Công luận Hungary phẫn nộ vì dự án thiết lập ngay tại thủ đô Budapest một công cụ gây ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc. Công trình xây dựng bằng tiền của Hungary nhưng sẽ do một do một tập đoàn Trung Quốc khét tiếng là tham nhũng thực hiện. Hungary có nguy cơ trở thành "thuộc địa" của Trung Quốc tại châu Âu với dự án xây dựng phân hiệu đại học Phục Đán.
Chiều 05/06/2021 hàng chục ngàn người Hungary biểu tình tại thủ đô Budapest để phản đối dự án thiết lập phân hiệu của Đại học Phục Đán. Đầu tháng 5/2021, tại quận 9 Budapest, quận trưởng Baranyi Krisztina đã quyết định đặt tên mới cho 4 đường phố - nhằm vào các vi phạm nhân quyền của Trung Quốc - trong các hồ sơ đàn áp tôn giáo và chủng tộc. Những cái tên đường như Đạt lai Lạt ma, Hồng Kông Tự Do, các tử sĩ Duy Ngô Nhĩ hay giám mục Tạ Sĩ Quang (Xie Shiguang) đã xuất hiện trên mạng Google và được truyền thống quốc tế đồng loạt đăng tải.
Trung Quốc xây đại học ở thủ đô Budapest bằng tiền của Hungary
Hai động thái dồn dập này đều nhằm chỉ trích gay gắt một dự án mới của chính phủ Hungary hợp tác với Trung Quốc, trên bề mặt là giáo dục, đào tạo, nhưng đã gặp phải sự phản đối rất mạnh về nhiều mặt của công luận Hung và cả sự quan ngại của Liên Âu. Trong cuộc biểu tình, thị trưởng Karácsony Gergely đã gọi dự án Phục Đán là "sự tự sát cuối cùng và hoàn toàn về mặt đạo đức của FIDESZ".RFI : Dự án này của liên minh cầm quyền Hungary là thế nào, và tại sao nó lại bị công luận Hungary phản đối dữ dội như vậy?
Hoàng Nguyễn : Đại học Phục Đán (Thượng Hải) năm 2019 được xếp hạng 34 trong số các đại học xuất sắc nhất thế giới, là một cơ sở giáo dục khổng lồ, được coi là "tinh hoa" của Trung Quốc. Các thông tin sơ bộ của giới ký giả điều tra Hungary cho biết, chính phủ Hung đã ngấm ngầm chuẩn bị ký kết với phía Trung Quốc, để xây dựng phân hiệu đầu tiên ở châu Âu, tại Budapest, của đại học này, với tổng đầu tư hơn 1,5 tỷ euro.
Đáng quan ngại là chi nhánh này - dự án lớn nhất của nền giáo dục đại học Hungary trong vòng mấy chục năm qua - có thể coi như một sự đầu tư của Trung Quốc, chủ yếu là bằng nguồn tín dụng Trung Quốc và sẽ được khởi công bởi một tập đoàn quốc doanh Trung Quốc trong quá khứ khét tiếng tham nhũng và gián điệp. Kinh phí xây phân hiệu Phục Đán tương đương với toàn bộ ngân sách cho hệ thống giáo dục đại học Hungary năm 2019.
Điều khiến cư dân Hungary bất bình là cơ sở của Phục Đán với tổng diện tích 500.000m2, theo những thông tin được "bạch hóa", dường như chiếm phần chủ yếu trên một khuôn viên vốn được dành cho một dự án mang tên "Thành phố Sinh viên". Dự tính, đó là một khu học xá phức hợp, hiện đại, tạo điều kiện học tập, sinh hoạt cho gần 15 ngàn học sinh Hungary, đặc biệt là sinh viên đến từ các tỉnh, thành ngoài thủ đô.
Báo chí độc lập Hungary, từ rất sớm, đã nhanh chóng chỉ ra nhiều điểm đáng quan ngại, tập trung ở khía cạnh Hung vung tiền để Trung Quốc bành trướng. Không chỉ là một đại học "tinh hoa", Phục Đán còn là công cụ gây ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc như một thứ "quyền lực mềm". Hiến chương Phục Đán, phần về tự do tư tưởng và nghiên cứu, năm 2019 bị thay bằng lời thề trung thành với đảng Cộng Sản.
Bên cạnh đó, là tác nhân quan trọng của "Một vành đai - Một con đường" tập đoàn quốc doanh độc quyền xây dựng chi nhánh Budapest vốn bị coi là một ổ tham nhũng và từng có hoạt động gián điệp tại châu Phi. Là trung tâm đào tạo "tinh hoa" của đảng Cộng Sản Trung Quốc, Phục Đán còn hợp tác với tình báo, vận hành cơ sở đào tạo gián điệp riêng và có tối thiểu 25% số giảng viên và sinh viên của trường là đảng viên.
Hungary đang trở thành "thuộc địa" của Trung Quốc tại châu Âu
RFI : Phải chăng, qua động thái mới này, Trung Quốc tiếp tục coi Hungary như một "đầu cầu" để bắt rễ vào Liên Âu ?Hoàng Nguyễn : Hơn 10 năm gần đây, việc Budapest ngày càng tỏ ra thân thiện với chính quyền Bắc Kinh và ngày càng trở thành một thứ "con ngựa gỗ thành Troie" cho những ý đồ gây ảnh hưởng, xâm lấn và lobby (vận động hành lang) của nước này về chính trị, kinh tế, xã hội vào châu Âu, đã là điều luôn đặt Budapest trong tầm ngắm của Liên Âu. Đây là một phần chính sách ngoại giao "Hướng Đông" của nội các Orbán Viktor, chủ trương "làm bạn" với Nga và Trung Quốc.
Chính phủ Hungary biện minh cho đường lối này, là cần mở rộng và "phong phú hóa" các mối quan hệ, bên cạnh mối quan hệ với Bruxelles vẫn thường xuyên bị Budapest chê bai và chỉ trích là "già cỗi, trì trệ, quan liêu, độc đoán, không bảo vệ lợi ích của các quốc gia", v.v... Các thương vụ với Nga và Trung Quốc được xem là đơn thuần chỉ là làm ăn, phi chính trị, và họ đã chiến thắng Chủ Nghĩa Cộng Sản thì cũng không sợ gì Bắc Kinh.
Tuy nhiên, cội rễ của mối hiểm nguy sâu xa hơn ở chỗ, càng ngày Hungary càng tỏ ra xa rời với các giá trị cốt lõi của Liên Âu khi nước này "một mình một ngựa", liên tục phủ quyết các tuyên bố chung lên án những vi phạm nhân quyền, bách hại chủng tộc, tín ngưỡng của Trung Quốc. Không còn đơn thuần là vấn đề tài chính, khi nước này quyết tâm vô hiệu hóa hoạt động của Đại học Trung Âu, một sơ sở giáo dục khai sáng.
Để rồi, bằng mọi giá, muốn đưa Phục Đán vào Hungary với những điều kiện rất bất lợi cho nước này, khiến lòng dân phẫn nộ. Sự hiện diện của một "siêu đại học" tầm quốc tế tại Hungary xét về mặt hợp tác giáo dục không nhất thiết là dở, vì nó có thể khiến sinh viên Hung được tiếp cận những công cụ giáo dục hiện đại, làm tăng tính cạnh tranh trong môi trường giáo dục Hung, v.v... Nhưng, vấn đề là ở chỗ khác, đáng lo hơn.
Ấy là, với sự liên kết này, Hungary được Trung Quốc đánh giá như một đồng minh tin cậy để họ tiến vào Liên Âu một cách chính thức và đường hoàng, mà dường như không có cách ứng phó hiệu quả. Như một quan chức Trung Quốc phát biểu, "Trung Quốc đánh giá cao sự ủng hộ vững vàng của Hungary và những lời lẽ chân chính của nước Hung về Tân Cương và các vấn đề khác thể hiện lợi ích cốt lõi của Trung Quốc".
Để phản đối khía cạnh đó của mối quan hệ Hung - Trung, giới lãnh đạo Budapest - mà trước đây chính phủ Hungary đã cam kết sẽ thỏa thuận khi muốn cho xây dựng các công trình lớn ở thủ đô - đã đặt tên các tuyến phố hiện còn bỏ hoang tại khuôn viên trong tương lai của cơ sở Phục Đán bằng những khái niệm nhắc nhớ nhân quyền. "Vấn đề lớn nhất của Hungary hiện tại là thứ quyền lực không có mục tiêu đạo đức".
Đó là phát biểu của thị trưởng Budapest Karácsony Gergely khi ông kêu gọi cư dân thủ đô hãy điền tờ "tham vấn quốc dân" nhằm phản đối dự án xây cơ sở Phục Đán. Nhiều biểu ngữ với lời lẽ chỉ trích gay gắt như "Chúng ta sẽ không trở thành thuộc địa!", "Hôm nay Phục Đán, ngày mai Thiên An Môn", "Chúng ta sẽ không là Tầu Cộng của châu Âu"... đã được đoàn người mang theo và giơ cao trong cuộc biểu tình hôm 05/06/2021.
Chính quyền Budapest muốn đặt công luận trước "sự đã rồi"
Từ "bán nước, phản bội tổ quốc" cũng đã được giới dân biểu đối lập dùng nhiều trong thời gian vừa qua khi ám chỉ mối quan hệ mật thiết Hung - Trung trong các thương vụ kinh doanh mờ ám, thiệt hại đáng kể cho nước này, mà chỉ lợi cho một “nhóm lợi ích” nhỏ 1%. Với phân hiệu Phục Đán, cơ sở này bị coi là "không dành cho sinh viên Hungary" với họ phí quá cao, mà chỉ để phục vụ một giai tầng rất nhỏ thân chính quyền.RFI : Qua vụ Phục Đán, tại sao chính quyền Hungary lại theo đuổi một chính sách "khác thường" như vậy ở châu Âu?
Hoàng Nguyễn : "Ngay cả ngựa gỗ thành Troie của Trung Quốc họ cũng xây bằng tiền chúng ta", phát biểu của bà Baranyi Krisztina - quận trưởng quận 9, nơi phân hiệu Phục Đán sẽ tọa lạc một phần - dễ gặp được sự đồng tình của nhiều cư dân Hungary. Một số thăm dò gần đây cho thấy có từ 2/3 tới 90% số người được hỏi không tán thành dự án này. Cuộc "tham vấn quốc dân" kéo dài một tuần, khả năng cũng sẽ cho ra kết quả như vậy.
Cho dù lãnh đạo Hungary, đứng đầu là thủ tướng Orbán Viktor, tới phút cuối, vớt vát là việc xây Phục Đán là mới bàn bạc sơ bộ, chưa được "chốt", khả năng là phải sau cuộc bầu cử Quốc Hội 2022 mới tiếp tục, phe đối lập đừng nhân chuyện này mà gây sức ép chính trị, v.v... nhưng phe đối lập và công dân mạng Hungary nhận xét, nếu bây giờ không can thiệp, báo chí không đồng loại lên tiếng, thì mọi thứ sẽ trở thành đã rồi.
Điều đáng nói là ngay cả khi ông Orbán Viktor cho hay, một cuộc trưng cầu dân ý sẽ được tiến hành để người dân phát biểu ý kiến về việc có nên xây dựng phân hiệu Phục Đán hay không, nếu có đủ thông tin cho cuộc tranh luận công khai, nhưng ngay sau đó Quốc Hội Hungary - với đa số hơn 2/3 dân biểu thuộc phe cầm quyền - vẫn tìm cách thông qua một số văn bản pháp lý và tài chính đặt cơ sở cho việc hình thành khu đại học này.
Một phân tích đăng trên mạng đọc lập Telex của Hungary bình luận rằng, không chỉ giới lãnh đạo Hung, mà một phần các chính khách Montenegro, Serbia hay châu Phi cũng rất thích Trung Quốc. Bởi lẽ, những kẻ độc đoán, tham nhũng, có nhiều thứ cần che giấu, thì đều muốn không phụ thuộc - và do đó, bị giám sát - bởi các nền dân chủ phương Tây - như định chế cơ quan công tố Liên Âu - mà tốt nhất là làm bạn với Bắc Kinh.
Trung Quốc chinh phục được dần dần từng mảnh đất trên thế giới như thế, do sự "có đi có lại" đôi bên. Với phân hiệu của Phục Đán tại Budapest với diện tích lớn gấp 10 tòa nhà Quốc Hội vốn là biểu tượng thiêng liêng của nước Hung 1.100 tuổi, như một chính khách Hung âu lo, ngôi trường lớn này "có thể đào tạo nhiều ngàn chuyên gia mà giới ngoại giao và mật vụ CHND Trung Hoa có thể coi họ quý như vàng ròng ở châu Âu".
Kiểu hợp tác bất luận nguyên tắc và đạo đức, miễn là đôi bên đều thủ lợi - mà thủ tướng Hungary Orbán Viktor từng thích thú nhắc tới - hẳn nhiên là có lợi cho Trung Quốc và cho các thể chế độc đoán, nhưng có hại cho dân, theo phân tích của Telex. Nỗ lực "phản đối Phục Đán để giành lại nước Hung" như phương châm trong cuộc biều tình vừa quá, chưa thể biết có hiệu quả tới đâu, nhưng vì thế, là điều sẽ còn diễn ra trong tương lai.
© Hoàng Nguyễn
RFI
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét