Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long hôm 14 tháng 9 năm 2020 khi gởi báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác thi hành án năm 2020 của Chính phủ cho biết, trong số 75 ngàn tỷ đồng tham nhũng phải thu hồi, đã xác định được gần 49 ngàn tỷ đồng có điều kiện thi hành án... nhưng chỉ thu hồi được 11 ngàn tỷ đồng, chỉ đạt 23%...
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Luật gia Việt Nam, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 14 tháng 9 năm 2020, cho biết ý kiến liên quan vấn đề này về mặt luật pháp:
“Tôi thấy những vụ án tham nhũng theo Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2015 và 2017 thì những người chiếm đoạt tài sản nhà nước để tham nhũng thì phải khắc phục ba phần tư tài sản tham nhũng... đó là một trong những tình tiết giảm nhẹ. Và thứ hai là chủ yếu làm sao thu được tài sản đó, thì những quy định pháp luật của Việt Nam đã có quy định. Cho nên một vụ án mà khởi tố thì người ta sẽ kê biên toàn bộ tài sản đó. Những năm gần đây, tôi thấy luật pháp có khắc phục và sửa đổi những quy định này rồi, vấn đề chính là phải truy tìm ra những tài sản đó.”
Theo Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long, mặc dù việc thi hành án trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế không nhiều nhưng số tiền phải thi hành án trong từng vụ việc là rất lớn... Trong khi đó các bị cáo này, không có tài sản hoặc có rất ít tài sản để thi hành án.
Hạn chế tiếp theo theo ông Long, là cơ chế phối hợp trong công tác thu hồi tài sản các vụ án tham nhũng, kinh tế không hiệu quả, nhất là đối với các vụ án có số tiền thu hồi đặc biệt lớn, tài sản phải xử lý liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương.
Họ làm cái này một cách trớt trác, làm cho có để đánh lừa xã hội, như cả nước mấy triệu công chức mà người ta bảo chỉ có mấy trường hợp kê khai không đúng... Ngay chuyện đó làm không xong thì làm sao chống tham nhũng được? -Nguyễn Khắc Mai
Khi trả lời Đài Á Châu Tự Do hôm 14 tháng 9 năm 2020 liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Ban Dân vận Trung ương, hiện là thành viên nhóm Lập Quyền Dân, cho biết ý kiến của mình:
“Đây là một vấn đề lớn của đất nước Việt Nam, là một đại họa do đảng cộng sản hình thành nên, từ những chủ trương chính sách luật pháp do đảng đưa ra lãnh đạo, để xây dựng một thiết chế xã hội, lâu ngày nó tạo ra một bầy sâu, họ thừa nhận là cả một bầy sâu, cho nên việc chống tham nhũng có thể nói là làm không đến nơi đến chốn. Ngay việc phải công khai hóa tài sản cán bộ, đặc biệt là những người lãnh đạo, thế thì có thấy ông Nguyễn Phú Trọng làm gương kê khai tài sản của mình đâu? Có thấy Bộ chính trị công khai tài sản đâu? Họ làm cái này một cách trớt trác, làm cho có để đánh lừa xã hội, như cả nước mấy triệu công chức mà người ta bảo chỉ có mấy trường hợp kê khai không đúng... Ngay chuyện đó làm không xong thì làm sao chống tham nhũng được?”
Tuy nhiên, cũng trong báo cáo của Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 14 tháng 9 năm 2020, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho rằng, công tác phòng chống tham nhũng năm 2020 có những bước tiến mạnh mẽ, đạt nhiều kết quả rất quan trọng.
Theo báo cáo của Chính phủ, từ đầu năm 2020 đến nay, Công an đã điều tra hơn 500 vụ án, với gần 1.200 bị can phạm tội về tham nhũng. Bộ Quốc phòng đã điều tra và xử lý tham nhũng 4 vụ, số tiền thiệt hại do tham nhũng là 27,7 tỷ đồng; số tiền thu hồi được trong giai đoạn điều tra 2,1 đồng...
Liệu có hiệu quả hay không, khi công tác phòng chống tham nhũng của Việt Nam được các lãnh đạo cho rằng đạt nhiều kết quả rất quan trọng, nhưng chỉ thu hồi được 23% tài sản nhà nước bị tham nhũng? Liệu như vậy tham nhũng có thuyên giảm? Ông Nguyễn Khắc Mai nhận định:
“Việc chống tham nhũng họ nói rằng phe nọ có đủ bằng chứng để triệt hạ phe kia. Rõ ràng từng đợt một, hết đợt này đến đợt khác, tham nhũng nó vẫn còn, nó vẫn nguyên, và càng cao, nó vào đến các nhân vật Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương, Bộ trưởng, cho đến cấp thấp hơn... Đây là đại họa của dân tộc, cách làm như vậy không thu hồi được tài sản cũng dẽ hiểu thôi. Bởi vì họ không xác định cụ thể mà chỉ nói làm thất thoát tài sản, làm không đúng quy trình, họ chỉ nói làm thiếu trách nhiệu này kia... chứ không nói rõ chuyện tài sản bất minh.”
Nhà hoạt động Trần Bang khi trả lời Đài Á Châu Tự Do, cũng cho rằng, chuyện nói chống tham nhũng ở Việt Nam cũng như nói chuyện hài hước, theo ông, chẳng qua là do các phe nhóm khui ra cái xấu của nhau, nhằm hạ thấp uy tín của nhau, triệt hạ nhau. Ông nói tiếp:
“Từ những năm 2000, tôi từng nghe một ông Phó bí thư thường trực họp ở Sài Gòn kể câu chuyện... ‘kính thưa các đồng chí chưa bị lộ’... cán bộ cao cấp đấy. Từ năm 1990 đến 2000 đã có hiện tượng ấy, thế thì không ai là không đen hết, chẳng qua họ cùng ê kíp thì khoác cho nhau cái áo trắng vào để đưa nhau lên. Nhưng khi cần đánh nhau thì họ lột cái áo trắng đó ra thì đen ngòm.”
Trong khi cần công khai minh bạch tài sản để có thể xác minh, thu hồi khi có vi phạm tham nhũng, thì vào đầu tháng 6 năm 2020, Bộ Tư pháp lại đưa ra dự thảo quy định số liệu thu hồi tài sản tham nhũng là ‘danh mục tối mật’. Theo Bộ này giải thích, dự thảo căn cứ theo quy định tại khoản 14 Điều 7 của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước 2018. Trong đó, nội dung về thông tin về hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng được xác định thuộc phạm vi bí mật nhà nước.
Liệu vấn đề kê khai tài sản nếu không làm đến nơi đến chốn, có thể đẩy lùi nạn tham nhũng?
Bây giờ luật kê khai tài sản của Việt Nam đưa ra Quốc hội nhưng không quyết được, có nghĩa là họ dung dưỡng cho một thái độ bất minh, để mà có thể chày cối. -Nguyễn Khắc Ma
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, cho biết rõ hơn về vấn đề này:
“Tôi thấy về vấn đề kê khai tài sản, cần phải sửa lại những quy định của pháp luật. Trước khi một người được bổ nhiệm chức vị, có liên quan người có chức vụ và quyền hạn, thì phải kê khi tài sản một cách trung thực. Ví dụ tài sản bất minh, thì người ta sẽ xử lý người cán bộ công chức đó. Tôi thấy một trong những tiêu chí để cơ cấu vào một chức vụ lãnh đạo, thì ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có nói ‘tài sản ở đâu nhiều thế, làm gì mà có tài sản nhiều thế’... Đó là một trong những tiêu chí chọn lựa cán bộ, đây là một trong những vấn đề rất đáng quan tâm. Cán bộ phải kê khai trung thực, và nếu không trung thực thì người ta sẽ ‘nhìn’ chức vị của cán bộ đó ngay lập tức. Đây là hướng xử lý sắp tới đây mà tôi rất đồng tình.”
Còn theo ông Nguyễn Khắc Mai, về vấn đề tài sản bất minh rất dễ giải quyết, nhưng Việt Nam vẫn không làm được. Theo ông bất cứ một lãnh đạo của bất cứ bộ ngành nào, bất cứ địa phương nào, nếu không chứng minh được tài sản lớn, nhà cao cửa rộng, biệt phủ thênh thang.v.v... thì người dân, chính phủ, có quyền nghi vấn và kiểm tra. Nếu cán bộ đó không chứng minh được thì tức là tài sản bất minh... khi đó nhà nước có quyền tịch thu toàn bộ hoặc tịch thu 70% như các nước khác. Ông nói tiếp:
“Nhưng bây giờ luật kê khai tài sản của Việt Nam đưa ra Quốc hội nhưng không quyết được, có nghĩa là họ dung dưỡng cho một thái độ bất minh, để mà có thể chày cối. Và rút cuộc tiền tham nhũng vẫn nằm trong túi vợ con, bà con thân thuộc của những người phạm tội, họ chuyển ra nước ngoài, đánh mất tài sản của dân của nước.”
Theo ông Nguyễn Khác Mai, tham nhũng ở Việt Nam là một điều ai cũng thấy, nhưng đảng công sản sẽ vẫn không giải quyết được vấn nạn này, nếu vẫn giữ cung cách đảng lãnh đạo như hiện nay, mà không có tam quyền phân lập, không có tự do ngôn luận, không có phản biện xã hội... Và ai công kích phê phán thì coi là chống đối nhà nước, bỏ tù... nên cũng không thể dựa vào dân để đẩy lùi tệ nạn này.
© RFA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét