Có hiệu trưởng trường đại học nào không phải là đảng viên? - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Tư, 11 tháng 11, 2020

Có hiệu trưởng trường đại học nào không phải là đảng viên?


Về lý thuyết, tự chủ đại học (cách dịch sát hơn: tự trị đại học – university autonomy, autonomie des universités) là quyền của cơ sở giáo dục đại học quyết định sứ mạng và chương trình hoạt động của mình, cách thức và phương tiện thực hiện sứ mạng và chương trình hoạt động đó, đồng thời tự chịu trách nhiệm trước công chúng và pháp luật về mọi quyết định cũng như hoạt động của mình.
Hình minh họa: Đại học quốc gia việt nam


Đây là hình thức quản trị thích hợp với những tổ chức không thuộc hệ thống hành chính (hệ thống có cấp trên cấp dưới; cấp dưới do cấp trên bổ nhiệm và phải làm theo quyết định của cấp trên).


Thông thường, tự chủ đại học bao gồm 4 khía cạnh: tự chủ về tổ chức, tự chủ về tài chính, tự chủ về học thuật và tự chủ về nhân sự.


Tự chủ đại học có nhiều mặt ưu điểm như giúp các trường đại học tháo gỡ được nhiều vướng mắc về quản lý nhà nước, về hoạt động của nhà trường, quản lý của bộ chủ quản. Tự chủ đại học là cơ hội để nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Quyền tự chủ đại học được thể hiện ở nhiệm vụ và quyền hạn của Luật như Hội đồng trường, Hiệu trưởng, Hội đồng quản trị, của cơ sở giáo dục, chương trình giáo dục, tuyển sinh, văn bằng, học phí, lệ phí tuyển sinh…


Tự chủ giúp các cơ sở giáo dục đại học có toàn quyền trong việc quyết định những vấn đề thuộc về học thuật như là chương trình, tài liệu giảng dạy, phương pháp sư phạm, kỹ thuật đánh giá thành quả học tập của sinh viên.


Tự chủ đại học cũng chính là sự tự do của cơ sở đào tạo trong việc sắp xếp và tổ chức các sự kiện, các mối quan hệ liên quan đến công việc lập kế hoạch, tổ chức và điều phối. Sự tự do trong công việc như vậy sẽ thúc đẩy sự năng động và sự phát triển của từng cá nhân và kéo theo đó là sự vững mạnh của cơ sở giáo dục đại học.


Đọc thêm »


Tuy nhiên tất cả những gì tốt đẹp ở trên, đối với Việt Nam thì gần như có một quy định ‘bất thành văn’: hiệu trưởng trường đại học phải là đảng viên, và một khi đã là đảng viên thì yêu cầu tiên quyết là phải tuân thủ những gì mà đảng đưa ra, bao gồm cả việc định hướng xã hội chủ nghĩa trong đào tạo giáo dục đại học.


Một dẫn chứng: Tại phiên chất vấn các thành viên Chính phủ ngày 9-11, đại biểu (ĐB) Quốc hội Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, đã đăng ký tranh luận về vấn đề xử lý kỷ luật ông Lê Vinh Danh (nguyên hiệu trưởng trường Đại học Tôn Đức Thắng). Nội dung này được ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) nêu ra tại buổi chất vấn ngày 6-11, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng đã tham gia trả lời một số nội dung liên quan.


Theo lời của ĐB Ngọ Duy Hiểu, sau một thời gian kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM đã kết luận về khuyết điểm, vi phạm của Đảng ủy Trường ĐH Tôn Đức Thắng và cá nhân ông Lê Vinh Danh – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường.


Trước những sai phạm nêu trên tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng, ngày 18-9-2020, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối đại học, cao đẳng TP.HCM đã ra quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách tất cả chức vụ trong Đảng đối với ông Lê Vinh Danh.


Ngày 21-8, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam ra Quyết định số 1228/QĐ-TLĐ tạm đình chỉ công tác 90 ngày đối với ông Lê Vinh Danh.


Chiều 23-10, Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức công bố các quyết định về công tác cán bộ tại trường ĐH Tôn Đức Thắng. Theo đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam thi hành quyết định kỷ luật đối với ông Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng trường ĐH Tôn Đức Thắng, bằng hình thức cách chức. Ông Lê Vinh Danh bị kết luật đã vi phạm Khoản 1, khoản 4, điều 12 Nghị định 27/2012/NĐ-CP ngày 6-4-2012 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức.


Dòng in nghiêng về lý do thi hành quyết định kỷ luật đối với ông Lê Vinh Danh, lẽ ra phải đến từ kết luận của tòa án tương ứng, chứ không phải từ nhận định của hai nơi đều nhân danh Đảng là Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM, và Ban Thường vụ Đảng ủy Khối đại học, cao đẳng TP.HCM.


Trích Nghị định 27/2012/NĐ-CP, “Điều 12. Cách chức


Hình thức kỷ luật cách chức áp dụng đối với viên chức quản lý có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau đây:


1. Không hoàn thành nhiệm vụ quản lý, điều hành theo sự phân công mà không có lý do chính đáng, để xảy ra hậu quả nghiêm trọng;


2. Sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được bổ nhiệm chức vụ;


3. Bị phạt tù cho hưởng án treo hoặc cải tạo không giam giữ;


4. Vi phạm ở mức độ nghiêm trọng quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn xã hội và các quy định khác của pháp luật liên quan đến viên chức”.


Có hai ý kiến: thứ nhất, Hiệu trưởng chính thức không còn là công chức mà là viên chức được cấp có thẩm quyền bổ nhiệm giữ chức vụ quản lý trường học hay còn gọi là viên chức quản lý. Quy định này nằm ở Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức 2019, chính thức có hiệu lực từ 01/7/2020.


Như vậy, nếu hành vi sai phạm được xác lập đối với hiệu trưởng Lê Vinh Danh, thì khi ấy là công chức Lê Vinh Danh, không phải là viên chức Lê Vinh Danh.


Thứ hai, nếu trên cương vị hiệu trưởng, ông Lê Vinh Danh đã có những hành vi vi phạm pháp luật, thì cần giải quyết ở cơ quan tòa án, kể cả đó là vi phạm với những ràng buộc nào đó của Đảng.


Hiến pháp 2013, Điều 4.3 ghi rằng, “Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.


Từ cách nhìn kể trên, cho thấy để thật sự có được tự chủ đại học, cần thiết chấm dứt sự can thiệp nhân danh Đảng vào quản trị đại học – trong đó bao gồm cả việc người được tín nhiệm là hiệu trưởng, có quyền không phải là đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam.


***


Người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập được xác định là công chức theo quy định của Luật cán bộ, công chức 2008 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành mà không còn là công chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019 và không thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 84 Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019, thì tiếp tục thực hiện chế độ, chính sách và áp dụng các quy định của pháp luật về cán bộ, công chức cho đến hết thời hạn bổ nhiệm giữ chức vụ đang đảm nhiệm.


Đồng thời, Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019 cũng bãi bỏ một số cụm từ tại các điều, khoản như sau:


– Bỏ cụm từ “, đơn vị sự nghiệp công lập của Nhà nước” tại khoản 4 Điều 66;


– Bỏ cụm từ “, đơn vị sự nghiệp công lập của Ủy ban nhân dân” tại khoản 5 Điều 66;


– Bỏ cụm từ “và đơn vị sự nghiệp công lập” tại khoản 6 Điều 66;


– Bỏ cụm từ “đơn vị sự nghiệp công lập,” tại khoản 1 Điều 70.


Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019 chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020.



© Mai Lan
    VNTB

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad