Lừa gần triệu đô bên Mỹ – bắt khẩn công dân Việt Nam - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Hai, 24 tháng 8, 2020

Lừa gần triệu đô bên Mỹ – bắt khẩn công dân Việt Nam


Hơn 7.000 công dân Mỹ đã bị một nhóm người Việt Nam lừa đảo qua mạng, trong đó người mua hàng trực tuyến trên khắp Hoa Kỳ đã trả tổng cộng gần 1 triệu USD để mua các sản phẩm rửa tay khô nhưng không bao giờ nhận được hàng, theo Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội cho biết hôm 18/8.


Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink (Trái) và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hà Nội (12/2019) | Người dân ở VN tranh nhau mua khẩu trang tại Hà nội, khi dịch Covid mới bùng phát ở Vũ Hán Trung quốc

Thông cáo đăng trên trang Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam ngày 18/8 cho hay Hoa Kỳ và Việt Nam đã hợp tác điều tra vụ lừa đảo liên quan đến đại dịch Covid-19 và bắt giữ ba nghi phạm.

Việc điều tra và bắt giữ ba bị can được mô tả là do Việt Nam tiến hành sau khi Văn phòng Cục Điều tra An ninh Nội địa Hoa Kỳ (HSI) thuộc Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh chuyển thông tin cho Bộ Công an Việt Nam.

“Việc Bộ Công an Việt Nam bắt giữ các nghi phạm này đã chứng minh rõ ràng rằng Chính phủ Việt Nam rất nghiêm túc đấu tranh với các loại tội phạm liên quan đến Covid-19. Cuộc điều tra này cho thấy các nạn nhân đã mất mát số tiền rất lớn dù họ đang phải đối mặt với nhiều thách thức to lớn khác do đại dịch Covid-19 gây ra.




“Chúng tôi tự hào khi Bộ Công an Việt Nam và Cục Điều tra An ninh Nội địa Hoa Kỳ đang hợp tác cùng nhau để điều tra vụ lừa đảo xuyên quốc gia rất phức tạp này,”
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, Daniel J. Kritenbrink nói trong thông cáo.

Hiện chưa rõ vụ bắt giữ nói trên được thực hiện vào thời gian nào.

Theo Đại sứ quán Mỹ, cuộc điều tra bắt nguồn từ thành phố Tampa, bang Florida, vào tháng 3 vừa qua và sau đó văn phòng Cục Điều tra An Ninh Nội địa Mỹ tại TP HCM chuyển thông tin cho Bộ Công an Việt Nam để tiến hành bắt giữ.

Việc bắt giữ Phan Đình Thư, Trần Quốc Khánh và Nguyễn Duy Toản được tiến hành sau khi hơn 7000 nạn nhân trên toàn Hoa Kỳ “kiện dân sự” rằng đã bị lừa đặt mua các sản phẩm trong đó có nước rửa tay khô và khăn ướt diệt khuẩn trong bối cảnh có đại dịch Covid-19.


Ảnh: Thông cáo báo chí đăng trên webisite chính thức của Đại sứ quán Hoa kỳ tại Việt nam

Hầu hết họ đều đã chuyển tiền cho các tài khoản thụ hưởng trên trang web để mua hàng nhưng không nhận được bất cứ sản phẩm hay lời giải thích nào.

Ba nghi phạm là công dân Việt Nam bị cáo buộc điều hành hơn 300 trang web với mục đích lừa đảo bán các sản phẩm đang trở nên khan hiếm, thu tiền và không giao hàng cho khách hàng.

Các đơn kiện của những nạn nhân cũng cho rằng “các bị can đã tạo ra hàng trăm tài khoản email và tài khoản người dùng với phương thức thanh toán tại Hoa Kỳ nhằm thực hiện hoạt động lừa đảo và để trốn tránh các cơ quan thực thi pháp luật,” thông cáo viết.


Các bị can đồng thời cung cấp các thông tin sai lệch về địa chỉ và số điện thoại liên lạc lên trang web của mình, dẫn đến hiểu lầm cho các cá nhân và doanh nghiệp không liên quan đến vụ việc phải nhận các cuộc gọi phản ánh và than phiền từ khách hàng phát sinh do các hoạt động lừa đảo này.

“Các điều tra viên của Cục Điều tra An ninh Nội địa Hoa Kỳ đã phát hiện gần 40.000 giao dịch lừa đảo trị giá sấp xỉ 975.000 USD“.

Thông cáo cũng đưa cả số điện thoại và đường link để công chúng báo cáo trực tuyến khi nghi ngờ lừa đảo liên quan đến Covid-19.

Cuối năm ngoái, Bộ An ninh Nội địa Mỹ cũng phá một đường dây lừa đảo qua mạng sau 7 năm điều tra, trong đó bốn người Việt Nam, gồm một cựu cán bộ công an, bị kết án hàng chục năm tù. Nhóm tội phạm này sống ở Việt Nam và sử dụng thẻ “Gift card” của trang web mua bán hàng trực tuyến Amazon.com có nguồn gốc bất hợp pháp để thu lợi bất chính.

Trước đó trong năm, các cơ quan thực thi pháp luật Mỹ cũng phá một đường dây lừa đảo liên quan đến người Việt. Đường dây, do người gốc Việt cầm đầu, dựng ra các vụ kết hôn giả để giúp những người muốn vào Mỹ xin giấy thường trú nhân bằng các chứng từ giả mạo.




Chiều 18.8, thiếu tướng Tô Ân Xô – Chánh Văn phòng Bộ Công an – cho biết cơ quan điều tra của Bộ và Công an Hà Nội vừa khởi tố, bắt tạm giam 4 bị can nhằm làm rõ đường dây lợi dụng dịch COVID-19 để lừa đảo qua mạng.

Các bị can gồm: Phan Đình Thư, Trần Quốc Khánh, Nguyễn Duy ToảnĐỗ Chí Huy. Cả bốn bị điều tra về hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, theo điều 290 Bộ Luật hình sự 2015.

Bốn người bị Công an quận Hoàng Mai (TP Hà Nội) bắt giữ ngày 11/7 về hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, theo Điều 290 Bộ Luật hình sự 2015.

Ngoài 4 bị can, 3 người khác đang bị điều tra vai trò liên quan.

Điều tra ban đầu, Toản cầm đầu nhóm lừa đảo, những người khác trú ở các tỉnh, thành (trong đó có Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh).

Theo ông Xô, việc khởi tố được tiến hành sau khi Bộ Công an và Cục Điều tra An ninh Nội địa Mỹ phối hợp để điều tra vụ lừa đảo xuyên quốc gia này.

Việc bắt giữ 4 bị can trên, theo tướng Tô Ân Xô, là sau khi tiếp nhận thông tin từ Văn phòng Cục Điều tra An ninh Nội địa Mỹ (HSI), thuộc Bộ An ninh Nội địa Mỹ.

Dựa trên các thông tin này, cơ quan chức năng của Việt Nam đã điều tra riêng và bắt giữ Toản và đồng bọn. Nhóm Toản đã mua hơn 300 tên miền rồi lập ra 110 trang web thương mại điện tử để bán nước rửa tay khô, nước sát khuẩn, khẩu trang kháng khuẩn…, nhưng không có hàng.

Ước tính 5.000 khách hàng Mỹ đã lên các trang thương mại do nhóm này lập ra để mua hàng. 40.000 giao dịch lừa đảo trị giá xấp xỉ 975.000 USD (hơn 20 tỉ đồng).

Tướng Xô cho hay, Bộ Công an đang chỉ đạo các địa phương tiếp tục điều tra mở rộng vụ án.




Những thủ đoạn lừa đảo qua mạng rộ lên thời gian gần đây

Các thủ đoạn lừa đảo phổ biến như: kết bạn qua mạng, giả mạo người thân, cơ quan thực thi pháp luật; lập website, giả dạng khách hàng yêu cầu nhấp vào đường link giả…

Trong 6 tháng đầu năm 2020, Công an quận 1, TPHCM đã nhận hơn 80 tin báo tố giác tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Qua hàng loạt vụ việc trên, nổi lên các thủ đoạn lừa đảo phổ biến như: kết bạn qua mạng xã hội, giả mạo người thân, cán bộ ngân hàng, cơ quan thực thi pháp luật; lập website, giả dạng khách hàng yêu cầu nhấp vào đường link giả… để “hack” thông tin tài khoản cá nhân và chiếm đoạt tiền của nạn nhân.

Đa dạng chiêu lừa

Một trong những thủ đoạn phổ biến nhất hiện nay là kẻ gian chiếm quyền sử dụng tài khoản xã hội (Facebook, Zalo, Messenger…) rồi đóng giả chủ tài khoản, viện những lý do cấp thiết để lừa người thân, bạn bè của nạn nhân chuyển tiền gấp qua tài khoản ngân hàng do chúng cung cấp.

Để tránh bị nghi ngờ, các đối tượng thường sử dụng từ ngữ khi nhắn tin giống như chủ tài khoản thường sử dụng. Sau khi người thân, bạn bè của chủ tài khoản chuyển tiền qua số tài khoản hoặc cung cấp số thẻ cào điện thoại qua cho chúng thì mới phát hiện mình bị lừa.

Thủ đoạn tội phạm mạo danh cơ quan thực thi pháp luật, yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản chúng cung cấp để điều tra, xác minh đang xảy ra ngày càng nhiều, số tiền thiệt hại thường rất lớn. Theo đó, đối tượng vẫn sử dụng chiêu lừa cũ, thông báo nạn nhân liên quan đến đường dây tội phạm (ma túy, rửa tiền, buôn lậu…). Chúng dẫn dụ nạn nhân muốn chứng minh mình không liên quan đến vụ án, phải chuyển tiền đến tài khoản do chúng cung cấp qua Internet Banking để điều tra, xác minh; nếu không sẽ bị bắt giam.




Nạn nhân của thủ đoạn này là chị Lý H.T (SN 1988, ngụ Q4). Chị nhận cuộc gọi của kẻ tự xưng là “cán bộ công an TP.Hà Nội“, nói rằng chị liên quan đến đường dây rửa tiền. Sau đó, đối tượng yêu cầu chị chuyển 200 triệu đồng vào tài khoản chúng cung cấp để được cho tại ngoại điều tra, nếu không liên quan thì số tiền trên sẽ được hoàn trả đầy đủ. Lo sợ bị liên lụy đến pháp luật, chị H.T liền đến một ngân hàng trên địa bàn Q1 để chuyển tiền, sau đó mới “té ngửa” vì biết mình bị lừa.

Thủ đoạn kết bạn qua mạng xã hội để lừa đảo chiếm đoạt tài sản cũng ngày càng phổ biến. Các đối tượng lập tài khoản trên mạng xã hội với hình đại diện lịch lãm, khoe tài chính dồi dào, kết bạn, thậm chí hứa sẽ kết hôn với nạn nhân.

Tiếp đó, đối tượng nói sẽ tặng quà, gửi ngoại tệ giá trị cao cho nạn nhân làm “mồi nhử“. Tuy nhiên, để nhận được quà, ngoại tệ, đối tượng lừa nạn nhân phải đóng phí dịch vụ, phí hải quan, tiền phạt… bằng cách chuyển tiền đến tài khoản do đồng bọn của chúng (thường giả làm nhân viên công ty chuyển phát nhanh, nhân viên hải quan…) cung cấp.

Trước những “bánh vẽ” hấp dẫn, nhiều nạn nhân đã sập bẫy. Chị Nguyễn Thu Th. (SN 1992, ngụ H.Bình Chánh), bị đối tượng là chủ tài khoản lấy tên đàn ông ngoại quốc Michael Mike Smith (giả danh nhân viên Tổ chức Y tế Thế giới – WHO) lừa chiếm đoạt gần 50 triệu đồng. Bà Nguyễn Thị H. (SN 1955) bị đối tượng tên Michael Jacob giả danh “đại tá Hoa Kỳ” lừa gần 170 triệu đồng.

Một thủ đoạn đang rộ lên là giả giao dịch mua bán, nhằm mục đích lừa nạn nhân điền thông tin để nhận tiền qua đường link giả do đối tượng cung cấp. Theo đó, kẻ gian có thể giả làm người mua hoặc bán hàng hay gửi tin nhắn thông báo trúng thưởng, yêu cầu nạn nhân đăng nhập vào đường link giả mạo mà chúng gửi tới. Khi nạn nhân truy cập vào đường link giả này, nhập thông tin đăng nhập, mật khẩu đăng nhập và mã xác thực tài khoản ngân hàng của mình, tội phạm lừa đảo sẽ nhanh chóng chiếm được toàn bộ thông tin của nạn nhân và tự cài đặt Smart OTP để giao dịch chuyển tiền của nạn nhân sang tài khoản của chúng.

Thậm chí các đối tượng còn thông qua website giả mạo website chính chủ của ngân hàng trong nước hoặc tạo các website nhận kiều hối (thường là PayPal), làm cho khách hàng tưởng rằng tài khoản của mình vừa nhận khoản tiền chuyển từ nước ngoài về. Sau đó, chúng hướng dẫn khách hàng quy đổi ngoại tệ qua website giả mạo, lừa lấy tiền từ các nạn nhân bán hàng online.


© Lan Anh tổng hợp
    Thời Báo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad