Bầu cử: bầu thật, bầu giả, và những chiếc tã mãi chưa thay - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Tư, 11 tháng 11, 2020

Bầu cử: bầu thật, bầu giả, và những chiếc tã mãi chưa thay


Khác biệt giữa “bầu thật – bầu giả”, và cách tốt nhất để người Việt được “thay tã”.
Hình minh họa:


Trong suốt vài tuần qua, mối quan tâm của người Việt Nam đối với cuộc bầu cử tại Mỹ vượt xa bận tâm của họ đối với các cuộc bầu cử đang diễn ra tại chính đất nước mình.


Vì sao lại có chuyện như vậy?


Một trong những lý giải phổ biến là vì bầu cử ở Việt Nam, dưới thể chế độc đảng kết hợp cùng nguyên tắc “đảng cử dân bầu”, chỉ là một trò diễn không hơn không kém. Người dân không có quyền lựa chọn thật sự.


Bầu giả, bầu thật


Trong cuốn “Chính trị bình dân”, tác giả Đoan Trang đã dành ra một chương trong phần Tương tác chính trị để giải thích những điểm cốt yếu của bầu cử, cùng với đó là cách thức phân biệt giữa


Để phân biệt được thật-giả, trước hết phải biết “bầu cử” là gì.



Theo định nghĩa của Đoan Trang, “bầu cử trong chính trị là một tiến trình ra quyết định tập thể, nhờ đó và thông qua đó, người dân chọn ra được một cá nhân để nắm giữ một cương vị quản lý nhà nước”.


Nhưng vì sao lại phải làm việc đó? Lý do liên quan đến một khái niệm cơ bản khác, đó là “dân chủ”. Khái niệm này được tác giả Đoan Trang dành hẳn một phần (III) trong sách để giải thích.


Đọc thêm »


“Dân chủ”, như định nghĩa của Philippe C. Schmitter và Terry Lynn Karl, là “một hệ thống quản trị (đất nước), trong đó, nhà cầm quyền phải chịu trách nhiệm – về tất cả các hoạt động của họ thuộc địa hạt công cộng – trước công dân, và công dân thực thi điều đó một cách gián tiếp thông qua, hay là nhờ có sự cạnh tranh và hợp tác giữa những người đại diện cho họ, do họ bầu ra”.


Từ khóa quan trọng nhất tại đây, như tác giả Đoan Trang chỉ ra, là “cạnh tranh”.


Cạnh tranh là thứ tất yếu của một nền dân chủ. Các cá nhân cạnh tranh với nhau để được người khác trao quyền. Có cạnh tranh thì mới có lựa chọn. Và để lựa chọn thì người ta phải đi bầu.


Nói cách khác, việc bầu cử chỉ có ý nghĩa khi có sự cạnh tranh.


Từ điểm này, chúng ta có thể thấy sự vô nghĩa của các hoạt động bầu cử ở những thể chế độc tài, nơi đảng cầm quyền không cần phải cạnh tranh với bất kỳ ai cho vị trí lãnh đạo.


Không cạnh tranh với ai thì bầu làm gì?


Bạn có thể sẽ đặt câu hỏi: thế vì sao trong các thể chế độc tài, đảng cầm quyền vẫn cứ phải phí công phí sức phí tiền bạc của nhân dân để tổ chức bầu cử làm gì?


Đó là để tạo “tính chính danh”. Như đã nhắc đến trong bài viết đầu tiên, tính chính danh “là niềm tin phổ biến của các thành viên trong một xã hội rằng quyền lực của chính quyền hay đảng cầm quyền là đúng, chính đáng, hợp lý, hợp pháp, và vì thế dân chúng phải phục tùng”. Tạo tính chính danh là một trong sáu chức năng cơ bản của bầu cử được tác giả Đoan Trang giới thiệu, theo lý thuyết của Andrew Heywood.


Với chức năng này, theo tác giả Đoan Trang, bầu cử “rất dễ và gần như luôn luôn bị các chính quyền độc tài hoặc phi dân chủ lợi dụng để “làm màu”, trang điểm cho mình, để nhận rằng ta đây cũng dân chủ”. Các màn kịch bầu cử “tạo cho người dân ảo tưởng rằng họ đang thực thi quyền “làm chủ” của mình đối với chính quyền”.


Những cuộc bầu cử trong thể chế độc tài về bản chất là những màn trình diễn. Chúng không đảm bảo hai tiêu chí làm nên giá trị của bầu cử, đó là “tự do” và “công bằng”.


Bầu cử tự do là khi “người đi bầu có quyền và có cơ hội được chọn lựa. Bầu cử công bằng là khi “các quy tắc, luật lệ được áp dụng bình đẳng cho tất cả các bên, và nguồn lực cần thiết được phân bổ hợp lý – bình đẳng, hoặc không quá bất bình đẳng – giữa tất cả các đối thủ trong bầu cử”.



Do khác biệt về hệ thống chính trị và luật pháp, các nước trên thế giới đều có những hệ thống bầu cử khác nhau. Tuy nhiên, để đảm bảo bầu cử tự do và công bằng, người ta có những nguyên tắc chung như sau:


– Bầu cử phải thường xuyên


– Cử tri phải có sự lựa chọn


– Người dân phải được tự do tiến cử ứng viên


– Các bên phải được tự do cạnh tranh


– Phổ thông đầu phiếu


– Mọi lá phiếu đều quan trọng như nhau


– Chính xác, trung thực, độc lập, minh bạch Bầu cử ở Việt Nam có đảm bảo những nguyên tắc tự do và công bằng không?


Câu trả lời ngắn gọn là “không”.


Ở đây, người viết liệt kê ra một số vấn đề chính mà tác giả Đoan Trang đã phân tích.


    1. Không có lựa chọn thật sự


Bầu cử ở Việt Nam được thực hiện trên cơ sở “Đảng cử, dân bầu”. Vấn đề ở đây là cả nước chỉ có mỗi một đảng, và tiến trình bầu cử không cho cử tri có sự lựa chọn nào. Công dân không được thành lập đảng phái, không được tự đề cử ứng viên.


Đây là căn nguyên của tất cả các vi phạm về nhân quyền trong tiến trình bầu cử.



    2. Không thừa nhận ứng viên độc lập


Luật về bầu cử của Việt Nam không có quy định về ứng viên độc lập, mà chỉ tập trung vào các “ứng viên Đảng cử”, những người nằm trong các tổ chức của đảng Cộng sản.


Ngoài ra, các kỳ bầu cử ở Việt Nam còn xuất hiện một loại “ứng viên độc lập giả hiệu” – những người được Mặt trận Tổ quốc các cấp bố trí để “tự ứng cử” vào Quốc hội và Hội đồng Nhân dân với tư cách độc lập.


Mục đích của việc này là để đánh lừa dư luận trong và ngoài nước, rằng Việt Nam có chỗ cho những người tự ứng cử.


    3. Mẫu không đại diện cho dân số


Trên thực tế, tuyệt đại đa số những ứng viên độc lập thật sự tại Việt Nam đều “chết” ngay từ vòng hội nghị lấy ý kiến cử tri.


Các cuộc họp này thường có sự xuất hiện của những cử tri nhiều tuổi, học vấn thấp và chẳng biết gì về ứng viên. Hậu quả là, họ chỉ tập trung vào tấn công cá nhân thay vì đưa ra các đánh giá công bằng và duy lý.


Đa phần những hội nghị cử tri kiểu này đều diễn ra theo phong cách đấu tố như thời Cải cách ruộng đất ở miền Bắc Việt Nam vào những năm 1940-50, với những lý do gạt bỏ ứng viên độc lập đều theo kiểu trời ơi đất hỡi như “ra đường gặp hàng xóm không chào”, “lười đi họp tổ dân phố”, “xấu trai, ngoại hình không đủ để làm đại biểu Quốc hội”…


Trong mọi trường hợp, mẫu chọn là quá nhỏ, không đại diện được cho số dân, và trình độ, năng lực đánh giá của các cử tri được chọn sẵn đó là rất đáng ngờ.


    4. Không công nhận các cơ quan giám sát và thực thi độc lập


Cuộc bầu cử bất công ngay từ khâu tổ chức, khi ban tổ chức – Hội đồng bầu cử quốc gia – có 100% thành viên là người của đảng Cộng sản.



Bên cạnh đó, không một luật nào đề cập đến các cơ quan hành pháp và giám sát độc lập, hay một cơ chế nào để độc lập theo dõi và giám sát quá trình bầu cử.


    5. Kiểm phiếu không minh bạch


Không ai trong quần chúng có thể biết công việc kiểm phiếu diễn ra như thế nào, ai là người đếm và cách đếm, cách tính kết quả ra sao.


    6. Truyền thông thiên vị


Truyền thông dưới bàn tay nhào nặn của chính quyền không có cách nào đảm bảo sự chính xác, trung lập và công bằng trong việc đưa tin về bầu cử.


Báo chí bị ngăn cản tiếp xúc với ứng cử viên độc lập, nhất là những người có xu hướng bất đồng chính kiến hoặc ủng hộ dân chủ-nhân quyền. Các sản phẩm báo chí bị kiểm duyệt chặt chẽ.


***


Vì những lý do trên, bầu cử ở Việt Nam không phải thứ bầu cử tự do và công bằng thật sự, và do đó, nó không đem lại cho người dân một sự lựa chọn có ý nghĩa nào.


Hay chính xác hơn, người dân hoàn toàn không có quyền lựa chọn.


Một ví dụ minh họa cho việc này là quá trình bỏ phiếu tín nhiệm của các đại biểu Quốc hội đối với lãnh đạo chính phủ và nhà nước. Các đại biểu có ba lựa chọn: tín nhiệm cao, tín nhiệm, và tín nhiệm thấp.


Nghĩa là chạy trời không khỏi nắng: kiểu gì cũng phải “tín nhiệm” các lãnh đạo tài cao đức trọng của đất nước.


Đó sẽ là một trong vô số các chuyện thật như đùa mà thế hệ tương lai biết về thời đại có một không hai này của nước Việt. Nhưng với người Việt hiện tại, những chuyện cười ra nước mắt đó chỉ thêm khiến họ càng nhìn ra cơ chế bầu cử lựa chọn của chính quyền độc tài vô nghĩa và vô sỉ đến mức nào.


Sẽ vẫn luôn có những người phản pháo, rằng ngay cả ở các thể chế dân chủ nhất thế giới, trong những cuộc bầu cử được đánh giá là tự do và công bằng nhất, người dân cũng đâu được đảm bảo sẽ chọn ra những nhà lãnh đạo tốt thật sự?


Đó là sự thật, nhưng chỉ là kiểu sự thật he hé của những ai cả đời không dám ló đầu ra khỏi cái giếng khô của mình.


Về bản chất, cạnh tranh trong chính trị không mấy khác biệt so với cạnh tranh trong kinh tế.


Có nhiều nhà sản xuất mì gói không có nghĩa là tất cả sản phẩm mì gói trên thị trường đều có chất lượng. Nó cũng không đồng nghĩa ta sẽ luôn lựa chọn được gói mì tốt nhất cho mình.


Nhưng nếu thị trường chỉ có một nhà sản xuất độc quyền làm mì gói, thì có thể chắc chắn cả đời chúng ta, và cả đời con cháu của chúng ta, đều sẽ phải ăn mãi một thứ mì nhão nhão nhợt nhợt, vô hương vô sắc vô vị và thậm chí, ăn vào cũng thành “vô tri” (bỏ vô miệng xong cũng chẳng biết đã ăn chưa và có gì khác biệt).


Ví dụ này không thật sự chính xác, vì không ăn mì gói ta vẫn có thể chọn ăn thứ khác.


Nhưng sẽ ra sao khi thị trường thực phẩm chỉ có đúng một lựa chọn duy nhất là mì gói, và lại còn là thứ mì dở tệ như trên? Ta chỉ có hai “lựa chọn”: hoặc ăn mì gói hoặc chết đói.


Nếu bạn cho đó là điều vớ vẩn không bao giờ xảy ra, hãy dành thêm một vài giây suy nghĩ. Đó chính là bức tranh thực của “thị trường bầu cử” mà người Việt Nam đã phải chịu đựng bấy lâu nay.


***


Trong cuốn “Chính trị bình dân”, tác giả Phạm Đoan Trang có dẫn lại câu nói đùa bên phương Tây, rằng chính trị gia cũng như tã lót, và người ta phải thay nó thường xuyên. (Nguyên văn: “Politicians are like diapers. They should be changed regularly.”)


Bầu cử là cách hiệu quả nhất để “thay tã”. Với kiểu bầu cử ở Việt Nam, người dân đã bị buộc phải mặc một thứ tã lót duy nhất suốt vài chục năm qua mà không hề có cơ hội được thay.



© Y Chan
    Luật Khoa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad