Vụ ông Tất Thành Cang “suy thoái” phản ánh tha hoá quyền lực nghiêm trọng và có hệ thống - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Chủ Nhật, 13 tháng 6, 2021

Vụ ông Tất Thành Cang “suy thoái” phản ánh tha hoá quyền lực nghiêm trọng và có hệ thống


Cựu Phó bí thư Thường trực Thành uỷ TP Hồ Chí Minh Tất Thành Cang

Đảng Cộng sản Việt Nam đang điều tra, xét xử vụ án ông Tất Thành Cang - nguyên Phó bí thư Thường trực Thành uỷ thành phố Hồ Chí Minh, vụ suy thoái điển hình trong bối cảnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 Khoá 12 năm 2016 về chống suy thoái của cán bộ đảng viên thu hút sự quan tâm của xã hội. Vụ án này hội tụ nhiều khía cạnh của quá trình tha hoá quyền lực của quan chức: diễn biến phức tạp, nghiêm trọng và mang tính hệ thống, đòi hỏi cải cách đột phá để có cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả, bền vững.


“Diễn biến phức tạp”

Suy thoái của đảng viên, cán bộ lãnh đạo bộc lộ quá trình tha hoá quyền lực, có diễn biến phức tạp, được ‘che đậy’ tinh vi bởi chính quá trình bởi lý lịch, sự quy hoạch, thăng tiến trong sự nghiệp và ngày càng nghiêm trọng khi quan chức có quyền to hơn và gần tiền hơn. Họ nhân danh quyền lực công quyết định các dự án đất đai toàn dân, tài sản công và “được” làm kinh tế nhờ các doanh nghiệp “sân sau” của các tổ chức đảng, cơ quan Nhà nước hoặc “móc nối” với các doanh nghiệp tư nhân để “đôi bên cùng có lợi”.

Ông Tất Thành Cang năm nay 50 tuổi, hội tụ đầy đủ tiêu chuẩn của một cán bộ nguồn: tham gia quân ngũ, có bằng đại học và cao cấp chính trị, trẻ và được quy hoạch, trưởng thành từ lãnh đạo phong trào đoàn thanh niên từ cơ sở lên đến Bí thư Thành Đoàn… Ông Cang là Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa 12 (2007 – 2011), Thành ủy viên, Bí thư Quận ủy kiêm Chủ tịch UBND Quận 2, Ủy viên dự khuyết rồi chính thức Ban Chấp hành TƯ Đảng CS khóa 12, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải, Phó Chủ tịch UBND, năm 2016 giữ chức Phó Bí thư Thường trực Thành ủy. Tương lai ở phía trước….

Chiến dịch “đốt lò” đã biến ông thành “điển hình suy thoái”. Tuy nhiên, Quá trình thăng tiến theo các nấc thang quyền lực của hệ thống chính trị theo đúng “quy định lựa chọn và bổ nhiệm cán bộ… bởi vậy, việc xử lý ông có khó khăn.

Ông Tất Thành Cang sẽ bị điều tra xử lý liên quan đến 7 sai phạm khác nhau

Đảng lãnh đạo toàn diện nghĩa là các cơ quan hành pháp chỉ có thể khởi tố, điều tra, truy tố khi nghi can bị khai trừ khỏi Đảng. Cuối năm 2020 ông Cang bị bắt tạm giam về tội "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí”. Trước đó, ngày 7/4/2020, ông đã bị Đảng khai trừ. Ông Cang bị điều tra do “đã chấp thuận chủ trương để Văn phòng Thành ủy biểu quyết phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược, tăng vốn điều lệ tại Công ty CP phát triển Nam Sài Gòn Sadeco, gây thiệt hại tài sản nhà nước”. Ngoài ra, ông này còn bị điều tra về “ít ra” là ba vụ việc khác, đặc biệt là ‘vụ tồn đọng’ Thủ Thiêm.

“Nghiêm trọng và mang tính hệ thống”

Tha hoá quyền lực đang rất nghiêm trọng và mang tính hệ thống. Cơ chế giải trình trách nhiệm nội bộ, thiếu công khai minh bạch luôn phát sinh các suy đoán, các thuyết âm mưu. Vụ án “suy thoái điển hình” kéo dài và căng thẳng này làm bùng lên nghi vấn, dư luận về đường dây “bảo trợ chính trị”, “nhóm lợi ích”, “thế lực chống lưng”…. ngoài ông Lê Thanh Hải, sếp trực tiếp, cựu Bí thư Thành uỷ nhiệm kỳ (2010-2015), bị kỷ luật với hình thức cảnh cáo liệu đã đủ “răn đe” hay liệu còn có “thế lực ngầm” chống lưng?



Nghi ngờ này có cơ sở, bởi ông Cang không thể “suy thoái” một mình trong cơ chế lãnh đạo tập thể. Chủ trương có thể ông đã ký nhưng chắc tập thể đã đồng ý trong cuộc họp nào đó. Bởi vậy khi ông bị kỷ luật, theo quy trình từ dưới lên, các “đồng chí” đã trì hoãn. Cuối năm 2018, tại Hội nghị TƯ 9 khóa 12, ông Cang bị cách chức Ủy viên TƯ Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Tp. Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2015 - 2020, vì “đã có những khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng”. Mặc dù vậy, quá trình xét kỷ luật của Thành uỷ bị vẫn đưa ra các hình thức kỷ luật không nhất quán, từ phê bình đến cảnh cáo, thậm chí đến năm 2019, ông ta vẫn được phân công làm Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo công trình "Lịch sử TP HCM".

Ngoài ra, mặc dù đã có kết luận, nhưng có vẻ “bỏ sót tội” hoặc vụ việc quá phức tạp, liên quan đến nhiều bị can. Bởi vậy, mới đây, ngày 3/6/2021, Viện Kiểm sát nhân dân (VKS) TP.HCM đã trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung đối với ông Cang, yêu cầu làm rõ trách nhiệm từng cá nhân trong vụ án; điều tra vai trò đồng phạm của một số người khác liên quan đến nhóm tội Tham ô tài sản và xem xét lại tội danh đối với nhóm tội này… Động thái ‘quyết liệt hơn’ được cho là tiếp theo sau cuộc làm việc của Ban Nội chính TƯ với Thành uỷ Hồ Chí Minh ngày 29/5/2021 để đôn đốc việc thực hiện kết luận của Trung ương về phòng chống tham nhũng liên quan đến các sai phạm xảy ra tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm và các vụ án, vụ việc khác…




Suy thoái kiểu “nhóm lợi ích” này phản ánh một trong nhiều đường dây của mạng lưới của “nhà nước tư bản thân hữu” và cách thức nó hoạt động. Các quan chức câu kết với nhau một cách “vô liêm sỉ” để tạo ra nhiều nhóm lợi ích đa dạng ở các cấp, các ngành và lĩnh vực, chia chác quyền lực và chiếm đoạt tài sản công và của dân dưới nhiều hình thức như “sân sau” và hối lộ tinh vi kiểu “góp vốn”, “lại quả”, “quà biếu”….

Nhận định như trên được phân tích sâu trong trong cuốn sách “Tư bản thân hữu Trung Quốc”, đã được dịch sang tiếng Việt năm 2016, của GS. Minxin Pei (Chu Mẫn Hân), nhà nghiên cứu chế độ đảng cộng sản toàn trị ở Trung Quốc. Nghiên cứu này đưa ra lời cảnh báo rằng sự không tương thích giữa chế độ đảng CS toàn trị với cải cách kinh tế mang tính cơ hội chủ nghĩa khi tranh thủ tư bản nhằm củng cố chế độ thay vì chuyển đổi dân chủ.

“Lồng thể chế”

Thực trạng suy thoái nghiêm trọng nghĩa là quyền lực tha hoá nặng nề, bởi vậy quyền lực cần được kiểm soát hữu hiệu. Xây dựng “lồng thể chế” sao cho quan chức ‘không dám, không thể và không muốn tham nhũng’ là yêu cầu cấp thiết nhưng vẫn là câu hỏi lớn đối với các nhà cải cách, và đang là ‘món nợ’ trong thực thi Nghị quyết 4 Khoá 12.

Trừng phạt để ngăn suy thoái, quan chức “không dám tham nhũng”, là cấp bách nhưng không thể là giải pháp cơ bản. Vụ án ông Tất Thành Cang là điển hình cho hàng trăm lãnh đạo do Trung ương quản lý và là một trong hàng chục nghìn cán bộ, đảng viên nói chung “hư hỏng” đã bị xử theo số liệu Báo cáo tổng kết 7 năm hoạt động (2013-2020) của Ban phòng chống tham nhũng Trung ương. Tuy nhiên, các ‘vụ kỷ luật’ này đã không rạch ròi giữa tội Tham nhũng và Vi phạm kỷ luật đảng có thể đã che giấu sự đấu đá quyền lực, loại bỏ phe cánh trong đảng. Một khi mục đích này được ưu tiên, thì chiến dịch “đốt lò” không mang lại hiệu quả chống tham nhũng như nhân dân mong muốn.



Thị trường bén rễ sâu hơn vào nền kinh tế đang làm rối loạn chức năng toàn trị và độc đoán đòi hỏi phải cải cách mạnh mẽ hơn không chỉ thể chế kinh tế mà cả chính trị. Để quan chức “không thể, không muốn” tham nhũng trước hết cần xoá bỏ bộ máy đặc quyền đặc lợi để cai trị và xây dựng cơ chế giải trình trách nhiệm công khai minh bạch mà không phụ thuộc vào quyền lực tuyệt đối của lãnh tụ đảng.

Nhà tư tưởng Lord Acton (1834-1902) nhận định rằng, quyền lực có xu hướng tha hoá, quyền lực tuyệt đối sẽ dẫn đến tha hoá tuyệt đối. Tuy nhiên, dùng quyền lực tuyệt đối để chống lại sự tha hoá tuyệt đối sẽ tạo ra “vòng luẩn quẩn”, nghĩa là chu kỳ suy thoái được cảnh báo. Đảng quyết tâm xử vụ ông Tất Thành Cang là cần thiết răn đe, nhưng liệu có sản sinh ra “lồng thể chế” như mong muốn thì câu trả lời là không thể.

   Mời xem thêm »


© TS. Phạm Quý Thọ
    RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad