Chuyên gia: Chính quyền Trung Quốc che giấu dữ liệu thực tế về số ca tử vong do Covid - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Ba, 24 tháng 1, 2023

Chuyên gia: Chính quyền Trung Quốc che giấu dữ liệu thực tế về số ca tử vong do Covid


Bệnh nhân nằm trên cáng tại bệnh viện Đồng Nhân ở Thượng Hải, Trung Quốc, vào ngày 3/1/2023. (Ảnh: Hector Retamal /AFP/Getty Images)

Để đáp lại việc chính quyền Trung Quốc gần đây thừa nhận về hàng chục nghìn ca tử vong trong làn sóng bùng phát mới nhất, các chuyên gia cho biết, chính quyền Trung Quốc vẫn đang che đậy số ca tử vong thực sự do Covid-19. Họ nói rằng con số thực có thể cao hơn theo cấp số nhân.

Theo các nhà phân tích, căn cứ vào các nghiên cứu và tuyên bố chính thức tiết lộ số lượng ca nhiễm cao, cũng như lời kể từ người dân và nhân viên nhà xác, có thể thấy rằng, đất nước này đang che giấu số lượng lớn ca tử vong.

Hôm 14/1, cơ quan quản lý y tế hàng đầu của Trung Quốc đã ghi nhận gần 60.000 ca tử vong liên quan đến Covid-19 trong 5 tuần đầu tiên sau khi chính quyền nước này đột ngột dỡ bỏ chính sách Zero Covid vào tháng 12/2022.

Trước đây chính quyền Trung Quốc đã báo cáo số liệu thống kê chính thức chỉ có 37 trường hợp tử vong, một con số thấp đến mức đáng ngờ và vấp phải sự hoài nghi rộng rãi. Mặc dù con số 60.000 ca cũng cho thấy một sự gia tăng đáng kể, nhưng các chuyên gia vẫn cảm thấy tuyên bố này đáng ngờ.

Ông Tống Quốc Thành (Song Guo-cheng), một nhà nghiên cứu tại Viện Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Quốc lập Chính trị Đài Loan, cho biết: “Số liệu tử vong mới được báo cáo vẫn còn đáng ngờ”.

Theo ông Tống, tỷ lệ nhiễm Covid-19 cho thấy số người tử vong đáng lẽ phải cao hơn nhiều.

Bùng phát lớn

Một nghiên cứu của Đại học Bắc Kinh của Trung Quốc ước tính rằng, có tới 64% dân số nước này, (tương đương 900 triệu người), đã nhiễm Covid-19 vào giữa tháng 1/2023. Mô hình của các nhà nghiên cứu dựa trên dữ liệu tìm kiếm trực tuyến về các triệu chứng của Covid-19, chẳng hạn như sốt và ho.

Khi các đợt bùng phát bùng phát lan rộng trên khắp đất nước, các chuyên gia y tế cả trong và ngoài nước đã chuyển sang sử dụng dữ liệu đại diện, chẳng hạn như các cuộc khảo sát trực tuyến và các câu chuyện thực tế, để đánh giá quy mô của đợt bùng phát khi không có số liệu thống kê đáng tin cậy về Covid.

Cơ quan y tế hàng đầu của Trung Quốc, Ủy ban Y tế Quốc gia (NHC), đã ngừng công bố các ca nhiễm hàng ngày và chỉ thừa nhận hàng chục trường hợp tử vong trước khi tiết lộ con số mới nhất. Nhưng cảnh tượng các bệnh viện và lò hỏa táng quá tải đã khiến cư dân Trung Quốc và ngoại giới mất lòng tin vào các số liệu thống kê chính thức của chính quyền nước này.

Người dân và bệnh nhân ngồi xe lăn ngồi chờ trong khoa cấp cứu của một bệnh viện ở Bắc Kinh vào ngày 3/1/2023. (Ảnh: Jade Gao/AFP/Getty Images)

Ngay cả dữ liệu khu vực cũng chỉ ra một đợt bùng phát nghiêm trọng hơn nhiều so với những gì cơ quan y tế hàng đầu của quốc gia tiết lộ. Một quan chức ở tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc, nơi có 99,4 triệu dân, cho biết trong một cuộc họp báo rằng, tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 có thể đã lên tới 89% vào ngày 6/1. Tại thành phố Hohhot ở phía bắc, nơi có dân số 3 triệu người, các nhà chức trách cho biết vào ngày 14/1 rằng từ 74% đến 81% người dân đã nhiễm virus.

NHC ước tính rằng, 250 triệu người đã nhiễm virus từ ngày 1/12 đến ngày 20/12/2022, theo biên bản cuộc họp bị rò rỉ vào tháng trước.

Theo ông Tống, với tỷ lệ lây nhiễm khoảng 70% và phần lớn là dân số già, thì số người tử vong, dựa trên tỷ lệ tử vong 1%, tính ra sẽ phải cao hơn nhiều so với con số chính thức là 60.000 ca tử vong liên quan đến Covid-19.

“Thông tin được thu thập từ nhiều nguồn khác nhau và các báo cáo trực tuyến trái ngược hoàn toàn với các số liệu [Covid] do Đảng Cộng sản Trung Quốc [ĐCSTQ] tiết lộ. Điều này nhấn mạnh rằng ĐCSTQ vẫn đang đùa giỡn với dữ liệu, che đậy [quy mô thực sự của đợt bùng phát]”, ông Song nói.

Tiến sĩ Scott Atlas, thành viên cấp cao tại Viện Hoover ở Stanford và là cố vấn về Covid-19 dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Trump, cũng bày tỏ quan điểm tương tự.

“Chúng tôi không thể tin vào những con số đến từ Trung Quốc. Ngay từ đầu, chúng không có ý nghĩa gì", ông Atlas nói về dữ liệu Covid của Trung Quốc trong một cuộc phỏng vấn gần đây với đài NTD, một cơ quan truyền thông anh em của The Epoch Times.

Trong khi chính quyền Trung Quốc có thể đã sửa đổi số ca tử vong, ông Atlas cho rằng tình hình thực sự vẫn bị che giấu.

Atlas, người cũng là cộng tác viên của The Epoch Times, cho biết: “Rất khó để biết chuyện gì đang xảy ra khi không có sự minh bạch”.

Ông lưu ý rằng, chính quyền Trung Quốc “dường như muốn giữ thể diện hơn là nói ra sự thật và hợp tác đầy đủ với cộng đồng quốc tế".

Xe tang chở thi thể để hỏa táng xếp hàng dài tại lò hỏa táng ở thành phố Trùng Khánh, phía tây nam Trung Quốc vào ngày 22/12/2022. (Ảnh: Noel Celis/AFP/Getty Images)

Che giấu số ca tử vong

Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, chính quyền Bắc Kinh đã hứng chịu chỉ trích rộng rãi vì che đậy thông tin liên quan đến Covid nhằm hạ thấp những tin tức mà họ cho là làm hoen ố hình ảnh của mình. Khi virus này xuất hiện lần đầu ở Vũ Hán vào cuối năm 2019, chế độ này đã che giấu quy mô của đợt bùng phát và bịt miệng những người tố giác, đồng thời để cho các đợt bùng phát trong khu vực phát triển thành đại dịch.

Giờ đây, với việc virus lây lan như một trận cháy rừng qua quần thể dân cư đông đúc của đất nước tỷ dân, những người đã suy yếu hệ thống miễn dịch sau ba năm bị phong tỏa khắc nghiệt, thì ngày càng có khoảng cách lớn giữa số liệu chính thức và số liệu theo lời kể của nhân viên lò hỏa táng, nhân viên tuyến đầu và cư dân.

Vào tháng 12/2022, một công nhân tại nhà tang lễ Bảo Hưng ở Thượng Hải nói với The Epoch Times rằng, họ đã hỏa thiêu 400 đến 500 thi thể mỗi ngày, tăng mức tối đa là 90 thi thể trước khi các hạn chế về đại dịch được dỡ bỏ.

Một cư dân khác ở thành phố Tô Châu gần đó mô tả tình trạng đông đúc tại Nhà tang lễ Tô Châu giống như khu phố mua sắm nổi tiếng nhất của thành phố, nơi luôn đông đúc.

“Thật là một cảnh khốn khổ", cô nói trong một cuộc phỏng vấn gần đây với The Epoch Times. Người phụ nữ giấu tên vì sợ bị trả thù, đã xếp hàng dài bên ngoài tòa nhà vào ngày 6/1 để chờ hỏa táng người mẹ quá cố của cô, người đã qua đời vì Covid hai ngày trước đó. Cùng ngày, người phụ nữ này mất đi hai người thân khác vì Covid, cô nói thêm.

Một người phụ nữ cầm di ảnh của người thân tại lò hỏa táng ở Bắc Kinh vào ngày 20/12/2022. (Ảnh: Noel Celis/AFP/Getty Images)

Ông Lâm Hiểu Húc (Sean Lin), nhà virus học và cựu giám đốc phòng thí nghiệm tại chi nhánh bệnh virus của Viện Nghiên cứu Quân đội Walter Reed, đã đưa ra một ước tính thận trọng rằng, khoảng 6 triệu thi thể có thể đã bị hỏa táng trong tháng qua, với giả định rằng các lò hỏa táng của Trung Quốc đang hoạt động 24/7. Nhưng con số đó có thể chỉ bằng một nửa số ca tử vong, vì người dân ở vùng nông thôn có thể không được tiếp cận với các dịch vụ như vậy và được chôn cất thay vì hỏa táng. Sau khi trừ đi những trường hợp tử vong không liên quan đến Covid-19, số người chết có thể lên tới 10 triệu người, ông Lâm nói.

Ông nói với The Epoch Times: “Chắc chắn chính quyền đã nói dối về vấn đề này”.

Ông Lâm lưu ý rằng, ước tính sơ bộ của ông “có lẽ vẫn còn thấp hơn nhiều so với tình hình thực tế, nhưng nó vẫn cao hơn nhiều so với lời nói dối của chính phủ".

Cộng đồng nông thôn gặp khó khăn

Cuộc khủng hoảng Covid-19 dường như trở nên nghiêm trọng hơn ở các cộng đồng nông thôn, nơi các nguồn lực y tế tụt hậu so với các thành phố lớn.

Một người dân ở Xích Sa (Chisha), nơi sinh sống của 14.000 người ở tây nam Trung Quốc, cho biết, những người trên 70 tuổi, đặc biệt là những người có bệnh lý nền, đang tử vong với số lượng lớn. “Có rất nhiều người nhiễm virus [trong làng này]. Khoảng một chục [người già] đã qua đời", bà nói với The Epoch Times vào ngày 16/1.

Người phụ nữ chỉ lấy họ Dương (Yang) vì sợ bị trả thù, nhấn mạnh rằng, đợt bùng phát bùng phát bắt đầu từ tháng 12/2022 đã làm cạn kiệt nguồn lực y tế của ngôi làng ở tỉnh Thiểm Tây.

“Các bác sĩ trong làng đã đến từng nhà để tiêm phòng cho những người lần đầu tiên có kết quả dương tính [với Covid]. Chẳng bao lâu sau, họ hết thuốc. Nhiều người già không vượt qua được và đã qua đời", cô nói.

Nhưng những người dân làng qua đời tại nhà có thể không được đưa vào bản cập nhật gần đây về các trường hợp tử vong liên quan đến Covid-19. NHC cho biết, 59.938 ca tử vong liên quan đến Covid-19 trong khoảng thời gian từ ngày 8/12/2022 đến ngày 12/1, chỉ đề cập đến những người tử vong trong bệnh viện, ngụ ý rằng con số mới nhất có thể vẫn còn thiếu sót rất lớn.

Những người cao tuổi ngồi trước một ngôi nhà ở vùng nông thôn ở Thái An, tỉnh Sơn Đông, miền đông Trung Quốc vào ngày 7/1/2023. (Ảnh: Noel Celis/AFP/Getty Images)

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hoan nghênh tiết lộ của chính quyền Trung Quốc nhưng kêu gọi chính quyền nước này tiếp tục theo dõi “tỷ lệ tử vong quá mức”. Định nghĩa hạn hẹp của Trung Quốc về tỷ lệ tử vong do Covid-19, vốn chỉ giới hạn ở những bệnh nhân tử vong do suy hô hấp sau khi mắc Covid-19, đã dẫn đến sự chỉ trích trên toàn cầu.

WHO cho rằng, các tiêu chí “sẽ đánh giá thấp rất nhiều về số ca tử vong thực sự liên quan đến Covid”. Không có quốc gia nào khác sử dụng định nghĩa hạn hẹp này cho trường hợp tử vong vì Covid-19.

Đã có những dấu hiệu cho thấy ĐCSTQ đang gây áp lực buộc các bác sĩ và nhân viên tang lễ phải che đậy những cái chết. Vào tháng 12/2022, một lãnh đạo nhà tang lễ ở tỉnh An Huy cho biết, họ được chỉ thị tránh ghi viêm phổi do Covid-19 là nguyên nhân chính gây tử vong trên giấy chứng tử, mà thay vào đó sử dụng những từ như nhiễm phổi.

Ngoại giới lo ngại rằng việc chính quyền Trung Quốc che đậy các đợt bùng phát hiện tại của đất nước sẽ gây ra rủi ro mới đối với sức khỏe toàn cầu.

Theo ông Tống, nếu không có dữ liệu đáng tin cậy, các chuyên gia y tế quốc tế khó có thể xây dựng mô hình toán học, đánh giá mức độ lây truyền và tỷ lệ tử vong, cũng như xác định liệu có biến thể mới hay không, chưa kể đến việc phát triển vaccine để chống lại dịch bệnh này.

Ông nói: “Những hành vi như vậy của ĐCSTQ về cơ bản sẽ tạo ra sự hỗn loạn về sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu.

Công nhân đeo khẩu trang và mặc quần áo bảo hộ giúp du khách Trung Quốc rời sảnh đến sau khi được xét nghiệm virus Covid-19 tại Sân bay Quốc tế Rome Fiumicino, gần Rome, vào ngày 29/12/2022. (Ảnh: Filippo Monteforte/AFP/Getty Images)

Mối quan ngại toàn cầu

Việc thiếu dữ liệu sức khỏe cộng đồng đáng tin cậy đã làm dấy lên mối lo ngại quốc tế, đặc biệt là về một biến thể mới, nguy hiểm hơn đang xuất hiện từ quốc gia này. Hoa Kỳ và hơn 10 quốc gia hiện yêu cầu du khách đến từ Trung Quốc xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19. Đây là biện pháp hạn chế nhập cảnhi mà chính Trung Quốc đã áp dụng.

Ông Gordon Chang, một tác giả và thành viên cấp cao tại Viện Gatestone, một tổ chức tư vấn bảo thủ, đề xuất rằng, tất cả các quốc gia nên đóng cửa biên giới vì ĐCSTQ một lần nữa che giấu quy mô thực sự của cuộc khủng hoảng Covid-19.

“Trung Quốc quá nguy hiểm để ứng phó, cho dù chúng ta đang đề cập đến Covid hay nói về điều gì khác. Chúng ta không thể duy trì quan hệ với Trung Quốc, chừng nào ĐCSTQ còn cai trị nước này, bởi vì theo bản chất vốn có trước đây của ĐCSTQ, thì chính là tà ác", ông Chang nói trong một cuộc phỏng vấn trước đây .

“Chúng ta phải tự bảo vệ mình", ông cho hay.

   Mời xem thêm »


© Huyền Anh biên dịch
    The Epoch Times

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad