Nữ tu quỳ gối ngăn cảnh sát và ‘‘cuộc chiến bất bạo động’’ ở Miến Điện - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Chủ Nhật, 14 tháng 3, 2021

Nữ tu quỳ gối ngăn cảnh sát và ‘‘cuộc chiến bất bạo động’’ ở Miến Điện


Xơ Ann Rose Nu Taung quỳ xuống để ngăn cảnh sát tấn công người biểu tình, thành phố Myitkyina, ngày 08/03/2021. via REUTERS - MYITKYINA NEWS JOURNAL


Nhấp vào nút play (►) dưới đây để nghe



Hình ảnh người nữ tu sĩ quỳ gối cầu xin cảnh sát Miến Điện, chặn đứng một đợt tấn công nhắm vào người biểu tình, ngày 08/03/2021, lan tỏa khắp thế giới, trở thành một « biểu tượng mới của cuộc chiến bất bạo động » tại Miến Điện, trong lúc các vụ đàn áp đẫm máu của chính quyền quân sự bị lên án ngày càng mạnh mẽ trong công luận.


Phiên tòa xử vụ viên cảnh sát da trắng, bị cáo buộc gây ra cái chết của người da đen George Floyd ở Mỹ, mở màn với khâu tuyển chọn khắt khe 12 thành viên bồi thẩm đoàn. Người giàu nhất Trung Quốc, theo bảng xếp hạng thường niên Hurun vừa công bố, gần như không được bên ngoài biết đến cách đây một năm. Kỉ niệm 20 năm hai tượng Phật khổng lồ bị quân Taliban phá hủy. Trên đây là các chủ đề chính mục Tạp chí Thế giới Đó đây tuần này.


Bạo lực và lòng trắc ẩn


Ngày 08/03/2021, tại thành phố Mytikyina, bắc Miến Điện, xơ Ann Roza Nu Thawng, 45 tuổi, tu sĩ dòng Phanxicô Xaviê không có ý định biểu tình. Nhìn thấy cảnh đám đông hoảng loạn trốn chạy cảnh sát bắn đuổi, bà quyết định can thiệp. Xơ Ann đến trước nhóm cảnh sát đang tấn công, quỳ xuống và kêu gọi họ bắn vào bà, nếu muốn, nhưng hãy tha cho những người biểu tình trẻ tuổi.



Nhiều người quan sát có mặt tại chỗ cho biết, nhóm cảnh sát đã sững sờ dừng tay. Một viên cảnh sát quỳ xuống, một cảnh sát khác chắp tay. Không khí chùng lại trong vòng vài phút. Ngay sau đó tiếng lựu đạn lại vang lên, súng tiếp tục nổ. Tuy nhiên, trong thời gian ít phút đối thoại giữa xơ Ann và cảnh sát, nhiều người biểu tình đã có đủ thời gian trốn thoát, các xơ có thời gian đưa được nhiều người biểu tình, trong đó có nhiều người bị thương, vào tu viện gần đó.


Hình ảnh bà xơ quỳ trước cảnh sát, đánh động lòng trắc ẩn của những người cầm súng, xin tha mạng người biểu tình, đã lan truyền trên mạng Internet. Nhiều người coi đây là một biểu tượng mới của cuộc tranh đấu bất bạo động chống chế độ độc tài quân sự tại Miến Điện. Hôm đó, tại thành phố Myitkyna đã có ít nhất hai người chết vì đạn của lực lượng an ninh. Nếu xơ Ann không can thiệp, số người thiệt mạng có thể đã nhiều hơn.


Hành động xả thân của xơ Ann Roza Nu Thawng vào cái ngày hôm đó hoàn toàn không phải là bột phát. Ngày 28/02, cũng tại thành phố Myitkyna, vị nữ tu dòng Phanxicô Xaviê này lần đầu tiên chặn đường tiến của một đoàn cảnh sát, vũ trang đầy mình. Vào thời điểm đó, nhiều người đã so sánh hành động quả cảm của xơ với bức hình nổi tiếng người sinh viên Trung Quốc đứng chắn đoàn xe tăng trên quảng trường Thiên An Môn năm 1989, sau vụ thảm sát. Trả lời báo Pháp, xơ Ann cho biết : « với tư cách một người tu hành, tôi cầu nguyện hàng ngày cho hòa bình. Nhưng với tư cách một công dân, tôi hiểu rằng cầu nguyện là không đủ. Cần phải hành động ».


Thái độ dè dặt của Giáo hội Công giáo


Cộng đồng Công giáo Miến Điện vốn có thái độ rất thận trọng sau cuộc đảo chính. Hội đồng giám mục Công giáo Miến Điện (CBCM) cầu nguyện cho hòa bình, nhưng cũng đồng thời ra thông báo cấm tất cả các linh mục, tu sĩ, chủng sinh tham gia biểu tình, « với các biểu tượng Công giáo, hay nhân danh các tổ chức Công giáo ». Các linh mục, tu sĩ có quyền tham gia biểu tình, nhưng chỉ với tư cách cá nhân. Tuy nhiên, theo báo Công giáo Pháp La Croix, bất chấp lệnh cấm, nhiều chức sắc tôn giáo đã chính thức tuyên bố ủng hộ phong trào chống đảo chính.


Trên thực tế, hành động của người Công giáo chủ yếu mang tính biểu tượng tại một quốc gia mà tín đồ Công giáo chỉ chiếm khoảng 1% dân số Miến Điện. Thái độ của giới sư tăng mới có ý nghĩa quyết định trong cuộc đối đầu hiện nay giữa tập đoàn quân sự với đông đảo người dân chống đảo chính. Khác với cộng đồng Công giáo, sư tăng Phật giáo phân hóa khá rõ, giữa một bên là nhiều tổ chức Phật giáo lớn, và sư tăng « dân tộc chủ nghĩa » hậu thuẫn tập đoàn quân sự, và bên kia là khá đông đảo sư tăng công khai ủng hộ phong trào đòi khôi phục chính phủ dân sự.


Trong những ngày gần đây, trong bối cảnh đàn áp ngày càng đẫm máu, áp lực gia tăng đối với thành phần sư sãi giữ thái độ im lặng. Dường như trong nhóm sư sãi giữ im lặng, đã có một số thay đổi. Theo trang mạng độc lập Irrawaddy, cao tăng Sitagu Sayadaw – một nhà sư có ảnh hưởng rất lớn trong xã hội Miến Điện, có quan hệ gần gũi với lãnh đạo tập đoàn quân sự - sau hơn một tháng im lặng, đầu tháng Ba này cũng lần đầu tiên kêu gọi chính quyền quân sự ngừng bắn giết người biểu tình.


Lo bạo loạn sau vụ án George Floyd, bồi thẩm đoàn được tuyển chọn khắt khe



Gần 10 tháng sau cái chết của người da đen George Floyd tại thành phố Minneapolis, bang Minnesota, Hoa Kỳ, sau khi bị cảnh sát chẹn cổ, việc xét xử bắt đầu từ ngày 09/03/2021. Giai đoạn đầu tiên được coi là có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Trong vòng ba tuần lễ, ban giám khảo sẽ sát hạch các ứng viên để chọn ra 12 thành viên bồi thẩm đoàn. Vì sao trong vụ xử án này, bồi thẩm đoàn phải được lựa chọn nghiêm ngặt đến như vậy ? Trả lời RFI, nhà sử học François Durpaire, chuyên gia về Hoa Kỳ giải thích :


« Việc lựa chọn các thành viên thuộc bồi thẩm đoàn là có ý nghĩa quyết định. Chúng ta có thể dẫn lại một ví dụ mang tính lịch sử. Ngày 29 tháng 4 năm 1992, bốn cảnh sát da trắng đã được xử trắng án trong vụ hành hung người thành niên da đen Rodney King. Bồi thẩm đoàn vụ này bao gồm 10 bồi thẩm da trắng, một người gốc châu Á, và một người Mỹ Latinh. Không có người Mỹ da đen nào trong bồi thẩm đoàn. Quyết định của phiên tòa hôm đó bị những người Mỹ da đen cho là bất công, họ cho rằng đã không có người Mỹ da đen nào trong bồi thẩm đoàn đại diện cho quan điểm của họ. Đã có 50 người chết, 250 người bị thương, và 6 ngày biểu tình, nổi dậy trên đường phố, sau khi phán quyết đưa ra. Ai cũng nhớ đến vụ nổi loạn Los Angeles, không ai muốn kịch bản này tái diễn ».


Theo tường trình của thông tín viên Eric de Salve của RFI từ Minneapolis, « trong ngày mùng 9 tháng Ba này, 9 người ứng cử vào bồi thẩm đoàn đã trải qua vòng sát hạch của các luật sư, nhưng chỉ có 3 người được chấp nhận giữ lại, để tham gia vào bồi thẩm đoàn, có sứ mạng quyết định bản án dành cho viên cảnh sát Derek Chauvin, sau khi thuyết phục được ban giám khảo rằng họ có quan điểm không thiên vị ».


Người đầu tiên trong số ba thành viên bồi thẩm đoàn đầu tiên được lựa chọn gồm một dược sĩ, người da trắng. Vị dược sĩ cho biết ông ủng hộ việc cải cách lực lượng cảnh sát, và bảo đảm chưa bao giờ coi đoạn video quay lại cảnh George Floyd bị cảnh sát chẹn cổ. Người thứ hai được lựa chọn là một phụ nữ da màu, có người bác làm sĩ quan cảnh sát. Bà cho biết rất muốn tham gia bồi thẩm đoàn, cam kết sẽ không thiên vị, và bảo đảm chỉ mới xem đoạn video có một lần. Người thứ ba được lựa chọn có bạn là một cảnh sát ở thành phố Minneapolis. Người này thú nhận đã có một hình ảnh tiêu cực về viên cảnh sát, nhưng hứa sẽ xem xét các diễn biến sự việc với quan điểm trung lập.


Theo luật sư của bên bị cáo, nguyên nhân dẫn đến tử vong là do nạn nhân dùng ma túy, và viên cảnh sát Derek Chauvin không chịu trách nhiệm về cái chết của người da đen này, dù chính anh ta là người đã chẹn cổ nạn nhân trong nhiều phút liền. Cho đến nay, cảnh sát Mỹ hiếm khi bị truy tố vì tội sử dụng sức mạnh thái quá, và lại càng ít bị kết án trong các vụ án kiểu này.


Đối với ban giám khảo, cuộc sát hạch để chọn bồi thẩm đoàn này là đầy thách thức. Bởi, làm thế nào tìm được 12 bồi thẩm có quan điểm không thiên vị, trong lúc vụ George Floyd đã gây chấn động nước Mỹ. Công luận Mỹ bị phân hóa sâu sắc về vụ án này. Cái chết của người da đen, khiến bạo động bùng lên ở nhiều thành phố Hoa Kỳ, một lần nữa nhắc lại đối với một bộ phận đông đảo dân chúng về tình trạng kỳ thị chủng tộc và bạo lực cảnh sát còn nặng nề tại Mỹ.


Bị cáo Derek Chauvin hiện tại bị truy tố tội « giết người ở cấp độ hai », với án phạt tối đa là 40 năm tù. Phán quyết dự kiến sẽ được đưa ra vào cuối tháng 4.


Đại tỉ phú nước khoáng: « Giấc mộng Trung Hoa » dưới sự dẫn dắt của Đảng



Đầu tháng 3/2021, khi danh sách những người giàu nhất Trung Quốc được công bố, vị trí đầu bảng gây ngạc nhiên. Với tài sản hơn 70 tỉ đô la, đại tỉ phú Chung Thiểm Thiểm (Zhong Shanshan), 65 tuổi, được xác nhận là người giầu nhất Trung Quốc, và cũng là người giầu nhất châu Á. Báo chí chính thức Trung Quốc giới thiệu đại tỉ phú Chung Thiểm Thiểm như một mô hình thành công hoàn toàn trái ngược với Mã Vân (Jack Ma).


Đại gia họ Chung không dựa vào công nghệ số, mà làm giàu nhờ kinh doanh nước « sạch », trong bối cảnh các nguồn nước tại Trung Quốc bị ô nhiễm nghiêm trọng, và đông đảo người dân không tin tưởng vào hệ thống nước công cộng. Thông tín viên Stéphane Lagade từ Bắc Kinh chỉ ra những điểm khác và điểm giống giữa hai đại tỉ phú Trung Quốc :


« Nước làm nên khối tài sản lớn cho một con người, mà mới đây còn chưa được biết đến ngoài Trung Quốc, trước khi nhãn mác nước tinh khiết đóng chai nổi tiếng của đại gia này được đưa lên sàn chứng khoán Hồng Kông tháng 9 năm ngoái.


Ngược với Mã Vân (Jack Ma), ông Chung Thiểm Thiểm là một người kín đáo, tránh xuất hiện trước công chúng. Và thành công nhân vật này hoàn toàn không do công nghệ số. Không phải là nhờ thương mại điện tử, không phải nhờ công nghệ cao, đây là một sản phẩm rất bình thường, và đồng thời cũng rất thiết yếu, tại một quốc gia mà mọi người không dùng nước vòi để uống. Trong vòng 25 năm, các chai nước suối nổi tiếng mang nhãn hiệu Nông Phu Sơn Tuyền (Nongfu Spring), với nút chai màu đỏ, quen thuộc với mọi người dân Trung Quốc, đã chinh phục hơn một phần tư thị trường nước khoáng quốc gia.


Trên đây là những điểm khác biệt. Còn về các điểm chung với tỉ phú Mã Vân, ‘‘ông vua nước khoáng’’ cũng là một tay tiếp thị có hạng. Khi tập trung đầu tư vào món hàng nước tinh khiết, Chung Thiểm Thiểm đã không lưỡng lự tung ra các thông tin dối trá, khi cáo buộc nước lọc có hại cho sức khỏe. Theo truyền thông Trung Quốc, các đối thủ đã kiện Chung Thiểm Thiểm, và tỉ phú này đã thua kiện. Một điểm chung khác với Mã Vân là trụ sở của Chung Thiểm Thiểm cũng nằm ở thành phố Hàng Châu, gần Thượng Hải.


Và cũng giống như người sáng lập tập đoàn Alibaba, Chung Thiểm Thiểm là một self made man – người tự thân lập thân. Chung Thiểm Thiểm hoàn toàn thuộc mẫu người theo mô hình ‘‘giấc mộng Trung Hoa’’của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.


Đã hai lần Chung Thiểm Thiểm thử thi vào trường đại học, nhưng không thành công. Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, tỉ phú tương lai này đã từng làm nghề thợ xây, thợ mộc, bán đồ uống, và thậm chí là phóng viên. Nhưng Chung Thiểm Thiểm cũng là người đặc biệt thính nhạy trên thương trường, biết tận dụng cơ hội của khủng hoảng y tế. Bên cạnh món nước tinh khiết, một trụ cột khác của khối tài sản khổng lồ của tỉ phú họ Chung là tập đoàn sinh dược phẩm Dưỡng Sinh Đường (Yangshengtang Group). Vào năm ngoái, tập đoàn này đã đầu tư vào thị trường xét nghiệm Covid-19 béo bở.


Tuy nhiên, cảm giác thính nhậy trong làm ăn không đủ để bảo đảm là Chung Thiểm Thiểm không bị mất lái. Tỉ phú này - nổi tiếng là một ‘‘con sói đơn độc’’ với tính cách mạnh mẽ - phải chấp nhận không vượt quá các giới hạn do Đảng đặt ra. Nếu không, tương tự như Mã Vân, một giọt nước cũng có thể làm tràn ly ».



Kỉ niệm 20 năm tượng Phật khổng lồ theo "phong cách Hy Lạp" bị phá hủy


Cách đây 20 năm, lực lượng Taliban ở Afghanistan đã đặt mìn làm nổ tung hai tượng Phật khổng lồ trên vách đá vùng Bamiyan, có tuổi đời hơn 15 thế kỉ. Vụ phá hủy diễn ra 6 tháng trước cuộc tấn công nhắm vào tòa tháp đôi ở New York, ngày 11/09/2001.


Vụ hủy diệt hai bức tượng Phật khổng lồ, sản phẩm của sự gặp gỡ giữa các nền văn minh xưa, khiến cộng đồng quốc tế thức tỉnh trước nguy cơ các di sản văn hóa nhân loại bị tấn công. Năm 2003, các thành viên UNESCO thông qua Tuyên bố liên quan đến các hành động cố ý hủy diệt di sản văn hóa. Cũng năm 2003, vùng thung lũng Bamiyan với các di tích khảo cổ được UNESCO xếp vào danh sách Di sản Văn hóa nhân loại.


Nằm ở độ cao 2.500 mét trên mặt biển, vùng núi Bamiyan với phong cảnh hùng tráng nằm trên giao lộ giữa Ấn Độ, Trung Á và Iran. Theo các nhà lịch sử nghệ thuật, hai bức tượng Phật khổng lồ, cao 38 và 53 thước, được chế tác vào thế kỉ VI và thế kỉ VII, tại một khu vực được coi là nơi ẩn dật của giới tu sĩ. Dọc theo vách đá Bamiyan, có khoảng 700 hang động của các ẩn sĩ. Hai bức tượng khổng lồ, theo nghệ thuật Phật giáo theo phong cách Hy Lạp, cũng từng là một trung tâm lớn của « Phật giáo phương Tây », nơi hành hương của Phật tử trong nhiều thế kỉ, và cũng là một chặng dừng quan trọng trên con đường Tơ lụa nối liền Trung Quốc với Ấn Độ.


Kể từ đó đến nay, trong chiến tranh tại Trung Cận Đông hay châu Phi, nhiều di sản văn hóa lớn tiếp tục bị hủy diệt. 20 năm kỉ niệm ngày hai bức tượng Phật theo phong cách Hy Lạp bị phá hủy cũng là dịp để UNESCO nhấn mạnh đến việc bảo tồn các di sản văn hóa nhân loại như một mệnh lệnh sống còn.


Nếu để mặc các di sản tinh hoa bị hủy hoại, nhân loại chúng ta sẽ không có tương lai. Bởi các di sản văn hóa chính là kết tinh cho những nỗ lực bền bỉ từ bao đời nay, của các xã hội, các nền văn hóa, để hướng đến xây dựng một cộng đồng nhân loại.


   Mời xem thêm »



© Trân Văn
    RFI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad