớn của Trung Quốc. Một báo cáo gần đây của chính phủ Ấn Độ cho thấy rằng Ấn Độ có một sự “tiếp cận toàn diện” đối với tất cả các khoản đầu tư của Trung Quốc vào nước này, theo economictimes.
Chỉ trong hai thập kỷ qua, Trung Quốc đã trở thành một nhà cho vay lớn nhất toàn cầu. Hầu như tất cả các khoản cho vay này đều đến từ chính phủ và các tổ chức do nhà nước Trung Quốc kiểm soát. Tuy nhiên, do thiếu dữ liệu và minh bạch thông tin, các khoản vay của Trung Quốc đã tạo ra một vấn đề về “nợ ẩn giấu” - có nghĩa là các quốc gia con nợ và các tổ chức quốc tế cũng không thể “phác họa” nên một bức tranh hoàn chỉnh về việc các quốc gia trên thế giới nợ Trung Quốc bao nhiêu và trong điều kiện nào.
Tổng cộng, ước tính nhà nước Trung Quốc và các công ty con đã cho vay khoảng 1,5 nghìn tỷ USD cho vay trực tiếp và tín dụng thương mại cho hơn 150 quốc gia trên toàn cầu, trong đó “các khoản nợ ẩn giấu” mà các quốc gia đang phát triển nợ Trung Quốc có tổng trị giá khoảng 380 tỷ USD. Điều này đã biến Trung Quốc trở thành chủ nợ chính thức lớn nhất thế giới - vượt qua cả tổng nghĩa vụ nợ (của các quốc gia này) đối với Câu lạc bộ Paris (một nhóm gồm 19 quốc gia chủ nợ giàu có), thậm chí còn nhiều hơn tổng nợ với Ngân hàng Thế giới hay Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), theo Harvard Business Review.
2. Tiền Trung Quốc đi tới đâu, ‘xuất khẩu tham nhũng’ lan tới đó
Những câu hỏi mới về tính minh bạch và tính bền vững của sáng kiến này lần lượt xuất hiện khi các dự án BRI đã hoàn thiện. Người ta cho rằng các dự án thiếu tính minh bạch, thiếu tính bền vững kinh tế và kém chất lượng. Các nhà phân tích cho rằng, sự thiếu minh bạch có thể tạo ra mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng. Nhiều nhà lãnh đạo chính trị phương Tây tố cáo Trung Quốc làm suy yếu các tiêu chuẩn quản trị và do đó tạo điều kiện cho tham nhũng. Mặc dù bề ngoài Trung Quốc chính thức tuân thủ các chuẩn mực chống tham nhũng quốc tế quan trọng, như là việc Bắc Kinh đã phê chuẩn Công ước Liên Hiệp Quốc về phòng chống tham nhũng (UNCAC) năm 2006; tuy nhiên, chính quyền này vẫn không ban hành các điều khoản chống hối lộ ở nước ngoài.
Trên thực tế, ngoài nguy cơ rơi vào bẫy nợ và mất chủ quyền một phần lãnh thổ, mấy năm qua đã có những quốc gia tham gia BRI với Trung Quốc gặp phải sự phản đối ngay từ trong nội bộ do tham nhũng. Ở Malaysia, Thủ tướng Mahathir Mohamad lên cầm quyền, lập tức hủy bỏ ngay các dự án BRI với tổng trị giá 23 tỷ USD, chấp nhận đền bù, vì lý do “vượt quá khả năng tài chính của Chính phủ”. Cựu Thủ tướng Najib Razak của Malaysia bị buộc tội tham nhũng cũng liên quan đến các dự án BRI. Ở Kyrgyzstan bắt giữ 2 cựu Thủ tướng với tội danh nhận tiền “lại quả” từ các công ty xây dựng của Trung Quốc. Ở Pakistan, thái độ phản đối ngày càng tăng đối với các dự án thuộc Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC) sau một cuộc khủng hoảng tài chính ở nước này.
Theo các báo cáo, quan chức của Công ty Kỹ thuật Cảng Trung Quốc (CHEC), được hậu thuẫn bởi chính quyền Trung Quốc, đã bị bắt vì hối lộ thư ký của bộ phận vận tải đường bộ và đường cao tốc Bangladesh (RTHD) Nazrul Islam. Ông Islam cho biết ông đã nhận hối lộ từ Công ty CHEC của Trung Quốc với số tiền 5 triệu taka (gần 60.000 USD). Bộ trưởng Tài chính của Bangladesh, ông Abul Maal Abdul Muhith đã nói với truyền thông rằng "Công ty Trung Quốc công khai đưa hối lộ".
Tương tự như vậy ở Uganda, nước này cáo buộc Trung Quốc hối lộ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Uganda, ông Sam Kutesa, số tiền 1,8 tỷ Shs (tương đương 500.000 USD), nhằm giúp công ty Trung Quốc đảm bảo lợi thế kinh doanh ở Uganda.
Ủy ban Tội phạm Kinh tế và Tài chính Nigeria (EFCC) đã bắt giữ hai công dân Trung Quốc, Mạnh Wei Kun và Xu Koi, trong tuần này vì cáo buộc cố gắng mua chuộc người đứng đầu văn phòng EFCC tại thành phố phía bắc của tỉnh Sokoto. Cả hai đã bị bắt trong một hoạt động bí mật sau khi họ đề nghị hối lộ 128.000 USD tiền mặt để đổi lấy sự giúp đỡ của người đứng đầu văn phòng EFCC trong việc ngăn một cuộc điều tra đang diễn ra đối với một công ty xây dựng của Trung Quốc, China Zhonghao Nigeria Limited.
Thực tế, dòng tín dụng của Trung Quốc công khai chảy tới các nền kinh tế nghèo, nơi yêu cầu minh bạch thông tin, tiêu chuẩn an toàn, môi trường và giám sát pháp luật thiếu chặt chẽ… Đó là mảnh đất màu mỡ để dòng vốn của Trung Quốc có thể thỏa sức xuất khẩu “văn hóa tham nhũng” tha hóa bộ máy hành chính, quản lý giám sát của nước chủ nhà nhằm đạt được các mục tiêu chiến lược về ngoại giao và quân sự trong “Giấc mộng Trung Hoa”.
3. Dòng vốn Trung Quốc đầu tư đến đâu, môi trường bị hủy hoại tới đó
Trong nhiều năm qua, đặc biệt cuối năm 2019 khi thương chiến Mỹ - Trung trở nên căng thẳng hơn, truyền thông Việt Nam nhiều lần lên tiếng cảnh báo dòng vốn đầu tư FDI của Trung Quốc đổ vào Việt Nam mang theo nguy cơ rất cao về ô nhiễm môi trường. Thực tế, ô nhiễm môi trường từ các dự án FDI Trung Quốc luôn là vấn đề nhức nhối với Việt Nam trong hơn hai thập kỷ qua. Tình trạng này không chỉ ở Việt Nam mà các dự án của Trung Quốc đã được chứng minh rằng nó đã “tẩy xanh” mọi nơi mà nó đi qua.
Ông Plamen Tonchev, người đứng đầu khoa châu Á tại Học viện Quan hệ Kinh tế Quốc tế có trụ sở tại Hy Lạp, nhận xét rằng Trung Quốc không chỉ đang xuất khẩu lượng thép và xi măng dư thừa của mình, mà còn xuất khẩu các chuẩn mực lao động thấp kém đi kèm với ô nhiễm và cách thức làm việc mờ ám.
Nhiều tuyến đường của BRI đã cắt ngang những địa hình sinh thái mỏng manh. Gắn liền với BRI là sự phát triển giao thông và cơ sở hạ tầng năng lượng, cùng với việc xây dựng đường cao tốc, đường tàu, hải cảng, nhà máy điện và các khu công nghiệp, đang đe dọa hệ động thực vật địa phương theo những phương cách chưa hề thấy trước đây.
Một báo cáo năm 2017 của Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới đã phát hiện rằng cho tới nay, 1.739 khu vực sinh thái chủ yếu của các loài chim và các khu vực đa dạng sinh thái quan trọng khác, cùng 265 loài có nguy cơ tuyệt chủng đang đứng trước mối nguy ngày càng tăng do các dự án của BRI gây ra. Đó còn chưa kể đến việc phá rừng và săn bắn trộm khi các dự án này bắt đầu mở đường ở những khu vực hẻo lánh. Trung Quốc liên tục nói về “thoáng, xanh và sạch,” nhưng BRI đang để lại đằng sau những môi sinh bị tàn phá.
Ông Jonathan Hillman, một nhà nghiên cứu cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, cho biết có quá nhiều sự “tẩy xanh” tại Diễn đàn Vành đai và Con đường gần đây, với những thông điệp như Sáng Kiến làm mát xanh (Green Cooling Initiative), Hiệp hội Phát triển Xanh (Green Development Coalition) và Sáng kiến Ánh sáng Xanh (Green Lighting Initiative).
“Tất cả nghe rất hay, nhưng tôi nghi ngờ chúng còn hơn quảng cáo. Tôi nghĩ rằng có nhiều trường hợp các dự án ở nước ngoài thậm chí không đáp ứng được những yêu cầu về môi trường như chính họ đề ra ở trong nước, nhưng vẫn được tiến hành dưới lý do căn bản rằng đó là lựa chọn của nước sở tại,” ông Hillman nói.
Nhận xét của ông Hillman cũng giống như các phân tích trong một báo cáo của Ngân hàng Thế giới nghiên cứu khoảng 3.000 dự án quốc tế của Trung Quốc, theo đó phát hiện rằng chúng chủ yếu được phân bổ tại “các quốc gia nghèo hơn với các quy định và kiểm soát môi trường yếu kém”.
4. Viện trợ đối ngoại: ‘mồi nhử’ kinh tế nhằm thao túng nguồn tài nguyên thế giới, bành trướng đối ngoại
“Trụ sở mới của Liên minh Châu Phi đã mở tại Addis Ababa, một món quà trị giá 200 triệu USD được tài trợ bởi chính quyền Trung Quốc…”, theo UA Magazine.
Đây có thể là một mẩu thông tin quen thuộc về cách sử dụng tiền của Trung Quốc, và luôn có một “ý tưởng mạnh mẽ” đi kèm với nó: viện trợ của Trung Quốc được thực hiện, nhiều ràng buộc “ẩn” và ít tiêu chí đạo đức; có thể gọi đó là Rogue Aid (viện trợ lừa đảo). Điều này tương đồng với câu khẩu hiệu “lạnh lùng” được Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào phát biểu trước quốc hội Gabon: “Chỉ kinh doanh, không cần bất cứ điều kiện chính trị nào”.
Thông qua các dự án viện trợ, tiền của Trung Quốc “đi” khắp nơi, kể cả ở những quốc gia nội chiến châu Phi với những kẻ lãnh đạo khát máu và hung tàn như ở Zimbabwe và Sudan. UA Magazine cho biết, viện trợ quốc tế của Trung Quốc mang tính “ý thức hệ”. Trong giai đoạn xảy ra nạn đói từ năm 1958-1962, hàng chục triệu người Trung Quốc bị chết đói. Thế nhưng, khoản tiền “chi viện cho nước ngoài” lại lên đến 2,36 tỷ nhân dân tệ. Trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa điên cuồng năm 1973, “viện trợ đối ngoại” của chính quyền này đạt đến mức kỷ lục về chi tiêu tài chính quốc gia, chiếm 7% GDP. Sau vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989, chương trình viện trợ đã trở thành phương tiện để cải thiện các mối quan hệ bị tổn hại trên khắp thế giới.
Theo các nhà nghiên cứu Axel Dreher và Andreas Fuchs, viện trợ của Trung Quốc nhanh hơn và có ít điều kiện hơn viện trợ phương Tây, đương nhiên, nó đi kèm với rất nhiều động cơ chính trị và kinh tế và rất ít các cân nhắc về đạo đức. Báo cáo chính phủ Trung Quốc từ năm 1949-2006, cho thấy quốc gia này đã chi 5,6 tỷ USD cho các dự án viện trợ ở châu Phi. Các học giả Trung Quốc cho rằng con số này quá thấp, dữ liệu bổ sung mà họ tính toán cho thấy con số đó nằm trong khoảng từ 8 đến 9 tỷ USD.
Chính trị gia Peter Navarro, trong cuốn sách “Death by China” (Chết dưới tay Trung Quốc), cho rằng: “Dù cho một xã hội văn minh như nước Úc, một quốc gia bị chiến tranh tàn phá như Congo, một quốc gia đang chuyển đổi như Nam Phi, hoặc trường hợp một loạt các nhà nước độc tài kiểu như Zimbabwe, điều mà các quốc gia này cùng chung số phận là: Trung Quốc đang bóc lột một cách có hệ thống các nguồn tài nguyên của họ. Và một khi các tài nguyên này cạn kiệt, bị xúc mang đi hết hay sử dụng hết, các thuộc địa này sẽ biến thành các những chiếc thùng rỗng ruột, mất năng lực công nghiệp và khả năng tạo ra việc làm”.
Tờ Quartz African cho biết, các khoản viện trợ của Bắc Kinh sẽ đổi lấy dầu thô từ Angola và Nam Sudan, kẽm và quặng đồng từ Eritrea, coban từ DR Congo, thuốc lá thô từ Zimbabwe, cũng như sắt và titan từ Sierra Leone. Trung Quốc cũng nhận được 95% xuất khẩu dầu thô của Nam Sudan để đổi lấy các khoản viện trợ cho hạ tầng, kể từ năm 2017. Ngoài ra, theo Los Angeles Times, từ năm 2001 đến năm 2013, tổng vốn đầu tư của Trung Quốc vào châu Mỹ Latinh và Caribe đã tăng từ 1 tỷ USD lên 86 tỷ USD, để đổi lấy việc các công ty nhà nước Trung Quốc hút dầu từ Ecuador và Venezuela, thu mua đậu nành từ Argentina và Brazil, và đồng từ Chile và Peru. Bắc Kinh cũng dễ dàng “qua mặt” tên độc tài Robert Mugabe của Zimbabwe bằng 5 tỷ USD “viện trợ ngoại giao” để lấy được 40 tỷ USD trữ lượng kim loại quý platin của Zimbabwe.
Theo SCMP, 23% các khoản viện trợ chủ yếu dành cho các nước nghèo nhất theo các điều khoản ưu đãi. Trụ sở Liên minh Châu Phi trị giá 200 triệu USD ở Ethiopia cũng thuộc diện “món quà Trung Quốc tặng châu Phi”. “Đương nhiên, điều này giúp Trung Quốc được các nước này bỏ phiếu tán thành trong Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc”, theo ông Brad Parks, giám đốc điều hành một đơn vị thuộc Đại học William & Mary ở Virginia, và là đồng tác giả của một nghiên cứu về các hoạt động cho vay của Trung Quốc.
Trung Quốc ngày càng chiếm lĩnh nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên của thế giới và có thể sử dụng các tài nguyên này với chi phí rẻ nhất, do vậy họ có lợi thế cạnh tranh với Hoa Kỳ và phần còn lại của thế giới. Ngoài ra, Trung Quốc sẽ bán lại thành phẩm của họ vào thị trường các nước này, dần xóa bỏ các ngành tại chỗ, đẩy cao tỷ lệ thất nghiệp và tình trạng đói nghèo tại các quốc gia này.
5. Kế hoạch Nghìn nhân tài (TTP) và lũng đoạn tham nhũng các trường đại học Mỹ
Năm 2008, tỷ lệ những học giả Trung Quốc nhận bằng tiến sĩ ở Mỹ và không trở về nước lên đến 92%. Vào cùng năm này, chính quyền Trung Quốc đã sáng tạo ra Kế hoạch Nghìn nhân tài (TTP), một chương trình thu hút những học giả này “trở về”, cũng như chiêu mộ những nhà nghiên cứu nước ngoài dưới danh nghĩa tham gia vào các dự án nghiên cứu học thuật. Thực chất, đây chính là một hoạt động đánh cắp tài sản sở hữu trí tuệ. Năm 2012, quốc gia này đã chi 1,98% tổng sản phẩm quốc nội cho kế hoạch này và khoản chi này tăng khoảng 20% mỗi năm, theo KChester LLC.
Năm 2016, Chủ tịch Tập Cận Bình đã chỉ định một chính sách được gọi là Hợp nhất Quân sự-Dân sự (MCF) như là một chiến lược quốc gia. MCF tìm cách tập hợp nhân tài và nguồn tài chính để cùng phát triển công nghệ, tiến hành nghiên cứu và thu hút nhân tài cùng nhau củng cố cả hai lĩnh vực quân sự và dân sự; giúp Trung Quốc vươn tới mục tiêu trở thành nhà lãnh đạo thế giới về khoa học và công nghệ vào năm 2050. Trong đó, TTP là kế hoạch nổi bật nhất nhằm phục vụ cho mục đích này.
Tờ Clearance Jobs cho biết, TTP đã thu hút hơn 70.000 chuyên gia “chia sẻ” kiến thức và chuyên môn của họ với Trung Quốc. Mặc dù việc tham gia TTP không phải là bất hợp pháp, nhưng việc các chuyên gia này tiếp tay cho chính quyền Trung Quốc đánh cắp tài sản trí tuệ của quốc gia khác (đặc biệt là Hoa Kỳ) và tham gia lừa đảo và không nộp thuế thu nhập từ nguồn thu của TTP là bất hợp pháp. Theo The Diplomat, chính quyền Trung Quốc đã trả cho các “tân binh” được lựa chọn một khoản tiền lớn để mang kiến thức chuyên môn của họ đến Trung Quốc. Phần thưởng có thể lên tới 1 triệu nhân dân tệ (hơn 142.000 USD).
Theo báo cáo của Tiểu ban Thượng viện công bố ngày 18/11/2019, thông qua chương trình TTP, trong một thập kỷ qua, chính quyền Trung Quốc đã mua lại kết quả nghiên cứu từ hơn 7.000 nhà khoa học và các chuyên gia khác của Hoa Kỳ. Giáo sư Charles Lieber, trưởng phòng hóa học và sinh hóa học tại Harvard, đã bị bắt vào đầu năm nay. Các công tố viên cáo buộc tội ông nhận 50.000 USD mỗi tháng, cũng như một khoản thanh toán 1,5 triệu USD để thành lập phòng thí nghiệm nghiên cứu tại Đại học Công nghệ Vũ Hán.
Vào tháng 2 năm nay, Bộ Giáo dục Hoa Kỳ đã điều tra 2 trường đại học Harvard và Yale vì nghi ngờ các trường đại học này nhận hàng trăm triệu USD tài trợ từ Trung Quốc mà không báo cáo. Đại học Yale đã không báo cáo ít nhất 375 triệu USD tiền quà tặng và hợp đồng từ nước ngoài (Trung Quốc), và họ đã không báo cáo bất kỳ nguồn tài trợ nước ngoài nào trong bốn năm qua. Điều này chứng tỏ Trung Quốc đã dùng nguồn tài chính khổng lồ của mình để từng bước mua chuộc các chuyên gia nước ngoài, cũng như xâm nhập vào các trường đại học danh tiếng của Mỹ, mục đích có lẽ không gì khác hơn ngoài việc đánh cắp tài sản sở hữu trí tuệ, và thao túng nền học thuật nước ngoài, khống thế hình thái ý thức của các xã hội dân chủ theo định hướng chính trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Ngày 8/4/2020, tờ News York Times tuyên bố rằng Viện Sức khỏe Quốc gia Hoa Kỳ (NIH) và Cục Điều tra Liên bang (FBI) đã bắt đầu chiến dịch nhằm tìm ra những nhà khoa học đang đánh cắp nghiên cứu y sinh từ các tổ chức trên khắp Hoa Kỳ. Hầu như tất cả các trường hợp bị điều tra đều liên quan đến các nhà khoa học gốc Trung Quốc, bao gồm cả công dân Mỹ nhập tịch. Trong đó, 71 tổ chức, bao gồm nhiều trường y khoa uy tín nhất Hoa Kỳ, hiện đang điều tra 180 trường hợp cá nhân liên quan đến hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ.
Ủy ban Mỹ - Trung đã cảnh báo rằng "hoạt động gián điệp của Trung Quốc trong nước Mỹ rộng đến nỗi chúng trở thành nguy cơ lớn nhất duy nhất đối với an ninh công nghệ Mỹ".
6. Xâm nhập, lũng đoạn Liên Hiệp Quốc (LHQ) và các cơ quan chuyên môn trực thuộc
Hoa Kỳ tài trợ 25% ngân sách thường xuyên cho LHQ, trong khi mức tài trợ của Trung Quốc chỉ là 12% và ở vào vị trí thứ hai. Tuy nhiên, chính quyền này thường cung cấp các “khuyến khích kinh tế” để đổi lấy sự lãnh đạo trong Liên Hiệp Quốc. Năm 1999 người đứng đầu ĐCSTQ là Giang Trạch Dân đã sang thăm và tặng cho nước Pháp một hợp đồng mua bán lớn trị giá 15 tỷ Franc, mua gần 30 chiếc máy bay của công ty Airbus, do vậy đạt được sự ủng hộ của chính phủ Pháp về việc Trung Quốc gia nhập tổ chức WTO.
Theo Foreign Policy, nhiều cáo buộc xung quanh cuộc bầu cử tổng giám đốc thứ 9 của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO) vào năm 2019, cho rằng Trung Quốc đã dùng “chiến lược xóa nợ” 78 triệu USD cho chính phủ Cameroon, đổi lấy việc “ứng cử viên được đề cử” của nước này đã phải rút đơn tham dự. Sau đó, ứng cử viên Trung Quốc Khuất Đông Ngọc (Qu Dongyu) đã được bầu vào chức vụ này.
Theo The New York Times, John W. Ashe, cựu chủ tịch của Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc, đã được nêu tên trong một khiếu nại chi tiết về kế hoạch tham nhũng liên quan đến hơn 1 triệu USD từ các nguồn tài chính ở Trung Quốc.
Các quan chức Trung Quốc đang nắm giữ hàng loạt vị trí lãnh đạo quan trọng trong các cơ quan và tổ chức của thế giới. Cụ thể là, trong số 15 cơ quan chuyên môn của LHQ thì [có đến] 4 cơ quan là thuộc sự lãnh đạo của Trung Quốc, và đây chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. Cựu trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ Kevin Moley cho biết: “Các cơ quan của LHQ giờ đây tràn ngập thực tập sinh và chuyên gia tư vấn của Trung Quốc”. Các chuyên gia cho rằng các nhà lãnh đạo LHQ là công dân Trung Quốc phải thực hiện yêu cầu “trung thành tuyệt đối” với ĐCSTQ. Chẳng hạn, một quan chức Trung Quốc, ông Mạnh Hoành Vỹ, là cựu chủ tịch Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế Interpol và cựu Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc, đã bị ĐCSTQ bắt giữ vào cuối năm 2018 khi trở về Trung Quốc. Một trong các cáo trạng của ông là “bất tuân lệnh” của ĐCSTQ.
Từ năm 2012-2016, thời gian ông Tedros Adhanom giữ chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cũng là thời điểm Trung Quốc đầu tư sâu rộng và mạnh mẽ nhất vào Ethiopia với số tiền lên tới 13,6 tỷ USD. ĐCSTQ đã hậu thuẫn mạnh mẽ cho ông Tedros dành được “ghế” Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Ngay sau đó, ông Tedros đã xác nhận với truyền thông Trung Quốc rằng, ông và WHO sẽ tiếp tục ủng hộ nguyên tắc “Một Trung Quốc”. Cũng như sau này ông ta luôn “kề vai sát cánh” hết mình ủng hộ Trung Quốc trong chiến dịch “che giấu dịch bệnh” viêm phổi Vũ Hán của chính quyền này.
Cố vấn Nhà trắng Navarro đã gọi ông Tedros là “thuộc hạ của ĐCSTQ”. Ông cũng cho biết ngoài WHO, còn có nhiều tổ chức quốc tế khác cũng bị ĐCSTQ kiểm soát. Theo báo cáo tháng 4/2020 của Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ-Trung, thông qua ảnh hưởng gia tăng tại LHQ và các tổ chức quốc tế khác, Bắc Kinh đang theo đuổi lợi ích riêng, bao gồm tăng cường ảnh hưởng chính trị của mình cũng như hướng mục tiêu đến việc kiểm soát toàn cầu.
Bắc Kinh đã đồng hóa chương trình nghị sự địa chính trị lớn của họ “Sáng kiến Vành đai và Con đường“ (BRI) vào các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hiệp Quốc (UN SDGs), làm “câm lặng” những chỉ trích về tội ác tàn bạo vi phạm nhân quyền của chính quyền này, cung cấp các ưu đãi tiền tệ để đảm bảo sự hỗ trợ của các quốc gia thành viên khác và đưa thêm nhiều công dân của mình vào LHQ, theo The Diplomat.
7. Chi tiêu cho quốc phòng nhằm xâm chiếm Biển Đông, đàn áp nhân quyền
Chỉ đứng sau Hoa Kỳ, Trung Quốc có ngân sách quốc phòng khổng lồ. Chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc đã tăng gần bảy lần trong hai thập kỷ qua, tăng từ 39,6 tỷ USD năm 1999 lên 266,4 tỷ USD vào năm 2019. Ước tính rằng ngân sách quốc phòng thật sự của Trung Quốc thường cao hơn đáng kể so với con số chính thức. Vào tháng 5 năm 2020, Trung Quốc đã công bố ngân sách quốc phòng hàng năm là 1,268 nghìn tỷ nhân dân tệ (178,6 tỷ USD), đánh dấu mức tăng 6,6% so với ngân sách năm 2019 là 1,19 nghìn tỷ nhân dân tệ (177,5 tỷ USD). Hải quân và không quân được hiện đại hóa có tất cả mọi thứ từ tàu ngầm hạt nhân tàng hình và máy bay phản lực chiến đấu đến tên lửa đạn đạo có thể nhắm chính xác các tàu sân bay trên các đại dương.
Theo bnews, một chuyên gia quân sự giấu tên đã tiết lộ với Global Times vào tháng 2/2019 rằng sự gia tăng ngân sách quốc phòng là có lợi cho việc duy trì năng lực chiến đấu của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) nhờ hiện đại hóa các vũ khí và trang thiết bị của PLA.
Bên cạnh đó, Trung Quốc thường nhắm vào vấn đề chủ quyền ở Biển Đông, không chỉ bởi nguồn trữ lượng dầu khí được cho là rất dồi dào ở đây, mà còn bởi ngành công nghiệp thủy sản và vấn đề tự do thương mại hết sức quan trọng với 80% lượng nhập khẩu của Trung Quốc đi qua vùng biển này. Tháng 3/2020, chính quyền Bắc Kinh gửi công hàm lên LHQ lập lại tuyên bố chủ quyền theo hình “lưỡi bò” chiếm hơn 80% đến 90% Biển Đông. Ngày 2/4 vừa qua, Trung Quốc cho tàu hải cảnh đâm chìm tàu đánh cá của Việt Nam ở khu vực quần đảo Hoàng Sa. Sau đó Trung Quốc thông báo thành lập hai quận “Tây Sa” (tức Hoàng Sa) và “Nam Sa” (tức Trường Sa). Tiếp theo, Trung Quốc đặt tên cho 80 đảo nhỏ, bãi đá ngầm ở cả những khu vực biển nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Ngoài ra, theo thống kê của tờ Business Insider, chi tiêu được loại trừ khỏi ngân sách quốc phòng chính thức năm 2017, gồm các khoản như: 30 tỷ USD cho Cảnh sát vũ trang nhân dân (PAP), nằm dưới sự kiểm soát của quân đội; 23 tỷ USD cho nghiên cứu và phát triển quân sự bổ sung, và 15 tỷ USD cho việc xuất ngũ và thanh toán hưu trí. Lực lượng PAP gồm công an và lực lượng bán quân sự trên 1 triệu người. Theo ông Navarro, mạng lưới “tình báo” của chính quyền Trung Quốc có khoảng 50.000 công an mạng. Các công an “thật” và “ảo” này không ngừng cùng nhau ngăn chặn và đàn áp hệ tư tưởng của người dân Trung Quốc. Việc chi tiêu của Trung Quốc cho cảnh sát và kiểm soát xã hội hiện đang ngày càng gia tăng nhanh chóng, còn hơn cả chi cho ngân sách quốc phòng.
Đối với vấn đề về nhân quyền, chính quyền này sẽ “giấu nhẹm” mọi thứ, và tống tất cả những người bất đồng chính kiến, từ các học viên Pháp Luân Công, người Duy Ngô Nhĩ, đến các học giả có tư tưởng bảo vệ nhân quyền... vào các trại lao động cải tạo. Theo ước tính, chi phí trả lương cho khoảng vài triệu người trong lực lượng an ninh tham gia đàn áp Pháp Luân Công lên tới 100 tỷ nhân dân tệ mỗi năm ở thời điểm nóng bỏng nhất. Năm 2001, riêng ở quảng trường Thiên An Môn, mỗi ngày, chính quyền Trung Quốc tiêu tốn khoảng 2,5 triệu nhân dân tệ cho các vụ bắt bớ, đánh đập, giam cầm học viên Pháp Luân Công.
Giờ đây, dịch viêm phổi Vũ Hán đã “bóc trần” vẻ ngoài “hào nhoáng” của Trung Quốc, khiến chính quyền nước này khó có thể che đậy được các thủ đoạn về kinh tế, chính trị. Thế giới không thể làm ngơ trước việc Trung Quốc thể hiện “vai trò” của mình đối với nền kinh tế quốc tế “trong bóng tối”. Cần biết rằng dòng tiền “vào” và “ra” của chính quyền này đều chứa đựng rất nhiều “âm mưu” toan tính nguy hiểm, cũng như sự thiếu minh bạch. Do đó, việc “kết giao” với ĐCSTQ dưới bất cứ hình thức nào, cũng có thể mang lại những rủi ro khôn lường cho các đối tác, cho an nguy của các quốc gia và cả thế giới.
Mời quý độc giả đón đọc Phần 4: Thoát Trung: ‘Ván bài lật ngửa’ của Tổng thống Donald Trump
© Tâm An
NTDVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét