Úc bác bỏ chủ quyền biển của Trung Quốc như thế nào? - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Tư, 5 tháng 8, 2020

Úc bác bỏ chủ quyền biển của Trung Quốc như thế nào?


Ngày 23.7.2020 chính phủ Úc đã đệ trình công hàm lên Liên Hiệp Quốc, chính thức “bác bỏ tất cả các yêu sách trái với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) của Trung Quốc” và kêu gọi nước này phải tuân thủ phán quyết năm 2016 của Tòa trọng tài quốc tế về Biển Đông theo đơn kiện của Philippines.



Theo đánh giá của Úc thì Trung Quốc không tuân thủ công ước UNCLOS về đường cơ sở, các vùng biển và cách phân loại những thực thể khi vẽ đường cơ sở thẳng nối các điểm ngoài cùng của các thực thể hoặc nhóm đảo trên Biển Đông, chính từ những cơ sở sai trái này, Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền cho vùng “nội thủy”, “hải phận”, “vùng đặc quyền kinh tế” và “thềm lục địa” một cách sai trái.

Cụ thể:

  1. Trung Quốc là quốc gia đại lục nhưng lại vẻ đường cơ sở thẳng mà UNCLOS áp dụng cho các quốc gia quần đảo.
  2. Trung Quốc cải tạo và xây dựng các đảo chìm và bãi chìm, hoàn toàn không được hưởng chủ quyền tại đây, vì chủ quyền chỉ dành cho các đảo tự nhiên.




Ngoài ra, Úc còn cho rằng Trung Quốc còn gian lận khi khẳng định với Liên Hiệp Quốc rằng chủ quyền của mình đối với Hoàng Sa và Trường Sa (của Việt Nam) “đã nhận được sự công nhận rộng rãi của cộng đồng quốc tế”.

Để hiểu những cơ sở pháp luật trong luận cứ của Úc, chúng ta nên điểm qua một cách khái quát về UNCLOS.

Công ước biển UNCLOS

UNCLOS bao gồm 320 điều khoản, 9 phần phụ lục, bao quát mọi khía cạnh liên quan đến biển cả. Từ những vấn đề ấn định ranh giới cho đến chế ngự môi trường, từ việc nghiên cứu hải dương học cho đến những hoạt động thương mại và kinh tế.



Ở đây chúng ta chỉ trình bày một cách vắn tắt:

1. Hải phận hay lãnh hải:

– Hải phận (territorial sea) của mỗi quốc gia rộng 12 hải lý, tính từ “đường cơ sở” (basic-line) dọc theo bờ biển. Tàu bè của quốc gia khác có quyền tự do đi lại ở phần ngoài hải phận này.

– “Đường cơ sở” đường ranh giới phía trong của lãnh hải và phía ngoài của nội thủy (internal water), có hai loại;


a. Đường cơ sở thẳng, nối liền các điểm ngoài cùng nhất nhô ra biển tại mức nước thủy triều thấp nhất (trung bình nhiều năm) nhưng không được chọn các điểm thuộc các bãi ngầm, nhô lên khi thủy triều xuống, chìm khi thủy triều lên, ngoại trừ trường hợp đã có hải đăng lâu đời hoặc các thiết bị hoa tiêu hường xuyên nhô lên trên mặt nước hay việc vạch đường cơ sở đó đã được thừa nhận chung của quốc tế. Việc này phải bảo đảm không làm cho lãnh hải của quốc gia khác bị tách ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của họ hay biển cả.

b. Đường cơ sở thông thường

Là ngấn nước thủy triều thấp nhất (trung bình nhiều năm) dọc theo bờ biển đã được thể hiện trên các hải đồ có tỷ lệ xích lớn đã được các quốc gia ven biển chính thức công nhận. Áp dụng với các đảo san hô hay đảo có đá ngầm ven bờ bao quanh.

2. Vùng tiếp giáp:

– Để thi hành chủ quyền trên hải phận của mình, nước chủ nhà được phép thực hiện một số quyền hạn nào đó trong vùng tiếp giáp (contigous zone) thí dụ như phái hải quân chặn bắt tàu buôn lậu, di dân lậu, những tàu chuyên chở ma túy hay đuổi bắt những tàu đã xâm phạm hải phận của mình.

– Vùng tiếp giáp được ấn định là rộng 12 hải lý tính từ đường biên của hải phận, nghĩa là biên giới của vùng tiếp giáp cách bờ 24 hải lý.




3. Vùng đặc quyền kinh tế

– Vùng đặc quyền kinh tế (Exclusive Economic Zone: EEZ) của mỗi quốc gia có bề rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Đặc quyền này bao gồm quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên, các hoạt động nghiên cứu khoa học và những biện pháp bảo vệ môi trường.

– Tàu bè hay phi cơ của các quốc gia khác có thể đi lại hay bay trên vực này (trừ phần hải phận) miễn là không xâm phạm đến tài nguyên và môi trường của nó. Họ cũng có quyền đặt đường dây cáp hay ống dẫn ngầm miễn là không ảnh hưởng đến hệ sinh thái dưới đáy biển.

4. Những đảo quốc

– Những đảo quốc có chủ quyền trên vùng biển bao trùm toàn bộ những hải đảo của họ.

– Điều kiện về hải phận và vùng đặc quyền kinh tế của các hải đảo được áp dụng y hệt với các quốc gia thuộc về lục địa. Căn cứ theo đường cơ sở vạch từ các hải đảo nằm ở vùng ngoại biên.

– Điều kiện này không áp dụng với những hải đảo chỉ toàn đá, không có người cư ngụ và không có hoạt động kinh tế bên trên.

– Tàu bè hay phi cơ của những quốc gia khác được phép đi qua hay bay trên không phận của các eo biển giữa các đảo, gọi là “transit passage”. Quy chế hải hành hay phi hành thuộc về quyền kiểm soát của nước nắm chủ quyền.




5. Những quốc gia không có biển

– Đối với những quốc gia nằm sâu trong đất liền và không tiếp xúc với biển có quyền sử dụng vùng biển bên ngoài, với những mục đích “vô tư” (innocent passage).

– Họ cũng có quyền lợi bình đẳng trong việc khai thác những tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế với quốc gia nằm tiếp giáp bờ biển.

6. Thềm lục địa

– Những quốc gia cận biển có quyền khai thác mọi tài nguyên thuộc về thềm lục địa trong giới hạn 200 hải lý tính từ bờ biển. Phần tài nguyên nằm ngoài giới hạn này thuộc về tài sản chung của nhân loại.

– Họ có thể khai thác xa hơn giới hạn này với những điều kiện do uỷ ban đặc trách về giới hạn của thềm lục địa của LHQ ấn định (Commission on the Limmits of the Continental Shelf”). Họ phải chia sẻ với cộng đồng quốc tế một phần của những mối lợi này.

7. Những biển kín, hay nửa kín

– Những quốc gia tiếp giáp với một biển kín, hay một vùng biển nửa kín (thí dụ vịnh Bắc Bộ) có nhiệm vụ hợp tác với nhau trong để khai thác tài nguyên cũng như bảo tồn hệ sinh thái của nó.

8. Bất đồng, tranh chấp:

– Mọi bất đồng về quyền lợi trên biển phải được giải quyết bằng phương tiện hoà bình, bằng cách đàm phán với nhau hay đưa ra trước Toà án quốc tế (International Court of Justice).

Qua những điều luật kể trên, đến đây chúng ta nhắc đến những vi phạm cụ thể của Trung Quốc mà Úc đã nêu ra trong công hàm trình lên Liên Hiệp Quốc.




Vi phạm về “đường cơ sở”

Chuẩn mực để xác định hải phận và vùng kinh tế đặc quyền là đường cơ sở vẽ từ các mũi đất tiếp giáp biển vào lúc thủy triều chưa rút và các quốc gia sẽ tận dụng mọi cách để nới rộng đường cơ sở này.



Trong hình trên, thay vì vẽ đường cơ sở nối vào vùng mũi từ đất liền (đường liền mạch), nước muốn lấn chiếm biển vẻ thẳng ra các đảo ỏ tận khơi xa (đường gãy khúc), do đó gom hết biển về tay mình.

Vi phạm về đường cơ sở dẫn đến vi phạm về nội thủy. Đây là cách mà Trung Quốc áp dụng để biến Biển Đông thành vùng “nội thủy” của mình!



Nhưng theo luật quốc tế thì vùng nội thủy của một quốc gia có chủ quyền là toàn bộ vùng nước và đường thủy trong phần đất liền, và được tính từ đường cơ sở mà quốc gia đó xác định vùng lãnh hải của mình trở vào.

Có khi vùng nội thủy bao gồm cả vùng nước trong phạm vi các vũng hay vịnh nhỏ. Tàu thuyền nước ngoài không có quyền tự do đi qua vùng nội thủy, để đi vào vùng nội thủy, tàu thuyền nước ngoài phải xin phép cơ quan thẩm quyền và chỉ được đi lại theo đúng hành trình đã được cấp phép.

Bằng cách vẻ các đường cơ sở với các hải đảo hay đảo chìm bao trùm Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, các hải đảo nằm sát Malaysia, Indonesia, Trung Quốc đã biến gần hết vùng biển quốc tế thành “nội thủy” của mình.

Chính vì thế mà Úc nêu rõ trong văn bản đế trình lên Liên Hiệp Quốc: “Đường cơ sở thẳng theo điều 7 của UNCLOS chỉ được áp dụng trong một số trường hợp đặc biệt. Hơn nữa, điều 47 của UNCLOS đã quy định đường cơ sở quần đảo chỉ được áp dụng cho các quốc gia quần đảo như định nghĩa đã nhắc tới trong điều 46.”

Để làm như vậy, Trung Quốc phạm đã không đếm xỉa gì đến quy định “đảo tự nhiên” của UNCLOS.




Vi phạm về khái niệm đảo

UNCLOS không cho phép áp dụng quy chế về đường cơ sở và lãnh hải trên nhưng hải đảo chỉ toàn đá, không có người cư ngụ, không có hoạt động kinh tế bên trên. Do đó lại càng không áp dụng với những bãi đá hay bãi cát ngầm, hoàn toàn chìm khi thủy triều lên, chỉ nhô lên mặt biển khoảng chừng nửa mét khi thủy triều xuống.

Sau khi chiếm vài đảo đá hay bãi đá ngầm ở quần đảo Trường SA, họ cho chở xi măng ra đổ bê tông cơi nơí, chở đất ra trồng trọt, từ đó biến “đảo đá” thành “đảo đất” để biến thành nơi có người ở và từ đó công bố chủ quyền trên vùng thềm lục địa chung quanh.

Trung Quốc đã cho xây dựng các nhà dàn trên những bãi đá này, không chỉ tuyên bố chủ quyền tại đây mà còn vẽ đường cơ sở nối nhau về tận…. Hải Nam.


“Đảo” của Trung quốc tại Trường Sa

Đề cập tới các đảo nhân tạo trái phép Trung Quốc xây trên những thực thể chiếm đóng ở Trường Sa, chính phủ Úc khẳng định đá và bãi cạn, bãi chìm vẫn sẽ chỉ là đá và các bãi cạn, bãi chìm bởi “Các thực thể đã được con người cải tạo không thể hưởng quy chế của đảo tự nhiên”” và chỉ rõ rằng “phải vẽ đường cơ sở bình thường theo điều 5 UNCLOS, kể cả đối với các đảo”.

Công hàm tuyên bố: “Úc bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc đối với những vùng biển xung quanh các thực thể lúc chìm lúc nổi hoặc chìm dưới biển không phù hợp với UNCLOS.

Việc xây dựng hoặc các hình thức cải tạo nhân tạo khác không làm thay đổi phân loại của UNCLOS đối với các thực thể này. Không có cơ sở pháp lý để đưa ra các yêu sách vùng biển vượt quá những gì các thực thể này được hưởng theo UNCLOS khi ở trạng thái tự nhiên”
.

Sau hết, Úc còn bác bỏ lối nói lấy được của Trung Quốc.

Trong công hàm gởi lên Liên hiệp Quốc , ký ngày 17.4.2020, Trung Quốc, trong đó khẳng định rằng chủ quyền của mình đối với Hoàng Sa và Trường Sa (của Việt Nam) “đã nhận được sự công nhận rộng rãi của cộng đồng quốc tế”.

Tuy nhiên Úc nêu rõ: “Chúng tôi không chấp nhận điều Trung Quốc tuyên bố. Về điều này, xin hãy lưu ý tới các công hàm phản đối số 22/HC-2020, số 24/HC-2020 và số 25/HC-2020 của Việt Nam cũng như công hàm 000192-2020 của Philippines”.

Thay lời kết

Như vậy, theo luận cứ của Úc, giả sử các hải đảo và bãi đá ngầm tại Trường Sa thực sự là của Trung Quốc, nước này vẫn không có quyền tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông như hiện tại.

Mà trên thực tế thì Trung Quốc lại vũ lực để chiếm cứ các hải đảo và bãi đá ngầm này. Nghĩa là Trung Quốc sai từ gốc đến ngọn, sai từ A đế Z.


© Phạm Đức Đồng Hùng
    Việt LuậN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad