Lê Mai
BUỔI SÁNG những ngày cuối năm, ngồi uống cafe bên bờ hồ Hoàn Kiếm, ngắm Hà Nội qua làn sương mỏng, cũng là một cách để quên đi những ưu phiền. Hồ Gươm vẫn xanh một màu xanh ngọc bích. Vài cây si già vươn cành lòa xòa mặt nước. Những dòng người chật ních trôi trên đường phố gần như vô tận. Hà Nội ngày nay – một Thủ đô “lạ lùng” nhất trên thế giới. Song, cái “lạ lùng” kia khó mà làm chúng ta có thể tự hào!
Nghĩ đến hai chữ “tự hào”, trong tôi vang lên âm hưởng bài hát Hà Nội niềm tin và hy vọng của nhạc sỹ Phan Nhân:
“Mặt Hồ Gươm vẫn lung linh mây trời. Càng tỏa ngát hương thơm hoa Thủ đô… Hà Nội đó niềm tin yêu hy vọng. Của núi sông hôm nay và mai sau. Chân ta bước lòng ung dung tự hào. Kìa nòng pháo vẫn vươn lên trời cao…”.
Những nét nhạc hào hùng ấy được tác giả viết vào khoảng thời gian 12 ngày đêm lịch sử, cuối năm 1972, cách đây đúng 40 năm. Năm ấy, nhiệt độ xuống thấp hơn mọi năm, cái lạnh cộng với việc 55 vạn người đã đi sơ tán càng làm cho phố phường Hà Nội trở nên vắng lặng. Tưởng như Hoa Kỳ và Bắc VN có thể đạt được thỏa thuận vào tháng 10.1972, song vào trung tuần tháng 12.1972, hai bên tiếp tục tranh cãi và cuộc hòa đàm Pari lại đi vào bế tắc. Tiến sỹ Kissinger hỏi Lê Đức Thọ, bao giờ ông về Hà Nội và đi mất mấy ngày? Có lẽ lúc ấy, Lê Đức Thọ chưa hiểu hết ý nghĩa của câu hỏi ấy. Rồi ông ta cũng nhanh chóng bay về Washington.
Ngay sau đó, Kissinger gặp Đô đốc Moorer, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hoa Kỳ. Kissinger hỏi:
- Ngài có bao nhiêu B52 có thể sẵn sàng ném bom Bắc VN?
- Thưa ngài, 150 chiếc có thể cất cánh ngay và gần 100 chiếc có thể sẵn sàng trong một thời gian ngắn.
- Rất tốt. Thế ngài có bao nhiêu máy bay chiến thuật tham gia vào cuộc tấn công?
- Thưa ngài, ba hàng không mẫu hạm siêu nặng với 250 máy bay, các căn cứ ở Thái Lan có trên 240 máy bay, ở Nam VN có gần 100 chiếc, như vậy có gần 600 máy bay, trong đó có 200 chiếc làm nhiệm vụ hộ tống, một phi đội tiếp dầu 12 chiếc ở Philippin và Thái Lan, ngoài ra còn có trên 20 chiếc làm nhiệm vụ gây nhiễu, tìm cứu…
Kissinger lại hỏi:
- Tình hình A-pô-lô 17 thế nào?
- Thưa ngài, phi thuyền A-pô-lô 17 dự kiến ngày 17.12 đáp xuống mặt trăng, khoan lấy mẫu đất đá.
- Khi nào A-pô-lô 17 từ mặt trăng trở về?
- Thưa ngài, đêm 18.12, theo giờ Bắc VN.
Kissinger hỏi tiếp:
- Bao giờ nó hạ cánh?
- Thưa ngài, đêm 18.12, đáp xuống Thái Bình Dương.
Kissinger báo cho ông ta biết, Nixon đã quyết định, đêm 18.12 mở màn chiến dịch Linebacker II, dùng B52 ném bom hủy diệt Hà Nội, Hải Phòng – một chiến dịch không quân tập trung nhất kể từ Thế chiến 2 đến nay. Chọn ngày mở màn chiến dịch đúng lúc tàu con thoi A-pô-lô 17 từ mặt trăng trở về trái đất, Nixon và Kissinger tính toán sẽ thu hút sự chú ý của toàn thế giới vào sự kiện này. Và nếu cuộc ném bom Hà Nội thành công thì có nghĩa là sự thành công đó lại được nhân lên gấp đôi.
Vào hồi 16h45 ngày 18.12.1972, chiếc máy bay mang số hiệu BH-195 (chính là chuyên cơ đặc biệt dành riêng cho Hồ Chí Minh trước đây), chở Lê Đức Thọ từ Pari trở về đáp xuống sân bay Gia Lâm thì chỉ vài giờ sau, B52 bắt đầu ném bom Hà Nội.
Tại Tổng hành dinh, điện thoại của bốn chiếc máy có chế độ ưu tiên số 1 trong phòng làm việc của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp liên tục reo vang. Lực lượng Phòng không – không quân được lệnh vào cấp 1, sẵn sàng chiến đấu cao nhất. Tổng tư lệnh yêu cầu Bộ Tổng tham mưu, cứ năm phút báo cáo một lần.
Lệnh chiến đấu vừa được phát ra thì tất cả các sân bay trên toàn Bắc VN bị các máy bay F111 bay thấp để tránh sự phát hiện của ra-đa bất ngờ ném bom phá hỏng. Tình thế vô cùng căng thẳng. Các sân bay có MIG-21 trực chiến đều bị đánh trúng, chỉ còn một đường băng ở sân bay Nội Bài dài trên 1.500 m có thể cất cánh. Lập tức một chiếc MIG-21 được lệnh cất cánh và nó hết sức khó khăn để vượt qua hàng rào dày đặc các máy bay tiêm kích F4 bảo vệ B52. Nhưng khi chiếc MIG tiếp cận được B52, mở ra-đa thì màn hình trên máy bay bị nhiễu trắng xóa, đành thoát ly quay về và hạ cánh trong điều kiện cực kỳ khó khăn.
Tiếng bom nổ làm căn hầm chỉ huy của Tổng hành dinh rung chuyển như động đất. Nhà đổ, lửa cháy, người chết. Những con “Rồng lửa” Thăng Long nối đuôi nhau bay vút lên không trung, xé toạc màn đêm. Hàng loạt các loại súng phòng không thi nhau nhả đạn lên bầu trời Hà Nội, đan xen lẫn nhau, tạo nên một cảnh tượng ác liệt mà hùng tráng chưa từng có.
…Ngày ấy, Hà Nội anh dũng, đau thương. Hà Nội niềm tin và hy vọng. Đúng như lời của Tổng tư lệnh: “Đồng bào cả nước đang hướng về Hà Nội. Nhân dân thế giới đang hướng về Hà Nội. Vận mệnh của Tổ quốc đang nằm trong tay các chiến sỹ phòng không bảo vệ Hà Nội…”. Những người con cả nước tập trung về Hà Nội, dám đánh, biết cách đánh, thông minh, sáng tạo, anh dũng tuyệt vời trước khối lượng khổng lồ bom đạn và công nghệ chiến tranh cực kỳ tối tân của Mỹ.
Hà Nội ngày nay đã khác xưa rất nhiều. Khó mà có thể tìm lại cảm giác êm đềm trên những con đường nho nhỏ với hàng cây xà cừ tuyệt đẹp. Rất nhiều nét đặc trưng của Hà Nội đã biến mất. Hiển nhiên, con người ở đây cũng đổi thay. Những “ông chủ” – đúng hơn, những “đầy tớ” của Hà Nội càng thay đổi. Với những “đầy tớ” X, Y, Z… ấy, điều gì sẽ đến nếu giả thiết lại có một trận không tập đại quy mô trên bầu trời Hà Nội? Chỉ cần nhìn những gì đang hiển hiện trên mặt đất, trên biển Đông, chúng ta sẽ biết kết quả tất yếu trên bầu trời vậy. Hà Nội, có còn niềm tin và hy vọng?
Theo blog Lê Mai
Post Top Ad
Thứ Sáu, 7 tháng 12, 2012
Từ khóa tìm kiếm:
# Lịch Sử
Share This
About
Người Đưa Tin
Lịch Sử
Labels:
Lịch Sử
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Post Bottom Ad
Author Details
Người Đưa Tin - Trang Thông Tin Đa Chiều. Tất cả bài đăng tải trên thể hiện quan điểm riêng và cách hành văn của tác giả có thể gây ra những tranh luận đa chiều và trái chiều Người Đưa Tin mong nhận được ý kiến phản hồi và phản biện của độc giả
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét