Hội đồng Nga đối mặt với việc bị giải thể sau khi kêu gọi cách chức ông Putin - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Tư, 14 tháng 9, 2022

Hội đồng Nga đối mặt với việc bị giải thể sau khi kêu gọi cách chức ông Putin


Một người đàn ông mặc quân phục ở trên cánh đồng lúa mì đang bốc cháy khi quân đội Nga bao vây cánh đồng để ngăn nông dân địa phương thu hoạch ngũ cốc, ở huyện Polohy, Vùng Zaporizhzhia, đông nam Ukraine. (Ảnh: Dmytro Smolyenko/Ukrinform/Future Publishing/Getty Images)

Một nhóm các chính trị gia địa phương ở St Petersburg đã kêu gọi sa thải Tổng thống Vladimir Putin vì cuộc chiến ở Ukraine, có khả năng đối mặt với việc giải tán hội đồng quận, sau phán quyết của thẩm phán hôm thứ Ba (13/9), một trong những đại biểu quốc hội cho biết.

Ông Nikita Yuferev cho biết, thẩm phán đã quyết định rằng một loạt các cuộc họp hội đồng trong quá khứ nay không còn hợp lệ, mở đường cho việc bị thống đốc khu vực giải tán.

Một thành viên hội đồng khác, ông Dmitry Palyuga, nói tòa án sau đó đã phạt ông 47.000 rúp (780 USD) vì “làm mất uy tín” của nhà chức trách khi kêu gọi cách chức ông Putin.

Reuters không thể liên lạc được với các quan chức tòa án để yêu cầu bình luận.

Bốn thành viên nữa của hội đồng địa phương Smolninskoye sẽ ra hầu tòa trong hai ngày tới.

Tuần trước, một nhóm đại biểu của hội đồng đã kêu gọi Duma Quốc gia đưa ra cáo buộc phản quốc đối với ông Putin và tước bỏ quyền lực của ông, cùng một loạt lý do bao gồm: tổn thất quân sự của Nga ở Ukraine và thiệt hại về nền kinh tế của nước này do các chế tài của phương Tây.

Một đại biểu địa phương khác cho biết 65 đại diện thành phố từ St Petersburg, Moscow và một số khu vực khác đã ký vào bản kiến nghị mà bà công bố ngày 12/9 kêu gọi ông Putin từ chức.

Mặc dù động thái này không gây ra mối đe dọa nào đối với việc nắm quyền của ông Putin, nhưng nó đánh dấu những biểu hiện bất đồng quan điểm hiếm hoi của các đại biểu dân cử vào thời điểm mà người Nga có thể bị kết án tù nặng nề vì “làm mất uy tín” các lực lượng vũ trang hoặc phát tán “thông tin cố ý sai lệch”.

Ông Palyuga nói với tờ Reuters trước phiên điều trần ngày 13/9 rằng, những lời kêu gọi của nhóm không chỉ nhắm tới những người Nga theo chủ nghĩa tự do mà còn hướng tới “những người trung thành với chính quyền, những người bắt đầu nghi ngờ khi họ thấy sự thiếu thành công của quân đội Nga".

Ông cho biết ông dự kiến số lượng những người như vậy sẽ tăng lên sau cuộc phản công chớp nhoáng vào tuần trước, trong đó Ukraine đã đánh bật lực lượng Nga ra khỏi hàng chục thị trấn và chiếm lại một vùng lãnh thổ rộng lớn ở khu vực phía đông bắc Kharkiv của nước này.

“Tất nhiên, những gì đang diễn ra hiện nay trùng hợp với chương trình nghị sự của chúng tôi. Nhiều người ủng hộ ông Putin đang bắt đầu cảm thấy bị phản bội. Tôi nghĩ quân đội Ukraine càng hoạt động thành công thì càng có nhiều người như vậy”, ông nói.

Ranh giới ‘rất, rất mỏng’

Nhà phân tích chính trị người Nga Tatiana Stanovaya nhận định, rủi ro lớn hơn đối với Điện Kremlin không nằm ở chính sự phản đối của các ủy viên hội đồng mà nằm ở nguy cơ phản ứng quá gay gắt với nó.

Bà Stanovaya, người sáng lập dự án phân tích độc lập R.Politik, nói: “Phản ứng, hoặc phản ứng thái quá, có thể gây ra nhiều thiệt hại chính trị cho Nga hơn là cho kiến nghị này".

Hàng nghìn vụ án đã được mở ra chống lại những người bị buộc tội làm mất uy tín của quân đội, thường là bị phạt nếu vi phạm lần đầu. Tuy nhiên, một ủy viên hội đồng quận ở Moscow đã bị bỏ tù 7 năm vào tháng 7 sau khi bị kết tội lan truyền thông tin sai lệch. Một số nhà báo và nhân vật đối lập khác đã bị buộc tội và có thể phải đối mặt với án tù.

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm thứ Ba (13/9) cho biết, các quan điểm phê phán được dung thứ trong giới hạn của luật pháp.

Ông nói: “Miễn là họ vẫn tuân thủ luật pháp, đây là đa nguyên, nhưng ranh giới rất, rất mỏng, người ta phải rất cẩn thận".

Bà Ksenia Thorstrom, một ủy viên hội đồng địa phương St Petersburg, người đã công bố bản kiến nghị ngày 12/9 kêu gọi ông Putin từ chức, nói rằng còn quá sớm để kết luận về diễn biến và kết quả của chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine.

Bà nói với Reuters: “Việc kêu gọi một chính trị gia từ chức là điều hoàn toàn bình thường. Không có gì là tội phạm cả”.

“Tất nhiên là có rủi ro nhất định, nhưng để thể hiện tình đoàn kết với các đồng nghiệp của chúng tôi - những chính trị gia độc lập vẫn còn lại ở Nga - quan trọng hơn nhiều".

   Mời xem thêm »


© Huyền Anh
    NTDVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad