Tòa án Nhân dân TP Hà Nội hôm 9 tháng 6 xử phúc thẩm vụ án một người dân kiện Trưởng Công an huyện Sóc Sơn, Tp Hà Nội về việc xử lý người phản đối trạm BOT bị cho là “bẩn” vào năm 2019. Quyết định của tòa bị những người quan tâm cho là bất hợp lý.
Trong vụ kiện trưởng Công an huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội, ông Bùi Mạnh Tiến, 38 tuổi, có địa chỉ thường trú tại TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương là nguyên đơn. Ông Tiến đang thụ án 12 tháng tù giam vì một tội danh khác là “gây rối trật tự công cộng”. Ông phải đi tù vì tham gia cùng một số tài xế khác phản đổi các BOT bị cho là “bẩn” do đặt không đúng vị trí mà vẫn thu phí của người dân hồi năm 2019.
Một người bạn của ông Bùi Mạnh Tiến, bà Trần Thị Thu Thủy, cùng một nhóm người khác hôm 9/6/2021 đã đến tòa án để dự phiên toà phúc thẩm kiện trưởng công an như vừa nêu nhưng không được vào dựa. Bà cho biết:
“Không vì bị đọa đầy mà em ấy từ bỏ quyền của mình. Trước khi đi thụ án thì em đã nộp đơn kháng án phúc thẩm thì đến bây giờ họ mới mang ra xét xử”.
Luật sư Lê Đình Việt, người đại diện cho ông Tiến trong vụ án, cập nhật với Đài Á Châu Tự Do về phiên phúc thẩm vừa nêu:
”Kết quả của phiên tòa phúc thẩm Tòa án thành phố Hà Nội giữ nguyên bản án sơ thẩm không chấp nhận nội dung kháng cáo của anh Bùi Mạnh Tiến”.
Ông Bùi Mạnh Tiến và một số người khác vào ngày 15/3/2019 lái xe qua trạm thu phí BOT Bắc Thăng Long-Nội Bài nhưng từ chối trả tiền thu phí và bị lực lượng công an sách nhiễu, hành hung.
Sau đó, ông Tiến đã làm đơn khởi kiện Trưởng công an huyện Sóc Sơn là Đại tá Lê Ngọc Ly, đòi tòa hủy các quyết định của người Trưởng công an, yêu cầu ông này phải cải chính thông tin và công khai xin lỗi. Tòa phúc thẩm cho rằng trưởng công an đã thi hành đúng quy định.
Bà Thủy kể lại với Đài Á Châu Tự Do vụ việc dẫn đến ông Tiến bị bắt:
“Sự kiện diễn ra ngày 15 tháng 3 năm 2019. Tại thời điểm đó, tôi ngồi trên cùng một chiếc xe do Bùi Mạnh Tiến chở và đi qua cái BOT bẩn Bắc Thăng Long-Nội Bài. Thời điểm đấy thì chùng tôi không sử dụng dịch vụ, đi qua và chúng tôi trình bày với BOT bẩn đấy là chúng tôi không sử dụng dịch vụ, đề nghị cho chúng tôi đi qua.
Lần thứ nhất, thứ hai thì họ cho đi nhưng lần thứ ba thì công an huyện Sóc Sơn hàng trăm người đã xúm vào phá xe của tôi và Tiến, cạy cửa xe, phá xe và vài chục người mặc thường phục đã một bên thì lôi tôi, bên cánh cửa kia thì lôi Tiến xuống. Tôi và Tiến bị mang đi nhốt”.
Bà Thủy cho rằng, phiên tòa phúc thẩm chỉ xử ‘có lệ’ thôi vì trong vòng vỏn vẹn dưới hai tiếng đồng hồ đã kết thúc. Bà khẳng định quyết định của tòa án phúc thẩm không hợp lý:
“[Quyết định] đồng nghĩa với việc là họ cho rằng BOT Bắc Thăng Long-Nội Bài đặt ở đây là đúng mặc dù là Bộ chủ quản họ, Bộ Giao thông-Vận tải, đã ba, bốn lần đề nghị lên Chính phủ là gở bỏ trạm BOT Bắc Thăng Long-Nội Bài vì đặt sai vị trí. Thậm chí cả Bộ Giao thông-Vận tải và chính quyền cộng sản này đều thừa nhận là BỌT đặt đấy là sai”.
Luật sư Lê Đình Việt cho biết ông đã trình bày rõ sự việc trước Hội đồng xét xử:
“Anh Bùi Mạnh Tiến vào ngày 15/3/2019 không sử dụng dịch vụ, do đó anh ấy không có nghĩa vụ mua vé. Và khi trạm BOT Bắc Thăng Long-Nội Bài hạ barrière không cho anh lưu thông trên đường Bắc Thăng Long-Nội Bài buộc anh phải mua vé, thì đấy là một hành vi trái pháp luật của phía trạm thu phí. Và việc anh ấy dừng xe, anh không đi được qua trạm là không nằm trong ý muốn chủ quan của anh, mà đây là do hành vi trái pháp luật từ công ty Vietracimex 8, bắt một người không sử dụng dịch vụ vẫn phải trả tiền. Và việc hạ barrière không cho anh đi qua trạm, chắn ngang cũng không rẽ được, lùi xe cũng không lùi được, dẫn đến việc anh đã phải dừng lại và khi anh dừng lại thì cơ quan quản lý của nhà nước lại xác định là anh ấy dừng xe quá thời gian quy định và xử phạt vi phạm hành chính đối với anh”.
Luật sư Việt đặc biệt ghi nhận còn những điều bất cập khiến phiền tòa này không thể gọi là công bằng được:
“Theo quy định của luật xử lý vi phạm hành chính thì việc xử phạt vi phạm hành chính buộc phải có biên bản. Không tìm thấy biên bản vi phạm hành chính. Tuy nhiên ngoài ra thì chúng tôi tìm thấy một tài liệu, là một biên bản vi phạm hành chính nhưng nó lại có số hiệu là 113, nhưng lại được lập vào ngày 16 tháng 3 và anh Tiến xác định là anh không tham gia lập biên bản đó. Anh có nghi ngờ rằng biên bản đó đã được dựng lên để làm cơ sở xử lý vi phạm hành chính anh ấy”.
Ngoài ra, Luật sư Việt ghi nhận, bên bị cáo không có mặt mà đã ủy quyền cho ông Nguyễn Mạnh Quyền, là phó trưởng công an huyện Sóc Sơn đại diện. Tuy nhiên ông Quyền lại có đơn xin vắng mặt. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của thân chủ, Luật sư Việt nói, vì ông không thể chất vấn được bên bị cáo.
“Là một công dân có trách nhiệm, đồi hỏi sự công bằng và đồng thời cũng là một công dân có trách nhiệm với xã hội thì nguyện vọng của anh ấy muốn có một cái xã hội mà mọi người đều thượng tôn pháp luật. Nên mặc dù xác định được trước kết quả nhưng anh vẫn kháng cáo.” -Ls Lê Đình Việt
Đài Á Châu Tự Do gọi điện đến ông Lê Ngọc Ly, Trưởng Công an huyện Sóc Sơn. Ông này bắt máy nhưng khi phóng viên hỏi về phiên tòa thì ông đã cúp máy.
Về phía ông Bùi Mạnh Tiến, luật sư cho biết, thân chủ vẫn lường được kết quả phiên phúc thẩm nhưng vẫn muốn tiến hành kháng cáo với lý do:
“Là một công dân có trách nhiệm, đòi hỏi sự công bằng và đồng thời cũng là một công dân có trách nhiệm với xã hội thì nguyện vọng của anh Tiến muốn có một cái xã hội mà mọi người đều thượng tôn pháp luật. Nên mặc dù xác định được trước kết quả nhưng anh vẫn kháng cáo.”
Sau khi phiên tòa kết thúc, bà Trần Thị Thu Thủy nói bà đã thực hiện livestream trên Facebook với Luật sư Lê Đình Việt ở ngoài Tòa án TP Hà Nội để rộng đường dư luận về phiên tòa. Tuy nhiên, Facebook đã không cho đăng livestream này. Hình chụp màn ảnh thông báo của Facebook nói “Bạn không thể phát trực tiếp” với lời giải thích “Để ngăn chặn hành vi lạm dụng”.
Phiên sơ thẩm vụ án vừa nêu diễn ra vào ngày 30/9/2020.
© Giang Nguyễn
RFA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét