Nguồn: Satu Limaye, US And Mekong Region: Cooperation For Sustainable And Inclusive Economic Growth | East - West Center, 29 July 2020
Thuyền đánh cá được dỡ xuống hồ Tonle Sap, được nuôi dưỡng bởi sông Mê Kông ở Campuchia. Các nhà bảo tồn cảnh báo rằng việc xây dựng đập trên sông Mê Kông có thể đe dọa nguồn cung cấp thực phẩm của hơn 40 triệu người sống dựa vào cá từ sông như một nguồn protein quan trọng. Photo: Jason South/Fairfax Media/Getty Images.
Trong những năm gần đây, mối quan hệ với Đông Nam Á (ĐNA) đã trỗi dậy như một trụ cột quan trọng của sự can thiệp của Hoa Kỳ trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Hiệp hội các Quốc gia ĐNA (Association of Southeast Asian Nations (ASEAN)) là tâm điểm của chánh sách đối ngoại của Hoa Kỳ trong khu vực, càng ngày càng chú trọng đến 5 quốc gia ràng buộc với nhau bởi sông Mekong – Cambodia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam.
Khi thoát ra từ một lịch sử đầy xáo trộn, các quốc gia nầy phải đối phó với những yếu tố mới của tranh chấp siêu cường mặc dù dân số trẻ trung của họ thúc đẩy việc tăng trưởng kinh tế và hội nhập vào khu vực rộng lớn hơn và thế giới. Trong số các ảnh hưởng khác, đô thị hóa, mở rộng hạ tầng cơ sở, và thay đổi khí hậu cũng ảnh hưởng sông Mekong, các tài nguyên thiên nhiên ven sông, và 240 triệu người sống trong khu vực.
Trung Hoa, người láng giềng khổng lồ ở phía bắc của ĐNA, tạo nên những thách thức đặc biệt, bao gồm ảnh hưởng của các đập đồ sộ ở thượng lưu đối với dòng chảy và thủy sản, tuần tra trên sông ngoài lãnh thổ, và các kế hoạch nạo phá lòng sông. Và nó có ảnh hưởng to lớn qua món nợ mà các quốc gia ĐNA phải cưu mang từ việc tham gia vào các dự án hạ tầng cơ sở đầy tham vọng của Trung Hoa.
Người Trung Hoa tìm cách tạo ảnh hưởng bằng cách thiết lập các cơ cấu và luật lệ mới nhằm đục khoét các nguyên tắc và lối hành xử tốt nhất của các tổ chức lâu đời ở trong vùng. Trong phạm vi nầy, sự nhấn mạnh của Hoa Kỳ đối với chủ quyền, minh bạch, cai quản đúng, và trật tự dựa trên luật lệ rất cần thiết.
Hoa Kỳ hỗ trợ việc phát triển kinh tế và xã hội trong khu vực Mekong qua sự tham gia của chánh quyền và thành phần tư nhân với đồng minh, đối tác và các tổ chức khu vực và quốc tế, kể cả ASEAN. Đối với họ, các quốc gia lục địa ĐNA càng ngày càng muốn thấy sự can dự của Hoa Kỳ để làm đối trọng với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Hoa.
Trợ giúp phát triển
Trong 2 thập niên qua, chánh phủ Hoa Kỳ đã dành trên 2 tỉ USD trong việc trợ giúp phát triển cho các sáng kiến song phương và khu vực trong vùng Mekong. Sáng kiến Hạ lưu Mekong (Lower Mekong Initiative (LMI)) và các đối tác khác giải quyết một số mặt của phát triển kinh tế và xã hội.
Một số dự án chú trọng đến việc thỏa mãn nhu cầu năng lượng ngày càng tăng trong khu vực, trong khi tránh gây thiệt hại cho dòng sông qua việc xây đập quá mức và không thích hợp hay gia tăng ô nhiểm bầu khí quyển từ các nhà máy điện than. Các dự án khác chú trọng đến việc cải thiện sự nối kết điện tử và áp dụng kỹ thuật tin học vào phát triển hạ tầng cơ sở, nhất là ở các thành phố trong khu vực. Một thí dụ là sự hợp tác Hoa Kỳ mới, công bố trong tháng 8 năm 2019, với Chiến lược Hợp tác Kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong (Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong Economic Cooperation Strategy (ACMECS)), được thiết kế để thu hút thêm đầu tư cho hạ tầng cơ sở phẩm chất cao kể cả sự nối kết điện tử.
Can thiệp rộng rãi
Trong những năm gần đây, Hoa Kỳ đã nhấn mạnh đến việc phát triển nhân sự trong khu vực Mekong – rất cần thiết cho sự tiến bộ khả chấp và lâu dài. Trong niên khóa 2018-19, trên 33.000 sinh viên từ 5 quốc gia Mekong theo học ở Hoa Kỳ. Trên 24.000 sinh viên đến từ Việt Nam.
Vào năm 2019, mậu dịch hàng năm của Hoa Kỳ với 5 quốc gia trong khu vực Mekong có trị giá khoảng 117 tỉ USD, và 2 quốc gia Mekong – Việt Nam và Thái Lan – nằm trong số 20 đối tác mậu dịch hàng đầu của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ có thâm thủng mậu dịch đáng kể với khu vực, tuy nhiên, và mỗi quốc gia Mekong đối mặt với những soi mói về nhân quyền và lo ngại môi trường. Dù thế, tổng số mậu dịch đã gia tăng đều đặn trong những năm gần đây.
Khoảng 2,5 triệu công dân Hoa Kỳ có nguồn gốc từ khu vực Mekong, bao gồm 2,1 triệu người từ Việt Nam. Nhiều người Mỹ nầy vẫn giữ liên lạc gia đình và ràng buộc văn hóa với khu vực. Ngoài sự ràng buộc cá nhân, số tiền gởi từ Hoa Kỳ chiếm gần 50% tổng số tiền gởi đến Việt Nam và khoảng 20% số tiền gởi đến các quốc gia Mekong khác.
Thành phần tư nhân Hoa Kỳ được đại diện bởi gần 1.000 công ty đang hoạt động trong khu vực Mekong. Đầu tư ngoại quốc trực tiếp của Hoa Kỳ cho Việt Nam và Cambodia đã gia tăng trên 10% trong những năm gần đây, và đầu tư của Hoa Kỳ ở Thái Lan vẫn chắc chắn. Các công ty Hoa Kỳ tìm kiếm thêm cơ hội trong khu vực Mekong, nhưng đầu tư trong tương lai đòi hỏi cải cách để làm cho việc kinh doanh thêm hiệu quả, minh bạc và có lợi.
Theo Khảo sát Kinh doanh Tương lai ASEAN 2019, 61% công ty Hoa Kỳ cho rằng ĐNA rất quan trọng trong dòng lợi tức toàn cầu của họ, và một tỉ lệ tương tự nói họ đang tìm cách mở rộng hoạt động trong khu vực. Trong việc tìm kiếm nguồn cung cấp đa dạng, bền bĩ và an toàn trên toàn cầu, khu vực Mekong có cơ hội lớn lao để thu hút một số công ty tiên tiến nhất của Hoa Kỳ nếu môi trường kinh doanh thuận lợi. Điều nầy quan trọng hơn vào lúc các nguồn tài nguyên của chánh quyền không đủ để đáp ứng nhu cầu vì đại dịch Covid-19.
Các tổ chức giáo dục, dân sự và phi chánh phủ Mỹ cũng đóng góp quan trọng vào việc phát triển khả chấp trong khu vực Mekong. Làm một mình hay hợp tác với các đối tác ở trong nước và quốc tế, các tổ chức nầy chĩa mũi nhọn của dự án trên mặt đất và trong lớp học để bổ sung cho các nỗ lực song phương và quốc tế.
Trung tâm Đông-Tây, là một, đã đóng góp quan trọng vào giáo dục, trao đổi, và nghiên cứu trong khu vực Mekong trong 6 thập niên qua. Những người tham gia vào các chương trình của Trung tâm bao gồm viên chức chánh quyền đến phóng viên, học giả lão thành, sinh viên và nghệ sĩ. Năm nay, Trung tâm công bố một phúc trình với sự cộng tác của Trung tâm Stimson – Mekong Quan trọng đối với Mỹ/Mỹ Quan trọng đối với Mekong (The Mekong Matters for America/Amarica Matters for the Mekong) – nhấn mạnh đến tầm mức quan trọng của sự hợp tác Hoa Kỳ-Mekong. Các dự án nghiên cứu cộng tác của Trung tâm Đông-Tây trong khu vực chú trọng đến y tế, kinh tế và áp lực môi trường ảnh hưởng đến việc trồng lúa và sự liên kết giữa việc đô thị hóa thiếu kế hoạch và bệnh truyền nhiễm. Trung tâm hoan nghênh các đề nghị cộng tác khác có thể trợ giúp hợp tác và phát triển khả chấp trong khu vực Mekong.
Satu Limaye là Phó Chủ tịch của Trung tâm Đông-Tây và là Giám đốc Trung tâm Đông-Tây ở Washington. Có thể liên lạc với ông ở LimayeS@EastWestCenter.org.
The US and the Mekong Region:Cooperation for Sustainable andInclusive Economic Growth
© Satu Limaye
Bình Yên Đông lược dịch
Mekhong - Cửu Long
Nguồn: Satu Limaye, US And Mekong Region: Cooperation For Sustainable And Inclusive Economic Growth | East - West Center, 29 July 2020
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét