Áp chế Trung Quốc: Mỹ bán 1,8 tỷ USD vũ khí cho Đài Loan và cử Bộ trưởng Pompeo ‘lập trận địa’ tại châu Á - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Hai, 26 tháng 10, 2020

Áp chế Trung Quốc: Mỹ bán 1,8 tỷ USD vũ khí cho Đài Loan và cử Bộ trưởng Pompeo ‘lập trận địa’ tại châu Á


Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Mark Esper, họp với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar và Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh tại Bộ Ngoại giao ở Washington, DC vào ngày 18 tháng 12 năm 2019 (Ảnh của ALEX EDELMAN / AFP qua Getty Images)


Ngay sau khi duyệt bán vũ khí phòng thủ cho Đài Loan trị giá hơn 1,8 tỷ USD, Bộ trưởng Ngoại Giao cùng Bộ Trưởng Quốc phòng Mỹ đã lên đường công du một loạt các nước Châu Á, nhằm củng cố, tăng cường đối trọng với ảnh hưởng kinh tế và quân sự của Trung Quốc trong khu vực.


Mỹ đã thông qua việc bán vũ khí cho Đài Loan trị giá khoảng 1,8 tỷ USD; trong một động thái có khả năng làm gia tăng căng thẳng với Trung Quốc. Lầu Năm Góc cho biết thỏa thuận bao gồm 3 hệ thống vũ khí, với bệ phóng tên lửa, cảm biến và pháo.


Quốc đảo Đài Loan vẫn luôn bị Trung Quốc coi là một tỉnh nổi loạn của mình. Căng thẳng gia tăng trong những năm gần đây và Bắc Kinh không loại trừ việc sử dụng vũ lực để lấy lại hòn đảo này.


Mỹ-Đài thắt chặt liên minh


Trung Quốc và Đài Loan bị chia cắt trong một cuộc nội chiến vào những năm 1940 nhưng Bắc Kinh khẳng định sẽ giành lại hòn đảo này vào một thời điểm nào đó, kể cả bằng vũ lực nếu cần thiết.


Căng thẳng gia tăng trong những năm gần đây với việc bà Thái Văn Anh được bầu làm tổng thống Đài Loan, được coi là đối thủ của Bắc Kinh.


Tuần trước, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O'Brien nói rằng mặc dù ông không tin rằng Trung Quốc đã sẵn sàng xâm lược Đài Loan, hòn đảo này cần phải "tự củng cố" cho tương lai.


Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết loạt vũ khí này sẽ giúp Đài Loan "xây dựng khả năng tác chiến đáng tin cậy và tăng cường phát triển chiến tranh phi đối xứng".


Sau nhiều thập kỷ, các chính trị gia cấp cao nhất của Mỹ đã đến thăm Đài Loan và gặp chủ tịch Thái Văn Anh. Trong ảnh, bà Thái Văn Anh chào đại diện Hoa Kỳ (Ảnh: Getty Images)


Thỏa thuận trên bao gồm 135 tên lửa hành trình dẫn đường chính xác, cũng như bệ phóng tên lửa hạng nhẹ di động và khoang trinh sát đường không có thể gắn vào máy bay chiến đấu.


Phóng viên Đài Loan Cindy Sui của BBC nói rằng dưới thời Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã bán vũ khí cho Đài Loan nhiều hơn đáng kể so với trước đây. Đài Loan cũng công khai thể hiện mình đang tìm kiếm sự hậu thuẫn từ chính quyền Hoa Kỳ.


Theo hãng tin Reuters, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng thỏa thuận vũ khí có thể sẽ có tác động lớn đến mối quan hệ của nước này với Mỹ và họ sẽ đáp trả khi cần thiết.


Trong những tháng gần đây, Hoa Kỳ đã tăng cường tiếp cận Đài Loan. Vào tháng 8/2020, sau nhiều thập kỷ, chính trị gia cấp cao nhất của Mỹ đã đến thăm Đài Loan và gặp chủ tịch Thái Văn Anh.


Bắc Kinh chỉ trích mạnh mẽ cuộc gặp, cảnh báo Mỹ "không được gửi bất kỳ tín hiệu sai trái nào tới các phần tử 'Đài Loan độc lập' để tránh gây tổn hại nặng nề cho quan hệ Trung - Mỹ".


Trung Quốc cũng đã tăng cường các cuộc tập trận quân sự mà họ giới thiệu trong nước như một “cuộc diễn tập cho một cuộc xâm lược Đài Loan trong tương lai”, mặc dù các chuyên gia cho rằng một cuộc xung đột sẽ không xảy ra.


Mặc dù Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan và đảm bảo an ninh ngầm, họ không có hiệp ước phòng thủ chính thức với Đài Loan như với Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines.


Ngoại trưởng Pompeo lập ‘trận địa Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương’


Theo tờ Washington Times, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã khởi hành chuyến thăm 4 nước, kéo dài 6 ngày tới châu Á trong tháng 10 này, nơi ông sẽ gặp các nhà lãnh đạo khu vực để bàn về các vấn đề quốc phòng và an ninh. Mối quan tâm ngày càng tăng về Trung Quốc có thể sẽ là trung tâm.


Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Toshimitsu Motegi, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga, Bộ trưởng Ngoại giao Úc Marise Payne và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo chụp ảnh trước cuộc họp Quad Indo-Pacific tại văn phòng thủ tướng ở Tokyo vào ngày 6 tháng 10 năm 2020 tại Tokyo. (Ảnh của Nicolas Datiche / POOL / AFP/ Getty Images)


Ông Pompeo trước tiên sẽ tham gia các cuộc đàm phán quốc phòng và an ninh ở Ấn Độ cùng với Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper và những người đồng cấp Ấn Độ.


Sau đó, ông sẽ thăm các quốc đảo Ấn Độ Dương là Sri Lanka và Maldives trước khi đến Indonesia.


“Chúng tôi mong muốn tăng cường các mối quan hệ quan trọng với bạn bè và đối tác của chúng tôi, nhấn mạnh cam kết sâu sắc của chúng tôi đối với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và thúc đẩy tầm nhìn của chúng tôi về mối quan hệ đối tác lâu dài và thịnh vượng trong khu vực”, Dean R. Thompson , phó trợ lý chính ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Nam và Trung Á, nói với các phóng viên.


Ông Pompeo đã cùng các bộ trưởng hàng đầu của Ấn Độ và Úc tới Tokyo trong tháng này để tìm cách thiết lập quan hệ đối tác chặt chẽ hơn trong bối cảnh các bên cùng lo ngại về sự xâm lấn của Trung Quốc trong khu vực. Bốn cường quốc, được gọi là "Bộ tứ", đã thảo luận về cách phối hợp chính sách quân sự và kinh tế để kiềm chế Bắc Kinh.


Hoa Kỳ đã gây sức ép với Trung Quốc trong các tuyến đường thủy chiến lược ngoài khơi bờ biển Trung Quốc nhằm chống lại các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với các khu vực rộng lớn của Biển Đông.


Ông Thompson cho biết tốc độ và phạm vi quan hệ với Ấn Độ đang tăng nhanh, một phần là do những lo ngại ngày càng tăng của New Delhi về Trung Quốc. Hai gã khổng lồ châu Á đã có một cuộc đụng độ chết người vào mùa hè này vì một cuộc tranh chấp biên giới kéo dài, mà vẫn chưa được giải quyết.


Ông Thompson cho biết “Cuộc hội đàm 2 cộng 2” với ông Pompeo và ông Esper tại New Delhi dự kiến ​​sẽ thảo luận về cuộc đối đầu diễn ra ở khu vực phía bắc tranh chấp Ladakh trên dãy Himalaya


Các quan chức Mỹ cho biết Mỹ đang tìm cách củng cố mối quan hệ đối tác chiến lược mạnh mẽ hơn với chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi, người đã tạo dựng quan hệ đối tác cá nhân với Tổng thống Trump.


Quân đội Ấn Độ đã đụng độ với lực lượng Trung Quốc vào tháng 6/2020 dọc theo khu vực biên giới cao được gọi là Thung lũng Galwan, dẫn đến cái chết của 20 binh sĩ Ấn Độ. Đây là cuộc đụng độ biên giới chết người đầu tiên kể từ năm 1975.


Trận chiến quân sự nổ ra trong bối cảnh căng thẳng giữa ông Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày càng gia tăng. Ấn Độ gần đây đã cấm một số ứng dụng phổ biến của Trung Quốc, với lý do lo ngại về gián điệp dữ liệu.


Hoa Kỳ đã bán 8 máy bay tuần tra hàng hải P-8 mới cho Ấn Độ.


Tổng thống Indonesia Joko Widodo bắt tay Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo trước cuộc họp song phương tại dinh tổng thống ở Jakarta vào ngày 5 tháng 8 năm 2018. (Ảnh của ADI WEDA / POOL / AFP / Getty Images)


Sau Ấn Độ, ông Pompeo sẽ tới Colombo để họp với các nhà lãnh đạo cấp cao của Sri Lanka về vấn đề an ninh trong khu vực. Ông Thompson cho biết các cuộc họp tại Sri Lanka sẽ tập trung vào việc phát triển mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với quốc đảo này và "cam kết chung của chúng tôi đối với nền dân chủ".


Hợp tác an ninh hàng hải khu vực cũng sẽ được theo đuổi. Tại Maldives, ông Pompeo sẽ tìm cách củng cố các mối quan hệ đang ngày càng phát triển giữa hai bên.


Chính phủ Maldives gần đây đã thông báo rằng họ có thể hủy bỏ một thỏa thuận thương mại tự do với Trung Quốc để cải thiện thương mại với các quốc gia khác, chẳng hạn như Ấn Độ.


Ông Thompson cho biết Hoa Kỳ hợp tác với Maldives trong các vấn đề an ninh khu vực và chống khủng bố.


David R. Stilwell, trợ lý ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, cho biết ông Pompeo sẽ gặp Tổng thống Indonesia và bộ trưởng ngoại giao tại Jakarta.


“Indonesia quan trọng vì nhiều lý do, đặc biệt là vì đây là quốc gia Hồi giáo đông dân nhất thế giới và là trụ cột của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở”, ông Stilwell nói tại một cuộc họp báo trước các phóng viên. "Nó ở một vị trí rất quan trọng và chiến lược".


Washington và Jakarta chia sẻ tầm nhìn về một trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc trong khu vực, ông nói, lưu ý rằng mối quan hệ đối tác quốc phòng song phương và chống khủng bố mạnh mẽ đang được thắt chặt


Trung Quốc đang tìm cách thu hút Indonesia bằng việc cung cấp vắc-xin Covid-19. Ông Stilwell cũng lưu ý rằng Indonesia gần đây đã đẩy lùi việc đánh bắt trái phép của các tàu Trung Quốc trong khu vực kinh tế Indonesia.


Ông Stilwell cho biết quyết định gần đây của Hoa Kỳ - đối với các tuyên bố chủ quyền trên biển rộng lớn của Trung Quốc - là bất hợp pháp đối với Indonesia.


Ông Stilwell nói: “Bạn đã thấy Indonesia đẩy lùi tàu Trung Quốc đánh bắt cá trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của họ. Có những điều chúng tôi đã làm để trao quyền cho các quốc gia này để đẩy lùi [sự bành trước của Trung Quốc]".



© Trần Đức
    NTDVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad