Virus corona ở Đà Nẵng: Quanh tin đồn bệnh nhân 449 người Mỹ là F0 - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Sáu, 31 tháng 7, 2020

Virus corona ở Đà Nẵng: Quanh tin đồn bệnh nhân 449 người Mỹ là F0



Đà Nẵng đã trở thành tâm dịch mới của Việt Nam. Thông tin chính phủ

Covid-19 đang từ tâm dịch Đà Nẵng lan ra nhiều tỉnh thành khác, với ca bệnh tăng lên mỗi ngày; các biện pháp truy tìm nguồn lây lan được tăng cường tới mức cao nhất và nhiều người cho rằng bệnh nhân 449 người Mỹ là F0.

Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng đã áp dụng các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt, có lực lượng an ninh túc trực kể từ tối 29/7. Để ngăn chặn sự lây lan, bệnh viện này hạn chế số người ra vào và sẽ xét nghiệm toàn bộ nhân viên. Các báo cáo điều tra dịch tễ cho thấy tới nay có bảy bệnh viện tại Đà Nẵng là nơi từng lui tới của những người nhiễm Covid-19.

Tranh cãi về F0

"Bệnh nhân 449" (BN 449) là nam 57 tuổi, võ sư người Mỹ, là một trong hai ca nhiễm mới được phát hiện tại TP HCM.




Điều tra dịch tễ cho thấy, từ ngày 26/6 bệnh nhân này tổng cộng đã từng có mặt ở 6 bệnh viện, cả Đà Nẵng và TP HCM, gồm Hoàn Mỹ Đà Nẵng, Bệnh viện Đà Nẵng, chuyển đến TP HCM vào Chợ Rẫy, Triều An, Quốc tế City. Đến ngày 29/7, BN 449 được khẳng định nhiễm Covid-19 và chuyển sang Bệnh Nhiệt đới TP HCM.

Ít nhất một người liên quan tới bệnh nhân này đã được phát hiện dương tính. Người đó là bệnh nhân 450, người chăm sóc cho BN 449 trong thời gian qua.

Một điểm đáng lưu ý, từ thời điểm bắt đầu vào bệnh viện vào cuối tháng 6, BN 449 đã có "các triệu chứng tương tự Covid-19" nên nhiều người nghi ngờ đây là bệnh nhân F0, tức nguồn lây nhiễm đầu tiên trong cộng đồng. Thêm nữa, bệnh nhân này tiếp xúc với rất nhiều người trước khi được xác định dương tính, nên các đồn đoán càng được dịp nở rộ.


Các tỉnh thành phố có ca nhiễm trong cộng đồng tính tới ngày 29/7

Trao đổi với BBC Tiếng Việt hôm 30/7, chị T.M, học trò thân cận của BN 449, cho biết:

"Thầy có tiền sử về bệnh phổi trên 10 năm, nhập viện vào ngày 26/6 ở Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng vì viêm phổi.. Ngày 1/7, tôi vào thăm thầy tại Bệnh viện Hoàn Mỹ và bay lại vào Sài Gòn vào 3/7 để thi đấu. Trong buổi thăm đó, tôi có mặc đồ bảo hộ, đeo khẩu trang đầy đủ vì khoa thầy nằm là viêm phổi, được tiệt trùng hoàn toàn. Tới khi qua Bệnh viện Đà Nẵng, ông cũng nằm những khoa đặc biệt rất hạn chế người đến thăm".

"Sau đó, tôi biết thầy qua Bệnh viện Đà Nẵng, được chuyển qua nhiều khoa nhưng không tiến triển nên được đưa vào Chợ Rẫy. Ngày 19/7, tôi về Đà Nẵng nhưng chưa kịp thăm thì 20/7 thầy đã chuyển vào Sài Gòn. Khi thầy còn ở Bệnh viện Đà Nẵng thì đã được làm xét nghiệm Covid-19 nhưng kết quả âm tính. Cho tới khi vào Bệnh viện Quốc tế City mới xét nghiệm là dương tính".




Anh Nguyễn Đức Anh, là một võ sinh theo học lớp của bệnh nhân trên nói thêm: "Bản thân tôi cũng là người dễ mắc các bệnh về hô hấp, nhưng tới thời điểm hiện tại là 20 ngày vẫn chưa có triệu chứng gì, cộng với việc thầy đã có kết quả xét nghiệm âm tính trong thời gian tôi tiếp xúc thì không thể nào thầy tôi là nguồn bệnh được".

Tuy nhiên, thông tin BN 449 được xét nghiệm với Covid có kết quả âm tính tại Bệnh viện Đa Khoa Đà Nẵng lại trái ngược với các thông tin được công bố chính thức.

Theo đó, báo Vnexpress ghi nhận rằng trong thời gian một tháng kể từ khi nhập viện tại Bệnh viện Hoàn Mỹ, bệnh nhân không được xét nghiệm Covid-19. Đến ngày 27/7, bệnh nhân mới được xét nghiệm và một ngày sau có kết quả khẳng định dương tính.

BN 449 được điều trị ở 6 bệnh viện, cả Đà Nẵng và TP HCM, gồm Hoàn Mỹ Đà Nẵng, Bệnh viện Đà Nẵng, chuyển đến TP HCM vào Chợ Rẫy, Triều An, Quốc tế City, trước khi khẳng định nhiễm Covid-19 chuyển sang Bệnh Nhiệt đới TP HCM.


Câu hỏi được đặt ra nhiều nhất những ngày gần đây là vì sao đã được đến 6 bệnh viện săn sóc mà BN 449 không được xét nghiệm sớm hơn.

Lý giải điều này, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (HCDC) trả lời Vnexpress cho biết:

"Ngày 20/7, bệnh nhân mới có mặt tại TP HCM. Trước đó ông ta điều trị tại các bệnh viện ở Đà Nẵng. Thời điểm ông đến TP HCM, tại Đà Nẵng và cả nước chưa phát hiện bệnh nhân Covid-19 bị lây nhiễm trong cộng đồng sau 99 ngày. Đồng thời, các yếu tố dịch tễ liên quan bệnh nhân, khi ấy chưa xác định".

Theo chị T.M và một số nguồn tin khác, ít nhất là trong năm 2020 BN 449 này chưa rời khỏi Việt Nam lần nào.

'Bức xúc vì tin đồn'

Tại cuộc họp báo chiều 29/7, bác sĩ Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM cho biết hai bệnh nhân 449 và 450 đến từ Đà Nẵng đã đến 3 bệnh viện trên địa bàn TP HCM, gồm bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh viện Triều An và Bệnh viện Quốc tế City, có tiếp xúc gần với 121 người.

Tất cả 121 người trên đã được cách ly và lấy mẫu xét nghiệm đều đã có kết quả âm tính.




Số người tiếp xúc với hai bệnh nhân này ở Đà Nẵng có thể còn nhiều và phức tạp hơn, đặc biệt là các thành viên tại các lớp võ thuật do BN449 huấn luyện.

Chị T.M chia sẻ:

"Dù là người thân cận và là trợ tá cho thầy nhưng thời gian qua, mức độ tiếp xúc của tôi với thầy khá ít vì tôi phải chuẩn bị cho giải đấu. Tôi rất lo cho sức khỏe của thầy vì thầy có tiền sử bệnh phổi còn bản thân tôi tới thời điểm hiện tại vẫn khỏe mạnh. Tôi có trao đổi với công an ở Đà Nẵng thì do F1 ở đây đang quá đông mà tôi không tiếp xúc trực tiếp thì có thể tự cách ly tại nhà. Tôi có thông báo tình hình và lịch trình trên trang cá nhân để mọi người biết và không hoang mang".

Chị T.M cũng nói rằng xuất phát từ sự hoang mang khi không rõ về nguồn lây bệnh, nhiều người đã đưa các đồn đoán không có căn cứ về bệnh nhân 449. Cô và nhiều người khác liên quan tới ca bệnh này đã chịu nhiều áp lực từ dư luận.

"Tới tối hôm qua 29/7, thầy mới có kết quả lần ba dương tính với Covid. Tuy nhiên, trước đó trên mạng có rất nhiều thông tin không đúng về việc thầy tôi là người mang dịch bệnh vì thầy quốc tịch Mỹ. Dù trước đó lịch trình của thầy được xác nhận không hề đi khỏi Việt Nam trong suốt thời gian qua. Người yêu và là người chăm sóc thầy (BN 450) đang nằm cách ly tại Bệnh viện Nhiệt Đới TP HCM thì bị đồn là trốn viện. Chúng tôi rất bức xúc vì điều này không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân thầy mà còn cả những người liên quan", chị T.M chia sẻ.

Về tin đồn bệnh nhân 450 trốn viện, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM sáng 30/7 cũng đã bác bỏ.


Hiện tại Đà Nẵng đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng. TTXVN

Cũng theo chị T.M, BN 449 chính thức tới sinh sống ở Việt Nam vào khoảng đầu năm 2017:

"Tôi gặp thầy vào năm 2016, ông là một trong số ít người có đai đen bộ môn Jujittsu ở Việt Nam. Ông từng là cảnh sát và từng bị thương khi làm nhiệm vụ nên nghỉ hưu sớm và đem bộ môn Jujittsu này sang phát triển ở Việt Nam. Thầy dạy tôi, tôi phụ lớp cho thầy. Tính từ năm 2017, ông chỉ về Mỹ đúng một lần. Thời gian qua, ông chưa rời Việt Nam. Ngay cả khi mẹ ông mất, ông cũng không về Mỹ nên không thể nói ông là người mang chủng virus mới vào Việt Nam".

Chị T.M cũng nói thêm, chị đã làm việc với phía công an vào hôm 29/7. Sau đó, công an đã gọi và xác nhận mọi thông tin chị cung cấp, đồng thời thông báo sẽ làm rõ thêm để đính chính những thông tin sai lệch về BN 449.

Anh Nguyễn Đức Anh cũng chia sẻ với BBC News Tiếng Việt:

"Tôi tiếp xúc với thầy khoảng bốn, năm lần từ ngày 6-10/7, mỗi ngày tôi vào thăm thầy một đến hai lần. Lần nào tôi cũng đeo khẩu trang và mặc đồ bảo hộ đầy đủ. Mỗi lần thăm thầy chỉ tầm 15 - 30 phút thôi vì thời gian cho người nhà thăm bệnh không được nhiều do thầy nằm là khoa cách ly".

"Khi biết tin thầy dương tính với Covid-19, tôi đã khai báo y tế đầy đủ và được cơ quan y tế hướng dẫn cách ly tại nhà. Tôi không lo mình bị nhiễm vì lần cuối cùng tôi tiếp xúc với thầy tới giờ đã gần 20 ngày mà không có dấu hiệu gì của virus".




Nói về những thông tin cho rằng BN 449 là là F0 của đượt bùng phát dịch mới, anh Đức Anh chia sẻ:

"Nhiều người lầm lẫn F0 và nguồn bệnh, cộng thêm báo chí viết giật tít khiến mọi người hiểu lầm rồi đổ xô vào chửi thầy. Về những thông tin đó, tôi xin cung cấp từ phía mình rằng lúc đầu thầy đã được xét nghiệm và có kết quả âm tính khi ở Bệnh viện Đà Nẵng. Nhưng trong quá trình ở đó, thầy có chuyển qua các khoa như cấp cứu, ICU, khoa ngoại lồng ngực và khoa nội hô hấp. Đây cũng là khoa phát hiện ra các bệnh nhân nhiễm gần đây nên có thể thầy tôi đã bị lây chéo từ đó".

"Diễn biến phức tạp"

"Diễn biến phức tạp" là cụm từ mà báo chí và cơ quan chức năng Việt Nam thường dùng để mô tả tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện nay. Dù đã bị lạm dụng đến mức trở thành sáo ngữ, đây vẫn là cụm từ mô tả khá chính xác tình hình hiện tại, khi chủng virus mới vẫn hết sức khó lường và nguồn lây nhiễm cũng chưa được xác định.

Tính đến trưa 30/7, thông tin từ Bộ Y tế Việt Nam cho biết tổng số người dương tính là 459, trong đó có 43 người được phát hiện kể từ ngày 25/7, thời điểm ca lây nhiễm cộng đồng đầu tiên xuất hiện sau hơn ba tháng yên bình. Từ tâm dịch Đà Nẵng, bệnh đã lan ra nhiều tỉnh thành, trong đó có TP HCM và Hà Nội, hai đô thị đông dân nhất nước.

Sau khi bệnh nhân 416 được phát hiện tại Đà Nẵng, chấm dứt hơn ba tháng không có ca lây nhiễm cộng đồng tại Việt Nam, việc truy tìm nguồn phát tán virus của đợt bùng phát này vẫn chưa có kết quả và các biện pháp kiểm soát gắt gao đã được thực hiện.


Tổ chức tiếp nhận các nhu yếu phẩm dành cho đội ngũ y tế tại khu vực bệnh viện C Đà Nẵng. TTXVN

Một loạt địa phương, trong đó có Đà Nẵng, TP Hội An thuộc tỉnh Quảng Nam và tỉnh Đắk Lắk, đã áp dụng trở lại chỉ thị cách ly xã hội nghiêm ngặt từng được thực hiện trên cả nước vào thời điểm đỉnh dịch hồi tháng 4 hoặc các hình thức giãn cách xã hội tương tự.

Do không xác định được nguồn lây nhiễm, trong khi các ca bệnh mới phát hiện có lịch trình, hoạt động phức tạp, từng tiếp xúc với nhiều người trước khi được xác định dương tính, nên các biện pháp phòng ngừa đều thực hiện theo hướng "cách ly nhầm còn hơn bỏ sót".

Đợt bùng phát dịch này cũng lại một lần nữa làm xáo trộn các hoạt động kinh tế, xã hội. Đã có đề nghị hủy kỳ thi tốt nghiệp PTTH quốc gia, vốn dự định tiến hành vào ngày 9 và 10/8. Nền kinh tế dựa nhiều vào xuất khẩu và các hoạt động du lịch trong nước mới rục rịch chuyển động giờ đây lại đối mặt với thử thách mới.

Trong cuộc họp ngày 29/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo tiến hành các giải pháp quyết liệt và đồng bộ để "không được vỡ trận".


© Bùi Thư
    BBC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad