Chính quyền Trung Quốc tuyên bố sẽ trả đũa nếu phía Mỹ từ chối gia hạn thị thực cho các nhà báo Trung Quốc, một phát ngôn viên bộ ngoại giao nước này nói, mô tả hành động này của phía Mỹ như một “vòng đàn áp chính trị” khác.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Uông Văn Bân nói với các phóng viên trong cuộc họp báo ngày 4/8 rằng không có nhà báo Trung Quốc nào được gia hạn visa kể từ tháng 5, kể từ khi Mỹ bắt đầu giới hạn thời gian lưu trú của họ trong 90 ngày, nhưng có tùy chọn gia hạn.
Ông Uông đã cáo buộc Mỹ “đạo đức giả”, “tiêu chuẩn kép (ám chỉ tính hai mặt, vô nguyên tắc trong hành động)”, “bắt nạt bá đạo”, và đe dọa Trung Quốc sẽ đáp trả bằng “những phản ứng cần thiết và chính đáng”, ví như nhắm vào các phóng viên Mỹ ở Hồng Kông.
“Tôi muốn nói với các vị rằng Đặc khu Hành chính Hồng Kông là một phần thuộc lãnh thổ Trung Quốc. Chính quyền Trung ương có thẩm quyền ngoại giao để đưa ra những phản ứng đáp trả”, ông nói.
Tuy rằng ông Uông không tiết lộ có bao nhiêu phóng viên Trung Quốc có thể bị tác động, biên tập viên tờ Thời báo Hoàn Cầu (Global Times) – cơ quan ngôn luận ĐCSTQ – trong một bài đăng trên mạng xã hội cho biết con số này nằm trong khoảng 40 phóng viên, dù không trích dẫn nguồn gốc.
Hai nước đã thực thi chính sách hạn chế “ăn miếng trả miếng” đối với giới nhà báo trong bối cảnh Mỹ gia tăng mối lo ngại việc chính quyền Trung Quốc lợi dụng các kênh truyền thông nhà nước như một cái loa phóng thanh nhằm truyền bá các ngôn luận của ĐCSTQ trên đất Mỹ.
Theo Bộ Tư pháp Mỹ, Trung Hoa Nhật Báo (China Daily), một ấn phẩm tiếng Anh thuộc quản lý của Cục Tuyên truyền Trung Quốc, đã chi trả hàng triệu đô la để đặt quảng cáo ‘tuyên truyền’ trên các tờ báo nổi tiếng ở Hoa Kỳ. Trong một cuộc khảo sát vào ngày 23/6, Liên đoàn các Nhà báo Quốc tế, tổ chức nhà báo lớn nhất thế giới, cho biết Bắc Kinh đang điều hành một chiến dịch tiếp cận truyền thông “lâu dài, tinh vi và rộng khắp” nhằm truyền bá các ngôn luận và hình thái ý thức của nó trên toàn cầu.
Bài viết có tựa đề “Đảo Điếu Ngư thuộc về Trung Quốc”, là nội dung quảng cáo mà tờ China Daily đặt trọn trên 2 trang giấy của tờ New York Times. Thoạt nhìn, nội dung bài viết có vẻ thuộc mục China Watch (Khán Trung Quốc) từ chính tờ báo Mỹ này. Đảo Điếu Ngư theo cách gọi của Trung Quốc, hay quần đảo Senkaku theo cách nói của Nhật Bản, là khu vực tranh chấp chủ quyền giữa Trung-Nhật tại biển Hoa Đông (ảnh chụp màn hình Business Insider).
Chính quyền Mỹ đã chỉ đích danh 9 hãng truyền thông do nhà nước Trung Quốc kiểm soát là các cơ quan ngoại giao của nước này, nhằm xác định chúng là cơ quan tuyên truyền của ĐCSTQ. Động thái này yêu cầu những cơ quan này phải tiết lộ các hoạt động của họ, bao gồm đăng ký nhân sự và tài sản của họ với Bộ Ngoại giao.
“Tuy rằng truyền thông phương Tây phụng sự sự thật, truyền thông Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa lại phụng sự Đảng Cộng sản Trung Quốc,” phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus phát biểu hôm 22/6.
Đầu tháng 3, Bộ Ngoại giao Mỹ đã giảm số lượng nhà báo Trung Quốc được phép hoạt động tại Hoa Kỳ từ 160 xuống còn 100. Nhằm đáp trả, chính quyền Trung Quốc đã trục xuất các nhà báo Mỹ đang làm việc cho 5 tờ báo lớn, bao gồm Tạp chí Phố Wall (Wall Street Journal), Thời báo New York (New York Times), và Tiếng nói của Hoa Kỳ (Voice of Ameria – VOA).
Động thái của Mỹ nối tiếp ngay sau quyết định thu hồi giấy phép hành nghề của 3 phóng viên tờ Wall Street Journal của Bắc Kinh hồi tháng 2 khi tờ báo này đăng một bài bình luận gọi Trung Quốc là “Đông Á bệnh phu (con bệnh Châu Á)”— tuy rằng không ai trong số 3 nhà báo bị trục xuất này tham dự việc viết bài báo đó.
Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (Reporters Without Borders) – một cơ quan giám sát tự do báo chí quốc tế – đã xếp hạng Trung Quốc ở vị trí 177 trên 180 trong Chỉ số Đánh giá Tự do Báo chí Toàn cầu (World Press Freedom).
© Linh Đan
DKN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét