Hà Nội, Việt Nam – Ảnh của “Foreign Policy” 4/2012 |
Còn nếu được nhập cảnh, ông Tâm cho rằng, công việc báo chí và một số hoạt động dân chủ khác của ông ở hải ngoại có lẽ chẳng đến mức để nhà cầm quyền phải “quan tâm”. Tuy nhiên, ông nói nếu bị triệu tập thẩm vấn, thậm chí bị bắt giữ, ông chẳng có gì phải sợ, với điều kiện nhà cầm quyền thực hiện một cách đàng hoàng, tức là tuân thủ các thủ tục pháp luật và minh bạch.
“Ngán nhất, đột nhiên mình bị tai bay vạ gió ngoài đường, ví dụ bị côn đồn lạ hoắc tự nhiên gây gỗ đánh đập gây thương tích, hay bị gây tai nạn giao thông lãng nhách… Lúc ấy mình chào thua. Kiện ai?” – Ông Tâm nói.
Lo lắng của ông Tâm cũng là lo lắng chung khi về Việt Nam của nhiều người Việt sống ở nước ngoài thuộc diện “persona non grata” của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam (CSVN).
Thế nhưng, không riêng đối với những người Việt ở hải ngoại về thăm quê hương, nhiều người trong nước hàng ngày cũng đang phải đối diện với tình cảnh bị côn đồ hành hung, khủng bố.
Theo tôi, hiện tượng này có những lý do sâu xa của nó.
Côn đồ chính danh, chính chủ
Chính sách công an trị của ĐCSVN không có gì xa lạ. Vào năm 1956, sau khi đặt ách thống trị trên miền Bắc, nhà thơ Lê Đạt đã viết trên báo Nhân Văn trong bài “Nhân câu chuyện mấy người tự tử“:
”Đem bục công an đặt giữa trái tim người
Bắt tình cảm ngược xuôi
Theo luật lệ đi đường nhà nước”
Song song với đàn áp bằng quản lý chặt chẽ hộ khẩu, ăn, mặc, bưng bít thông tin, tuyên truyền nhồi sọ và bắt bớ, tù đày, trong nhiều thập kỷ qua nhà cầm quyền CSVN cũng đã thành công tạo ra một hệ thống khủng bố tâm lý. Cả xã hội bao trùm sự nghi kị, sợ hãi lẫn nhau, ở đâu cũng ám ảnh con mắt của an ninh, mật vụ. Một đội ngũ sai nha đông đảo hình thành, lập công bằng bẩm báo, chỉ điểm, thậm chí vu khống, bịa đặt.
Nhưng hình ảnh công an Việt Nam chưa bao giờ xấu xa tệ hại và bị dân chúng căm ghét như từ vài năm gần đây, khi tình trạng sử dụng bạo lực trở nên phổ biến.
“Tình trạng công an bạo hành tại mọi miền ở Việt Nam được ghi nhận ở mức độ đáng báo động, làm gia tăng mối quan ngại sâu sắc rằng những vụ việc bạo hành lạm quyền lan rộng và có tính hệ thống” - theo ông Robertson, Phó Giám đốc phụ trách châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền.
Đưa ra một số ví dụ cụ thể như trường hợp ông Vũ Văn Hiền ở Thái Nguyên, ngày 30/6/2010, bị chết trong đồn công an, kết quả pháp y cho thấy nạn nhân tử vong vì xuất huyết não, đa chấn thương, vỡ xương hàm và gãy xương sườn; hay em Nguyễn Văn Khương, 21 tuổi, ở Bắc Giang, vào ngày 23/7/2010 bị công an đánh chết tại đồn vì đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, ông Robertson viết trên trang Web của “Human Rights Watch”:
“Trong một số vụ việc, nạn nhân tử vong do bị đánh trong khi đang bị công an hoặc dân phòng giam giữ. Một số trường hợp khác, nạn nhân chết ở chỗ đông người do công an sử dụng bạo lực được ghi nhận là quá mức cần thiết”.
“Nhiều cái chết như thế đã gây nên những cuộc biểu tình phản đối của dân chúng khắp Việt Nam trong năm vừa qua. Những ca tử vong trong khi bị công an giam giữ hoặc chết dưới tay của công an được ghi nhận ở nhiều tỉnh thành, từ khu vực miền núi phía Bắc như Bắc Giang và Thái Nguyên, đến các thành phố lớn như Hà Nội và Đà Nẵng, tới Quảng Nam ở ven biển miền Trung, hay Gia Lai ở vùng cao nguyên hẻo lánh, cho tới các tỉnh Hậu Giang và Bình Phước ở miền Nam”.
“Nạn công an hành hung, tra tấn, đánh chết dân đã lên tới mức báo động với hàng chục người thiệt mạng ngay tại đồn công an trong vài năm qua. Nhiều lỗi vi phạm nhỏ như không đội mũ bảo hiểm nhưng rốt cuộc đã phải trả giá bằng cả mạng sống dưới bàn tay của công an, lực lượng có nhiệm vụ bảo vệ sự bình yên cho xã hội và tính mạng người dân. Những nghịch lý đang diễn ra đã khiến nhiều người mất niềm tin và sợ hãi trước lực lượng công quyền này”.
Điều 71, Hiến pháp CHXHCN Việt Nam “Nghiêm cấm mọi hình thức truy bức, nhục hình, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của công dân”, thế nhưng thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, một vị lão thành cách mạng “nhìn đâu cũng thấy nhiều điều ngược lại“:
“Công an tùy tiện bắt dân, muốn bắt ai thì bắt dù không có lệnh của Viện Kiểm sát, dù họ không phạm pháp quả tang; hàng nghìn công an viên đánh đập nông dân một cách tàn bạo, cưỡng chế lấy đất của nông dân để làm giàu cho các nhà đầu tư và người có chức quyền; đàn áp những người biểu tình yêu nước, gán ghép cho họ nào là “bị nước ngoài xúi giục”, “bị kẻ xấu kích động”, “gây rối trật trật tự cộng, v.v…”.
Còn nhà văn, đại tá Phạm Đình Trọng đã phải kêu lên:
“Thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bạo lực đã thay công lý. Cuộc sống chỉ có Bạo lực! Bạo lực! Và Bạo lực!”.
“Công lý như mặt trời trong đêm, không còn có trong cuộc sống nữa. Bóng công an, bóng bạo lực, bóng tối Trung Cổ đè xuống cuộc sống. Công an giết dân. Côn đồ giết dân. Mạng sống của người dân quá mong manh. Xã hội đầy nhiễu nhương, bất an”.
Trước cảnh tượng công an thượng cẳng chân, hạ cẳng tay đàn áp dân chúng trong vụ cưỡng chế tước đoạt đất của nông dân giao cho chủ đầu tư tư nhân Ecopark ở Văn Giang hồi tháng 4/2012, giáo sư, tiến sĩ khoa học của Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam, Hoàng Xuân Phú, đã gọi công an là “lũ ác ôn” và mô tả:
“Lồng lộn dã thú
Nhằm mặt, chúng đấm
Nhè đầu, chúng vụt
Trút căm thù bằng cú đá tung chân
Đánh cho đã cơn ghiền man rợ
Đỡ bứt rứt tim đen mưng mủ
Vừa tận trung với chủ
Vừa thỏa thú côn đồ”
Côn đồ giấu mặt
Được chứng minh bằng những tư liệu cụ thể, tình trạng đẫm máu bạo lực của công an CSVN trong con mắt của cộng đồng quốc tế, chắc chắn không thể không làm nhà cầm quyền CSVN lo ngại về hình ảnh của mình trong các mối quan hệ ngoại giao, nên họ đã chuyển đổi sang hình thức đàn áp khác, lưu manh và nguy hiểm hơn nhiều.
Đó là chính sách ra tay nhưng giấu mặt, bằng cách cho công an mặc thường phục tùy tiện, không xuất trình thẻ nghiệp vụ khi thực thi bắt giữ, đán áp, tận dụng sự đàn áp thông qua bàn tay của lực lượng dân phòng, và cả côn đồ, xã hội đen.
Với phương pháp này, trong nhiều trường họp, nhà cầm quyền đã trắng trợn phủi tay sự can dự của mình. Dư luận phẫn nộ thì cũng chỉ có thể kêu ca, lên án tệ nạn côn đồ xã hội chung chung chứ không thể nhắm vào ai đó trong bộ máy nhà nước. Còn đưa ra bằng cớ côn đồ được chính quyền bảo kê trong thực tế là vô phương.
Tuy nhiên, chúng ta thử mổ xẻ vấn đề từ những trường hợp cụ thể, để đưa ra kết luận logic về mối liên hệ ma quỷ giữa nhà cầm quyền với lực lượng côn đồ xã hội đen.
Vào buổi tối ngày 8/7/2012, blogger JB Nguyễn Hữu Vinh đã bị một đám côn đồ vô cớ hành hung, gây thương tích ngay tại nhà riêng. Cầm đầu đám côn đồ bị nhận mặt có tên là Toàn, con trai ông Mai Xuân Kỳ, tổ trưởng dân phố tổ 13 phường Giáp Bát, Hà Nội. Đã nhiều tháng đã trôi qua, sự vụ dường như đã chìm vào quên lãng. Tại sao lại như vậy?
Đêm 19/8/2012, luật sư Lê Quốc Quân bị đánh trọng thương khi đang trên đường từ nơi gửi xe về nhà. Những tên cô đồ ngồi đợi anh ngay dưới tấm biển ghi “Tập thể Cục Cảnh sát Hình sự”! Sự ngang tàng xuất phát từ đâu? Vì sao sự việc này cũng bị nhà chức trách cho chìm xuồng?
Nguyễn Trí Dũng, con trai của blogger Điếu cày, trong phiên toà xử cha mình hôm 24/9/2012, không những không được mời tham dự, mà ngay sáng sớm đã bị một đám người lạ mặt bao vây ngay dưới nhà ở, trấn áp đưa về đồn công an phường. Nhưng công an phường thì lại trâng tráo nói: “Tại sao mày bị bắt lên đây! Những người bắt mày không phải công an phường, tao không biết. Bây giờ công an phường hỏi mày thì mày trả lời“. Tất cả những kẻ bao vây, trấn áp Nguyễn Trí Dũng bỗng dưng thành những kẻ vô hình, không chịu bất kỳ trách nhiệm nào!
Côn đồ xã hội đen thường xuyên khủng bố bằng đe doạ, hành hung trước sự làm ngơ của công an trong nhiều trường hợp khác, như với Trịnh Kim Tiến, Huỳnh Thục Vy, Bùi Thị Minh Hằng, Nguyễn Hoàng Vi (An Đỗ Nguyễn) , Châu Văn Thi (Yêu Nước Việt), v.v…
Trong bài “Nhật Ký Côn đồ” tường thuật chi tiết nhiều lần đụng độ với côn đồ, blogger Nguyễn Hoàng Vi gọi mỉa mai công an là “côn an”!
Sau vụ cưỡng chế tàn bạo ở Văn Giang, côn đồ chinh danh, chính chủ không còn ngông nghênh, thì xuất hiện côn đồ thứ thiệt. Vào ngày 12/ 7/2012 một nhóm côn đồ đã hung hổ xông vào tận nhà riêng của nông dân, dùng gậy gộc đánh đập tàn bạo, gây thương tich nghiêm trọng cho ba người dân của xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, Hưng Yên. Vụ án trong ngày 30/11/2012 xét xử hai trong số sáu tên bị buộc tội đã bộ lộ rõ rệt sự bao che từ phía nhà chức trách.
Là người đã tiếp xúc trực tiếp với nạn nhân và nhiều nhân chứng, trong bài ”Nực cười tòa án huyện Văn Giang“, blogger “Người Buôn Gió” cho thấy:
“Vụ án này có hai bị cáo được đưa ra xét xử, bốn bị cáo khác trốn thoát. Hai bị cáo được đưa ra xét xử là do họ đầu thú (theo lời toà án). Vậy thì công an huyện Văn Giang đã làm được điều gì, khi không bắt được tội phạm nào trong vụ án này, nhờ có hai bị cáo ra đầu thú mà mới có được phiên toà này. Nếu không thì đến giờ cũng chưa xử được vì chưa bắt được bị cáo nào cả.
Chuyện thứ hai, chỉ có ở Việt Nam. Viện kiểm sát, toà án thành luật sư bào chữa cho bị cáo. Còn luật sư bị hại thành công tố viên“.
Từ một chuỗi sự việc nêu trên, đủ cho thấy rằng, nếu không có người chống lưng, bao che, thậm chí thuê mướn, bọn côn đồ xã hội đen không thể có thái độ hành hung người lương thiện ngông cuồng, ngang nhiên như thế.
Tồn tại trên thế giới nhiều loại hình nhà nước chuyên chế, độc tài khác nhau, hay thể chế độc tài toàn trị ở các nước cộng sản Đông Âu trước năm 1989, nhưng dường như tôi chưa thấy ghi nhận ở các quốc gia khác những trường hợp công dân bị hành hung bởi côn đồ, lưu manh được nhà nước dung túng hoặc bao che.
Sau những biến chuyển dân chủ tại Miến Điện, được xem là có chế độ hà khắc nhất Đông Nam Á, theo nhận định của “Foreign Policy” 4/2012, giờ đây cộng thêm hiện tượng côn đồ hoá bộ máy đàn áp, Việt Nam cộng sản thực sự trở thành một quốc gia ngoại lệ, hủ lậu và mọi rợ, vượt qua những nguyên tắc đạo đức tối thiểu nhất, trở thành lục lâm thảo khấu, có sức mạnh cơ bắp nhưng lại hèn mạt và đê tiện.
Một nhà nước sử dụng côn đồ xã hội đen làm phương tiện đàn áp dân chúng để che giấu bộ mặt của mình, thì nhà nước này đã tự chà đạp, phỉ nhổ lên tính chính danh đuợc cộng đồng quốc tế công nhận. Đây là một dạng hoạt động tội ác ngầm, thâm độc và rất nguy hiểm đối với xã hội. Và vì giữ vai trò lãnh đạo nhà nước và xã hội, nên ĐCSVN, mặc nhiên có thể xem là một băng đảng tội phạm có tổ chức.
Cần phải mạnh mẽ và bằng mọi biện pháp có thể, đưa bộ mặt của băng đảng này ra trước công luận quốc tế.
Càng cần thiết hơn bao giờ hết khi ĐCSVN đang muốn đưa Việt Nam trở thành thành viên của Uỷ Ban Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc vào năm 2013.
Một tên côn đồ sát nhân có thể ngồi ở salon chính trị thế giới bàn chuyện nhân quyền không? Nếu chúng ta không nỗ lực hành động, nghịch chướng này có thể xảy ra!
Ngày 3/12/2012
© 2012 Lê Diễn Đức – RFA Blog
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét