Liệu Việt Nam có thể đạt được bình đẳng giới trong năm 2030? - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Tư, 16 tháng 9, 2020

Liệu Việt Nam có thể đạt được bình đẳng giới trong năm 2030?



Một người phụ nữ tại Hà Nội ngày 21/7/2020.



Hội nghị Nữ nghị viên AIPA diễn ra bên lề Đại Hội đồng Liên Nghị viên ASEAN (AIPA) lần thứ 41 ngày 8/9 tại Hà Nội, với chủ đề "Tăng cường vai trò của nữ nghị sĩ trong việc đảm bảo việc làm và thu nhập cho lao động nữ”. Theo truyền thông Nhà nước Việt Nam, trong phát biểu khai mạc, Chủ tịch Nhóm đại biểu Quốc hội Việt Nam, bà Tòng Thị Phóng nói, “Xóa bỏ khoảng cách giới trong việc làm cần được ưu tiên hàng đầu nếu chúng ta muốn đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ, trẻ em gái vào năm 2030".

Qua phát biểu đó cũng như thực tiễn cho thấy đến nay tại Việt Nam, sự bình đẳng giới trong nghề nghiệp, xã hội và đời sống hàng ngày vẫn còn nhiều bất cập.


Chị Tăng Thị Duyên Hồng, CEO của tổ chức Coins 4 Change Việt Nam, một doanh nghiệp xã hội phi lợi nhuận giúp phụ nữ, nhận định về thực trạng bình đẳng giới tại Việt Nam:

“Về vấn đề bình đẳng giới, ở xã hội Việt Nam, về mặt luật pháp và những giấy tờ pháp lý, thì có vẻ như chúng ta rất văn minh. Nhưng về mặt văn hóa, và tác động bên trong xã hội, và trong nhận thức của con người, thì chắc là còn lâu lắm, thì ta mới đạt được sự bình đẳng”.

Chị Hồng, với nhiều năm hoạt động bảo vệ phụ nữ, đặc biệt phụ nữ trong hoàn cảnh khó khăn, như các bà mẹ đơn thân, nhận định, xét trên lý thuyết, hình thức, thì Việt Nam có thể nói 'rất tuyệt vời' từ pháp luật cho đến phong trào như Ngày Quốc Tế Phụ nữ diễn ra hàng năm rầm rộ khắp nơi. Tuy vậy thực tế lại khác:



“Ví dụ nhóm bà mẹ đơn thân, đối với pháp luật, trên giấy tờ, thì rất là ổn, người đàn ông sẽ phải chu cấp, nuôi con, cho dù đó là con trong giá thú hay là ngoài giá thú, cho dù ly hôn. Nhưng sự thật, không có chế tài nào thực thi luật pháp đó. Ví dụ như tòa xử là người đàn ông phải chu cấp hàng tháng cho người phụ nữ nuôi con, nhưng mà làm thế nào để anh ta gửi khoản chu cấp đó để nuôi con thì hoàn toàn phụ thuộc vào người phụ nữ. Cô ta phải tự đi đòi khoản tiền đó, nếu mà không đòi được thì anh ta cũng không có nghĩa vụ chu cấp, hoàn toàn phù thuộc vào đạo đức của người đàn ông, hoặc sự khéo léo của người phụ nữ”.

Khi đào sâu vào các chương trình hỗ trợ những thành phần yếu kém nhất của xã hội, trong đó có nạn nhân bạo lực trong gia đình, mà đa số là phái nữ phải gánh chịu, chị nói chị thấy những lỗ hổng rất lớn.

“Cái tỷ lệ ly hôn của Việt Nam mình đang là 25% trên số những cặp kết hôn, thì 25% trong số họ sẽ ly hôn trong thời gian dưới 5 năm. Như vậy phụ nữ mang theo những đứa con rất là nhỏ, họ phải chịu đựng cái stigma của xã hội, cho nên họ sống lặng lẽ, rất thiếu tự tin, và nuôi con rất thiếu cân bằng. Những hỗ trợ về mặt tâm lý, xã hội, kinh tế, công việc đều rất ít đối tượng này”.




Chị Hồng nhắc đến từ “stigma”, tạm dịch là định kiến, đối với phái nữ chẳng hạn, của xã hội Việt Nam vốn là một xã hội theo đạo Nho, cha truyền con nối, luôn đặt người đàn ông lên trên. Sự phân biệt giới tính, chị nói, đã ăn sâu vào các định chế xã hội, từ các phương tiện truyền thông đại chúng đến ngành giáo dục.

Tại Hội nghị Nữ Nghị viên AIPA, Phú chủ tịch Quốc Hội cũng tuyên bố: "Trong những năm tới, Quốc hội Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật và tăng cường giám sát để đảm bảo bình đẳng giới thực chất và không ai bị bỏ lại phía sau".

Thế nhưng chị Hồng nói chị chưa thấy những chương trình cụ thể, cần thiết để thực hiện mục tiêu được nêu.

“Họ tuyên bố rất hay, luật pháp cũng khá đầy đủ, nhưng việc thực thi luật và hơn nữa, đối với một đất nước mà truyền thống nặng về stigma, những yêu cầu về mặt xã hội, những định kiến về mặt xã hội, như Việt Nam, và bị ảnh hưởng rất nặng về Đạo Khổng tại Việt Nam thì pháp luật thôi không đủ mà còn phải thông qua giáo dục, truyền thông, chương trình hỗ trợ cụ thể cho người đàn ông thay đổi tư duy của mình. Cũng như người phụ nữ thay đổi tư duy của mình. Để nó trở nên bình đẳng hơn. Thì tôi không thấy những cái hoạt động đó trong giáo dục, truyền thông”.

Chị Hằng, từ Hoa Kỳ chia sẻ, khi lớn lên, chị nhận ra rất rõ về khoảng cách giữa nam giới và nữ giới, không đâu xa mà ngay trong gia đình chị.

“Hồi nhỏ ba chỉ nói em là con gái không cần học nhiều, chỉ cần biết nấu ăn, biết đẹp, rồi mai mốt lớn lên đi kiếm chồng có tiền. Học nhiều làm gì chồng ghét cũng vậy. Nên không ai muốn con gái đi học nhiều. Con gái chỉ ở nhà vào bếp nấu cơm, phải biết làm việc nhà, ăn thì ăn trong bếp, có đàn ông người lớn thì ăn ngoài phòng khách thôi. Nên trong nhà không vui lắm, vì thằng em đi về thì nó có quyền, bỏ cập sách qua một bên, nó ngồi bàn chơi điện tử. Trong khi mình đi học về mệt, còn phải vào bếp. Nhiều khi hỏi mẹ tại sao, thì mẹ nói vì nó là con trai”.




Hồi nhỏ ba chỉ nói em là con gái không cần học nhiều, chỉ cần biết nấu ăn, biết đẹp, rồi mai mốt lớn lên đi kiếm chồng có tiền. Học nhiều làm gì chồng ghét cũng vậy. Nên không ai muốn con gái đi học nhiều

Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) có đề cập đến loại việc làm mà chị Hằng vừa nêu, gọi nó là những công việc “vô hình” thường do phụ nữ trong gia đình đảm nhận.

Mặc dù Việt Nam đã phê chuẩn Công ước số 111 về phân biệt đối xử trong việc làm vào năm 1997, Tổ chức Lao động Quốc tế cũng nhận định rằng “ở Việt Nam cũng giống như các nước đang phát triển khác, phụ nữ tiếp tục chiếm phần lớn trong số những người lao động nghèo, thu nhập thấp hơn và thường bị ảnh hưởng bởi tình trạng lao động thiếu và không có việc làm và điều kiện làm việc bấp bênh hơn nam giới.”

Cũng theo ILO, đại dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng đến mọi thành phần, nhưng lao động nữ lại một lần nữa chịu thiệt thòi nhiều nhất.

Chị Hồng nói đây là một loại vòng luẩn quẩn tiếp tục ngăn chặn phụ nữ không vươn lên được, và chị đã chứng kiến điều đó trong doanh nghiệp của chị.

“Trong các nhóm bà mẹ đơn thân mà tôi hỗ trợ, có hơn 65 % trong số họ bị mất việc làm. Vì sao, vì họ là lao động cấp thấp, và họ làm công nhân may trong các nhà máy, hoặc là trong các xưởng, họ là nhân viên văn phòng, dọn dẹp. Một trong lý dọ họ không phát triển bản thân được, đầu tư vào bản thân được vì họ phải dành thời gian chăm sóc cho con, và bản thân, và khi dịch bệnh như thế này xảy ra, họ là đối tượng bị ảnh hưởng đầu tiên…”

Riêng chị Hằng, sau khi rời Sài Gòn sang Mỹ sống cách đây vài năm, đã vượt qua được rào cản to lớn về văn hóa và tâm lý này. Chị tốt nghiệp ngành kế toán đại Học George Mason tại Washington DC, và gặt hái được thành công làm quản lý tài chính cho một công ty công nghệ Hoa Kỳ.




Với tiền lương, chị đã đón ba mẹ sang Hoa Kỳ, và nuôi cả gia đình. Từ đó, chị thấy được một thay đổi với ông bố của mình và chị cho rằng, sự thay đổi đến từ bằng chứng cụ thể của chị và văn hóa xã hội xung quanh ông:

“Em nghĩ vì văn hóa. Hồi xưa ở Việt Nam, ba không nghĩ em có thể đi học được và có thể kiếm việc làm được như bây giờ. Vì ở Việt Nam thì chị phải thật giỏi hoặc quen biết rộng rãi, thì mới có việc làm tốt. Còn nếu chỉ là con gái bình thường thì rất khó kiếm việc. Thường ở Việt Nam con gái đẹp là chỉ kiếm chồng thôi, rất hiếm có ai thành công có việc làm đàng hoàng.

Từ khi ba qua Mỹ thì ba thấy con gái đâu khác gì con trai, cũng đi học được, có việc làm được, nhiều khi giỏi hơn con trai. Nên ba rất hạnh phúc và ba cũng ngưỡng mộ. Ba thay đổi cách nhìn về em. Bây giờ ba nói, ‘Có con gái cũng được, không sao’!”


Nhà hoạt động cho quyền phụ nữ Tăng Thị Duyên Hồng không kỳ vọng vào những thay đổi từ chính quyền Việt Nam, nhưng chị vẫn lạc quan:

“Cũng có thể mình sẽ đạt được điều đó, nhưng không phải vì đại biểu đó phát biểu như vậy. Nhưng mà vì xã hội rất đa dạng, có rất nhiều cách khác nhau để phát triển của đất nước. Ví dụ như Việt Nam dù sao cũng vẫn phát triển trong những năm qua, nó không hoàn toàn phù thuộc vào lãnh đạo của đảng hoặc vị đại biểu đó, mà còn nhờ vào sự phát triển của toàn thế giới, và những thế hệ trẻ, thế hệ Gen Z, và các bạn đi du học nước ngoài. Một cách vô hình xã hội cũng sẽ có sự thay đổi”.

Chị mong rằng các đại biểu làm nhiều hơn nói để thúc đẩy xóa bỏ khoảng cách giới trong mọi mặt của xã hội.


© Giang Nguyễn
    RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad