Mỹ thúc đẩy bán 7 tỷ USD vũ khí cho Đài Loan - Cuộc xâm lược Đài Loan của Trung Quốc sẽ là sai lầm lớn? - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Năm, 15 tháng 10, 2020

Mỹ thúc đẩy bán 7 tỷ USD vũ khí cho Đài Loan - Cuộc xâm lược Đài Loan của Trung Quốc sẽ là sai lầm lớn?


Tổng thống Đài Loan Thái Văn Anh vẫy tay chào các vị khách từ boong tàu khu trục nhỏ 'Ming Chuan' trong buổi lễ đưa hai khinh hạm tên lửa dẫn đường Perry của Mỹ vào Hải quân Đài Loan, ở cảng phía nam Cao Hùng, ngày 8 tháng 11 năm 2018 (Ảnh: CHRIS STOWERS / AFP qua Getty Images)


Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có thể phát hiện ra rằng vào thời điểm Bắc Kinh sẵn sàng cho chiến tranh, Đài Loan sẽ có mối quan hệ bền chặt với những người bạn quyền lực, những người mà các nhà lãnh đạo ĐCSTQ lo sợ, đặc biệt là Hoa Kỳ.


Có vẻ như Bắc Kinh một lần nữa đang đe dọa người dân Đài Loan, và cố gắng khiến Hoa Kỳ không giúp đỡ quốc đảo đang bị đe dọa này.


Bắc Kinh đã gửi những cảnh báo như: “Rất tiếc là Hoa Kỳ lại có thể dẫn dắt Tổng thống Thái Anh Văn một cách sai lầm, dẫn đến đánh giá sai tình hình chiến lược".



Trong tháng này, Bắc Kinh đã bận rộn đưa ra “ranh giới đỏ” và “kết luận” cho Mỹ, giống như đã làm vào tháng 5 năm ngoái, trong đó, ĐCSTQ đã công khai một cụm từ vốn từng sử dụng trong quá khứ trước khi sử dụng vũ lực, đó là tuyên bố "chiến tranh nhân dân" với Hoa Kỳ.


Thậm chí, Nhân dân Nhật báo Trung Quốc trong một bài bình luận có tiêu đề “Hoa Kỳ! Đừng đánh giá thấp khả năng tấn công trở lại của Trung Quốc" đã tuyên bố: "Đừng nói rằng chúng tôi không cảnh báo bạn!"


Như cố đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh James Lilley đã nói: "Trung Quốc điện báo về những cú đấm của họ".



Bắc Kinh rõ ràng đang lo lắng về chính sách của chính quyền Trump. Thời báo Hoàn cầu đã đưa ra một bài báo vào ngày 12/10, tuyên bố rằng: “Không nghi ngờ gì khi Washington nhận thức rõ ràng tầm quan trọng của Trung Quốc. Họ sẽ không chấp nhận rủi ro khi phá vỡ mối quan hệ với Trung Quốc chỉ vì Đài Loan, vì cái giá sẽ rất đắt".


Người Mỹ đã được cảnh báo, và họ nên lo lắng?


Có vẻ nước Mỹ đã quá quen thuộc với những lời chỉ trích, cảnh báo, kể cả đe dọa của Trung Quốc, nhưng rốt cuộc thì Washington sẽ làm những gì họ cần làm.



Nhà Trắng tiến hành 3 vụ bán vũ khí cho Đài Loan


Vào tháng 9/2020, có tới 7 hệ thống vũ khí lớn đang “trên đường” thông qua quy trình xuất khẩu của Mỹ đến Đài Loan, khi chính quyền Trump gia tăng áp lực lên Trung Quốc.


Theo Reuters, động thái sắp diễn ra trước cuộc bầu cử ngày 3/11 ở Mỹ có khả năng khiến chính quyền Trung Quốc tức giận, khi họ vốn coi Đài Loan là một “tỉnh ương ngạnh” mà họ đã thề sẽ bắt Đài Loan “đoàn tụ” với đại lục, bất kể bằng vũ lực.


Các nhà lãnh đạo của Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện và Hạ viện đã được thông báo rằng 3 trong số các kế hoạch bán vũ khí đã được thông qua Bộ Ngoại giao Mỹ, cơ quan giám sát hoạt động mua bán quân sự nước ngoài, theo các nguồn tin cho biết.


Các thông báo không chính thức cho biết các loại vũ khí bao gồm: bệ phóng tên lửa đặt trên xe tải do Lockheed Martin Corp sản xuất có tên gọi Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS); tên lửa không đối đất tầm xa do Boeing Co sản xuất có tên SLAM-ER; và các vỏ cảm biến bên ngoài cho Máy bay phản lực F16, cho phép truyền hình ảnh và dữ liệu theo thời gian thực từ máy bay trở lại trạm mặt đất.


Những thông báo về việc bán các hệ thống vũ khí khác, bao gồm máy bay không người lái cỡ lớn, tinh vi; tên lửa chống hạm Harpoon trên đất liền và mìn dưới nước để ngăn chặn các cuộc đổ bộ, vẫn chưa được gửi đến Đồi Capitol (Quốc hội Hoa Kỳ), các nguồn tin này cho biết.



Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao cho biết: “Về mặt chính sách, Hoa Kỳ không xác nhận hoặc bình luận về việc mua bán hoặc chuyển giao quốc phòng được đề xuất, cho đến khi chúng được thông báo chính thức cho Quốc hội”.


Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan đã làm tổn hại nghiêm trọng đến chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc, đồng thời thúc giục Washington nhận rõ tác hại mà họ gây ra và ngay lập tức hủy bỏ chúng.


"Trung Quốc sẽ đưa ra phản ứng hợp pháp và cần thiết tùy theo tình hình diễn biến như thế nào", ông Triệu nói với các phóng viên ở Bắc Kinh nhưng không đưa ra chi tiết.


Quốc hội Mỹ ủng hộ Đài Loan


Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện và Hạ viện Hoa Kỳ có quyền xem xét và ngăn chặn việc bán vũ khí theo một quy trình không chính thức, trước khi Bộ Ngoại giao gửi thông báo chính thức đến cơ quan lập pháp.


Ngoại trưởng Mike Pompeo đã ám chỉ Mỹ sẽ hỗ trợ hòn đảo này khi được hỏi liệu Hoa Kỳ có bảo vệ Đài Loan nếu Trung Quốc "đơn phương" tấn công hay không ((Ảnh của Chip Somodevilla / Getty Images)


Các nhà lập pháp, những người thường cảnh giác với những gì họ cho là sự hung hăng của Trung Quốc, lần này đã ủng hộ Đài Loan và không phản đối việc bán vũ khí cho quốc đảo này.


Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết họ sẽ chỉ bình luận khi có thông báo chính thức về bất kỳ vụ bán vũ khí nào. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Joanne Ou cho biết: “Trung Quốc tiếp tục sử dụng hành động khiêu khích quân sự để phá hoại sự ổn định xuyên eo biển và khu vực", nêu bật tầm quan trọng của việc Đài Loan tăng cường khả năng tự vệ.


Tin tức về việc bán vũ khí mới được đưa ra sau khi các quan chức cấp cao của Mỹ tuần trước lặp lại lời kêu gọi Đài Loan chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng của mình, và thực hiện cải cách quân sự để làm rõ cho Trung Quốc thấy Đài Loan đã chuẩn bị sẵn sàng trước âm mưu xâm lược của Bắc Kinh.


Điều này diễn ra vào thời điểm Trung Quốc tăng cường đáng kể các hoạt động quân sự gần Đài Loan, và khi quan hệ Mỹ-Trung giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua. Chính quyền Tổng thống Donald Trump luôn tỏ ra cứng rắn trong cách tiếp cận với Bắc Kinh.



Phát biểu hôm thứ Tư (ngày 7/10), cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ, Robert O'Brien, cảnh báo chống lại bất kỳ nỗ lực nào của ĐCSTQ nhằm xâm chiếm Đài Loan bằng vũ lực, đồng thời thể hiện cách mà Hoa Kỳ sẽ phản ứng về vấn đề này.


Theo luật, Hoa Kỳ được yêu cầu cung cấp cho Đài Loan các phương tiện để tự vệ, nhưng không nói rõ liệu nước này có can thiệp quân sự trong trường hợp Đài Loan bị Trung Quốc tấn công hay không. Nếu có, thì điều đó có thể dẫn đến một cuộc xung đột rộng lớn hơn nhiều giữa Washington và Bắc Kinh.


Tại sao cuộc xâm lược Đài Loan của Trung Quốc sẽ là một sai lầm lớn


Hầu hết mọi nhà hoạch định chính sách và nhà phân tích đều nói rằng Đài Loan là ranh giới đỏ mà Bắc Kinh đưa ra, và ĐCSTQ sẽ hành động vì họ tin rằng hòn đảo này là một phần "bất khả xâm phạm" của Trung Quốc.


Mặc dù tên chính thức của Đài Loan là Trung Hoa Dân Quốc, người dân ở đó nói chung không tự nhận mình là “người Trung Quốc”. Trong một cuộc khảo sát gần đây; 83,2% tự nhận mình “chỉ là người Đài Loan” và 5,3% cho biết họ “chỉ là người Trung Quốc”. Phần còn lại trả lời là “cả hai”.


Trên thực tế, Đài Loan chưa bao giờ được cộng đồng quốc tế chính thức công nhận là một phần của nhà nước Trung Quốc. Tuy nhiên, hầu hết các quốc gia đã chấp nhận lập trường của Trung Quốc đối với Đài Loan, và điều đó khiến Bắc Kinh yêu cầu nhiều hơn.



Ngoài các yêu sách hiện có đối với “đất xanh quốc gia” ở Biển Đông (chính sách chính thức coi biển là lãnh thổ có chủ quyền), quần đảo Senkaku của Nhật Bản ở Biển Hoa Đông, phần lớn miền bắc Ấn Độ; các nhà cầm quyền Trung Quốc hiện đang mở rộng yêu sách đến một phần bổ sung của Tajikistan, Vladivostok và một một phần lớn của vùng Viễn Đông thuộc Nga, Okinawa và phần còn lại của quần đảo Ryukyu của Nhật Bản.


Các quốc gia đang cố gắng đẩy lùi tham vọng của Bắc Kinh, với sự giúp đỡ của Hoa Kỳ. Trong tháng này, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã ám chỉ Mỹ sẽ hỗ trợ hòn đảo này, khi được hỏi liệu Hoa Kỳ có bảo vệ Đài Loan nếu Trung Quốc "đơn phương" tấn công hay không.


“Quân đội của chúng tôi đã rất tích cực trong khu vực, chúng tôi có một sự hiện diện để có thể đảm bảo rằng trên thực tế, Ấn độ-Thái Bình Dương sẽ có một vùng biển tự do và cởi mở” ông nói. “Đây là những việc mà Hoa Kỳ vẫn làm, cho dù đó là Đài Loan hay thách thức đối với Nhật Bản, Hoa Kỳ sẽ là một đối tác tốt cho an ninh ở mọi khía cạnh”.


Tổng thống đương nhiệm của Đài Loan Thái Văn Anh trên sân khấu, trước cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 8 tháng 1 năm 2020 tại Đào Viên, Đài Loan (Ảnh của Carl Court / Getty Images)


Đó không phải là tuyên bố "chúng tôi sẽ bảo vệ Đài Loan" mà nhiều người hy vọng, nhưng thông điệp công khai của Washington ngày càng rõ ràng hơn. Nói cách khác, Washington không cho cả Trung Quốc hay Đài Loan biết họ sẽ làm gì trong trường hợp có thể xảy ra xung đột. Cơ sở lý luận là Mỹ nên để Bắc Kinh đoán xem liệu họ có bảo vệ Đài Loan hay không.


Nhật Bản và Ấn Độ từ lặng lẽ thành tích cực ủng hộ Đài Loan


Sự hiếu chiến rõ ràng của Trung Quốc đã khiến các nước láng giềng, đặc biệt là hai cường quốc Nhật Bản và Ấn Độ lo lắng. Nhật Bản là nước láng giềng phía bắc của Đài Loan. Trên thực tế, hòn đảo ở cực tây của Nhật Bản, Yonaguni, nằm ở phía nam thủ đô Đài Bắc của Đài Loan, và từ đảo Nhật Bản có thể nhìn thấy những ngọn núi của Đài Loan vào một ngày trời quang.


Tokyo, tất nhiên, ủng hộ Đài Loan, mặc dù lặng lẽ, bởi vì sự an toàn Nhật Bản phụ thuộc vào Đài Loan. Như một chuyên gia an ninh châu Á đã từng nói: “Nhật Bản sẽ không bao giờ để Trung Quốc chiếm Đài Loan”.


New Delhi cũng đang dần thắt chặt quan hệ với Đài Loan, một phần vì họ công nhận Đài Loan, và khu vực này cũng ảnh hưởng đến sườn phía đông của Ấn Độ.



Như Cleo Paskal của Tổ chức Bảo vệ các nền Dân chủ nói với The National Interest , quan hệ giữa New Delhi và Đài Bắc đã ấm dần lên trong vài năm qua. Việc Trung Quốc xâm nhập lãnh thổ Ấn Độ ở Ladakh vào mùa xuân năm nay và cái chết của 20 binh sĩ Ấn Độ vào ngày 15 tháng 6 đã “đầu độc quan điểm” của chính phủ Ấn Độ về ĐCSTQ. Như Paskal lưu ý, “các nhà tư tưởng cấp cao hiện đang công khai nói về việc xem xét lại chính sách một Trung Quốc”.


Hơn nữa, các vụ tranh chấp đã đẩy Ấn Độ xích lại gần Mỹ và Nhật Bản, trong khi cả hai nước này đều ủng hộ Đài Loan. Khi các thành viên được gọi là "Bộ tứ" - Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hoa Kỳ - xích lại gần nhau hơn trong việc phòng thủ chung chống lại Trung Quốc, Đài Loan sẽ được hưởng lợi.


Ông Paskal đã chỉ ra rằng trên thực tế, đại diện của New Delhi tại Đài Bắc đã làm việc ở Mỹ và đã làm việc về các vấn đề của Bộ Tứ.


Dư luận phổ biến ở Ấn Độ ủng hộ động thái mạnh mẽ “rời khỏi Bắc Kinh”. Ví dụ, một lãnh đạo địa phương của Đảng Bharatiya Janata đã treo hàng trăm áp phích Ngày Quốc khánh Đài Loan bên ngoài đại sứ quán Trung Quốc ở New Delhi trong tuần này, gây ra sự phản đối từ Bắc Kinh và thúc đẩy làn sóng ủng hộ Đài Loan từ công dân Ấn Độ. Bộ Ngoại giao Ấn Độ gần đây đã tích cực ủng hộ các tình cảm thân Đài Loan ở Ấn Độ.


Trong khi Rick Fisher của Trung tâm Đánh giá và Chiến lược Quốc tế nói với The National Interest: “Sau 30 năm xây dựng và hiện đại hóa quân đội, Trung Quốc gần như đã sẵn sàng thực hiện một cuộc xâm lược”.


Tuy nhiên, như chuyên gia Gordon G. Chang - tác giả cuốn sách Sự sụp đổ sắp tới của Trung Quốc, khẳng định: “Trung Quốc có thể phát hiện ra rằng vào thời điểm Bắc Kinh sẵn sàng chiến tranh, Đài Loan sẽ có mối quan hệ bền chặt với những người bạn quyền lực, những người mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc lo sợ”.



© Thiện Nhân
    NTDVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad